Marketer SEONGON Google Marketing Agency
SEONGON Google Marketing Agency

HR @ SEONGON - Google Marketing Agency

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

Không phải dự án SEO nào cũng giống nhau. Có những dự án chỉ cần đầu tư content “chuẩn SEO”, chất lượng hơn đối thủ là bạn đã có thể lên top; nhưng cũng có những dự án phải kéo dài cả năm, đầu tư thêm chi phí xây dựng link, social, đẩy traffic nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Sự khác biệt này đến từ mức độ khó dễ của từng dự án. Xác định được điều này chính là yếu tố tiên quyết để biết được doanh nghiệp có nên đầu tư vào SEO hay không? Để hiệu quả thì cần đầu tư trong thời gian bao lâu? Nguồn lực cần thiết để đầu tư như thế nào?...

Với kinh nghiệm triển khai số lượng lớn dự án SEO thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, SEONGON xin gửi đến bạn 7 tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá độ khó – dễ của 1 dự án SEO.

1. Sản phẩm, dịch vụ cần SEO của bạn có thuộc nhóm YMYL hay không?

Đây là yếu tố đầu tiên doanh nghiệp cần xác định tới.

YMYL (Your money, Your life) là một thuật ngữ của Google để chỉ những website có nội dung trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài chính hạnh phúc của người dùng.

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

Một số ngành thường được liệt vào danh sách này có thể kể đến như:

  • Y dược
  • Sức khoẻ
  • Tài chính
  • Giáo dục
  • Luật
  • Những ngành mà một đơn hàng có giá trị lớn: Bất động sản, Thiết kế nội thất...

Nếu ngành của bạn nằm trong danh sách này thì để làm SEO được, bạn sẽ cần tuân theo các tiêu chí E-A-T, một bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của nội dung dựa trên các tiêu chí về tính chuyên gia, tính thẩm quyền, và độ uy tín của nội dung, website (Xem chi tiết hơn về E-A-T tại đây).

Để làm chuẩn chỉ theo được bộ quy chuẩn này, dự án SEO của bạn sẽ cần đầu tư thêm rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Chính vì thế, theo kinh nghiệm của SEONGON, nếu nhóm ngành của bạn thuộc nhóm YMYL thì nhiều khả năng dự án SEO đó sẽ thuộc nhóm ngành SEO khó.

2. Chủ đề từ khoá

Dù cho nhóm ngành dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp thuộc YMYL, nhưng nếu chúng đều là những nhóm dịch vụ, sản phẩm ngách chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh/ còn mới mẻ trên thị trường thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể đánh giá độ khó của dự án này ở mức trung bình.

Ví dụ: SEO cho phụ kiện điện thoại là một ngành khó nhưng nếu SEO cho chủ đề “phụ kiện điện thoại giá sỉ”, “phụ kiện điện thoại bán buôn” lại dễ làm hơn nhiều khi không có nhiều đối thủ tầm cỡ trong mảng này.

3. Tín hiệu thương hiệu của bạn và đối thủ trên môi trường online

Theo thống kê, 71% người được khảo sát tin tưởng thương hiệu là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Doanh nghiệp nào càng có thương hiệu lớn, uy tín sẽ càng được ưu tiên bởi Google, và dễ làm SEO hơn do thương hiệu của doanh nghiệp đã được nhắc tới rộng khắc trên môi trường online (báo chí, bàn luận, review...).

Sẽ thật sự khó để làm SEO nếu doanh nghiệp của bạn phải cạnh tranh với những thương hiệu lớn trên thị trường, có ngân sách marketing khổng lồ. Là một doanh nghiệp trong ngành, bạn hoàn toàn có thể nhận định về thương hiệu và độ phủ của các đối thủ khác cho các khách hàng mục tiêu trên môi trường online, nhưng để rõ ràng hơn, bạn có thể xác định theo cách sau:

  • Bước 1: Sử dụng cú pháp: intitle: “tên thương hiệu”
  • Bước 2: Từ kết quả đó, kiểm tra các tài khoản trên mạng xã hội, các trang forum, website khác của đối thủ để xem họ có nhận được nhiều tương tác và quan tâm trên các trang đó hay không

Từ đó đưa ra các nhận định đánh giá về tín thương hiệu của họ trên môi trường online.

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

4. Đối thủ của bạn đã làm SEO chuyên nghiệp chưa?

Làm SEO là một cách để mang lại nguồn khách hàng tiềm năng bền vững lâu dài cho doanh nghiệp thông qua organic traffic.

SEONGON biết rõ nếu doanh nghiệp làm SEO theo phương pháp mũ trắng, tuân thủ theo các tiêu chí của Google, tập trung vào xây dựng nội dung hữu ích cho người đọc thì rất khó để “tụt top”. Bằng chứng là rất nhiều khách hàng của SEONGON sau khi đã kết thúc hợp đồng vẫn duy trì, thậm chí tăng đều các thứ hạng từ khoá sau đó (Xem chi tiết hơn tại case-study này).

Thế nên nếu có nhiều đối thủ của doanh nghiệp đang làm SEO theo cách thức bền vững như vậy thì bạn sẽ cần đầu tư rất nhiều công sức về cả nội dung, lẫn các phương pháp SEO khác nhau, thì mới có thể vượt qua đối thủ trên trang kết quả tìm kiếm.

Vậy làm sao để xác minh đối thủ của bạn làm SEO có tốt hay không? SEONGON đề xuất 5 cách xác định nhanh có độ chính xác cao sau đây:

1. Kiểm tra từ khoá có trong các thẻ meta không?

Doanh nghiệp có thể thử tìm kiếm nhanh 3 hotkey và 3 từ khoá thông tin liên quan đến sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp trên trang kết quả tìm kiếm. Nếu càng nhiều kết quả có từ khoá trong tiêu đề, tức là có càng nhiều đối thủ đang làm SEO bài bản.

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

Dịch vụ SEO Tổng thể là một ngành SEO khó khi các đối thủ đều làm SEO rất chuyên nghiệp

2. Kiểm tra cách đặt Heading

Ở mỗi trang, bài viết chuẩn SEO sẽ có cấu trúc Heading tương tự như sau:

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

Đánh giá cấu trúc heading bằng SEOQuake

Với chỉ 1 Heading 1 và nhiều Heading 2, 3 làm các luận điểm nhỏ chứng minh, giải thích cho luận điểm chính của bài, cũng tương tự như tiêu chí từ khoá có trong tiêu đề, càng nhiều đối thủ làm chuẩn thì càng khó để vượt trên họ. Bạn có thể check tiêu chí này dễ dàng với công cụ SEOQuake.

3. Từ khóa có đúng landing page không?

Đúng landing page có 2 yếu tố: đúng loại trangphù hợp với insight của người tìm kiếm.

  • Đúng loại trang

Đầu tiên, đúng landing page cần phải đúng loại trang, ví dụ như trang danh mục, sản phẩm hay bài viết thông tin.

Ví dụ: khi bạn search “đồng hồ nam”, các kết quả trang đầu tiên hiện lên là trang danh mục sản phẩm, tức người dùng muốn xem nhiều loại đồng hồ khác nhau trước khi tìm hiểu chi tiết về một sản phẩm nhất định.

Nếu bạn muốn SEO trang bài viết hay trang sản phẩm cho từ khoá này thì khó có cơ hội thành công.

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

Dễ dàng nhận thấy với key “đồng hồ nam”, các trang trên kết quả tìm kiếm đều là trang danh mục

Thông thường, làm SEO cho các trang danh mục, trang chủ, trang sản phẩm thường khó hơn so với SEO bài viết. Vì người làm SEO cần phải cân bằng được giữa cung cấp nội dung hữu ích cùng trải nghiệm trên trang.

  • Đúng insight người tìm kiếm

Mỗi truy vấn của khách hàng đều chứa 1 insight nhất định gọi là search intent. Có thể hiểu ngắn gọn là: Với truy vấn đó, người dùng đang tìm kiếm thông tin gì, muốn giải quyết được vấn đề gì?

Ví dụ: Khách hàng search cụm từ “kế hoạch SEO” muốn biết các bước chi tiết để lên được một kế hoạch SEO hay muốn có một file kế hoạch SEO mẫu?

Rất nhiều doanh nghiệp nghĩ đơn giản rằng làm SEO chỉ cần từ khóa lên top. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, vì không những cần lên top mà doanh nghiệp còn cần phải lên top đúng với loại trang, đúng với ý định tìm kiếm của người dùng. Chỉ có như thế thì nội dung của doanh nghiệp mới được xem là giá trị đối với khách hàng.

Vậy nên, bạn có thể kiểm tra hotkey, infokey của 10-20 đối thủ để xem các từ khoá đó có lên đúng trang đích không. Thường những trang ở top 3, top 5 sẽ phù hợp với truy vấn tìm kiếm của người dùng nhất. Nếu bạn thấy trên trang kết quả có nhiều loại trang khác nhau, với nhiều nội dung khác nhau thì đây là cơ hội lớn để bạn chen chân vào top đầu.

4. Kiểm tra backlink

Ngoài nội dung giá trị hữu ích với người dùng, việc nội dung, website của đối thủ có nhiều backlink chất lượng hay không chính là một yếu tố quan trọng cần được xem xét đến. Nếu nội dung của đối thủ vừa tốt vừa có nhiều backlink thì đây sẽ thực sự là một thử thách cho bạn. Ahref là công cụ kiểm tra chính xác nhất cho các thông số về backlink nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm tra miễn phí với công cụ Neilpatel.

Một số thông số doanh nghiệp cần biết khi kiểm tra backlink của đối thủ:

  • Backlink: Chỉ số lượng backlinks đang trỏ đến trang/ bài viết
  • Referring domain: Chỉ số lượng các domain khác nhau chứa backlinks trỏ đến site của doanh nghiệp
  • Domain score hay Domain rating (DR): Chỉ số đánh giá chất lượng của backlinks (một backlink tốt nên có DR từ 40 trở lên)

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

Doanh nghiệp có thể kiểm tra nhanh backlink của đối thủ với công cụ này

Lưu ý: Đối với phương pháp làm SEO của mình, SEONGON luôn chú trọng đến số lượng referring domain, càng nhiều referring domain tức là tính định danh trong mắt Google càng rõ nét. Bạn có thể xem thêm bài viết về Entity SEO để hiểu rõ hơn.

5. Các yếu tố Onpage khác

Ngoài kiểm tra 2 yếu tố Onpage đầu tiên là từ khoá trong tiêu đề và cấu trúc Heading, nếu bạn muốn kiểm tra kỹ hơn, hãy xét tới toàn bộ các yếu tố Onpage khác trên site (Để xem đầy đủ các tiêu chí Onpage cần kiểm tra, doanh nghiệp có thể xem chi tiết hơn tại đây; hoặc kiểm tra nhanh để có thể đánh giá được sơ bộ độ chuẩn SEO Onpage của đối thủ tại đây).

Hơn nữa, ngoài kiểm tra đối thủ, doanh nghiệp cũng cần kiểm tra các tiêu chí Onpage của chính website mình để biết được các hạng mục cần tối ưu khi triển khai làm SEO.

5. Sự đa dạng về chủ đề nội dung

Doanh nghiệp có thể tiếp tục đánh giá độ khó của dự án SEO dựa trên sự đa dạng về chủ đề nội dung có thể triển khai. Việc đánh giá nên được xem từ cả 2 chiều: chiều dọc và chiều ngang.

Chủ đề dọc là những chủ đề liên quan trực tiếp đến sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp.

Lấy ví dụ với chủ đề “điều hoà”, các nội dung trong chủ đề dọc có thể triển khai như “nên mua điều hoà ở đâu”, “các tiêu chí chọn điều hoà”...

Trong khi chủ đề ngang là những chủ đề mà sản phẩm dịch vụ của bạn là một phần trong đó.

Ví dụ vẫn với từ khoá điều hoà” thì các chủ đề ngang có thể triển khai như “các thiết bị làm mát không thể thiếu trong mùa hè”...

Lưu ý:

  • Thông thường nếu chủ đề nội dung quá nhiều (>200), hoặc quá ít (<30) thì độ khó của dự án sẽ tăng.
  • Chủ đề nội dung sẽ được xác định dễ dàng hơn khi doanh nghiệp đã có bộ từ khóa chi tiết.

6. Đặc điểm của ngành

Mỗi ngành sẽ có một đặc thù và yêu cầu cho SEO khác nhau, doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ các đặc thù đó nếu không sẽ rất khó để làm SEO đạt hiệu quả.

Có thể lấy ngành kiến trúc làm ví dụ. Muốn SEO hiệu quả các từ khoá trong ngành này, các bài viết cần có hình ảnh minh hoạ công trình, bản thiết kế nội thất... chuyên nghiệp, chất lượng vì nhu cầu của người tìm kiếm là mong muốn được thấy những thông tin đó.

Nếu như doanh nghiệp trong ngành không thể cung cấp được những hình ảnh với tiêu chí như trên, dự án SEO sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

7 tiêu chí cơ bản đánh giá độ khó dễ của dự án SEO

SEO lĩnh vực thiết kế cần có hình ảnh minh hoạ chất lượng

Hay đối với các ngành Tài chính/ Y dược/ những ngành cần nội dung chuyên môn và có tính xác thực cao (Do nằm trong nhóm ngành YMYL), nội dung nếu không phải tự chính tay những chuyên gia trong ngành viết thì họ cũng cần tham vấn về sự chính xác về chuyên môn trong bài. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo được việc này cũng sẽ khiến việc lên top gặp nhiều khó khăn, thậm chí có khả năng không làm được.

Để xác định được đặc điểm SEO của ngành, không còn cách nào khác là bạn phải tham vấn những người đã có kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự.

7. Nguồn lực của doanh nghiệp

Đối với SEO, ngoài các chi phí đầu tư cho việc xây nội dung chuẩn SEO, tối ưu Onpage là cơ bản nhất, nếu bạn có thêm nguồn lực đầu tư cho hoạt động đi bài báo chí, các hoạt động xây dựng nhận diện thương hiệu, xây dựng backlink, sẽ khiến việc làm SEO trở nên nhanh có hiệu quả hơn.

Hay chỉ đơn giản như việc website đã có sẵn nguồn traffic nhất định, lịch sử web lâu đời, thương hiệu đã được nhiều người biết tới... cũng đã giảm thiểu đáng kể thời gian lên top.

Trên đây là 7 tiêu chí cơ bản nhất giúp doanh nghiệp có thể xác định được sơ bộ độ khó của dự án SEO của website mình.

Độ khó dễ của dự án sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn trong chi phí và thời gian triển khai. Nếu bạn quan tâm đến chi phí làm SEO trung bình cho 1 dự án với độ khó vừa phải, hãy tham khảo bài viết này.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều mông lung về độ khó hoặc cần đánh giá chi tiết dự án SEO của mình, hãy liên hệ SEONGON để được nhận lời khuyên chi tiết nhất.

* Nguồn: SEONGON – Google Marketing Agency