Động thái mới từ Google, Facebook, Netflix mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho advertisers
Google chặn Heavy Ads, Facebook cân nhắc về việc chia sẻ tin tức tại Úc, hay Netflix cho phép người dùng xem phim miễn phí mà không cần dùng tài khoản… là những thay đổi mới về mặt công nghệ và tiếp thị mà các advertiser nên lưu tâm.
Google ra mắt Chrome 85, chuẩn bị chính thức chặn Heavy Ads
Vào ngày 25/8, phiên bản mới nhất Chrome 85 đã được cập nhật với nhiều tính năng hữu ích như tốc độ load trang nhanh hơn 10%, tính năng thu gọn Tab groups, PDF editor…
Đồng thời hồi tháng 5 vừa qua, Google cũng đã tuyên bố sẽ thực thi chính sách ngăn chặn các quảng cáo tiêu tốn dung lượng (heavy ad intervention policy). Tuy trước mắt phía Google chưa chính thức xác nhận thời gian cụ thể thực thi chính sách này, nhưng theo các kỹ sư nội bộ cho hay rằng tính năng tự động chặn heavy ads sẽ được đồng loạt mặc định sau khi Chrome 85 ra mắt.
Nếu dựa vào tiêu chuẩn mà Google đã công bố trước đó – quảng cáo sử dụng CPU tổng cộng hơn 60 giây hoặc ngốn hơn 4MB dung lượng mạng – thì quảng cáo ấy sẽ tự động bị vô hiệu hoá.
Việc thực thi chính sách heavy ads chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn, vì thế các Advertiser nên sớm kiểm tra lại quảng cáo của mình đã phù hợp với quy định của Google về các chất liệu quảng cáo không khuyến khích sử dụng hay chưa nhằm hạn chế lãng phí ngân sách quảng cáo.
IAS ra mắt công nghệ nhận diện nội dung “Context Control”
Công ty nổi tiếng về kiểm định chất lượng quảng cáo số Integral Ad Science (IAS) vào ngày 24/8 đã ra mắt “Context Control” nhằm giải quyết vấn đề brand safety. Context Control có khả năng nhận diện các phán đoán sai trong việc phân loại nội dung, thông qua các tín hiệu ngữ cảnh như phân loại cảm xúc, từ đó giúp các Advertiser khi tiến hành công nghệ so sánh nội dung sẽ bao gồm cả cảm xúc tiềm ẩn trong nội dung; đồng thời giảm nguy cơ phán đoán sai của các từ đồng âm khác nghĩa thường hay xuất hiện ở các từ khoá thông thường (Ví dụ: Sự khác biệt giữa “gunshot” & “basketball shot”).
Theo nghiên cứu từ một cơ quan bên thứ 3 chỉ ra rằng công nghệ phân tích nội dung của IAS có độ chính xác đạt 42%, cao hơn so với công nghệ phân tích nội dung đang được sử dụng phổ biến.
Công nghệ “Context Control” không chỉ giúp Advertiser cải thiện và nâng cao việc tận dụng ngữ cảnh, tối đa hoá lợi thế cạnh tranh trong chiến dịch marketing, mà còn giúp Publisher phân loại và đóng gói nội dung một cách có chiến lược, kiếm tiền từ số lần hiển thị trang một cách phù hợp thông qua ngữ cảnh toàn diện hơn (nội dung, cảm xúc tiềm ẩn) tương thích với mục tiêu của Advertiser.
Facebook đe doạ chặn việc chia sẻ tin tức tại Úc
Những ngày vừa qua, Facebook và chính phủ Úc đã có những xung đột, khi Ủy ban cạnh tranh & Người tiêu dùng Úc (ACCC) lên kế hoạch đưa ra dự luật mới yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các hãng báo chí nếu đăng lại nội dung tin tức trên nền tảng công nghệ của mình.
Trong bản dự thảo cũng nêu ra rằng các hãng báo chí có thể cùng Facebook và Google thảo luận về vấn đề phân chia lợi nhuận, nếu không đạt được sự đồng thuận thì các hãng tin có thể nhờ Toà án đưa ra phán quyết. Giả sử cả Google và Facebook đều vi phạm quy định thì mức phạt cao nhất có thể là 7,4 triệu USD.
Phía Google cho rằng các nội dung tin tức được hiển thị trên công cụ tìm kiếm đều là dịch vụ miễn phí, trường hợp Google không muốn trả bất kỳ chi phí nào cho các hãng thì có khả năng Google sẽ loại trừ các hãng tin tức khỏi kết quả tìm kiếm, điều này còn gây thiệt hại nhiều hơn là có lợi đối với các hãng tin nước này. Còn phía Facebook đã có phản ứng gay gắt với chính phủ Úc nếu như dự luật phải trả tiền nội dung cho báo chí được thông qua thì sẽ chặn các hãng báo chí và người dùng tại Úc chia sẻ tin tức và một vài tính năng khác trên Facebook.
Cả hai ông lớn công nghệ đều kịch liệt phản đối với dự thảo này, người ngoài cuộc vẫn tiếp tục theo dõi xem chính phủ Úc sẽ đưa ra những biện pháp gì để bảo vệ nền báo chí nước này.
Netflix với chiến lược xem phim miễn phí không cần tài khoản
Nền tảng xem phim trực tuyến Netflix thực ra từ năm ngoái đã ra mắt chế độ trải nghiệm xem phim miễn phí tại thị trường Mỹ và Ấn Độ. Lần này, Netflix mở rộng dịch vụ miễn phí không cần tài khoản cho hơn 200 quốc gia với nhiều phim điện ảnh và series phim kinh điển của Netflix gồm “Stranger things,” “Murder mystery,” “Elite,” “Bird box,” “When they see us”, “The two Popes”, “Our planet” và “Grace and Frankie”. Vì người xem không cần phải tạo tài khoản nên chỉ có thể xem 1 tập trong series phim, và đồng thời sẽ có quảng cáo 30 giây (skippable) đi kèm trong quá trình chiếu phim.
Không khó để nhận thấy rằng Netflix đang có chiến lược marketing thu hút nhiều người dùng mới trải nghiệm dịch vụ của mình. Hiện tại Netflix đã có hơn 151 triệu subscribers (tính đến thời điểm cuối QII/2020).
* Nguồn: Thư viện Tenmax