Liệu các marketer có “vực dậy” được thị trường bánh trung thu năm 2020

Hơn 1 tháng nữa là tới Tết Trung thu, nhưng thị trường bánh trung thu được cho rằng khá ảm đạm, chưa có nhiều chiến dịch quảng cáo ấn tượng… Liệu nhận định này là quá sớm hay sự thật là bánh trung thu cũng đang hứng chịu “cú đánh” của đại dịch COVID-19.

Liệu các marketer có “vực dậy” được thị trường bánh trung thu năm 2020

Nguồn ảnh: https://erasmusu.com/

Những ngày gần đây, báo chí phản ánh nhiều tin tức như: Giá bánh trung thu tăng, các thương hiệu sản xuất cầm chừng, nhu cầu mua giảm hẳn so với các năm trước. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến phản đối và cũng có những ý kiến phân vân vì cho rằng thời điểm này chưa thể khẳng định bánh trung thu năm nay sẽ “ế ẩm”. Hãy xem những người này đang lập luận như thế nào.

Để bảo vệ ý kiến của mình, những người này đã lý giải và lập luận như thế nào? Theo bạn thì ai là người dự đoán đúng xu hướng của năm nay?

Ý kiến 1 (lạc quan nhất – chiếm tỷ lệ khoảng 10%): Bánh Trung thu gắn với nét văn hóa truyền thống nên vẫn duy trì được sức hút

Tết trung thu là một trong 4 tết quan trọng nhất trong năm theo nông lịch cổ. Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8, giữa mùa thu tiết trời mát mẻ, thích hợp cho các hoạt động lễ hội. Ngày xưa, đây là dịp người dân tạ ơn trời đất sau vụ mùa bội thu. Lúc này mùa màng đã thu hoạch xong, người dân cũng thảnh thơi để tham gia lễ hội.

Trung thu cũng là ngày tết của trẻ em, gọi là “Tết trông Trăng”. Trẻ rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước, bánh nướng, bánh dẻo. Tết Trung Thu cũng là ngày tết truyền thống của một số quốc gia ở Châu Á như Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản.

Trong cuộc sống hiện đại, Tết Trung thu cũng là dịp để tất cả mọi người xích lại gần nhau hơn bằng những hộp bánh nướng, bánh dẻo. Các loại bánh cũng ngày càng đa dạng và phong phú để phục vụ mọi đối tương khách hàng.

Trong kinh doanh và ngoại giao cơ quan doanh nghiệp, bánh Trung thu trở thành món quà để tri ân tới khách hàng, đối tác, nhân viên. Dù không trang trọng như Tết Nguyên Đán nhưng Tết Trung thu đã ăn sâu vào đời sống và văn hóa của tất cả mọi người.

Nhóm ý kiến này phủ nhận quan điểm: Bánh Trung thu năm nay sẽ khó bán hơn do kinh tế khó khăn vì đại dịch. Họ cho rằng, Covid-19 khiến cơ hội phát triển, khả năng tìm kiếm khách hàng và đối tác bị thu hẹp lại. Trung thu có thể là một cơ hội tốt để họ tạo thêm các mối quan hệ mới.

Ý kiến 2 (bi quan nhất – chiếm tỷ lệ khoảng 50%): Bánh trung thu chắc chắn sẽ giảm mạnh vì COVID-19

Dù dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát khá tốt nhưng dư âm với nền kinh tế vẫn nặng nề và sẽ kéo theo nhiều thay đổi trên thị trường bánh trung thu năm nay. Kinh tế ảnh hưởng thì nhu cầu mua các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm.

Có thể nói, dù muốn hay không thì chúng ta đều phải thừa nhận rằng: Thị trường Bánh Trung thu 2020 đang có sự phát triển chậm và kém sôi động hơn so với năm trước.

Ý kiến 3 (trung lập – chiếm tỷ lệ khoảng 40%): Quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì

Nhóm 3 đồng ý một phần với ý kiến 1+2, đó là dù có nhiều biến động nhưng với nhiều dấu hiệu tích cực đang được công bố thì khả năng phục hồi của thị trường bánh trung thu là có thể xảy ra. Việc phân vân và hy vọng vào sự sôi đổi của thị trường này cũng là mong muốn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo phân tích của WB cho thấy, trong tháng 7/2020, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, với sản lượng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng lần lượt 2,1% và 4,6% (so cùng kỳ năm trước), cùng với việc nới dần giãn cách xã hội, nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%. Đồng thời, còn có 32,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,9% so với tám tháng năm 2019… Đây là một trong những tín hiệu khả quan cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp. Có thể, trong tương lai còn có nhiều biến động nhưng có thể thấy kinh tế cũng đang có nhiều dấu hiệu tích cực để khôi phục sau thời kỳ “tổn thương” do Covid-19.

Tác động tiêu cực của Covid-19 phần nào được giảm nhẹ do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương.

Không chỉ trên các báo cáo của cơ quan chức năng mà chúng ta có thể nhìn thấy hy vọng từ chính nhịp sống trong màu Covid-19 đợt 2. Dường như, mọi người đang cố gắng bình thường hóa mọi hoạt động và thích ứng với dịch bệnh. Có thể không còn quán xá, tụ tập sự kiện đông người như trước nhưng mặt nào đó vẫn có những khía cạnh tươi sáng, đặc biệt là sự lên ngôi mạnh mẽ của thị trường online.

Thị trường bánh trung thu nói riêng và thị trường kinh doanh ở Việt Nam nói chung đang có nhiều biến chuyển tích cực và tiêu cực trong đại dịch. Các nhà chức năng, chuyên gia, người kinh doanh đều có cho mình những dự đoán khác nhau. Vì vậy, vẫn chưa thể để khẳng định thị trường bánh trung thu có bị giảm sút do Covid-19 hay không.

Các marketer đã chuẩn bị công cụ truyền thông quảng cáo nào cho bánh trung thu năm nay?

Đến thời điểm này, các hãng bánh trung thu chắc chắn đã có những kế hoạch cho riêng mình để quảng bá sản phẩm trong năm Covid. Các hình ảnh, TVC quảng cáo đã xuất hiện nhiều trên đường phố, các sàn thương mại điện tử,… Tuy nhiên, đến thời điểm này, người tiêu dùng chưa thực sự bị thu hút bởi quảng cáo thương hiệu nào.

Liệu các marketer đang đợi cơ hội để tung ra “ngón đòn” của mình hay thực sự thị trường bánh trung thu năm nay không được đầu tư nhiều trong chi phí marketing mà để tập trung hạ giá thành.

Liệu các marketer có “vực dậy” được thị trường bánh trung thu năm 2020? Vẫn cần thêm nhiều dữ kiện để trả lời câu hỏi này? BRANDCOM sẽ tiếp tục theo dõi và sớm có bài viết tiếp theo.

Thúy Vi (BRANDCOM)