Truyền thông Tết 2021: Sống chung với COVID-19
Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến Xuân về chúng ta thường hay được nghe câu cảm thán hóm hỉnh “Đang yên đang lành, tự nhiên Tết!”. Và trong những ngày này, chắc hẳn không ít người đã phải thốt lên “Đang yên đang lành, Cô Vi quay trở lại!”.
Việc đại dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam sau 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng là một điều đã được dự đoán trước, và nó một lần nữa nhắc nhở chúng ta, cuộc sống có thể sẽ không bao giờ trở lại bình thường như cũ, ít nhất là đến khi tìm ra được vaccine có khả năng khắc chế chủng virus này. Nó nhắc nhở chúng ta, ‘bình thường mới' không phải là một câu khẩu hiệu hô hào, nó là một nếp sống mới mà chúng ta phải chấp nhận.
Vậy cái Tết 'bình thường mới' sẽ có gì khác? Chiến lược truyền thông của các thương hiệu trong mùa Tết có cần điều chỉnh cho phù hợp? Và điều chỉnh ra sao?
Những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương
Với sự xuất hiện của làn sóng COVID thứ nhất tại Việt Nam, và sắp tới có thể là làn sóng thứ 2 và hơn nữa, những hậu quả để lại cho nền kinh tế Việt Nam là rất nặng nề, từ đó nảy sinh những vấn đề về xã hội, đặc biệt là đối với một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Theo người đứng đầu tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, ông Chang-Hee Lee, những nhóm này bao gồm: Người lao động phi chính thức, Lao động di cư và Phụ nữ.
Hơn 70% dân số lao động Việt Nam hiện đang làm các công việc phi chính thức. Họ không được ký hợp đồng lao động, và phần lớn không được bảo vệ về thu nhập, chăm sóc y tế và hưởng các chế độ phúc lợi xã hội khác. Nhóm lao động di cư trong nước cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cả 2 nhóm này đều làm việc trong những lĩnh vực chịu khủng hoảng việc làm nặng nề nhất.
Trong 4 lĩnh vực được ILO đề cập chịu ảnh hưởng lớn nhất từ COVID-19 là Dịch vụ lưu trú và ăn uống, Sản xuất, Thương mại bán buôn và bán lẻ, Bất động sản và hoạt động kinh doanh, tỉ lệ lao động nữ chiếm tới 44,1%, trong khi nam giới là 30,4%. Phụ nữ cũng là người chăm sóc chính cho các đối tượng phụ thuộc là trẻ em và người già. Vì vậy khi việc làm và thu nhập của họ bị ảnh hưởng sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực đến các đối tượng này.
Hơn ai hết, các nhóm đối tượng này cần sự trợ giúp của toàn xã hội, đặc biệt là về mặt truyền thông để tiếng nói của họ được lắng nghe, những khó khăn của họ được sản sẻ.
Có gì mới trong nhịp sống bình thường?
Trong những nhu cầu của con người, có lẽ nhu cầu về an toàn là một trong những nhu cầu căn bản nhất. Và trong một thế giới đầy biến động và thay đổi với một tốc độ khó lường như hiện nay, nhu cầu về an toàn lại càng được đặt lên hàng đầu. Sự ưu tiên này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng như trong mùa lễ hội: Ở nhà nhiều hơn, ra ngoài ít hơn; tụ tập nhóm nhỏ nhiều hơn; tham gia vào các sự kiện đông người ít hơn; cơm nhà nhiều hơn, cơm tiệm ít hơn... Nắm bắt được tâm lý này sẽ giúp các nhãn hàng phát triển các thông điệp và hoạt động truyền thông phù hợp và hiệu quả.
Ngoài những hậu quả để lại, COVID-19 cũng giúp mang trở lại những giá trị mà trong cuộc sống hiện đại đôi khi bị lãng quên và không được đề cao.
- Cách ly xã hội giúp cho người ta nhận ra giá trị của việc sống chậm hơn, quan tâm và để ý đến những người xung quanh mình nhiều hơn.
- Làm việc tại nhà giúp cho người ta nhận ra giá trị của tình thân, sự gắn bó ruột thịt, giá trị của gia đình.
- Làm việc từ xa cũng giúp cho người ta nhận ra giá trị tích cực của công nghệ, giúp kết nối con người vượt mọi ranh giới về địa lý và thời gian.
- Hàng trăm ngàn người nằm xuống vì dịch bệnh trên khắp thế giới giúp người ta nhận ra giá trị của sức khoẻ và lối sống lành mạnh.
- Những bầu trời, dòng sông trong lành trở lại vì vắng tác động của con người giúp người ta nhận ra giá trị của việc sống xanh hơn, có trách nhiệm hơn.
Các nhãn hàng nếu biết khéo léo lồng ghép những giá trị này vào những tập tục truyền thống, những thói quen và hành vi hiện hữu vào dịp Tết sẽ giúp tạo gắn kết tốt hơn với người tiêu dùng, và mang lại thiện cảm lớn hơn đối với thương hiệu.
Việt Nam hậu COVID-19 cũng chứng kiến những biến chuyển lớn về thói quen và hành vi tiêu dùng. Quãng thời gian cách ly xã hội dài ngày góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi lối sống từ offline qua online, từ cách thức giải trí, mua sắm, ăn uống đến học tập và làm việc.
Nếu trước đây hoạt động kích hoạt thương hiệu tại các siêu thị và trung tâm thương mại lớn là một phần không thể thiếu và chiếm một khoản ngân sách không nhỏ của chiến dịch marketing Tết thì có lẽ năm nay, các kênh thương mại điện tử sẽ nổi lên như một điểm chạm mới đầy tiềm năng giữa các nhãn hàng và người tiêu dùng vào dịp năm mới. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang dần tạo được thói quen sử dụng cho người dùng và trở thành một nền tảng mới để các thương hiệu tiếp cận với đối tượng mục tiêu của mình.
Một vài gợi ý cho thương hiệu
Có công nghệ, tết xa hoá gần
Tết là thời điểm để tụ tập, để chia sẻ niềm vui thì giờ đây, điều này trở thành mối lo cho nhiều người trong bối cảnh bình thường mới. Những hoạt động truyền thống trong ngày Tết mà cần phải đến nhà, gặp mặt nhau thì giờ đây đều có thể hiện thực hoá bằng công nghệ như: lì xì, gửi lời chúc online; số hoá các trò chơi dân gian vào dịp Tết để mọi người cùng chơi.
Cho môi trường “nghỉ Tết”
Ngoài việc sử dụng công nghệ để giúp NTD tăng giá trị kết nối trong mùa Tết, thì công nghệ còn có thể ứng dụng trong việc bảo vệ môi trường. Văn hoá thả cá chép mỗi năm đều gây rất nhiều tranh cãi vì số lượng túi ni lông thải ra gây ô nhiễm nặng nề. Để giảm tải mối lo trên, thương hiệu có thể đề xuất hoạt động thả cá chép online. Điều này sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường nhưng vẫn giữ được nét truyền thống độc đáo khi vào Tết.
Tết thêm khoẻ, thêm an lành
Trước đại dịch COVID, Tết là khoảng thời gian mọi người thường thả lỏng hơn về vấn đề sức khoẻ như một cách thưởng cho bản thân sau một năm làm việc, học tập vất vả. Thức khuya để giải trí, ăn uống thất thường và kém lành mạnh, bỏ qua việc tập thể dục... là những hoạt động ‘bình thường cũ’ nhưng trong bối cảnh bình thường mới, các thương hiệu có thể khuyến khích người tiêu dùng thay đổi sang những thói quen tốt cho sức khoẻ hơn như: quay những video ngắn hướng dẫn những bài tập nhanh tại nhà giúp ngủ ngon/ tiêu hóa tốt; các bài tập rèn luyện và duy trì thể lực bằng những dụng cụ thể thao có tại nhà…, đặc biệt các thương hiệu về thực phẩm có thể hướng dẫn nấu những món ăn truyền thống theo hướng tốt cho sức khoẻ hơn hoặc nấu chay. Bên cạnh đó, sức khoẻ tinh thần cũng là một lĩnh vực các thương hiệu có thể khai thác.
Tết sẻ chia
Đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vì những hậu quả của COVID bao gồm: người lao động phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ, sẽ thật khó khăn cho họ về mặt tài chính để có thể chuẩn bị và chào đón một cái Tết trọn vẹn, đầm ấm. Với mục đích lan toả tiếng nói của người trong cuộc và hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn của họ, thương hiệu có thể đề xuất các hoạt động quyên góp cho các đối tượng này thông qua việc mua sắm ngày Tết, ví dụ như với đơn hàng 1 triệu đồng, nhãn hàng sẽ trích 100 ngàn đồng vào quỹ hỗ trợ các đối tượng phụ nữ gặp khó khăn trong đợt COVID...
Sống chậm ngày Tết
Nếu Tết trước COVID là vội vã chuẩn bị đón Tết: đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, thì Tết sau COVID sẽ là những khoảnh khắc sống chậm để con người cảm nhận rõ hơn về tình cảm xung quanh mình. Để gắn kết việc sống chậm trong Tết mới, thương hiệu có thể có thể đề xuất các ‘bucket list’ sống chậm ngày Tết như: học gói bánh chưng cùng ông bà, trồng mầm xanh khởi đầu năm mới, cùng mẹ tập yoga để dáng thon đón Tết… Khi hoàn thành bucket list nhãn hàng đưa ra, NTD sẽ nhận được những gói quà hoặc voucher giảm giá, cơ hội trúng thưởng du lịch...
Sẽ rất khó để tìm ra một công thức thành công cho các nhãn hàng vào dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, trong một hoàn cảnh chưa từng có tiền lệ. Nhưng có một nguyên tắc căn bản mà mọi thương hiệu đều có thể dựa vào, đó là ứng xử và giao tiếp với người tiêu dùng như người với người. Trước khi là một doanh nghiệp xuất sắc, hãy là một công dân có trách nhiệm.
Nếu bạn đã chuẩn bị hoạch định cho kế hoạch Tết của thương hiệu và có nhiều băn khoăn, hãy liên lạc với chúng tôi: [email protected]
Pencil Group là một creative agency độc lập, được phát triển cùng với digital agency DigiPencil có thế mạnh về vận dụng công nghệ, kết hợp với sự am hiểu con người để tạo nên những ý tưởng truyền thông sáng tạo có dấu ấn đậm nét, mang lại hiệu quả kinh doanh tối ưu và được hưởng ứng trong cộng đồng. Nhân sự của Pencil Group là sự kết hợp của đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm từ các agency quốc tế lớn và lớp tài năng trẻ nhiệt huyết, giàu sức sáng tạo và nhạy bén xu hướng. Trong suốt hơn 5 năm hoạt động, Pencil Group đã hợp tác với hơn 150 nhãn hàng lớn nhỏ, phần lớn nhờ vào sự tin tưởng và giới thiệu của các marketer trong ngành.
Tìm hiểu thêm về Pencil Group tại đây.