Doanh nghiệp của tôi đang thuộc loại hình văn hóa nào?
Trong doanh nghiệp, cách tương tác nội bộ của nhân viên thường phụ thuộc vào văn hoá tổ chức cũng như cách quản lý của người lãnh đạo. Việc xác định phong cách vận hành muốn theo đuổi sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh cách quản lý nhân sự phù hợp và hiệu quả.
Theo ông Robert. A Cooke, Giám đốc Điều hành Tổ chức nhân sự quốc tế, Phó Giáo sư danh dự Đại học Illinois, văn hoá doanh nghiệp được chia ra thành 12 loại, thuộc 3 nhóm phổ biến sau:
Nhóm 1: Văn hoá mang tính xây dựng (Constructive styles)
1. Hướng đến kết quả (Achievement)
Đây là nhóm hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi nỗ lực, can đảm, kỹ năng, hoặc thay đổi cách làm để đạt được mục tiêu đề ra. Đội ngũ này có niềm tin rằng kết quả liên quan đến nỗ lực của mọi người chứ không phải sự may mắn. Những cá nhân nằm trong văn hoá tổ chức này luôn suy nghĩ và lên kế hoạch trước, đưa ra các phương án dự phòng trước khi hành động, học hỏi từ chính những sai lầm của mình, linh hoạt triển khai để hướng đến kết quả cuối cùng bằng sự cam kết rất cao.
2. Khẳng định năng lực bản thân (Self-actualizing)
Đây là tổ chức hướng đến việc giúp nhân viên nhận ra và hoàn thiện tài năng và tiềm năng cá nhân. Đây được xem như một động lực hoặc nhu cầu hiện diện trong mỗi người.
Các cá nhân trong tổ chức này thường suy nghĩ và làm việc một cách chủ động, sáng tạo và độc lập. Họ lấy mục tiêu chung và thách thức như động cơ để phát triển bản thân. Đặc biệt là luôn quan tâm đến sự cân bằng các mối quan hệ.
3. Khuyến khích tính nhân văn (Humanistic – encouraging)
Tổ chức này hướng nhân viên quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Các cá nhân và đội ngũ theo phong cách này sẽ cống hiến năng lượng để kèm cặp và tư vấn cho những người khác rất chu đáo. Họ muốn giúp người khác học hỏi, phát triển. Doanh nghiệp dựa trên văn hoá này sẽ có nhiều chính sách hướng đến con người, đời sống tinh thần, vật chất và trách nhiệm xã hội cao.
4. Khuyến khích mối quan hệ tình thân (Affiliative)
Đây là loại văn hoá tổ chức phản ánh sự quan tâm trong việc phát triển và duy trì các mối quan hệ. Những cá nhân thuộc tổ chức này thường dễ chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ một cách thân thiện, thẳng thắn. Đặc biệt, họ cũng dễ dàng hợp tác vì mục tiêu chung, để cao phối hợp liên bộ phận và làm cho người khác cảm thấy họ là một phần của tổ chức.
Nhóm 2: Văn hoá mang tính thụ động/ phòng thủ (Passive – Defensive)
1. Xin ý kiến (Approval)
Các cá nhân trong tổ chức cảm thấy thiếu chỉ dẫn và bất an. Họ thường tìm kiếm sự an toàn bằng cách chờ đợi ý kiến cấp trên trước khi suy nghĩ và hành động.
2. Theo lối mòn (Conventional)
Nhân viên thường bị ràng buộc bởi các quy tắc và quy định của tổ chức. Họ hành động theo các tiêu chuẩn quy định (kể cả những tiêu chuẩn và quy định không hợp lý), thiếu đi sự sáng tạo và chống đối sự thay đổi nhằm tìm kiếm sự an toàn cho bản thân.
3. Phụ thuộc mang tính dây chuyền (Dependent)
Nhìn chung, mọi người trong công ty thường quan sát và chờ đợi ai đó làm trước để “bắt chước” nhằm tìm kiếm sự an toàn cho bản thân và thậm chí cố tình hạn chế sự khác biệt của bản thân so với số đông dẫn đến sự trì trệ rất lớn trong công ty.
4. Né tránh xung đột (Avoidance)
Đây là nhóm “ngại việc khó”. Họ tránh né các xung đột, ngại góp ý, thiếu quan điểm chính thống và thường chia sẻ thông tin ngoài lề.
Nhóm 3 – Văn hoá mang tính thúc ép/ phòng thủ (Aggressive – Defensive)
1. Chỉ trích người khác (Oppositional)
Những tổ chức theo phong cách này này thường đặt ra câu hỏi trong cách làm việc nhằm đạt kết quả tốt hơn nhưng tính hoài nghi cũng rất cao. Đôi khi sử dụng những sai sót của người khác để chỉ trích và gâp áp lực, thậm chí là sự tổn thương.
2. Trọng quyền lực (Power)
Phong cách này nặng tính chỉ đạo, sử dụng quyền lực như một công cụ gây áp lực bên trong để hoàn thành công việc. Người lãnh đạo thích kiểm soát người khác và sử dụng mệnh lệnh, nên nhân viên cũng bị ảnh hưởng theo.
3. Cạnh tranh (Competitive)
Cá nhân trong tổ chức theo phong cách này thường khẳng định bản thân mình hơn người khác bằng việc so sánh để tỏ ra vượt trội hơn. Họ luôn tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Văn hoá này tạo ra sự mâu thuẫn để khai thác thông tin nhằm thúc đẩy hiệu quả, nhưng đôi khi dẫn đến sự hợp tác liên bộ phận không tốt.
4. Chủ nghĩa hoàn hảo (Perfectionistic)
Doanh nghiệp theo phong cách này gắn giá trị bản thân với những tiêu chuẩn cực cao, chú trọng chi tiết. Đôi khi họ đưa ra những tiêu chuẩn quá mức với bản thân hoặc người khác.
Cũng theo ông Robert A.Cooke, việc nắm được 12 loại văn hoá tổ chức phổ biến ở trên sẽ giúp mỗi người tìm được cho mình một “nơi làm việc” phù hợp với tính cách cá nhân. Điều này không chỉ giúp nhân viên phát huy được thế mạnh của họ, mà còn giúp doanh nghiệp đạt được sự ổn định và tăng trưởng. Vì con người là yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ tổ chức nào.
* Nguồn: MSG