Bao bì sản phẩm, những việc có thể làm ngay
“If buyer don’t like what they see, they’ll be much less likely to make a purchase”
“Nếu người mua không thích những gì họ nhìn thấy, họ sẽ có ít khả năng mua hàng hơn”
Một vụ nổ lớn xảy ra trong vũ trụ, lần này không sinh ra hệ mặt trời. Trung tâm của hệ này là hạt bỏng ngô,các hành tinh là những hạt tiêu đen và những hạt muối trắng tạo nên giải ngân hà. Đó là câu chuyện và hình ảnh trên hộp bỏng ngô mà một người bạn của tôi sản xuất.
Bạn của tôi đến từ Nga, thành lập một công ty nhỏ ở Nha Trang. Mỗi khi có sản phẩm mới, anh ấy thường gửi file nhờ tôi dịch nội dung trên bao bì sang tiếng Việt. Vài ngày sau lại gửi cho tôi bản thiết kế bao bì, để kiểm tra lại thông tin trước khi in. Mỗi lần như thế tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi những thiết kế bao bì khác biệt, và câu chuyện độc đáo của họ. Điều đặc biệt nữa là khi các sản phẩm được xếp lên kệ tạo nên sự liên kết và có hiệu ứng tốt. Chúng ta đều biết bao bì có sức mạnh tạo nên sự tăng trưởng về doanh số, không phân biệt quy mô của doanh nghiệp. Bao bì sản phẩm là một trong những cách họ tận dụng để tạo nên quyền lực mềm chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên, điểm mạnh của họ lại chính là điểm yếu của một số doanh nghiệp nhỏ của chúng ta.
Chúng ta nhận thức được vai trò của bao bì nhưng chưa tạo ra được những sản phẩm có thiết kế độc đáo. Vậy đâu là nguyên nhân và chúng ta có thể làm được gì khi nguồn lực chưa đủ mạnh. Dưới đây là 3 nguyên nhân cơ bản:
Tại sao lại ít quan tâm đến bao bì?
1. Chỉ chú trọng đến hàng hóa bên trong, coi bao bì chỉ là phụ
Mặc dù chúng ta nhận thức được vai trò quan trọng của bao bì, nhưng chỉ trên lý thuyết. Còn khi triển khai một sản phẩm thì chỉ tập trung vào hàng hóa bên trong và tách biệt vai trò của bao bì. Thực tế, bao bì là một phần không thể tách rời của sản phẩm, nó góp phần tạo nên sản phẩm hoàn thiện. Muốn giảm chi phí để cạnh tranh về giá, nên đã giảm đầu tư cho bao bì. Ngược lại, nếu đầu tư vào bao bì thì nó đóng góp đáng kể vào giá trị sản phẩm và có thể nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm.
2. Viết quá dài
Điều này giống như bạn có chỉ có 10 phút mà muốn kể hết câu chuyện dài 90 phút. Nhà sản xuất dường như muốn có thêm nhiều diện tích hơn trên bao bì để có thể viết hết nội dung của họ. Điều này tạo nên một thiết kế toàn chữ, thiếu màu sắc, không có hoặc rất ít hình ảnh. Gây ra tác động ngược với hành vi tiêu dùng, các nghiên cứu cho thấy, quyết định mua hàng của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi hình ảnh và màu sắc sản phẩm. Khách hàng chỉ mất vài giây để quyết định có nên xem xét mua sản phẩm hay không. Như vậy nội dung bạn viết chưa chắc đã có cơ hội đến với khách hàng.
3. Không tạo ra cảm xúc
“Nếu người mua không thích những gì họ nhìn thấy, họ sẽ có ít khả năng mua hàng hơn”. Thật vậy, không ai muốn mua sản phẩm mà họ không thích cả. Vì vậy nhiệm vụ của bao bì là phải làm cho khách hàng rung động và chiếm lấy trái tim của họ, và khách hàng sẽ sẵn sàng rút ví.
Tuy nhiên, chúng ta chưa làm tốt điều này. Bao bì đâu đó cũng na ná nhau, không có sự liên kết, không kể được câu chuyện. Tệ hơn nữa, trong những giây đầu tiên khi cầm sản phẩm lên, khách hàng không biết được đây là sản phẩm gì, cho đến khi đọc hết thông tin trên sản phẩm.
Nếu liên tưởng sản phẩm là một con người, thì bao bì sản phẩm chính là vẻ bề ngoài. Vẻ bề ngoài này có thể làm cho người ta thích hoặc làm cho người ta ghét ngay được. Sản phẩm là nội dung bên trong con người, cần thời gian để cảm nhận. Bao bì tự nó có thể khơi gợi người tiêu dùng quyết định mua hàng. Nếu sản phẩm tự bán được thì doanh nghiệp sẽ giảm được việc đầu tư quảng cáo ở những kênh khác.
4. Không tạo dựng được niềm tin
Khi tôi cầm sản phẩm của bạn tôi, tôi không nghĩ đây là sản phẩm của công ty mới khởi nghiệp. Bởi vì thiết kế xuất sắc, nó trông giống như sản phẩm của tập đoàn lớn.
Một bao bì sản phẩm tốt sẽ tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng. Họ liên tưởng đến quy mô công ty và quy trình chất lượng đảm bảo. Ngược lại, khách hàng không biết công ty có nguồn lực tốt hay không nhưng có bao bì sản phẩm tệ, họ sẽ hoài nghi về chất lượng. “Tôi không thể mua một gói trà 270 ngàn đồng một lạng mà đóng trong một cái túi nhếch nhác được”.
Trong lúc doanh nghiệp vẫn còn hạn hẹp về nguồn lực chưa thể đầu tư bài bản cho đội ngũ thiết kế. Chúng ta vẫn có thể cải thiện ngay được bao bì và nhãn mác sản phẩm. Và đây là bốn cách để tăng hiệu quả bao bì mà có thể xem xét.
Những việc có thể làm ngay
1. Giảm chữ, tăng hình
Việc đầu tiên là phải chắt lọc lại nội dung bằng chữ. Loại bỏ những câu từ sáo rỗng. Những nội dung mà có thể chuyển tải bằng hình ảnh thì chuyển thành hình ảnh.
Ví dụ: Bạn có thể dùng hình ảnh để mô tả các bước pha cà phê thay vì viết một đoạn dài. Nó vừa dễ hiểu và sinh động.
Hay là muốn diễn tả quy trình sản xuất trà từ nông trường đến bàn trà. Bạn cũng hoàn toàn có thể mô tả bằng hình ảnh các khâu trong quá trình sản xuất, nhiệt độ sao rang,…
Đối với những nông sản, nhà sản xuất thường đưa hình ảnh về văn hóa và lịch sử của địa phương lên bao bì sản phẩm. Tôi đã từng rất yêu một thương hiệu cà phê, trên bao bì họ thiết kế những con tem in hình Tháp Rùa, Chợ Bến Thành, Nhà Rông Tây Nguyên,…
2. Kể được câu chuyện
Vấn đề không phải là bạn nói sản phẩm của mình tốt như thế nào mà khách hàng cảm nhận sản phẩm của bạn như thế nào. Điều này cần thực hiện thông qua một câu chuyện và xuyên suốt quá trình marketing của bạn.
Họ sẽ nhớ câu chuyện và lặp lại mua hàng của bạn, chứ không phải nhớ doanh nghiệp bạn. Điều này giống như khi chúng ta học tiếng anh. Chúng ta thuộc được vài chục từ mới một ngày nhưng rồi sẽ quên ngay. Nhưng khi gắn chúng vào một đoạn văn hay một câu chuyện thì chúng ta sẽ nhớ rất lâu.
Câu chuyện của bạn phải làm sao thật hấp dẫn. Liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh, quá trình khởi nghiệp của bạn hay giấc mơ về ngành của bạn, bạn muốn mang đến giá trị gì cho khách hàng,…
3. Tăng tính trải nghiệm
Sau khi sản phẩm đã thuyết phục khách hàng thì hãy cho họ thêm một bất ngờ nữa. Đó là trải nghiệm khi mở hộp.
Iphone không vô tình gắn cái kim chọc sim lên cánh giấy rất đẹp, hay cách họ đặt tai nghe đối xứng. Sự sắp xếp tinh tế đó, thể hiện sự quan tâm đến sự tiện dụng và cảm nhận của khách hàng khi mở hộp. Đó là cách họ “đốn tim” mình từng giây khi mở từng chi tiết sản phẩm.
Hay với những hộp bánh cá Marine Boy, trẻ em thường thích thú đi tìm phù hiệu hoặc câu chuyện bên trong bao bì. Điều này làm tăng tính tò mò và muốn biết bên trong bao có cái gì.
Vậy ngoài giá trị sử dụng của sản phẩm, bạn muốn khách hàng tìm kiếm điều gì bên trong bao bì của bạn?
4. Thân thiện môi trường
Điều này thực sự chưa dễ dàng. Nhưng trong phạm vi cho phép, cố gắng giảm bao bì nhựa đến mức có thể. Nếu dùng được bao bì giấy thì là đã tuyệt vời rồi.
Phân khúc khách hàng yêu sinh thái có xu hướng chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường có tính dân tộc, như: hộp tre, ống hút cỏ, đĩa bằng mo cau,…Những vật liệu này gặp phải khó khăn về mặt kỹ thuật là chất lượng bao bì không đồng đều và không phải sản phẩm nào cũng áp dụng được. Vì quy mô nhỏ nên chi phí của các vật liệu này cũng rất cao.
Vậy khi chưa có chiến lược marketing quy mô. Có thể bắt đầu bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ trước. Chúc bạn có những sản phẩm được yêu thích với những bước thay đổi nhỏ này!