Đánh giá ứng dụng Duolingo – Edtech App trị giá 1,5 tỷ USD
Xuất hiện ở thị trường Việt Nam từ năm 2014, hiện nay Duolingo Việt Nam đã cán mốc 2,2 triệu người dùng. Mặc dù đây không phải Wow Number (số liệu bất ngờ) so với màn trình diễn mà Duolingo đã thể hiện trên thị trường quốc tế, tuy nhiên trong số đó có hơn 1,25 triệu Monthly Active Users (người dùng hoạt động mỗi tháng), theo ghi nhận của App Annie 8/2020.
Bài viết là quan điểm của tác giả Ngô Thái Hoàng Tuấn.
Xuyên suốt quá trình làm việc trong lĩnh vực App Marketing và phát triển ứng dụng Mobile, một trong những ngành ứng dụng non-gaming mà mình quan tâm nhất là Edtech, đặc biệt Education for Kids. Một phần may mắn, mình có dịp làm việc và trao đổi cùng các anh chị đang công tác trong cùng lĩnh vực như Umbalena, Kiến Guru, Monkey Team, Kyna For Kids, Topica, Vkids... Đó là cơ hội cho mình tìm hiểu sự phát triển, chuyển đổi qua từng thời kỳ của Edtech App.
Đại dương xanh thì ắt có cá mập, mặc dù mỗi ứng dụng đều có cách tiếp cận người dùng riêng, tuy nhiên yếu tố cạnh tranh thị trường và sự thống trị của một ứng dụng vượt trội là điều khả dĩ. Bài viết này, mình sẽ chia sẻ về nhân tố “đứng đầu chuỗi thức ăn” trong đại dương xanh Edtech không chỉ riêng thị trường Việt Nam, mà còn là phần lớn các thị trường ứng dụng Mobile trên toàn thế giới – Ứng dụng Duolingo.
Duolingo ra đời trên xứ sở “cờ hoa”
Duolingo là ứng dụng học tập ngoại ngữ được đánh giá thông dụng nhất, đồng thời có lượt tải nhiều nhất thế giới, hơn 300 triệu lượt tải trên Google Play và Apple Store (cập nhật số tháng 4/2019), được định giá 1,5 tỷ USD bởi Google (7/2019). Người sáng lập Duolingo cũng chính là cha đẻ của mã CAPCHAT – Giáo sư Toán học Luis von Ahn.
Luis von Ahn tạo ra Duolingo với một ý niệm cao đẹp: Tất cả mọi người, tầng lớp giàu có đến thu nhập thấp đề có thể học ngoại ngữ miễn phí. Vì sao ư? Nếu bạn đang định cư hoặc có người thân sống ở Hoa Kỳ, hãy hỏi họ một khoá học ngoại ngữ như tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Trung, Nhật đắt đỏ thế nào. Ngoài ra, Luis còn mong muốn Duolingo có thể thay thế cả TOEFL và giúp cho người lao động dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập tốt hơn.
Mục tiêu của Duolingo là dù diễn viên Hollywood hay trẻ em vùng sâu cũng có thể học ngoại ngữ, không phân biệt quốc gia hay đẳng cấp. Nội dung và cách thể hiện nội dung trong ứng dụng dễ dàng tiếp cận mọi độ tuổi, giao diện người dùng thân thiện với gam màu mát, tạo cảm giác thoải mái với người dùng. Kèm theo đó, Duolingo trang bị cho mình nhiều minigame giúp việc học ngoại ngữ trở nên thú vị hơn nhiều lần so với sách giáo khoa.
Hành trình chinh phục thế giới
Ra mắt năm 2011, Duolingo khiến người dùng hào hứng khi học ngoại ngữ với thiết kế ứng dụng như một trò chơi. Chính vì vậy trong vòng 12 tháng đầu ra mắt, Duolingo đã chinh phục Apple Fan (người hâm mộ thiết bị và công nghệ Apple) một cách thuyết phục. Cuối năm 2019, Duolingo đạt hơn 30 triệu Daily Active Users (người dùng hoạt động mỗi ngày) theo báo cáo của Business of App, Q1/2020, trong đó thì người dùng nói tiếng Tây Ban Nha muốn học tiếng Anh chiếm đa số và số lượng người dùng học tiếng Anh trong App trên toàn thế giới chiếm hơn 57%.
Xuất hiện ở thị trường Việt Nam từ năm 2014, hiện nay Duolingo Việt Nam đã cán mốc 2,2 triệu người dùng. Mặc dù đây không phải Wow Number (số liệu bất ngờ) so với màn trình diễn mà Duolingo đã thể hiện trên thị trường quốc tế, tuy nhiên trong số đó hơn 1,25 triệu Monthly Active Users (người dùng hoạt động mỗi tháng), theo ghi nhận của App Annie 8/2020. Điều đó có nghĩa trung bình 55% tổng lượng người dùng Duolingo Việt Nam vẫn duy trì sử dụng App hàng tháng – với cá nhân mình, MAU (lượng người dùng hoạt động hàng tháng) của Duolingo Việt Nam được xem là một vụ nổ hạt nhân. Điều đặc biệt là, từ khi ra mắt tại thị trường Mobile App Việt Nam, Duolingo chưa tiến hành các chiến dịch User Acquisition (UAC – chiến dịch thu hút người dùng), thế nên kết quả này chính là sự thành công vượt trội.
Hiện tại, đa số các ứng dụng học ngoại ngữ đều dùng tiếng Anh làm trọng tâm. Thực tế, bạn có thể học thêm rất nhiều nhóm ngoại ngữ khác nhau trên thế giới như tiếng Trung, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha... bằng Duolingo vì nhiều ngoại ngữ và khoá học cũng được hệ thống hoá hợp lý trong ứng dụng.
Các bài học của Duolingo được chia theo chủ đề từ dễ đến khó, giúp người dùng tiếp nhận kiến thức và học được những thứ liên quan trong một đề tài nhất định. Như vậy các khoá học đảm bảo được người dùng không “cưỡi ngựa xem hoa” mà cần áp dụng kiến thức học được để hoàn thành thử thách minigame. Một số ý kiến cho rằng việc biến ứng dụng học tập thành dạng game sẽ khiến nhiều người chỉ chăm chăm đến việc đạt thành tích cao trong game hơn là học hỏi thật sự. Nhưng mình thấy ngược lại, cách áp dụng Gamification (tính chất trò chơi giải trí) của Duolingo giúp người dùng hứng thú với việc học hơn và thực sự nắm vững kiến thức sau mỗi bài học. Áp dụng Gamification cũng chính là điểm mạnh và yếu tố vượt trội ở Duolingo so với phần còn lại của thế giới.
Các yếu tố cần khắc phục của Duolingo
Đầu tiên, Duolingo thỉnh thoảng gặp sự cố “Crashed” (người dùng bị văng khỏi ứng dụng), hiện tượng này xuất hiện thường xuyên hơn với các dòng thiết bị có công nghệ cũ hoặc có mức giá nhẹ nhàng.
Điểm trừ thứ hai là các bài tập có sự trùng lặp. Mặc dù có hẳn một thư viện minigame đa dạng phục vụ người dùng nhưng việc lặp lại phần bài tập lại là điểm đáng lưu ý đối với Duolingo. Đối với các ứng dụng cùng ngành, họ sẽ có sự phong phú hơn rất nhiều so với Duolingo ở mảng bài tập này. Ngoài ra, các bài tập hầu như không có sự thử thách, không có tính thách thức và không học được đa dạng hay nâng cao từ kiến thức trong bài học.
Tóm lại, Duolingo đã và đang mang lại giá trị giáo dục và tạo nên sự chuyển đổi trong cách tiếp cận với giáo dục, không chỉ trên trường quốc tế mà ở Việt Nam điều này cũng đang dần thể hiện rõ. Duolingo đã chứng minh Gamification là một trong những yếu tố Activities (hoạt động) trọng yếu của ứng dụng nhằm giữ chân và duy trì hoạt động người dùng hàng ngày, thậm chí hàng tháng. Trong thời gian tới, khi công cuộc chuyển đổi số diễn ra ở thị trường Việt Nam, chúng ta chắc hẳn sẽ còn đón chào những ứng dụng vượt trội tương tự như Duolingo lần lượt xuất hiện, đi vào thị trường Mobile Việt Nam.