Đến lúc người hành nghề Quan hệ công chúng phải ‘PR’ lại cho chính mình
Sống bằng nghề đánh bóng tên tuổi cho thiên hạ, nhưng phần lớn người làm PR cũng như các agency lại không giỏi quảng cáo cho bản thân.
Trong 10 agency thì sẽ có đến 8-9 đơn vị sẽ hơi “chững lại” khi khách hàng hỏi điểm mạnh hay khác biệt của agency là gì, hay gặp khó khăn trong việc tự định vị công ty mình. Cần nhắc lại khảo sát tại Singapore đề cập ở phần 1, rằng PR là nghề không thiết yếu, nằm trong top “ngành tôi không muốn làm”. Còn ở Việt Nam, khi khái niệm của công chúng về PR còn mơ hồ, những người trong nghề PR phải làm gì để thay đổi cái nhìn của xã hội về giá trị của ngành mình?
1. Các agency cần trả lời được câu hỏi: Tôi là ai?
Như đã đề cập ở trên, do tính chất công việc nên nhiều agency quá tập trung vào việc làm “phát ngôn viên” cho khách hàng mà bỏ bê việc phản tư (reflect) về điểm mạnh, điểm yếu hay chăm chút hình ảnh cho chính công ty mình. Các agency nên tự định vị lại bản thân và xác định xem thế mạnh của mình là ở đâu, trong dịch vụ/ ngành hàng nào, có điểm khác biệt nào đối với các agency khác, giá trị cốt lõi là gì, lợi điểm bán hàng độc nhất (unique selling point) ra sao… để gây ấn tượng với khách hàng và thuyết phục họ tại sao agency mình là người phù hợp nhất. Việc “biết mình” sẽ không chỉ giúp các agency tạo ấn tượng với các khách hàng về những thành tựu mà mình đã đạt được, mà còn đưa đến cho khách hàng một cái nhìn chính xác hơn về ngành PR.
COVID-19 lần hai hẳn không phải là một tin tốt lành đối với các agency, nhất là khi hoạt động kinh tế – thương mại tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu mở cửa lại không lâu. Tuy vậy, điều agency có thể làm trong thời gian này là tạm ngừng lại để ‘thở’, tái cấu trúc hay hoạch định chiến lược nếu cần, đào tạo lại đội ngũ nhân viên, trau chuốt lại hình ảnh thương hiệu, tìm hiểu khách hàng tiềm năng… Có thể đây không phải là thời điểm sinh lời, nhưng hãy tận dụng nó để “tút tát” lại bộ máy cũng như bộ mặt của công ty để có thể trở lại mạnh mẽ hơn khi dịch bệnh đi qua. Đây là cơ hội tốt để các agency học hỏi thêm và thay đổi bản thân mình để có thể tiếp tục phát triển theo mục tiêu đề ra ngay cả trong giai đoạn im ắng này. Hãy nhớ, khoảng lặng không đồng nghĩa với không làm gì.
2. Nên có một tổ chức chung để phổ cập kiến thức, đặt ra các tiêu chuẩn ngành, và “đoàn tụ” người làm PR
Hãy thử làm một phép so sánh với ngành “hàng xóm” Digital Marketing. Tuy đây là một ngành thậm chí còn mới hơn cả PR ở Việt Nam nhưng lại đạt được độ nổi tiếng và cũng như sự công nhận vượt trội trong những năm gần đây. Một lý giải cho hiện tượng này là bản chất nghề Digital Marketing có “tính hữu hình” (visibility) cao, với kết quả có thể thấy được. Lý do thứ hai là “tính cộng đồng” hay sự ham kết nối, chịu khó chia sẻ giữa những người trong ngành với nhau rất mạnh. Có rất nhiều hội nhóm bao gồm những người yêu thích làm digital marketing kết nối với nhau tổ chức các diễn đàn, workshop, hội thảo… để chia sẻ kiến thức cho các sinh viên với tần suất hoạt động thường xuyên; cũng có rất nhiều các cuộc thi về Digital Marketing, những case-study về các chiến dịch được trao đổi rộng rãi giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về khái niệm Digital Marketing, từ đó nâng cao khả năng chuyên môn và mở rộng quan hệ với những người cùng ngành.
Về khía cạnh ‘kết nối cộng đồng’, ngành PR ở Việt Nam rõ ràng lép vế hơn khá nhiều. Hơn nữa, do đặc thù của ngành PR là “hoạt động trong bóng râm” để doanh nghiệp “toả sáng”, nhiều case-study của PR không đưa ra để phân tích được do cam kết bảo mật với khách hàng. Các hiệu quả mà PR đem lại cũng khó mang ra đong đếm thành đơn vị cụ thể so với Digital Marketing.
Tuy nhiên, không vì vậy mà cho rằng PR “tuyệt đường”. Điều mà người làm PR ở Việt Nam có thể làm được chính là thành lập các tổ chức chuyên môn để chia sẻ kiến thức, giúp công chúng có cái nhìn đúng đắn hơn khái niệm PR, đồng thời lập ra những quy chuẩn đạo đức để những người hành nghề dựa theo. Ngoài việc tôn vinh những người/ agency làm PR giỏi, chính việc xây dựng các tổ chức này cũng tăng vị thế của người làm PR cũng như giá trị của PR nói chung trong xã hội, khiến những người ngoài nhìn vào ngành với con mắt thiện cảm và thái độ tôn trọng. Những cộng đồng được hình thành từ các tổ chức cũng giúp ngành PR tăng độ phổ biến, giúp người hành nghề xây dựng các mối quan hệ với các nhóm công chúng đa dạng như truyền thông, khách hàng đa dạng, hay cuốn hút các bạn trẻ có hứng thú một khi họ đã hiểu đúng về nghề PR.
Đặc thù của ngành PR là “hoạt động trong bóng râm” để doanh nghiệp “toả sáng”.
Vì vậy, EloQ Communications đã chủ động tham gia các tổ chức PR quốc tế, bao gồm Hiệp hội Quan hệ Công chúng và Truyền thông Đông Nam Á (PRCA SEA), Mạng lưới GlobalCom PR (GCPR), và gần đây nhất là Mạng lưới Quan hệ công chúng PRN (Public Relations Network).
Việc song hành cùng 3 tổ chức có quy mô quốc tế giúp đội ngũ EloQ tiếp xúc với những tiêu chuẩn và các phương thức hành nghề Quan hệ công chúng đã được chuẩn hoá và công nhận bởi nhiều chuyên gia và người làm nghề trên thế giới. Đây cũng thể hiện lời cam kết nỗ lực không ngừng của EloQ để nâng cao tiêu chuẩn chuyên môn và nghề nghiệp, cũng như tuân thủ những quy tắc đạo đức khi thực hiện các hoạt động truyền thông, để có thể ngẩng cao đầu và tuyên bố: “Tôi là người làm nghề Quan hệ công chúng”.
Còn các agency và người làm PR tại Việt Nam – liệu bạn đã lên kế hoạch “giải oan” và sẵn sàng “lăng xê” lại cho chính nghề của mình hay chưa?
Tiến sĩ Clāra Ly-Le – Giám đốc Điều hành
Châu Giang – Thực tập sinh Quản lý dự án
* Nguồn: EloQ Communications