Mastercard & CrescentRating: Dự báo lộ trình phục hồi du lịch khu vực ASEAN hậu COVID-19

Mastercard & CrescentRating: Dự báo lộ trình phục hồi du lịch khu vực ASEAN hậu COVID-19

Theo Mastercard và CrescentRating, tốc độ phục hồi du lịch sẽ phụ thuộc vào các động lực thúc đẩy mở cửa của các điểm đến và khả năng phục hồi du lịch.

COVID-19 đã gây chấn động thế giới một cách chưa từng có với tác động lớn đến mọi ngành nghề, mọi quốc gia và mọi cá nhân. Các chính phủ trên khắp thế giới đã và đang nhanh chóng ứng phó với những thách thức từ đại dịch. Tuy nhiên, không tránh khỏi một số ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn những ngành khác, và du lịch chính là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là một vấn đề đặc biệt cấp bách tại khu vực ASEAN, nơi du lịch trong khu vực cũng như quốc tế đóng góp phần lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Báo cáo Phục hồi du lịch do Mastercard và CrescentRating đồng thực hiện đã chỉ ra rằng ngoài các phương pháp điều trị COVID-19, tốc độ phục hồi du lịch của ASEAN cũng sẽ phụ thuộc phần nhiều vào các động lực thúc đẩy mở cửa của các điểm đến cũng như khả năng ASEAN mở cửa thị trường du lịch để phục vụ toàn bộ các phân khúc: du lịch nội địa, hành lang du lịch, nội khối ASEAN và du lịch quốc tế.

Mastercard & CrescentRating: Dự báo lộ trình phục hồi du lịch khu vực ASEAN hậu COVID-19

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19

Dựa trên những yếu tố năng động này, báo cáo đưa ra 3 tình huống phục hồi tăng trưởng COVID-19 mà ASEAN sẽ đối mặt từ nay cho đến năm 2022, bao gồm: tích cực, hợp lýbi quan. Các dự báo về quy mô thị trường du lịch ASEAN cũng được chỉ ra trong từng giai đoạn phục hồi với các lộ trình tương ứng.

1. Lộ trình tích cực (Positive)

  • Quý IV/2020: Mở cửa cho du lịch nội khối ASEAN

Chất xúc tác trong giai đoạn phục hồi chính là sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia để khuyến khích du khách đến thăm các nước láng giềng trong ASEAN. Các điểm đến trong khu vực ASEAN sẽ phối hợp để tạo ra hành lang du lịch an toàn. Các chuyến đi này sẽ được quảng bá trong các chiến dịch phối hợp nhằm nâng cao lòng tin của khách du lịch đồng thời giáo dục tới công chúng các biện pháp bảo vệ sức khoẻ trước nguy cơ từ COVID-19.

Mastercard & CrescentRating: Dự báo lộ trình phục hồi du lịch khu vực ASEAN hậu COVID-19

Các điểm đến trong khu vực ASEAN sẽ phối hợp để tạo ra hành lang du lịch an toàn trong viễn cảnh phục hồi tích cực

  • Quý I/2021: Điều chế thành công vắc-xin COVID-19

Đến nửa cuối năm 2020, một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 và giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, việc phát triển thành công vắc-xin COVID-19 sẽ đánh dấu thời điểm bắt đầu bình thường hoá du lịch thực sự bắt đầu từ cuối năm 2020. Loại vắc-xin này sẽ được cung cấp cho các quốc gia đông dân ASEAN từ quý I năm 2021. Điều này sẽ làm tăng sự lạc quan của du khách và nền kinh tế.

  • Quý III/2021: Nhanh chóng mở lại các đường bay quốc tế

Với sự trở lại nhanh chóng của trạng thái bình thường cũng như sự phát triển kinh tế du lịch cùng du lịch quốc tế, thị trường du lịch ASEAN nói chung sẽ quay trở lại mức 94% so với năm 2019. Ngành du lịch cuối cùng sẽ trở lại với một số mô hình du lịch quen thuộc.

2. Lộ trình hợp lý (Plausible)

  • Quý I/2021: Hạn chế sự hợp tác trong khối ASEAN

Giai đoạn phục hồi diễn ra dần dần do sự hợp tác lẻ tẻ giữa các nước ASEAN để thúc đẩy du lịch nội khối. Các chiến dịch tiếp thị điểm đến phần lớn không thuyết phục được khách du lịch, vì du khách đòi hỏi sự rõ ràng hơn về các điều kiện an toàn của mỗi điểm đến. Sự thiếu phối hợp chủ yếu là do các nước ASEAN vẫn đang tập trung vào việc cố gắng kiểm soát các đợt bùng phát COVID-19.

Mastercard & CrescentRating: Dự báo lộ trình phục hồi du lịch khu vực ASEAN hậu COVID-19

Giai đoạn phục hồi diễn ra dần dần do sự hợp tác lẻ tẻ giữa các nước ASEAN để thúc đẩy du lịch nội khối

  • Quý III/2021: Các biện pháp thúc đẩy du lịch khẩn cấp

Quá trình bình thường hoá bắt đầu với tin tức về loại vắc-xin tiềm năng sẽ được cung cấp vào giữa năm 2021. Trong khi đó, thời gian này tiếp tục có nhiều điều chỉnh được thực hiện bởi các bên khác nhau, bao gồm cả khách du lịch trong hệ sinh thái du lịch. Bất chấp việc mở thêm nhiều tuyến du lịch trong ASEAN, mọi người đa phần vẫn giữ tâm lý thận trọng, tiếp tục đề phòng và cân bằng cả về sức khoẻ và kinh tế.

  • Quý I/2022: Du lịch quốc tế được điều chỉnh

Sự tăng trưởng trở lại cuối cùng đã đến vào năm 2022. Du lịch quốc tế bắt đầu mở cửa, khách du lịch phải tự điều chỉnh theo một số thay đổi trong du lịch bao gồm hạn chế các hoạt động tập trung đông người, chú trọng đẩy mạnh các điểm chạm “không tiếp xúc” nhiều hơn. Điều này sẽ dẫn đến tín hiệu rất khả quan với ước tính thị trường sẽ quay trở lại mức 71% của năm 2019.

3. Lộ trình bi quan (Pessimistic)

  • Quý IV/2021: Giới hạn du lịch nội địa

Phục hồi tiếp tục là một thách thức đối với khu vực ASEAN khi vi-rút bùng phát trở lại giữa thời kỳ suy thoái kinh tế lớn và bất ổn do chính trị toàn cầu hỗn loạn. Các điểm đến chủ yếu tập trung nguồn lực của họ vào các vấn đề trong nước và nền kinh tế, trong đó du lịch bị lu mờ hoặc không được chú trọng, so sánh với các lĩnh vực khác.

Mastercard & CrescentRating: Dự báo lộ trình phục hồi du lịch khu vực ASEAN hậu COVID-19

Thay vì du lịch nội khối với viễn cảnh bi quan, du lịch nội địa phát triển

  • Quý III/2022: Cuộc sống mới

Các phương pháp điều trị bằng thuốc vẫn còn nhiều hạn chế. Không có vắc-xin nào được tìm thấy, du lịch tiếp tục bế tắc. Ngoài du lịch trong nước, du lịch nội khối ASEAN và quốc tế chỉ dành cho số ít người được ưu tiên, bao gồm thực hiện những hoạt động giao thương quan trọng hoặc những người có bằng chứng miễn dịch với vi-rút. Toàn ngành sẽ cần thời gian để chấp nhận điều bình thường mới này, với quy mô thị trường du lịch vào năm 2022 dự đoán trở lại ở mức 31% của năm 2019.

  • Từ năm 2022 trở đi: Một cuộc khủng hoảng khác?

Tính bền vững của nền du lịch đang không chắc chắn. Nếu không có bất kỳ sự tăng trưởng nào, ngành du lịch truyền thống sẽ sụp đổ. Chia sẻ kỹ thuật số về những chuyến du lịch trong quá khứ sẽ là phương tiện duy nhất để mọi người trốn thoát, khơi lại những trải nghiệm trong quá khứ và kết nối lại với những địa điểm ảo. Không chắc điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hạnh phúc của họ về lâu dài và bất kỳ tác động tiêu cực nào khác có thể xảy ra ngoài du lịch.

Cho đến nay, ASEAN đã và đang phản ứng mạnh mẽ để chống lại COVID-19 bằng nhiều biện pháp khác nhau do các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch thực hiện. Hợp tác khu vực rộng lớn hơn cũng sẽ giúp giảm thiểu bất kỳ làn sóng nào khác trong tương lai và đem đến một ASEAN mạnh mẽ hơn hậu COVID-19.