16 năm hành trình VNG chinh phục “đỉnh Olympic” Mobile Game Việt Nam
16 năm hoạt động, VNG đã được vinh danh là doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (unicorn startup) duy nhất tại Việt Nam khi được định giá trên 1 tỷ USD (theo World Startup Report 2019). Từ lâu VNG đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho giới startup cũng như cộng đồng công nghệ trẻ trong nước đặc biệt về mảng Game Mobile.
Bước ra từ CRM Team VNG, cá nhân mình xem đó là khoảng thời gian quý báu khi đã được học hỏi và đào tạo bởi những bậc tiền bối không chỉ có tầm mà còn có tâm. Vì vậy, mình mong muốn chia sẻ đến mọi người một góc nhìn về VNG với 16 năm hành trình chinh phục vinh quang.
Bài viết là quan điểm của tác giả Ngô Thái Hoàng Tuấn.
Xu hướng chuyển mình sang Mobile Game
16 năm hoạt động, VNG đã được vinh danh là doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (unicorn startup) duy nhất tại Việt Nam khi được định giá trên 1 tỷ USD (theo World Startup Report 2019). Từ lâu VNG đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho giới startup cũng như cộng đồng công nghệ trẻ trong nước đặc biệt về mảng Game Mobile.
Thị trường Game Mobile trong nước ngày càng sôi động, với sự góp mặt của các thương hiệu lớn nước ngoài chiếm thị phần không nhỏ, nhưng VNG vẫn chứng minh được vị thế của mình. Theo báo cáo kết toán quý I/2020, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.309 tỉ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này một phần chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của “nhà vua” khi quyết định chuyển dịch định hướng nền tảng kinh doanh từ Game Online trên PC (máy tính cá nhân) sang Game Mobile thành công vượt trội.
Vượt qua bão tố
Khởi đầu, VNG được thành lập vào tháng 9/2004 với tên gọi VinaGame. Tháng 7/2005, VinaGame ký hợp đồng với Kingsoft để mang tựa Game huyền thoại Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) về Việt Nam. Như một vụ nổ lớn, VLTK đã mở ra một kỷ nguyên mới của làng Game Online Việt. Trong vòng 1 tháng, tựa Game đã tạo nên cơn sốt tại Việt Nam với 200.000 người chơi truy cập cùng một thời điểm. Khi đó, máy tính và điện thoại di động vẫn còn là những mặt hàng xa xỉ nhưng VNG đã nhận ra tiềm năng của thị trường này và tập trung đầu tư cả về nhân lực và kinh tế cho dự án. Tuy nhiên, phát hành game hay sản xuất game lại là một bài toán không đơn giản. Kế hoạch làm game cho hàng triệu người trên thế giới say mê thời ấy của VNG thực sự là một giấc mơ hoang đường.
Sản phẩm đầu tiên sau khi đổi tên và cũng là bằng chứng của thực tế phũ phàng là tựa Game Thuận Thiên Kiếm – dự án được cho là “bom tấn” khi VNG đầu tư mạnh vào sự chỉn chu của sản phẩm và quá trình Marketing. Là Game Online đầu tiên của Việt Nam ra mắt vào cuối năm 2009, sau nhiều tháng ra mắt, Thuận Thiên kiếm ngày càng đuối sức trên chính thị trường nội địa. Nhưng không bỏ cuộc, VNG ngay sau đó tiếp tục sản xuất các tựa game mới và hái được trái ngọt khi xuất khẩu thành công Sky Garden và Ủn Ỉn sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.
Đến với Game Mobile
Đầu năm 2010 được xem là dấu mốc của sự thoái trào game trên nền tảng Game Client. Web Game lại nổi lên như một hiện tượng. Bỗng nhiên các loại Web Game nhẹ, đơn giản nhưng có ưu điểm lớn nhất là miễn phí, không tốn tài nguyên máy tính, người chơi chỉ cần vào Website và chơi. Đến tận 2011, tựa Game Mobile Online đầu tiên mang tên Minh Châu, đã mở ra một trào lưu giải trí mới cho giới Gamers Việt bấy giờ. Dần hồi sinh thị trường Game Việt được đánh giá là ngập trong “mì ăn liền”. Xu thế giải trí mới trên smartphone phát triển tại Châu Á nhưng lúc bấy giờ dường như ở nước ta các nhà phát hành vẫn đứng ngoài cuộc. VNG đã nắm bắt ngay xu thế đó và phát hành một loạt Game Mobile như Ngoạ Long Mobile, Tân Thiên Long Mobile, Gunni Mobi… Đây có thể đánh giá là bước chuyển mình ngoạn mục của VNG. Dù chưa bao giờ là người mở đường đầu tiên nhưng mỗi lần chuyển mình, VNG lại tạo ra một làn sóng trên thị trường nội địa.
Nhìn vào bức tranh chung của ngành công nghiệp Game thế giới, một nghiên cứu của Newzoo cho thấy, thị phần Game Mobile toàn cầu đang có xu hướng gia tăng luỹ tiến. Do chi phí sản xuất game cài đặt trên PC khá cao nên các nhà phát triển Game trong và ngoài nước đều đang hướng đến sản xuất game chạy trên nền tảng iOS hoặc Android. Với ưu điểm có thể chơi được mọi lúc mọi nơi, cài đặt và thanh toán dễ dàng, thị trường Game Mobile Việt đang phát triển như vũ bão và chưa có dấu hiệu ngừng nghỉ cho đến 2023 theo dự báo của Allcorrectgames tháng 7/2019.
VNG tiếp tục đón xu thế Mobile eSport
Trong bối cảnh eSports đang từng bước phát triển vững chắc, Game Mobile ngày càng trở nên phổ biến đến mức hoàn toàn có thể đe doạ vị trí của PC hay bất kỳ nền tảng nào khác như PS hay XBox... VNG đã không ngần ngại tổ chức nhiều giải đấu như PUBG Mobile và Call of Duty Mobile truyền cảm hứng cho nhiều Game thủ Mobile. Yếu tố then chốt góp phần mang lại vị trí số 1 của VNG trong lĩnh vực Game Online hiện nay là chiến lược đầu tư mạnh vào mảng nghiên cứu và phát triển trên nền tảng Mobile thay vì PC. Theo nhà lãnh đạo của VNG, tương lai của VNG trong những năm tới chính là thị trường Global, bên cạnh việc tiếp tục phát triển tại Việt Nam những tựa Game quen thuộc như PUBG Mobile, Mobile Lengends, Bang Bang, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile. Có thể trông chờ rằng VNG sẽ tiếp tục sáng tạo và tạo ra những làn sóng tiếp theo trong thị trường game Việt trong thời gian sắp tới.
Tóm lại, để chinh phục và chiếm lĩnh vị trí số 1 trên đỉnh Olympic ngành Game Mobile Việt Nam, VNG đã và đang không ngừng nỗ lực và liên tục tạo ra các cuộc cách mạng trò chơi. Trong tương lai, cùng chờ đón VNG sẽ tiến xa hơn trên nền tảng Game Mobile, đặc biệt là dòng Game eSport trên Mobile, như chúng ta có thể dễ dàng thấy được sự phát triển mạnh mẽ từ tựa Game PUBG Mobile hiện tại.