“Giảm giá sâu” liệu có phải là phương án tối ưu cho ngành du lịch?
Có lẽ, khi covid-19 xảy ra, du lịch là ngành hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất. Bên cạnh lệnh giãn cách xã hội, khoảng thời gian nghỉ hè ngắn ngủi của trẻ em là một nguyên nhân khiến toàn bộ ngành du lịch “đứng ngồi không yên”. Và để giảm bớt sự sụt giảm doanh thu trầm trọng, nhiều doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh các chương trình giảm giá. Tuy nhiên, giảm giá liệu đã đủ kích cầu du lịch trở lại?
Du lịch thấm đòn nặng nề từ "Cô Vy"
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước. Đến năm 2025. Việt Nam sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chiến lược còn nêu rõ mục tiêu Việt Nam sẽ phấn đấu đạt top ba quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển du lịch và 50 nước có năng lực năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực chưa được bao lâu, cơn địa chấn mang tên “Covid-19” đã giáng một đòn mạnh mẽ xuống tổng thể nền kinh tế, và phần thiệt hại nặng nề nhất thuộc về ngành du lịch.
Nhiều cửa hàng tại Phố cổ Hà Nội đóng cửa vì vắng khách. Nguồn ảnh: Hanoimoi
Từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2020, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm rất mạnh, từ 1,9 triệu xuống còn 400.000 lượt (theo số liệu Ngân hàng thế giới). Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 và 5, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua, lần lượt ở mức 26,2 và 22,7 nghìn lượt, giảm đến 98,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt lượt, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm mạnh, không cần phải nói thì ai cũng ngầm hiểu, chính là từ người "Cô" tên "Vy". Về phần khách nội địa, kể từ tháng 4/2020, khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, du lịch trong nước đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể nhưng số lượng vẫn chưa thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng là 90 triệu khách. Có thể thấy, nhu cầu du lịch vẫn luôn tồn tại song trước những quy định về hạn chế đi lại đã tạo nên những rào cản khiến ngành du lịch khó có thể hồi phục nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Lấy “nguy” làm “cơ”, không khuất phục trước sự ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, các chương trình kích cầu du lịch đã lần lượt được phát động. Bước đà đầu tiên chính là chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hàng từ ngày 1/6 – 31/12/2020. Kéo theo đó là sự ủng hộ của hàng loạt doanh nghiệp du lịch lớn: Vietnam Airlines với chương trình “Thu quyến rũ” chỉ từ 69k/chiều; Sun Group, FLC, Vin Group, Saigontourist, Vietjet,.. cũng lần lượt tung ra voucher nghỉ dưỡng, combo vé máy bay & phòng khách sạn ưu đãi, vé máy bay giá rẻ,…
Nhưng chỉ khuyến mãi thôi liệu đã đủ?
Thực tế, đại dịch không chỉ khiến ngành công nghiệp du lịch rơi vào thế “ế khách”, nó còn thay đổi hoàn toàn thói quen và xu hướng du lịch của người dân.
Để hiểu rõ hơn về sự thay đổi, Hội đồng tư vấn du lịch (gọi tắt là TAB) đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 1.826 người, kéo dài từ 13-19/05. Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban thư ký TAB cho biết, số liệu tổng kết cho thấy có đến 69% người ưu tiên “điểm đến du lịch an ninh và an toàn”. Trong khi đó, lượng người quan tâm đến ưu đãi dịch vụ chỉ chiếm khoàng 19,2%. Vốn dĩ khi đại dịch xảy ra đã kéo theo một lượng tỷ lệ thất nghiệp cao, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, người dân có cơ sở để lo lắng về vấn đề an ninh - ông Chính giải thích thêm về tiêu chí “an ninh” trong lý do lựa chọn của khách hàng. Bên cạnh đó, gần 20% chọn du lịch bằng xe riêng và 40% không ưu tiên di chuyển bằng máy bay. Đồng thời, sau đợt giãn cách xã hội dài ngày, người dân cũng dần chuyển dịch sang xu hướng du lịch cùng người quen, khi có gần 59,8% lựa chọn đi cùng gia đình và 29,2% cùng bạn bè. Dựa trên những số liệu trên có thể thấy, trong tình trạng dịch Covid – 19 chưa được giải quyết triệt để, các lo ngại về sức khỏe vẫn còn kéo dài thì việc nhiều doanh nghiệp tập trung vào chương trình khuyến mãi thôi là chưa đủ. Vì vậy, song song với những ưu đãi, cần khai thác thêm nhiều giải pháp cụ thể khác:
Thứ nhất: Đề cao sự an toàn để trấn an tâm lý du khách
Ngoài việc thực hiện các biện pháp ý tế tức thời như đo thân nhiệt, xịt khử trùng khu vực, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, các doanh nghiệp cần đảm bảo vệ sinh cho dịch vụ vận tải, giấy chứng nhận y tế,…Về vấn đề này, nhiều hàng ăn tại Hà Nội đã triển khai khá tốt, điển hình như việc dựng vách ngăn di động để giảm độ tiếp xúc giữa người với người. Mặc dù, không có một đánh giá chính xác nào cho thấy đây là biện pháp an toàn tuyệt đối nhưng ít ra nó đã tạo được sự an tâm trong tâm lý của khách hàng
Nhiều hàng quán tại Hà Nội đã dùng tấm chắn mica lưu động để tạo sự an tâm cho khách hàng. Nguồn ảnh: Bảo Ngân – Vnexpress
Nguồn ảnh: Bảo Ngân – Vnexpress
Thứ 2: Tập trung xây dựng các tour gia đình
Theo như báo cáo của TAB, khi được hỏi “bạn sẽ du lịch cùng ai”, có đến 59,8% câu trả lời thuộc về gia đình và 29,2% là bạn bè. Bởi tâm lý sau giãn cách kết hợp cùng sự dè chừng về dịch bệnh, người dân thường cảm thấy an tâm hơn khi đi cùng người quen là gia đình hoặc bạn bè thân thuộc. Đặc biệt, chuyến đi càng riêng tư, càng tốt.
Giải thích thêm cho vấn đề này, ông Chính cho biết, đa số doanh nghiệp Việt Nam thường chạy theo số lượng mà không chú trọng vào nhóm khách gia đình. Vốn dĩ có đến 70% du khách Châu Âu, Bắc Mỹ hay Australia đồng ý quay lại Thái Lan là bởi nước này rất đề cao các tour gia đình. Họ có dịch vụ trông trẻ tại resort, nhiều vườn thú để khám phá. Nếu như tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh các tour du lịch, khả năng để thu hút khách hàng quay lại “hậu covid” rất cao.
Thứ 3: Tập trung xây dựng thương hiệu và quảng bá
Sự phát triển “thần tốc” của công nghệ là điều ai cũng nhận ra. Và để phát triển thành công, đặc biệt là phục hồi nhanh chóng sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nắm bắt các công nghệ là điều cần thiết với các công ty, dịch vụ du lịch. Vì thế, việc duy trì mối liên hệ với các OTA (Online Travel Agency), Affiliate network,… để tiếp tục giữu việc tương tác với khách hàng là điều nên làm.
Chẳng hạn, các công ty du lịch, OTA cần chia sẻ càng nhiều thông tin chi tiết càng tốt về kế hoạch trong những tháng sắp tới với các bên đối tác để cùng nhau lên chiến lược quảng bá: Ưu tiên hàng đầu của chiến dịch là gì (an toàn, hoàn đổi chuyến bay,..)? Những chính sách nào sẽ đảm bảo quyền lợi của người dùng? Bằng cách cung cấp thông tin này, thông điệp của thương hiệu sẽ được truyền tải xuyên suốt từ đại lý cho đến khách hàng thông qua các Publisher. Điều này có thể giúp thương hiệu tạo ra ưu thế khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Thứ tư: Nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng sản phẩm du lịch và điểm đến
Mục tiêu này có thể kết hợp cùng các chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Song song với các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, những người làm du lịch nên chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Đối với những nơi có mật độ du lịch thấp hơn, cần có sự phối hợp với các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng cấp độ cộng đồng. Thông qua đó có thể nâng cao điều kiện vệ sinh, cải thiện chất lượng trải nghiệm du lịch dài hạn, thu hút du khách tới tham quan.
Làm quen với trạng thái “bình thường mới” đồng nghĩa với việc những gì ở “bình thường cũ” sẽ rất khó trở lại. Do đó, thích nghi là điều nên được ưu tiên. Tổng kết cho bài viết, xin được dẫn chứng một câu nói của triết gia người Đức - Nietzsche: “Những gì không giết chết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn”. Hy vọng khi đại dịch đi qua, mọi thứ đều trở nên mạnh mẽ hơn trước đây.
(Bài viết có sự tham khảo từ baoquocte.vn, dangcongsan.vn, baochinhphu.vn, vnexpress.vn)