Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Biểu tượng I Love NY – Di sản của nhà thiết kế đáng kính Milton Glaser

Biểu tượng I Love NY – Di sản của nhà thiết kế đáng kính Milton Glaser

‘I Love NY’ là biểu tượng được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Đây cũng được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà thiết kế đáng kính Milton Glaser, người vừa qua đời vào tháng 6/2020.

Biểu tượng ‘I Love NY’ được thiết kế bởi Nhà thiết kế đồ hoạ Milton Glaser vào năm 1976. Đến tận ngày nay, I Love NY vẫn được in lên nhiều món hàng lưu niệm trên khắp thế giới, đặc biệt còn được xem như biểu tượng văn hoá của New York.

I Love NY thể hiện tư duy thiết kế thông minh của ông Milton Glaser, người đã tạo nên những tác phẩm nổi tiếng như tấm áp phích trên album Greatest Hits’s Bob Dylan hay phim Mad Men.

Câu chuyện của một biểu tượng

Năm 1976, I Love NY được Bộ Thương mại Bang New York chọn làm biểu tượng cho chiến dịch quảng bá du lịch thành phố New York. Thời điểm đó, thành phố đang đứng trên bờ vực sụp đổ do sự bất bình đẳng dẫn đến mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng gia tăng.

Biểu tượng I Love NY – Di sản của nhà thiết kế đáng kính Milton Glaser

Ông Milton Glaser – cha đẻ của biểu tượng I Love NY

Ông Glaser đã phác thảo nên biểu tượng này bằng bút đỏ trên mặt sau của một phong bì khi đi taxi. Ý tưởng ban đầu vô cùng đơn giản, ông thay thế động từ ‘love’ bằng hình trái tim. Mục đích là để biểu tượng này tự “nói lên” cảm xúc của mình.

Ông Don Smith, Creative Director tại Expedia Group, cho biết: “Tôi nghĩ ý tưởng thiết kế là điểm thú vị của I Love NY. Tuy nhiên, đây không phải là phong cách thiết kế vốn có của ông Glaser”.

“Ông Glaser từng phản đối gay gắt về kiểu thiết kế vuông vức và góc cạnh của phong cách Thuỵ Sĩ những năm 50-60. Ông và cộng sự tại Push Pin Studios đều yêu thích sự phóng khoáng của nét vẽ tay hơn.”

Khi đặt cạnh những tác phẩm khác của Glaster (ví dụ tấm áp phích trên album Greatest Hits’s Bob Dylan hay phim Mad Men), I Love NY nổi bật lên bởi sự đơn giản. Nhưng bà Debbie Millman, người dẫn kênh podcast Design Matters, cho biết: “Ông Milton luôn mô tả I Love NY như một thiết kế phức tạp”.

“Muốn người xem cảm thấy hài lòng, thiết kế cần phải dễ nhận biết. Một từ hay biểu tượng nếu chỉ thoạt nhìn đã có thể nhận ra sẽ dễ ghim chặt vào ký ức của người xem hơn.”

Ông Smith chia sẻ thêm rằng phông chữ cũng đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của thiết kế. “Phông chữ giống như kiểu đánh máy truyền thống của Mỹ, mang đến cảm giác gần gũi cho người xem, như thể được một ai đó thiết kế chứ không phải sản phẩm của một tập đoàn”.

Biểu tượng I Love NY – Di sản của nhà thiết kế đáng kính Milton Glaser

“Tôi nghĩ, biểu tượng được chấp nhận rộng rãi bởi ai trong chúng ta cũng đều hiểu tình yêu là gì. Ông Glaser chỉ tìm ra cách thể hiện tình yêu dưới dạng trực quan, và cứ thế nó trở nên phổ biến.”

Thực tế, biểu tượng trái tim trên bàn phím di động ngày nay cũng bắt nguồn từ logo huyền thoại này.

Sức ảnh hưởng của một biểu tượng

Ngày nay, có lẽ biểu tượng I Love NY được thấy nhiều nhất trên các món hàng lưu niệm không chỉ tại Mỹ, mà còn nhiều quốc gia khác.

Ông Smith nhận xét: “Điểm thông minh của thiết kế đó là có thể in lên mọi loại món quà lưu niệm với bất kỳ hình dạng và kích cỡ nào”.

Tuy nhiên, I Love NY đã được đăng ký sở hữu bởi New York State Department, do đó mọi hoạt động sử dụng biểu tượng này cần phải được cấp phép và đóng một khoản phí vào quỹ du lịch và khách sạn của Bang. Ngân sách được sử dụng để trợ cấp cho 250 nghìn việc làm tại 5 quận của thành phố New York (xấp xỉ 9% số người lao động). Tuy vậy, ông Glaser chưa bao giờ nhận tiền từ việc sử dụng thiết kế của mình, bởi ông xem đây là sự cống hiến cho lợi ích chung của thành phố.

Biểu tượng I Love NY – Di sản của nhà thiết kế đáng kính Milton Glaser

“Điểm thông minh của thiết kế đó là có thể in lên mọi loại hàng lưu niệm với bất kỳ hình dạng và kích cỡ nào”

Dù thế, trong 10 năm đầu tiên, việc sử dụng biểu tượng I Love NY không cần bản quyền đã giúp biểu tượng này trở nên vô cùng phổ biến.

“Tôi cho rằng hiếm ai có thể định nghĩa được New York thông qua ngôn ngữ biểu tượng, hiếm đến nỗi tôi không tin có tác phẩm nào khác có thể thay thế được di sản của ông”, bà Millman bình luận.

Và I Love NY không phải đóng góp duy nhất của Glaser trong việc tạo dựng hình ảnh biểu tượng cho thành phố. Trước đó, ông là người đồng sáng lập tờ New York Magazine kinh điển vào năm 1968. Phần tiêu đề của tạp chí này do ông chính tay thiết kế.

Người đàn ông giàu tình yêu văn hoá

Nhắc đến Glaser, bà Millman mô tả ông là một người “yêu văn hoá”.

“Thực tế, ông ấy không chỉ yêu văn hoá, mà còn góp phần kiến tạo nên chúng. Tôi cho rằng, nếu ông Glaser không thật sự sống cùng văn hoá thì đã không thể tạo nên một kiệt tác như vậy. Ông ấy yêu cái đẹp trong tất cả mọi thứ hiện diện xung quanh mình và là minh chứng cho việc cống hiến cả đời cho ngành thiết kế.”

Thật vậy, mọi người thường nhắc đến Glaser như một người sống đúng với triết lý thiết kế của bản thân. Ông Smith chia sẻ: “Những lời dạy của ông cũng còn truyền cảm hứng cho hàng triệu nhà thiết kế tạo nên những sản phẩm tuyệt vời, giúp họ biết cách thể hiện bản thân rõ hơn và có một đời sống viên mãn. Tôi cho rằng, đó mới là di sản thật sự”.

Biểu tượng I Love NY – Di sản của nhà thiết kế đáng kính Milton Glaser

Bà Millman cũng bày tỏ: “Năm 2005, tôi có cơ hội là sinh viên của ông trong một chương trình hè tại School of Visual Arts. Có thể nói, khoá học đó đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi mãi mãi. Những đóng góp, lời khuyên và sự dẫn lối của ông đã tạo nên sự nghiệp hôm nay của tôi”.

Trong buổi phỏng vấn năm 2017, ông Glaser nhắc đến một cuộc trò chuyện nhỏ. Khi đó, có một người đã nói với ông rằng trong ngôn ngữ của họ không có cách diễn đạt tương tự cho ‘I love you’, mà thay vào đó là ‘I see you’.

Ông đáp lại rằng: “Điều đó hợp lý. Chỉ cần một người luôn hiện diện trong tầm mắt bạn, nghĩa là bạn đã yêu họ. Vì điều đó cho thấy bạn thấu hiểu và chấp thuận để họ bước vào cuộc đời mình”.

Tại thời điểm khó khăn nhất lịch sử của thành phố, biểu tượng I Love NY nhấn mạnh thông điệp tình yêu là chấp nhận những sai sót. Và sự phổ biến của nó trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động của New York là minh chứng về sự đồng thuận của mọi người về điều này.

Khi nhìn vào biểu tượng trái tim trong I Love NY, chúng ta có thể hiểu chính xác những cảm xúc mà nó truyền đạt.

Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: The Drum