Re-think CSR #7 – Bà Trần Kiều Anh @ Dòng Dòng Sài Gòn: “Giải cứu” rác nhựa bằng ba lô tái chế
CSR không chỉ đơn thuần là các hoạt động trách nhiệm xã hội nhỏ lẻ, mà nên gắn liền với hoạt động kinh doanh cũng như triết lý thương hiệu. Một chiến lược CSR đúng đắn có đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển bền vững (Sustainable Growth) của doanh nghiệp cũng như của cộng đồng và xã hội.
Chuyên mục “Re-think CSR” của Brands Vietnam phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp này. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.
Ở số thứ 7, Brands Vietnam đã có buổi gặp gỡ với bà Trần Kiều Anh, người sáng lập Dòng Dòng Sài Gòn – thương hiệu túi xách, ba lô thời trang tái chế từ bạt đã qua sử dụng như bạt mái hiên, bạt xe tải. Thương hiệu này muốn gửi đi thông điệp “dù là vật liệu tái chế, nhưng vẫn có khả năng biến hoá thành một sản phẩm vừa đẹp mắt, vừa hữu dụng”. Đặc biệt, hướng đi này cũng mở ra vô số cơ hội hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong ngành quảng cáo để tạo ra những sản phẩm thời trang mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội.
* Cảm ơn bà đã nhận lời chia sẻ. Bà có thể giới thiệu đôi nét về mình và thương hiệu Dòng Dòng Sài Gòn?
Tôi là Kiều Anh, người sáng lập của Dòng Dòng Sài Gòn.
Xuất phát điểm của tôi là thiết kế sản phẩm kỹ thuật số (User Experience – UX) cho nhiều dự án lớn nhỏ tại Việt Nam. Tính đến nay, tôi có gần 15 năm làm việc trong ngành marketing, truyền thông và quảng cáo.
Trong thời gian đó, có một thực trạng mà tôi chứng kiến đó là rất nhiều banner, back drop trong ngành sự kiện, quảng cáo bị thải ra mà chưa qua xử lý. Chất liệu của bạt nhựa này là nhựa hiflex với thành phần chính là PVC, mất từ 500 - 1000 năm để phân huỷ, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của con người và tự nhiên.
Lý do trên đã thúc đẩy tôi và các cộng sự tạo ra thương hiệu thời trang Dòng Dòng Sài Gòn. Định hướng là tận dụng các loạt bạt nhựa cũ để sản xuất ba lô, túi xách tái chế hợp vừa hợp thời trang, vừa tiện dụng cho người dùng, đồng thời góp phần giảm thiểu lượng nhựa thải ra ngoài môi trường.
* Vậy những loại bạt nào đủ điều kiện để làm ra sản phẩm?
Hầu hết các loại bạt thải ra môi trường nếu chưa qua xử lý đều có khả năng ứng dụng cho nhiều mục đích. Tuy nhiên, chúng cần đáp ứng được các yếu tố về độ bền, độ dẻo dai và khả năng chịu nắng, chịu mưa cao.
Ban đầu, Dòng Dòng Sài Gòn thử nghiệm làm ba lô từ banner, back drop thu gom được từ các agency quảng cáo và tổ chức sự kiện trong ngành. Nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, chiếc ba lô bị rách bởi độ bền không được như kỳ vọng. Do đó, đội ngũ quyết định dùng loại vật liệu này để may túi giao hàng cho các sản phẩm chính.
Không bỏ cuộc, Dòng Dòng Sài Gòn tiếp tục thử nghiệm với bạt che mái hiên, trùm xe tải, bảo vệ công trình xây dựng. Bởi chúng cũng thường xuyên bị con người thải ra ngoài môi trường mà chưa qua xử lý. Ưu điểm của các loại bạt này đó là sở hữu độ dẻo dai nhất định, độ bền cao, chịu mưa, chịu nắng tốt, với tuổi thọ kéo dài lên đến 15 năm. Đây là loại bạt chúng tôi sử dụng cho các sản phẩm chính như ba lô, túi tote và phụ kiện. May mắn là những sản phẩm mới này đã được người dùng đón nhận tích cực.
* Hiện tại, nguồn bạt có đảm bảo khối lượng sản xuất của Dòng Dòng Sài Gòn không? Và có những khó khăn nào trong quá trình thu gom và xử lý vật liệu?
Quy mô của Dòng Dòng Sài Gòn đang ở mức nhỏ, nên nguyên vật liệu vẫn đáp ứng đủ khối lượng sản xuất. Mỗi tháng, chúng tôi sản xuất từ 300-400 sản phẩm, gồm ba lô, túi xách, túi giao hàng, phụ kiện để đáp ứng nhu cầu hiện tại của thị trường.
Nguồn bạt nhựa đến từ agency sự kiện trong ngành, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ và cơ sở sản xuất bạt tại TP.HCM.
Quá trình thu gom vật liệu cũng gặp một số cản trở nhất định. Thứ nhất, Dòng Dòng Sài Gòn khó có thể tự thu gom bạt nhựa ngoài bãi rác, vì bạt không được bảo quản kỹ, phơi nắng mưa và nằm chung với nhiều loại chất thải khác, nên không đảm bảo chất lượng và vệ sinh. Thứ hai, nhiều nơi cung cấp bạt chưa hiểu được mục tiêu của thương hiệu nên còn e dè khi “cho bạt”. Giải pháp là mua lại bạt cũ, nhưng với chi phí cao.
* Sản phẩm của Dòng Dòng sở hữu những ưu điểm gì?
Quan niệm của Dòng Dòng Sài Gòn là, sản phẩm cần đáp ứng ba tiêu chí: công năng, thẩm mỹ và bền vững.
Ưu điểm đầu tiên của sản phẩm thuộc Dòng Dòng là công năng tốt, thể hiện ở các tính năng như chống thấm hiệu quả, dễ lau chùi, nhẹ và có nhiều ngăn tiện lợi.
Chẳng hạn, ba lô của Dòng Dòng Sài Gòn được thiết kế tối ưu cho người hay mang theo laptop. Cụ thể, ngăn laptop được may vừa khít, cách đáy 2cm để chống sốc và bảo vệ an toàn cho máy. Ba lô còn có ngăn chống trộm ở phía sau lưng, cùng nhiều ngăn nhỏ tiện lợi khác ở bên trong. Đặc biệt, khối lượng ba lô dao động từ 500-700g nên tạo cảm giác thoải mái, gọn gàng cho người sử dụng.
Thứ hai, các sản phẩm của Dòng Dòng Sài Gòn đều chứa đựng những câu chuyện riêng về “vòng đời trước” của tấm bạt làm ra chúng. Tấm bạt có thể đến từ công trường, tiệm gạo, xe cá viên chiên, hay xe chở hàng nào đó với những vết sờn, vết xước chằng chịt do thời gian mang lại. Tuy nhiên, đó lại là nét độc đáo, nét đẹp khác biệt của vật liệu tái chế. Qua bàn tay người thiết kế, chúng được biến tấu ngẫu hứng trở thành những sản phẩm mang hình dáng độc đáo, với tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao, đặc biệt sở hữu cái hồn riêng mà không phải “sản phẩm” nào cũng có thể có được.
Cuối cùng, sản phẩm của Dòng Dòng Sài Gòn giúp người dùng có ý thức hơn về sử dụng vật liệu tái chế. Chúng tôi muốn chứng minh rằng những đồ vật làm bằng vật liệu tái chế không thua kém gì các sản phẩm khác về công năng và thẩm mỹ.
* Còn quy trình sản xuất phải trải qua bao nhiêu giai đoạn?
Quy trình sản xuất gồm hai giai đoạn chính.
Giai đoạn 1 là xử lý vật liệu. Sau khi bạt được phân loại và đưa về xưởng, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý và vệ sinh. Quá trình này khá phức tạp. Hầu hết bạt đã qua sử dụng, ở ngoài trời trong thời gian dài nên có rất nhiều vết bẩn, vết ố cần được loại bỏ. Để loại bỏ chúng nhưng không gây hại môi trường, Dòng Dòng Sài Gòn dùng men vi sinh, baking soda, giấm ăn và cồn sát trùng…
Giai đoạn 2 là thiết kế và hoàn thiện. Đội thiết kế dựa trên những vật liệu có được để phác thảo mẫu, phối màu và đo đạc. Các mẫu thường sẽ đồng bộ về kích thước, cấu tạo. Còn hình ảnh và màu sắc ba lô, túi xách sẽ được thiết kế ngẫu hứng, dựa trên nguồn gốc và câu chuyện của bạt.
Đội may sẽ dựa trên bản thiết kế để hoàn thành công đoạn còn lại. Cụ thể, người thợ cần biết canh theo khổ để rọc đúng đường, tránh làm hư mép, viền bạt. Để cắt chính xác, Dòng Dòng Sài Gòn sử dụng máy cắt bạt chuyên dụng. Kế đến, là công đoạn ủi thẳng, vệ sinh lần nữa để may ráp thành túi.
Tổng thời gian để sản xuất ra một chiếc ba lô thường là 60 phút. Hiện tại, quy trình sản xuất đã được tối ưu hoá và phân chia theo thời gian cụ thể, phù hợp với từng đội ngũ phụ trách.
* Dòng Dòng Sài Gòn hiện đang hoạt động như một công ty thời trang. Vậy bà xây dựng năng lực thiết kế và sản xuất như thế nào cho công ty của mình?
Cả tôi và người đồng sáng lập đều là nhà thiết kế kĩ thuật số lâu năm. Dù trước đây không làm việc trong ngành thiết kế ba lô hay túi xách, nhưng với tư duy đặt người dùng là trọng tâm, chúng tôi nghĩ mình có thể đem đến cái nhìn mới cho việc thiết kế mặt hàng này.
Về năng lực sản xuất, hiện tại, Dòng Dòng Sài Gòn có một nhà xưởng ở TP.HCM, với không gian vừa đủ để xử lý vật liệu, thiết kế và cắt may. Thiết bị chủ yếu là máy may, máy cắt bạt và những vật dụng khác hỗ trợ cho quá trình sản xuất. Đội ngũ nhân sự gồm thiết kế, thợ may, tài chính, truyền thông… phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
* Sản phẩm hiện được bán qua các kênh nào, và hướng đến ai?
Sản phẩm của Dòng Dòng Sài Gòn dành cho các bạn trẻ từ 18 tuổi trở lên, yêu thích thời trang sáng tạo và tiện lợi, hiện được bán trên hai kênh online và offline.
Về kênh online, người mua có thể đặt hàng trực tiếp trên website dongdongsaigon.com. Với offline, sản phẩm của Dòng Dòng Sài Gòn được trưng bày ở 8 cửa hàng ký gửi và 2 quán cà phê tại TP.HCM và Hà Nội. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm hình thức này, vì hầu hết các địa điểm ký gửi đều có không gian trưng bày đẹp, người mua có thể tận mắt kiểm chứng chất lượng sản phẩm.
Thay vì sản xuất và tiêu thụ thêm đồ mới, con người có thể tái chế đồ cũ để tăng vòng đời của chất liệu, sản phẩm, giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra ngoài môi trường.
* Đích đến của Dòng Dòng Sài Gòn là gì với những sản phẩm của mình?
Mong muốn lớn nhất của tôi đối với Dòng Dòng Sài Gòn là giúp mọi người hiểu được những vật liệu nhựa xung quanh chúng ta đều có khả năng tái sử dụng. Thay vì sản xuất và tiêu thụ thêm đồ mới, con người có thể tái chế đồ cũ để tăng vòng đời của chất liệu, sản phẩm và giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra ngoài môi trường.
Trong tương lai, Dòng Dòng Sài Gòn muốn tạo ra một cộng đồng để mọi người có thể trao đổi ba lô, túi xách cũ. Điển hình, người A có thể dùng lại ba lô của người B, người B có thể dùng lại ba lô của người C, người C dùng lại ba lô của người A… Vì các sản phẩm của Dòng Dòng khá hạn chế về số lượng, được thiết kế độc đáo. Do đó, khi trao đổi, người dùng vẫn có thể sở hữu các sản phẩm mang tính thời trang, bền chắc với giá cả phải chăng, đặc biệt không phải thải rác ra ngoài môi trường.
* Bà có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển Dòng Dòng Sài Gòn trong tương lai?
Trước nhất, về mặt sản phẩm, Dòng Dòng Sài Gòn muốn tạo ra các dòng sản phẩm với 100% nguyên liệu tái chế. Hiện tại, vật liệu tái chế đang chiếm 80% của sản phẩm. Vì vậy, trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch triển khai công nghệ xử lý hạt vi nhựa để thử nghiệm thêm nhiều loại thác rải nhựa khác. Ngoài ra, một trong những loại bạt mà chúng tôi muốn áp dụng cho sản xuất là bạt trên các bảng quảng cáo ngoài trời (OOH), nhưng hiện tại vẫn chưa tìm được nguồn cung cấp.
Về mặt kinh doanh, Dòng Dòng Sài Gòn sẽ tập trung bán hàng cho khách hàng cá nhân (B2C) trước, rồi mới đến khách hàng doanh nghiệp (B2B). Chúng tôi muốn xây dựng nền móng thương hiệu vững chắc hơn, có doanh thu và tập khách hàng ổn định để đảm bảo vòng vốn.
Về quảng bá sản phẩm, chúng tôi kỳ vọng có thể lan toả câu chuyện và mục đích của Dòng Dòng Sài Gòn đến nhiều đối tượng hơn.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn có thể hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị có chung mong muốn tái chế rác thải, cùng thấu hiểu lợi ích của việc tái sử dụng vật liệu nhựa và hướng đến mục tiêu chung là xây dựng môi trường bền vững.
* Vậy bà có thể chia sẻ quan điểm của mình về các hoạt động CSR tại Việt Nam hiện nay?
Đầu tiên, những hoạt động mang tính cộng đồng nên được thực hiện bởi mọi cá nhân và doanh nghiệp ở nhiều quy mô khác nhau. Hiện nay, có một số quan điểm chưa đúng khi cho rằng chỉ có doanh nghiệp lớn mới cần thực hiện các hoạt động CSR vì có tiềm lực kinh tế mạnh và ngân sách cao. Nhưng thực tế, bài toán ngân sách có thể được giải quyết dễ dàng nếu doanh nghiệp thực sự muốn triển khai.
Tiếp đến, hoạt động CSR nên được cụ thể hoá bằng giải pháp, sản phẩm cụ thể cho đối tượng thụ hưởng. Vì chúng tôi quan niệm, CSR không nên chỉ là những chiến lược vĩ mô, mà cần đi sâu vào đời sống, giải quyết những vấn đề của con người. Đó có thể là hoạt động tái chế vật liệu, sử dụng nguyên liệu hữu cơ thay đồ nhựa, hay tạo ra chiến dịch trao đổi quần áo cũ để giảm thiểu lượng rác thải...
* Cảm ơn bà về những chia sẻ trên!
Bạn đọc và doanh nghiệp có thể gửi những banner, back drop, bảng quảng cáo ngoài trời và các loại bạt đã qua sử dụng qua đường link sau: https://www.facebook.com/dongdongsg/
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam