Young Marketers Contest 9 công bố Thể lệ và Đề thi Vòng loại
Young Marketers quay trở lại với mùa thứ 9 để tiếp tục tìm kiếm thế hệ marketer tiềm năng tiếp theo cho hành trình đào tạo Elite Development 9 tháng của năm 2021.
Với hình thức dự thi cá nhân (individual application), mùa thi năm nay hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút và tìm kiếm những tiềm năng marketer sáng giá trên toàn quốc.
I. Giải thưởng
Một số giải thưởng nổi bật với tổng giá trị giải thưởng hơn 2 tỉ đồng bao gồm:
- Đến Pháp tham dự học hỏi ở liên hoan sáng tạo lớn nhất thế giới – Cannes Lions – dành cho Quán Quân, trị giá hơn 4.000 USD
- Đến Singapore tham dự học hỏi ở liên hoan sáng tạo lớn nhất Châu Á – Spikes Asia – dành cho 2 Á Quân, trị giá hơn 2.200 USD
- Tham gia chương trình đào tạo Elite Development hơn 30 tuần dành cho 9 bạn xuất sắc nhất, trị giá hơn 90.000 USD, do hơn 15 tên tuổi CMO, ECD hàng đầu Việt Nam tham gia giảng dạy
II. Đối tượng dự thi
Người đủ điều kiện tham dự cuộc thi là:
- Các marketer có độ tuổi từ 18-24 (sinh năm 1996 đến 2002), thật sự đam mê & nghiêm túc với Marketing
- Công dân Việt Nam hợp pháp & đã tốt nghiệp THPT
- Không phải là các thí sinh đã lọt vào các vòng Chung kết của Young Marketers 8 mùa trước hoặc học viên của Young Marketers Elite Development 7 mùa trước
- Cam kết tham gia đầy đủ chương trình học các sáng thứ 7 hàng tuần từ tháng 1-10/2021 tại TP.HCM
III. Các vòng thi
Thí sinh năm nay dự kiến sẽ phải vượt qua 3 vòng thi, với 3 thử thách khác nhau: Vòng Loại (16/9 – 20/10), Vòng Bán kết/ Private Pitching (21/10 – 14/11), Vòng Chung kết (16/11 – 14/12).
- Từ các bài toán thuần tuý marketing thương mại, đến các bài toán xã hội mà thương hiệu có thể giải quyết để xây dựng brand trust/ preference/ love
- Có cơ hội làm việc với Dentsu Redder, đối tác của Young Marketers 9 để giải quyết 1 bài toán marketing ra đến những triển khai cụ thể cho vòng Chung kết
IV. Đề thi Vòng loại
“Huyndai làm được, Toyota làm được, tại sao Việt Nam không làm được? Mỹ có Microsoft, Apple… tại sao Việt Nam không có? Nếu không là số 1 nhưng ít nhất cũng phải lọt vào top 5, top 10. Những điều đó sẽ mang lại thương hiệu cho đất nước mình, để thế giới không chỉ biết đến một Việt Nam anh hùng, mà phải biết đến một Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp.” – ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vingroup.
1. Thực trạng
Không ai có thể phủ nhận tiềm năng của trí tuệ Việt Nam. Năm 2019 đánh dấu năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đứng đầu các nước thu nhập trung bình thấp. Số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình 26% mỗi năm. Việt Nam đang dần trở thành điểm đến của những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, Microsoft.
Thế nhưng, trên đường đua công nghệ thế giới, Việt Nam hầu như không có một dấu ấn nào. Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định hệ thống đổi mới sáng tạo còn non trẻ, manh mún, khiến cho bức tranh khoa học công nghệ của Việt Nam khá mờ nhạt. Sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất sản phẩm phần lớn chỉ dừng lại ở giai đoạn gia công, lắp ráp. Mỗi ngày người Việt Nam sản xuất ra hàng ngàn chiếc điện thoại cho Samsung, Google Pixel, LG…, nhưng việc xuất hiện một cái tên thương hiệu Việt Nam trên sân chơi công nghệ thế giới vẫn dường như là điều không tưởng. Những gã khổng lồ với lợi thế thương hiệu quốc tế khiến cho người tiêu dùng thậm chí không cần phải tự hỏi, liệu có lựa chọn nào tốt hơn?
Câu hỏi “Cho đến bao giờ Việt Nam mới có thể tự chủ công nghệ cao, mới đặt được dấu ấn trí tuệ của mình trên đường đua công nghệ toàn cầu?”, đến nay, vẫn chưa có lời giải.
2. Thương hiệu
Ngày 12/6/2018, công ty CP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart chính thức ra đời. Trên trang cá nhân của mình, một vị quản lí truyền thông và kinh doanh cấp cao của VinSmart chia sẻ với bạn bè: “Đây mới là một công ty khởi nghiệp thực sự, khởi nghiệp cả một ngành công nghiệp”. Là đứa con của Vingroup – VinSmart ra đời mang theo ước mơ của chủ tịch Phạm Nhật Vượng: trở thành ngọn cờ đầu dẫn dắt ngành công nghệ Việt Nam tự chủ công nghệ cao, vươn ra thế giới.
Một ước mơ đầy tham vọng, chỉ làm được điều đó khi có được một hệ sinh thái về công nghệ, những Viện nghiên cứu công nghệ lõi về AI, Big Data, những công ty sản xuất phần mềm, những nhà thầu phụ của họ. Từng bước, Vingroup thực sự đã xây dựng nền tảng đó cho sự ra đời của VinSmart.
Để sản xuất, nhà máy VinSmart được xây dựng với dây chuyền sản xuất giống như của các hãng điện thoại hàng đầu trên thế giới với công suất hơn 25.000.000 sản phẩm một năm; song song đó còn thành lập Hội đồng khoa học mà nhiều giáo sư đã nhận lời tham gia như: GS. Dương Nguyên Vũ, GS. Phan Dương Hiệu,TS. Bùi Hải Hưng tại Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (VinAI), Viện Big Data dẫn dắt bởi GS. Vũ Hà Văn…
Thay vì lao ngay vào phân khúc cao cấp, VinSmart chọn khởi nghiệp từ phân khúc phổ thông và tầm trung. Với lựa chọn chiến lược này, chỉ sau 15 tháng ra mắt, VinSmart đã chiếm lĩnh 16,7% thị phần điện thoại thông minh Việt Nam, chính thức xác lập kỷ lục tăng trưởng chưa từng có. Các sản phẩm của VinSmart được đánh giá là tối ưu chất lượng và tính năng trong tầm giá phổ thông (1-3 triệu) và sau đó dần phủ sang phân khúc cận trung cấp (4-5 triệu). Thành công bước đầu ở thị trường nội địa, nhưng để thực sự vươn ra thế giới thì những sản phẩm vừa túi tiền tầm trung vẫn chưa đủ. Điều VinSmart cần là trở thành một thương hiệu được biết đến và được ưa chuộng, yêu thích.
Năm 2020 này, thời cơ ấy đã đến. Khi Xiaomi nói vẫn còn khá lâu nữa mới có giải pháp hiệu quả để ra mắt camera ẩn dưới màn hình, Samsung còn nghiên cứu thời điểm để ra mắt giới hạn công nghệ bảo mật lượng tử. Những gã khổng lồ dần bộc lộ điểm yếu vì bộ máy cồng kềnh lẫn vì bài toán lợi nhuận, mối ưu tiên lớn nhất của họ không còn là trải nghiệm và lợi ích của người dùng.
Ngày 31/8/2020, khi cả thế giới chần chừ, VinSmart tung video đầu tiên giới thiệu VSmart Aris Pro. Là quả ngọt chín muồi của hệ sinh thái nghiên cứu, VSmart Aris Pro có trong tay những công nghệ tiên phong trên toàn cầu:
Lần đầu tiên, màn hình hoàn toàn vô khuyết được thương mại hoá.
Lần đầu tiên, bảo mật lượng tử được tiên phong phổ biến.
Lần đầu tiên, kính nhám 3D không vân tay được giới thiệu ở mức giá tầm trung (giá bán dự kiến 9-10.000.000VNĐ). Trong khi đó, công nghệ kính nhám 3D được giới thiệu trên dòng điện thoại cao cấp iPhone 12).
Sự ra đời của Aris Pro, và thế hệ sản phẩm mới tiếp nối, đánh dấu một bước ngoặt: Đã đến lúc VinSmart vượt qua câu chuyện tự hào Việt Nam để bước thêm một bước tiến dài, không chỉ tham gia, mà còn có thể thay đổi cuộc chơi công nghệ quốc tế với bộ máy tinh gọn, tốc độ sáng tạo, và luôn đặt lợi ích của người dùng trên hết.
Cùng với Aris Pro, VinSmart đã định hướng cho mình trở thành một thương hiệu công nghệ “Sáng tạo thay đổi cuộc chơi” – truyền cảm hứng cho cả ngành công nghệ Việt Nam cùng thay đổi luật chơi công nghệ thế giới, vốn trước nay chỉ dành cho những gã khổng lồ.
3. Đề bài đặt ra
Giả sử cá nhân bạn thuộc đội ngũ marketing của VinSmart/ VSmart, với mục tiêu thể hiện tinh thần “Sáng tạo thay đổi cuộc chơi”, truyền cảm hứng cho đối tượng người trẻ Việt Nam tri thức, văn minh, có thu nhập tốt ở độ tuổi 25-35 và có khả năng sở hữu VSmart Aris Pro – dòng sản phẩm nổi bật của VSmart trong năm nay, thì:
Thử thách cụ thể ở Vòng Sàng lọc:
Với ngân sách 10.000.000.000 VNĐ, bắt đầu từ tháng 10/2020 và kéo dài trong tối đa 3 tháng, hãy đề xuất một kế hoạch marketing truyền thông:
- Truyền cảm hứng mạnh mẽ về tự hào trí tuệ Việt Nam, sáng tạo công nghệ thay đổi cuộc chơi của VSmart
- Tạo nhận biết rộng rãi về sản phẩm Aris Pro và thông điệp truyền thông mới của VSmart trong đối tượng mục tiêu cho tối thiểu 6 triệu khách hàng mục tiêu ở 6 thành phố lớn (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang)
- Thúc đẩy nhu cầu mua hàng dành cho Aris Pro của đối tượng mục tiêu để đạt được tối thiểu doanh số 10.000 sản phẩm trong 3 tháng từ 25/10 đến 31/12
Thông tin tham khảo
VI. Tiêu chí đánh giá
Bài làm sẽ được đánh giá theo các tiêu chí sau:
- Tính hiệu quả (38%): Chiến dịch có đạt được các mục tiêu kinh doanh & truyền thông của thương hiệu không?
- Ý tưởng (32%):
- Ý tưởng lớn của chiến dịch là gì, dựa trên nền tảng insight nào? (20%)
- Ý tưởng này có được triển khai hiệu quả qua các kênh truyền thông phù hợp với đối tượng mục tiêu hay không? (12%)
- Tính khả thi và ứng dụng (18%): Kinh phí thực hiện chiến dịch có phù hợp không? Các hoạt động có khả thi để thực hiện hay không?
- Trình bày (12%): Tính thẩm mỹ & Mức độ đầu tư
V. Cách thức nộp bài Vòng Loại:
Cá nhân dự thi hợp lệ cần gửi bài dự thi về mail [email protected] trước 21:00 ngày 19/10/2020.
Email Subject:
Young Marketers 9 Round 1 – [Họ tên] – [Tên trường/ công ty làm việc]
Nội dung email:
- Bài dự thi bằng tiếng Anh (tối đa 18 slide nội dung – chưa bao gồm 3 slide opening, agenda & thank you – giải quyết nội dung công việc Vòng Loại yêu cầu): Định dạng PDF, không quá 7 MB
- Thông tin cá nhân dự thi: Họ tên đầy đủ – Tên trường/ công ty đang làm việc – Ngày tháng năm sinh – Thông tin liên lạc (bao gồm đầy đủ email, số điện thoại, link Facebook cá nhân)
- Hình chân dung cá nhân dự thi: Định dạng JPG, không nhỏ hơn 1MB và không quá 3MB
* Top 20 bước vào Vòng Bán kết/ Private Pitching sẽ được công bố vào lúc 21:00 ngày 2/11.
Young Marketers – Building The next purposeful Marketing Leaders
Cuộc thi Young Marketers mùa thứ 9 là một phần của hành trình Building The Next Purposeful Marketing Leaders của Young Marketers – bên cạnh Young Marketers Elite Development Program, với Brands Vietnam là đối tác hợp tác sâu sắc từ 2013, Advertising Vietnam là đối tác truyền thông từ 2018, cùng với sự đồng hành chiến lược năm nay của nhãn hàng điện thoại VSmart và tập đoàn Vingroup.
* Nguồn: Young Marketers