Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

Những bài viết căn bản về Content Marketing, quy trình triển khai Content Marketing cho doanh nghiệp, đo lường xu hướng liên quan... Tất cả những ý tưởng này đều có thể biến thành Infographic để trực quan và thu hút người đọc.

Bài viết là chia sẻ của tác giả Trần Hoàng Ngọc Tâm.

Rất nhiều bạn đã hỏi Tâm cách để thiết kế Infographic và làm sao để thiết kế được nhiều Infographic trong một thời gian ngắn như vậy. Trong khoảng thời gian khá dài, Tâm phải mày mò khá nhiều công cụ, tham khảo cách làm để có thể tạo được kho Infographic như hiện tại (gần 130 Infographic).

  • Thiết kế Infographic có dễ không? – Có lẽ không dễ đâu.
  • Thiết kế Infographic tốn thời gian không? – Tốn kinh lắm chứ!
  • Thiết kế Infographic có đáng không? – Rất đáng!

Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

Giá trị của Infographic đối với Tâm là việc cung cấp cho người dùng những nội dung hữu ích và trực quan nhất có thể. Người xem có thể dễ dàng nắm được một lượng thông tin khái quát trong Infographic mà chưa chắc văn bản thông thường làm được.

Bản thân Tâm là một người luôn ưa thích thiết kế và phối hợp màu sắc. Thiết kế Infographic làm kích thích khả năng sáng tạo của Tâm rất nhiều. Nên việc đưa các nội dung bình thường vào một Infographic sẽ làm cho content của bạn trở nên dễ hiểu, tiếp cận được nhiều độc giả cũng như tối ưu trải nghiệm của họ; từ đó người đọc sẽ dễ nhớ đến nội dung mà thương hiệu của bạn truyền tải.

Nào cùng Tâm xem qua cách thiết kế Infographic mà Tâm vẫn thường áp dụng nhé.

 

Bước 1: Xác định mục tiêu của Infographic

Bước đầu tiên để tạo bất kỳ thông điệp nào, dù ở định dạng văn bản hoặc hình ảnh, là xác định đối tượng mục tiêu của bạn.

Bạn đang muốn tiếp cận đối tượng khách hàng nào? CEO/ doanh nghiệp/ Millennials/ Các “mẹ bỉm sữa” kinh doanh online/ Newbie học markeitng/ Master, chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó...

Câu trả lời của bạn đồng thời cũng là chủ đề cho Infographic ấy.

Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

Bước 2: Xác định các mục tiêu cho Infographic

Chính xác điều bạn muốn đạt được qua Infographic này là gì? Dưới đây là một vài mục tiêu mình thường dùng có thể sẽ giúp ích cho bạn:

  • Tạo content viral, chia sẻ kiến thức để branding cho thương hiệu
  • Tiết lộ các xu hướng và phân tích bằng cách sử dụng dữ liệu
  • Chia nhỏ thông tin phức tạp và trình bày nó theo cách dễ hiểu hơn
  • Cung cấp cho khán giả của bạn hướng dẫn chi tiết về cách làm một điều gì đó
  • Nâng cao nhận thức về một vấn đề cụ thể hoặc một nguyên nhân nào đó
  • Tạo một nguồn tài nguyên trực quan, toàn diện về một chủ đề nào đó
  • So sánh hai hoặc nhiều sản phẩm/ khái niệm
  • Dịch một câu chuyện, chẳng hạn như câu chuyện thương hiệu, thành một Infographic dòng thời gian

Mỗi mục tiêu khác nhau sẽ tương ứng với một loại đồ hoạ thông tin khác nhau, vì vậy hãy chọn loại phù hợp nhất với nhu cầu của bạn.

Bước 3: Chọn một chủ đề cho Infographic của bạn

Quá trình tạo ra một Infographic cũng giống với quá trình viết một bài viết vậy. Thói quen của mình khi làm Infographic là viết sẵn 1 bài viết trước, hoặc nếu đó là dạng số liệu thì phải có bảng số liệu phân tích. Khi đã có nội dung sẵn, việc còn lại bạn chỉ cần nghĩ ý tưởng để triển khai chủ đề mà Infographic muốn truyền tải.

Một trong những khó khăn của việc chọn chủ đề trước khi thiết kế là, chủ đề đó phải vừa thu hút được người đọc và bản thân bạn phải có hiểu biết nhất định, hoặc thậm chí là giỏi về chủ đề đó.

Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

Tìm ý tưởng làm Infographic

Thật sự ý tưởng để làm Infographic thì không bao giờ có giới hạn và đôi khi mình thấy nó còn dễ dàng hơn việc tìm ý tưởng để viết content mỗi ngày. Ví dụ: Bạn thích Content Marketing và muốn tìm hiểu thật sâu về nó, vì vậy mình sẽ bắt đầu viết những bài viết căn bản về Content Marketing, sau đó đến quy trình triển khai Content Marketing cho doanh nghiệp, các đo lường xu hướng liên quan... Tất cả những ý tưởng trên đều có thể biến thành Infographic để trực quan và thu hút người đọc hơn.

Cách Tâm tìm ý tưởng để thiết kế Infographic:

  • Lấy từ những bài viết trên blog của bản thân, tái chế nội dung thành Infographic
  • Tham khảo các bài viết hot từ blog khác
  • Tham khảo các Infographic nước ngoài
  • Tham khảo các trang web tin tức, báo lớn của Việt Nam có những bài viết về số liệu hay nội dung xu hướng để lấy về làm Infographic
  • Tham khảo các xu hướng mới từ Googole trends

Với mỗi dạng chủ đề sẽ có cách triển khai dạng Infographic khác nhau mà trong phần sau mình sẽ nói cụ thể. Tóm lại, nội dung Infographic sinh động, hấp dẫn là điều quan trọng. Bạn nên chọn một chủ đề vừa thu hút người khác và bản thân bạn lại thích, giỏi về chủ đề đó. Nó sẽ giúp bạn có động lực xây dựng, thiết kế Infographic.

Bước 4: Thu thập dữ liệu cho Infographic của bạn

Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

Nếu bạn vẫn phải điều tra và sàng lọc dữ liệu để tìm thông tin phù hợp, hãy bắt đầu bằng cách tham khảo các nguồn có thể sau:

  • Các cuộc khảo sát hoặc thăm dò được công bố ở các trang web lớn: Hubspot, Kantar, Nielsen Report, Adsota, Q&Me, Reputa, Vero...
  • Tham khảo các thông cáo báo chí
  • Dữ liệu công ty độc quyền
  • Nghiên cứu tài liệu phân tích của một thương hiệu lớn trong ngành
  • Phỏng vấn các chuyên gia hoặc khách hàng

Rất nhiều nguồn để bạn có thể tham khảo xu hướng và thu thập dữ liệu để chuyển đổi thành biến thể Infographic tùy ý.

Bước 5: Chọn loại bố cục Infographic

Để chọn được định dạng phù hợp, bạn có thể tham khảo các dạng bố cục Infographic khác nhau:

  • Comparison (So sánh): Chia Infographic thành 2 phần để tạo hiệu ứng so sánh 2 bên. Khi sử dụng, người đọc sẽ có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt về nội dung giữa 2 thông tin.
  • Heavy Data (Dữ liệu bảng): Loại bố cục này được sử dụng nếu bạn muốn đưa nhiều biểu đồ và bảng biểu thống kê vào Infographic. Bạn cũng có thể kết nối các thông tin bằng việc đưa vào biểu đồ chỉ dẫn hướng theo dõi cho người đọc.
  • Road Map (Bản đồ thông tin): Rất hiệu quả nếu bạn muốn xây dựng một quy trình hay đưa ra một câu chuyện. Bố cục này sẽ giúp bạn kết nối các phần khác nhau thành một hướng theo dõi nhờ vào việc sử dụng các hiệu ứng dẫn dắt thị giác.
  • Timeline (Dòng thời gian): Dạng này khá giống với Road Map, tuy nhiên loại Infographic này mình thường sử dụng đối với loại thông tin thời gian.

Bước 6: Xác định công cụ tạo Infographic

Mỗi người sẽ có những sở thích và thao tác thiết kế khác nhau nên sẽ thích hợp với các công cụ khác nhau. Cá nhân mình thì thường dùng Canva, Designed Bold, Photoshop để thiết kế Infographic.

Mình sẽ chia sẻ một số công cụ phổ biến nhất hiện nay để thiết kế Infographic. Các công cụ dưới đây mình đã có dịp sử dụng qua 8/11 công cụ, nhưng sẽ có những công cụ bị hạn chế nhất định đối với cá nhân mình trong quá trình thiết kế. Vì vậy. lời khuyên của mình là các bạn muốn thiết kế Infographic thì nên dùng thử càng nhiều càng tốt những công cụ dưới đây và chọn ra công cụ thuận tiện nhất cho bản thân.

Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

1. Visme

Công cụ thông dụng thiết kế Infographic và các dạng đồ hoạ khác. Kho Infographic mẫu của Visme khá đa dạng, các chức năng đều tuyệt vời nhưng không có nhiều font chữ tiếng Việt để hỗ trợ thiết kế.

2. Canva

Đây là công cụ chủ lực mình thường dùng để thiết kế các Infographic, dễ dàng trong việc thao tác, sử dụng và nền tảng mượt mà. Canva còn là một công cụ phù hợp với hầu hết các nhu cầu thiết kế khác nhau, từ brochure, presentation đến thiết kế Infographic. Kho font chữ cũng khá đa dạng, có nhiều font chữ hỗ trợ tiếng Việt.

3. Snappa

Một công cụ thiết kế Infographic miễn phí tiếp theo. Công cụ này dễ dàng sử dụng như Visme, nhưng có một số hạn chế ở bản miễn phí. Giao diện dễ sử dụng chỉ việc kéo thả, đồng thời là kho ảnh stock chất lượng cao khổng lồ để bạn thoả thích lựa chọn.

Hạn chế của Snappa là bản miễn phí chỉ cho phép 5 lượt tải mỗi tháng hoặc bạn có thể nâng cấp lên bản pro để có lượt tải vô hạn cũng như một số tính năng vượt trội khác.

4. BeFunky

Công cụ này khá cơ bản, không có nhiều template (mẫu) đi kèm. Đối với những người thích tự thiết kế không phụ thuộc vào teamplate như mình thì nên sử dụng, còn với những bạn newbie mới tập tành thiết kế Infographic thì theo mình việc tiếp cận công cụ này khá phức tạp. Ngoài ra thì công cụ này vẫn đáp ứng các tính năng chỉnh sửa ảnh, cắt dán, hiệu ứng đi kèm như những công cụ thiết kế khác.

5. Piktochart

Tương tự như Visme, phiên bản miễn phí chỉ cung cấp một số ít themes.

6. Google Charts

7. Infogram

8. Venngage

9. Easel.ly

Bản miễn phí bao gồm 60 hình ảnh và 10 font chữ, hoặc với 3$/tháng bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

10. Adioma

Có 3 gói để người dùng có thể chọn mua, gói đắt tiền hơn bạn sẽ được sử dụng nhiều đặc quyền hơn.

11. PicMonkey

Bước 7: Bắt tay vào thiết kế

Sau khi đã chọn được công cụ ưng ý rồi thì các bạn có thể bắt tay vào thiết kế ngay.

Đối với những bạn mới bắt đầu thiết kế Infographic thì có thể sử dụng các template trong kho Infographic của các công cụ. Các template đã có sẵn nên việc thiết kế rất dễ dàng, dù bạn không có khiếu thẩm mỹ về thiết kế cũng không cần lo tác phẩm của mình quá tệ.

Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

Khi đã quen tay và có kinh nghiệm thiết kế, các bạn hoàn toàn có thể tự do sáng tạo để không bị bó buộc vào bất kỳ khuôn mẫu nào cả. Bản thân mình không thích dùng mẫu có sẵn vì nó rất hạn chế khả năng sáng tạo. Mình thường chọn dạng form giấy trắng trước và tự thiết kế trên những nội dung và hình ảnh đang có.

Việc các bạn nên làm lúc này là:

  • Soạn dàn ý, checklist ý chính cho nội dung
  • Tóm tắt nội dung chính ngắn gọn, súc tích
  • Bắt đầu đưa nội dung và bố cục cho phù hợp
  • Thêm thông tin liên hệ, logo thương hiệu, creator nếu có
  • Quảng bá Infographic của bạn

Bạn cần chú ý một vài điều khi thiết kế Infographic như:

1. Sử dụng các đường, viền và hình để nhóm các thông tin liên quan

Ngay cả những thứ đơn giản như vị trí và nhóm các yếu tố trên một trang có thể ảnh hưởng đến cách người đọc hiểu đồ hoạ. Nếu chúng ta sử dụng các yếu tố thiết kế cơ bản như đường viền, đường thẳng, hình tròn và hình vuông để sắp xếp trực quan nội dung Infographic, độc giả sẽ thấy việc giải thích nội dung đó dễ hiểu hơn.

2. Sử dụng một màu tương phản để định hướng sự chú ý của độc giả

Một yếu tố thiết kế chính khác cần suy nghĩ là màu sắc. Theo tự nhiên, chúng ta có xu hướng sử dụng màu sắc để làm cho Infographic trông đẹp, nhưng màu sắc cũng có thể được sử dụng như một công cụ giao tiếp mạnh mẽ.

Cũng giống như đường và viền, màu sắc có thể được sử dụng để biểu thị các nhóm thông tin, như được thấy trong ví dụ Infographic chiến lược kinh doanh sau đây:

Hướng dẫn chi tiết từ A-Z tạo Infographic – Content “quyền lực” của tương lai

3. Tạo một hệ thống phân cấp văn bản rõ ràng với ba kiểu font chữ khác nhau

Ngoài màu sắc thì font chữ là một trong những yếu tố quan trọng giúp người đọc chú ý ngay từ lần đầu tiên nhìn vào một Infographic. Nếu bạn có một sự lựa chọn kém, font chữ có thể làm hỏng một Infographic tuyệt vời. Mình thường sử dụng font chữ tạo một hệ thống phân cấp văn bản rõ ràng với ba kiểu font chữ khác nhau, một kiểu cho tiêu đề chính, một cho tiêu đề và một cho văn bản nội dung.

Font chữ to nhất thuộc về tiêu đề của Infographic. Thông thường bạn nên để font chữ to, rõ ràng và là dạng font chữ không chân; màu sắc cho font chữ tiêu đề cũng phải nổi bật nhất trong Infographic.

Font chữ cho các heading tiếp theo nhỏ hơn một chút những vẫn phải rõ ràng và to hơn font chữ văn bản để người đọc có thể theo dõi dễ dàng.

Cuối cùng, font chữ cho văn bản nội dung nên nhỏ nhất và không được cách điệu. Hãy làm cho chúng dễ đọc nhất có thể.

4. Sử dụng hình ảnh, icon và hình minh hoạ

Một phần quan trọng không kém là việc cân đối sử dụng các hình ảnh, icon, hình mình hoạ trong các thiết kế Infographic.

Hình ảnh là rất quan trọng để làm cho thông tin của bạn hấp dẫn và đáng nhớ. Các Infographic tốt nhất là các Infographic có sự cân bằng giữa văn bản và hình ảnh.

Chia sẻ với các bạn một số công cụ khác hỗ trợ tìm kiếm hình ảnh minh hoạ, icon trong việc thiết kế Infographic:

Bạn có thể tham khảo kho Infographic và Ebook của Tâm để tham khảo cách thiết kế Infographic: https://sum.vn/xJhNf.

Hãy để lại câu hỏi nếu bạn còn băn khoăn nào về Infographic. Mong bài viết sẽ hữu ích với bạn!

Trần Hoàng Ngọc Tâm
Founder Ngáo content & Ngao Academy
* Nguồn hình ảnh: Internet