Những hiểu lầm phổ biến về Performance Marketing
Ra đời với mục đích giúp các doanh nghiệp nắm bắt “tiền cho quảng cáo đổ về đâu”, Performance Marketing đã trở thành xu hướng phổ biến ở thị trường tiếp thị thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, không phải marketer nào cũng hiểu đúng về loại hình marketing dựa trên hiệu suất này.
Những hiểu lầm phổ biến
1. Performance Marketing chỉ thực hiện được trên nền tảng Digital
Ra đời sau sự bùng nổ của kỷ nguyên số, Performance Marketing vô hình chung bị bó hẹp trong phạm vi của các kênh Digital. Thực tế, Performance Marketing có thể được thực hiện trên đa dạng các kênh, kể cả các kênh truyền thống như TV, OOH, báo giấy... đến các kênh hiện đại. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải xác định đúng các tiêu chí đánh giá hiệu suất cho từng kênh thực hiện.
2. Performance Marketing chỉ hướng đến đơn hàng
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Performance Marketing là thu Leads/ Sales/ Conversions nhưng đó không phải là tất cả. Performance Marketing có thể ứng dụng rất rộng, thậm chí cả trong hoạt động Branding của doanh nghiệp.
3. Performance Marketing giải cứu doanh nghiệp
Đây là một trong những hiểu lầm lớn nhất của marketer với Performance Marketing. Để tạo nên sự thành công của một chiến dịch hay tên tuổi của một doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản..., và Performance Marketing chỉ là một phần trong đó.
4. Thực hiện Performance Marketing tách rời với hoạt động Branding
Branding phải luôn song hành và có sự liên kết với các hoạt động quảng cáo để tối ưu hiệu quả các nguồn lực. Thông điệp Branding tách rời với thông điệp quảng cáo sản phẩm/ dịch vụ sẽ dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng, làm mất hiệu quả quảng cáo và gây tổn thất về chi phí cho doanh nghiệp.
5. Chỉ có ngân sách lớn mới thực hiện được Performance Marketing
Hiểu lầm này khiến nhiều Client và cả Agency ngần ngại khi thực hiện các hoạt động Performance Marketing và bỏ qua nhiều cơ hội đắt giá. Thực tế, ngân sách nhỏ cũng có thể thực hiện tốt Performance Marketing. Tuy nhiên, với ngân sách nhỏ, doanh nghiệp phải chấp nhận một số mẫu nhỏ và thời gian chạy dài hơn, từ đó khiến việc tối ưu diễn ra chậm hơn so với một ngân sách lớn.
Vậy Performance Marketing hiểu như thế nào cho đúng?
Performance Marketing, đúng như tên gọi của nó, là marketing dựa trên hiệu suất. Các doanh nghiệp chỉ chi trả cho hoạt động quảng cáo khi qua đó, khách hàng hoàn thành một hành động cụ thể. Các hành động này thường là điền thông tin, đăng ký theo dõi, mua hàng...
Ứng dụng của Performance Marketing
Một chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp thường bao gồm 5 giai đoạn chính: triển khai thương hiệu, tăng mức độ tương tác, thu hút lượt truy cập về website, tăng tỷ lệ chuyển đổi và bán hàng. Mỗi một giai đoạn trong chiến dịch đều cần được thực hiện hiệu quả và cần những KPIs khác nhau để phù hợp với mục tiêu từng chiến dịch. Ứng dụng Performance marketing giúp doanh nghiệp đo lường chính xác hiệu quả của từng giai đoạn chiến dịch truyền thông.
Với giai đoạn truyền thông thương hiệu, doanh nghiệp mong muốn tăng độ nhận biết của thương hiệu giữa cộng đồng người tiêu dùng. Thay vì chỉ hiển thị lượng Impressions cho biết lượt hiển thị, Performance Marketing với chỉ số CTR% cung cấp thêm thông tin về tương tác của người tiêu dùng với các quảng cáo thương hiệu, giúp doanh nghiệp tối ưu hoá các hoạt động quảng cáo và thu hút thêm nhiều sự quan tâm.
Ở giai đoạn cần tăng mức độ tương tác, Performance Marketing cung cấp chỉ số CTR% và CPC, cho phép doanh nghiệp tối ưu chi phí cho từng tương tác của người tiêu dùng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp.
Đến với giai đoạn thu hút lượt truy cập về website, doanh nghiệp có thể quan tâm đến các chỉ số CTR%, CPC, Bounce Rate hay CR%. Ứng dụng Performance Marketing trong giai đoạn này không chỉ giúp doanh nghiệp kéo lượt truy cập về website mà còn hỗ trợ tăng tỷ lệ chuyển đổi, tăng hiệu quả cho những lượt truy cập.
Trong giai đoạn tăng tỷ lệ chuyển đổi, Performance Marketing giải quyết câu chuyện về tỷ lệ chuyển đối cao hơn, tối thiểu chi phí cho một hành động của khách hàng và rộng hơn là chi phí cho hoạt động marketing tạo ra doanh thu.
Cuối cùng, ở giai đoạn bán hàng, Performance Marketing có thể là giải pháp hữu ích cho nhiệm vụ tăng khối lượng đơn hàng mà doanh nghiệp luôn mong muốn. Các chỉ số CIR%, ROI và khối lượng đơn hàng là những chỉ số doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm ở giai đoạn này.
Performance Marketing thực sự đã trở thành xu hướng với những ưu điểm vượt trội, đáp ứng được những nhu cầu và kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp về một hình thức marketing mang lại hiệu quả rõ ràng, minh bạch. Để tận dụng được tối ưu hình thức này, các marketer luôn cần hiểu đúng và đủ về Performance Marketing.
Tìm hiểu thêm về các case-study chiến dịch Performance Marketing thành công tại đây.
Trần Quốc Kỳ
GIGAN JSC – Digital Performance Agency