Giải mã sự thành công của BTS, làn sóng Hallyu và bài học cho Nhà tổ chức Sự kiện
Những chiến lược marketing đỉnh cao, đặc biệt trong các sự kiện âm nhạc quy mô đã góp phần tạo nên sự thành công thần tốc và góp phần đưa BTS lẫn làn sóng Hallyu vươn xa trên thế giới.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về những chiến lược marketing đặc trưng của BTS nói riêng và K-pop nói chung, từ đó đưa ra những bài học cho nhà tổ chức sự kiện.
Làn sóng Hallyu là gì?
Làn sóng Hallyu thường được biết đến với thuật ngữ “Hàn lưu” hay “Korean Wave”. Thuật ngữ này xuất hiện từ cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21 được dùng để chỉ hiện tượng văn hoá Hàn Quốc lan rộng, nổi tiếng đặc biệt ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, thông qua nền âm nhạc K-pop và những bộ phim Hàn Quốc “làm mưa làm gió”, làn sóng Hallyu đã và đang dần lan toả không chỉ ở Châu Á mà cả trên thế giới.
Có thể nói, mở đường cho làn sóng Hallyu là những nhóm nhạc Gen 1, Gen 2 như DBSK, Big Bang, SNSD…, và mở rộng làn sóng Korean Wave đến với nhiều người trên thế giới hơn là những nhóm nhạc đình đám như BTS, Blackpink, TWICE… Trong đó, nổi bật hàng đầu có thể kể đến nhóm nhạc BTS với những concert có quy mô lớn cùng cộng đồng người hâm mộ hùng hậu trên khắp thế giới. Vậy những nhà tổ chức sự kiện có thể học được gì từ chiến lược marketing đỉnh cao từ BTS và K-pop?
Sự thành công của BTS và bài học cho nhà tổ chức sự kiện
1. Chiến lược khác biệt hoá với từng concept riêng biệt
Mỗi nhóm nhạc K-pop từ khi debut đã được công ty định hình với từng concept riêng. Concept riêng không chỉ được thống nhất trong cách ăn mặc trên sân khấu, mà còn xuyên suốt trong phong cách hằng ngày, hành động, lời nói. Các nhóm nhạc K-pop đang trở thành xu hướng trong lòng công chúng, với số lượng càng ngày càng nhiều. Để các nhóm có thể nổi bật giữa “rừng” ngành công nghiệp khắc nghiệt này, điều quan trọng có một phong cách để định hình bản thân, không trùng với bất kỳ nhóm nhạc nào. Ví dụ nổi tiếng có thể kể đến là Blackpink với concept “girlcrush”; TWICE với concept dễ thương, tươi mới; Dreamcatcher với phong cách kinh dị.
Còn BTS trở nên khác biệt hoá với các nhóm nhạc khác như thế nào? BTS đã chọn cách đưa thông điệp của chính mình vào âm nhạc một cách nhất quán. Bằng cách cất tiếng nói về những vấn nạn, những khó khăn theo sự trưởng thành của nghệ sĩ và fandom, không ngoa khi nói mọi người đến với BTS qua âm nhạc, ở lại vì nhân cách vàng của chính họ.
Cách tương tự cũng được áp dụng cho sự kiện. Bằng cách xác định đối tượng mục tiêu, tìm hiểu hành vi và tính cách của đối tượng để vạch ra chiến lược khác biệt hoá phù hợp, từ đó trở nên nổi bật giữa các sự kiện cùng chủ đề hay các sự kiện đang được tổ chức.
2. Chiến lược xây dựng tam giác bền vững Big Hit – BTS – ARMY
Bên cạnh mắt xích BTS – ARMY với cộng đồng fan vững mạnh thì tiếp theo, Big Hit – BTS là mắt xích chủ chốt. BTS được coi là con bài của Big Hit khi phần lớn doanh thu của công ty đến từ nhóm nhạc hàng đầu này, vì thế để duy trì sự ổn định của mắt xích này, công ty đã để các thành viên tự do tương tác với fan, tự do sáng tác và đưa vào album. Đặc biệt gần đây, để tri ân sự đóng góp của BTS, Big Hit đã chia gần 500.000 cổ phiếu cho các thành viên. Điều này đã góp phần khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu của nhóm nhạc cũng như bày tỏ niềm tin vào sự phát triển hơn nữa trong tương lai.
Mắt xích Big Hit – ARMY có vai trò là cầu nối giữa nhóm nhạc và fandom, lắng nghe, đáp ứng các nhu cầu của fan, giải quyết những tin tức không tốt. Đây là mắt xích dễ bị ảnh hưởng nhất do những tác động từ bên ngoài như báo chí, cộng đồng mạng… Nếu không cẩn thận trong cách quản lý mắt xích, sự tin tưởng sẽ dần bị mai một, kèm theo đó là giá trị công ty sẽ bị giảm dần. Đặc biệt trong giai đoạn Big Hit lên sàn IPO như hiện nay, bất cứ tác động nào cũng sẽ khiến giá trị công ty bị ảnh hưởng, khiến giá cổ phiếu nhảy vực. Khá ít công ty để ý đến mắt xích này, tuy nhiên với sự cạnh tranh ngày càng lên cao, các công ty giải trí đang dần quan tâm và đưa ra chiến lược thực hiện.
Vậy bài học gì từ chiến lược trên? Tương tự khi tổ chức sự kiện, các mắt xích đều nên đưa vào cân nhắc, như mối quan hệ giữa công ty và người tham dự, giữa sự kiện và người tham dự, giữa công ty và sự kiện. Đối với mắt xích đầu tiên là giữa công ty và người tham dự, thường xuyên thực hiện các chiến lược CRM để tạo mối quan hệ với những người tham dự cũ, cũng là những người tham dự tiềm năng trong tương lai. Mắt xích giữa sự kiện và người tham dự, nhà tổ chức sự kiện nên thực hiện các chiến dịch quảng bá thông qua online lẫn offline. Đối với mắt xích cuối cùng, liên tục hoàn thiện, phát triển format chương trình, cách tổ chức sự kiện. Khi đó qua thời gian, dần dần các mắt xích sẽ được hoàn thiện, gắn kết hơn, làm tiền đề cho các sự kiện của doanh nghiệp tiếp theo.
3. Thành công nổi bật thông qua cộng đồng người hâm mộ vững mạnh
Đầu tiên, không thể không nhắc tới mối quan hệ giữa BTS – cộng đồng fan vững mạnh, luôn ủng hộ hết mình cho thần tượng mình. Tính tới thời điểm hiện tại, BTS là một trong những nhóm nhạc K-pop sở hữu fandom vững mạnh nhất với tên gọi ARMY. Để duy trì cộng đồng fan này, công ty chủ quản thường xuyên tổ chức các hoạt động dành riêng và nhiều ưu đãi cho các thành viên ARMY chính thức. Ví dụ như tặng thẻ thành viên cho thành viên chính thức, quyền đặt trước vé concert, các sản phẩm độc quyền trong thời gian có hạn. Ngoài ra, người hâm mộ cũng luôn được “chiều hết mình” khi công ty luôn sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nhu cầu từ fan và đưa ra biện pháp hỗ trợ.
Như trong thời điểm dịch bệnh khiến các concert trực tiếp bị hoãn lại, Big Hit đã đưa ra giải pháp tổ chức concert online đáp ứng nhu cầu từ fan hâm mộ, đồng thời đem lại nguồn thu vượt xa tưởng tượng. Vì những sự “nuông chiều” theo nhu cầu đó mà BTS luôn được cộng đồng fan ủng hộ, bảo vệ và yêu thương hết mực. Những chiến dịch từ thiện cộng đồng fan thực hiện dưới tên BTS, sự đồng tâm, vững tin trước những tin tức xấu, ủng hộ album & goods là những bằng chứng rõ ràng nhất cho sự đoàn kết, vững mạnh của fandom này.
Tương tự, xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành cho doanh nghiệp bằng cách nghiên cứu, liên tục đáp ứng nhu cầu, thường xuyên giao tiếp trên mạng xã hội và tổ chức các ưu đãi giới hạn, chương trình hội viên.
4. Tận dụng phương thức Social Media Marketing
Hiện tại rất nhiều nghệ sĩ K-pop sử dụng mạng xã hội như YouTube, Instagram, Twitter. Tuy nhiên đa số tài khoản, dù là cá nhân hay nhóm đều bị quản lý, kiểm soát chặt chẽ bởi nhân viên công ty.
Ngược lại, điều làm nên sự khác biệt với những nhóm nhạc cùng thời là từ lúc debut, BTS đã được tự do sử dụng mạng xã hội với phong cách gần gũi. Các thành viên thường xuyên sử dụng mạng xã hội để tương tác trực tiếp với fan, đăng tải những khoảnh khắc hằng ngày, đôi khi là những khoảnh khắc “ngô ngố”, hoặc dùng VLive để tường thuật cuộc sống hằng ngày. Khoảng vài năm trở lại đây, công ty chủ quản là Big Hit đã phát triển mạng xã hội Weverse dành cho các nhóm nhạc dưới trướng và fandom. Nhờ đó, công ty có thể dễ dàng quản lý nội dung và tạo không gian tương tác thú vị không rào cản.
Nguyên lý tương tự cũng nên được áp dụng trong việc quảng bá sự kiện. Hãy thường xuyên tương tác với cộng đồng fan bằng mạng xã hội, đăng tải những hình ảnh, video hậu trường, tương tác giữa nghệ sĩ/ diễn giả với khán giả.
5. Bắt kịp xu hướng của thế giới
Một lý do cho sự phát triển thần tốc của BTS là vì khả năng “nhìn thấu tương lai”, bắt kịp xu hướng của thế giới. Một ví dụ cụ thể, vào những năm 2016 khi thế giới đang “quay cuồng” với thể loại âm nhạc EDM, BTS đã ngay lập tức thu về lượng fan “cực khủng”, đồng thời khẳng định vị thế bản thân trên thị trường âm nhạc nội địa lẫn bắt đầu lấn sân sang thị trường quốc tế bằng bản hit “Fire”, “Save Me”…
Bên cạnh đó, mỗi thời kỳ lại gắn liền với những đặc điểm khác nhau. Cụ thể, gần đây khi đại dịch COVID-19 diễn ra, mọi người rơi vào trạng thái buồn tẻ khi phải giãn cách xã hội, BTS đã ra bài hit “Dynamite”. Với giai điệu tươi mới, ca từ giàu ý nghĩa mang thông điệp “hy vọng” cùng với năng lượng bùng nổ và tích cực, ca khúc Dynamite của BTS đã mang về thành tích kỷ lục cho làng nhạc xứ Hàn nói riêng và Châu Á nói chung.
Để áp dụng nghệ thuật bắt kịp xu hướng vào sự kiện, các đơn vị tổ chức nên kết hợp vào trong cách tổ chức, thiết kế sân khấu, mời các nghệ sĩ/ diễn giả nổi tiếng… Bên cạnh đó là cách quảng bá phù hợp, áp dụng trend trong content, thiết kế nhằm thu hút các đối tượng khán giả mục tiêu.
6. Thực hiện các chiến dịch hoạt động xã hội
Ngoài cộng đồng fan lớn mạnh, BTS còn ghi điểm trong lòng công chúng với những hoạt động xã hội tích cực. Cụ thể, với số liệu thống kê năm 2019, BTS đã thực hiện quyên góp số tiền lên đến hơn 3 tỷ won. Đặc biệt, vào tháng 9/2018, BTS đã được vinh dự phát biểu tại UNICEF vì những đóng góp và khả năng lan toả những điều tích cực của mình. Những hành động này góp phần tạo thiện cảm trong cộng đồng, đồng thời lan toả những giá trị tích cực không những đến cộng đồng fan mà còn đến công chúng.
Tương tự, hoạt động xã hội là điều không thể thiếu nhằm nâng cao danh tiếng, quảng bá sự kiện. Một ví dụ có thể kể đến như lồng ghép các yếu tố vì cộng đồng vào sự kiện như nhân danh đơn vị tổ chức để ủng hộ từ thiện, tổ chức sự kiện xanh, tuyên truyền bảo vệ môi trường…
7. Gamification Marketing được ứng dụng triệt để
Gamification Marketing là việc ứng dụng những cơ chế trò chơi vào các hoạt động để thu hút tương tác. Tại K-pop, thường xuyên diễn ra những hình thức gamification nổi tiếng như: bình chọn hàng tuần trên các sân khấu, trong các lễ trao giải, bảng xếp hạng âm nhạc, diễn đàn K-pop… Nhờ có kỹ thuật thú vị này, sân chơi trong ngành công nghiệp âm nhạc trở nên cạnh tranh gắt gao hơn, buộc người hâm mộ phải tăng cường ủng hộ, bảo vệ nghệ sĩ. Vòng lặp này cứ tiếp tục sau mỗi năm khiến văn hóa K-pop càng trở nên thu hút và vươn xa hơn, không chỉ gói gọn trong phạm vi Hàn Quốc.
Tương tự, để tăng tương tác của người tham dự trong sự kiện, có thể ứng dụng kỹ thuật Gamification bằng cách tạo những cuộc thi, bình chọn, minigame, đố vui có thưởng…
8. Âm nhạc trưởng thành theo thời gian
Các nhóm nhạc thường được xác định với một concept từ lúc debut, điều này gắn liền với phong cách, vũ đạo, trình diễn…, cùng với đó là đối tượng mục tiêu, tệp khách hàng cụ thể (ví dụ như BTS và EXO với concept học đường, TWICE với concept dễ thương, trong sáng…). Khi nhóm nhạc lẫn fandom đều trưởng thành theo thời gian, buộc các phong cách, âm nhạc cũng phải phù hợp với đúng lứa tuổi, đối tượng mục tiêu. Do đó, hầu hết các nhóm nhạc sau nhiều năm hoạt động đều đổi mới chính mình, tiếp cận với những phong cách mới lạ nhưng vẫn giữ được concept ban đầu. Qua đó, góp phần duy trì hình ảnh bản thân, nhưng vẫn thể hiện tính mới lạ. Điều đó giúp nghệ sĩ mở rộng fandom, củng cố hình ảnh trên thị trường khắc nghiệt này.
Quy mô sự kiện phải trưởng thành qua từng năm, nhất là đối với những sự kiện hằng năm gắn liền với tên tuổi đơn vị tổ chức. Hãy nghiên cứu, xác định rõ ràng đối tượng mục tiêu sau đó đưa ra chiến lược tổ chức, quảng bá phù hợp.
Trên đây là những bài học cho nhà tổ chức sự kiện từ việc giải mã sự thành công của BTS. FS Event hy vọng qua bài viết này, mọi người sẽ có thể ứng dụng những kiến thức marketing từ case-study thực tế trên để có thể tổ chức những sự kiện thành công ngoài mong đợi.