Inbound Marketing là gì? Chiến lược Inbound Marketing trong từng giai đoạn
Tập trung tạo ra giá trị để thu hút người dùng tự tìm đến doanh nghiệp, sau đó chuyển đổi thành khách hàng chính là nhiệm vụ của Inbound Marketing. Vậy thực chất Inbound Marketing là gì, chiến lược Inbound Marketing được thực hiện như thế nào để làm được điều đó? Tất cả sẽ được GOBRANDING giải đáp trong bài viết này.
1. Inbound Marketing là gì?
Inbound Marketing là chiến lược Marketing được thực hiện dựa trên việc tạo ra các giá trị hữu ích cho người dùng, nhằm mục đích giúp họ chủ động tìm đến sản phẩm của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tiếp cận, nuôi dưỡng, tăng tỷ lệ chuyển đổi trên các khách hàng này.
Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên bởi Hubspot – công ty chuyên phát triển các phần mềm hỗ trợ Marketing và bán hàng. Hubspot mô tả quá trình tiếp thị Inbound diễn ra trong ba giai đoạn: Attract (Thu hút) – Engage (Tiếp cận) và Delight (Làm hài lòng). Vì vậy, một chiến lược Inbound Marketing hoàn hảo cần phối hợp nhiều kênh tiếp thị với nhau trong từng giai đoạn. Cách phối hợp sẽ được GOBRANDING phân tích cụ thể ở phần sau.
Bây giờ, bạn cần biết vì sao Inbound Marketing lại là chiến lược Marketing dẫn đầu xu hướng.
- Inbound Marketing thu hút khách hàng một cách tự nhiên, chủ động và hiệu quả.
- Inbound Marketing giúp doanh nghiệp luôn có mặt khi khách hàng cần (thông qua công cụ tìm kiếm).
- Inbound Marketing tạo niềm tin cho khách hàng về thương hiệu.
Tóm lại, Inbound Marketing là quá trình tạo nên các nội dung chất lượng và hữu ích (nội dung website, nội dung blog, nội dung tài liệu,…) để làm thỏa mãn nhu cầu người dùng, sau đó phối hợp một chuỗi các công cụ tiếp thị khác để biến họ thành khách hàng. Hay nói cách khác, thành phần chính của quá trình này là Content Marketing.
Hành trình chuyển đổi từ người dùng có nhu cầu thành khách hàng được thực hiện một cách tự nguyện, không bị làm phiền bằng những thông tin spam. Inbound Marketing sẽ tiếp cận vào từng giai đoạn mua hàng của người dùng.
- Người dùng có nhu cầu hoặc vấn đề cần giải quyết sẽ tự tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ họ cần.
- Họ bắt đầu so sánh giữa các thương hiệu với nhau trước khi mua hàng.
- Doanh nghiệp sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, tạo ra các giá trị để nuôi dưỡng, thuyết phục ý định người dùng lựa chọn sản phẩm của mình.
Ba giai đoạn trong mô hình Inbound Marketing.
2. Sự khác biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing
Nghe qua cái tên Inbound Marketing và Outbound Marketing, bạn cũng có thể mường tượng được đây là hai phương pháp Marketing hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng để đi sâu vào tìm hiểu sự khác nhau giữa hai phương pháp này, bạn cần biết thêm Outbound Marketing là gì?
Outbound Marketing là phương pháp Marketing truyền tải thông điệp đến khách hàng một cách tràn lan, bắt người dùng phải tiếp nhận thông điệp của mình, mặc dù trong số đó có người không phải là khách hàng tiềm năng.
Các hình thức Marketing thuộc Outbound phổ biến như: quảng cáo TVC trên tivi, telesales, đặt banner quảng cáo ngoài trời, quảng cáo Google Display,… Qua đây có thể thấy Outbound Marketing đa phần là các cách Marketing truyền thống, khá quen thuộc với mọi người. Những hình thức này phù hợp với mục đích tăng nhận diện thương hiệu, nhưng hạn chế trong việc kiểm soát nhóm khách hàng tiềm năng, khó tối ưu chi phí.
Ví dụ: Cùng là sản phẩm xe gắn máy: Outbound Marketing được triển khai bằng cách đặt biển quảng cáo ngoài trời, tại những vị trí giao lộ; Inbound Marketing viết bài mô tả về sản phẩm trên website, sau đó dùng SEO để nội dung được hiển thị trên trang nhất kết quả tìm kiếm.
Hãy thử hình dung, nếu bạn là người muốn mua xe máy, thì bạn sẽ chọn mua ngay sản phẩm trên banner quảng cáo, hay đi tìm hiểu về sản phẩm trên internet trước khi quyết định? GOBRANDING chắc với bạn là hơn 90% người dùng sẽ lựa chọn cách tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên internet.
Với cách quảng bá sản phẩm trên biển quảng cáo ngoài trời, bất kỳ ai đi qua vị trí giao lộ cũng có thể nhìn thấy sản phẩm này, giúp doanh nghiệp đạt được mục đích tăng nhận diện thương hiệu. Trong khi đó, nội dung tìm thấy trên internet sẽ tập trung được nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, giúp doanh nghiệp chọn lọc được những khách hàng đang có nhu cầu để chăm sóc.
Bây giờ chúng ta cùng đi sâu hơn vào những điểm khác biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing, để thấy được đâu là cách Marketing hiệu quả hơn.
Inbound Marketing và Outbound Marketing là hai phương pháp hoàn toàn trái ngược nhau.
2.1. Outbound Marketing tiếp cận một chiều – Inbound Marketing tương tác hai chiều
Sở dĩ GOBRANDING nhận định như vậy vì hành vi của người dùng đã thay đổi, họ muốn chủ động kiểm soát thông tin mà mình cần, thay vì phải tiếp nhận những không tin không đúng nhu cầu.
- Với Outbound Marketing doanh nghiệp chủ động truyền tải thông điệp một chiều đến người dùng: doanh nghiệp cung cấp thông tin => người dùng. Lúc này người dùng bắt buộc phải tiếp nhận thông tin, mặc dù họ cảm thấy không hứng thú với điều đó.
Ví dụ: Khi đang xem một chương trình trên tivi, bạn sẽ bị gián đoạn bởi các đoạn quảng cáo chen ngang. Điều này tạo cho người xem cảm giác khó chịu khi phải tiếp nhận thông tin mình không mong muốn. Đôi khi còn gây phản tác dụng là mỗi khi có quảng cáo, người xem sẽ chuyển kênh hoặc tắt tivi.
Outbound Marketing chỉ truyền tải thông tin một chiều đến khách hàng.
- Ngược lại, Inbound Marketing sẽ tiếp thị từ chính nhu cầu của khách hàng. Lúc này, quá trình tương tác hai chiều sẽ diễn ra: người dùng có nhu cầu <=> doanh nghiệp sẽ đáp ứng. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là tạo ra những nội dung hữu ích để phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng, từ đó thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp.
Ví dụ: Cũng với video được quảng cáo qua tivi bên trên, nhưng doanh nghiệp lựa chọn cách triển khai Inbound Marketing là đăng video này trên kênh Youtube của doanh nghiệp. Bây giờ, khi khách hàng có nhu cầu về sản phẩm sẽ tìm kiếm trực tiếp trên các kênh liên quan. Nếu nội dung của video đủ hấp dẫn và lôi cuốn, thì khách hàng sẽ để lại thông tin liên hệ.
Qua đây bạn có thể thấy, Inbound Marketing đang nắm bắt kịp thời xu hướng của người dùng là chỉ giải đáp thông tin khi khách hàng cần. Outbound Marketing có thể gây spam thông tin, không đúng đối tượng khách hàng, lãng phí tài nguyên.
2.2. Dạng nội dung truyền tải giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing
Đa số các thông điệp được gửi từ Outbound Marketing thường cung cấp đến 80% các thông tin liên quan trực tiếp tới sản phẩm, 20% là những nội dung hữu ích. Ngược lại, bên cạnh các thông tin cơ bản về sản phẩm (chiếm từ 10 – 20% trên website), Inbound Marketing còn tập trung phát triển nội dung hữu ích ở nhiều chủ đề khác trong ngành, để chăm sóc và nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng.
Ví dụ: Doanh nghiệp của bạn bán sản phẩm là bình giữ nhiệt. Nếu là Outbound Marketing, thì đa phần các thông tin được quảng bá sẽ là: công dụng, các thông số kỹ thuật, màu sắc,.. của sản phẩm. Tuy nhiên khi triển khai bằng hình thức Inbound Marketing, bạn có thể lên một chuỗi các nội dung liên quan như:
- Ưu nhược điểm khi dùng bình giữ nhiệt.
- Cách vệ sinh bình giữ nhiệt.
- Phân loại bình giữ nhiệt.
- ….
Những nội dung này không liên quan trực tiếp đến mục tiêu bán hàng của doanh nghiệp, nhưng nó có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận và nuôi dưỡng được những khách hàng tiềm năng.
2.3. Mục đích của Inbound Marketing là thu hút khách hàng – Outbound Marketing là tìm kiếm khách hàng
Outbound Marketing làm mọi cách để “đập thông tin” vào mắt người dùng nhằm tạo sự chú ý, mong muốn tìm ra khách hàng tiềm năng trong số những người nhìn thấy nội dung được quảng bá.
Ví dụ: Một list danh sách khoảng 100 số điện thoại được doanh nghiệp mua lại từ bên thứ 3 để triển khai Outbound Marketing, áp dụng cách gọi điện trực tiếp từng người, tư vấn về sản phẩm để tìm kiếm khách hàng. Chắc chắn với 100 số điện thoại này, người gọi không hề biết đâu là người có nhu cầu về sản phẩm. Mọi hoạt động Outbound Marketing lúc này như “mò kim đáy bể”, và trông chờ vào may mắn để tìm ra ít nhất 1 người trong danh sách này có hứng thú về sản phẩm mà bạn tư vấn.
Telesale là một hình thức của Outbound Marketing.
Inbound Marketing không sử dụng tài nguyên một cách lãng phí để tiếp cận những người không có nhu cầu như vậy. Ngược lại, nó tập trung vào việc thu hút khách hàng tự tìm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Inbound Marketing còn lấy khách hàng làm trung tâm, triển khai mọi hoạt động Marketing đều dựa trên nhu cầu của khách hàng.
Ví dụ: Bạn sáng tạo các nội dung hữu ích trên website dựa theo những từ khóa được khách hàng quan tâm và tìm kiếm nhiều. Sau đó sử dụng SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) để đưa những nội dung này lên top Google, khi khách hàng tìm kiếm về các thông tin này nội dung của bạn sẽ “trả lời” truy vấn, thu hút người đọc để lại thông tin liên hệ.
Inbound Marketing luôn đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng ở mọi thời điểm.
Bạn có thể xem qua thông tin sau để thấy chi tiết hơn về sự khác biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing:
Inbound Marketing
- Tính tương tác: Hai chiều giữa doanh nghiệp và người dùng.
- Kênh triển khai: SEO, Content Marketing, Social Media, Email Marketing có chọn lọc,...
- Nội dung: Cung cấp hàng loạt thông tin hữu ích, có giá trị xoay quanh nhiều chủ đề trong ngành cho người dùng.
- Đối tượng khách hàng:Chỉ những khách hàng có nhu cầu liên quan đến sản phẩm, dịch vụ.
Outbound Marketing
- Tính tương tác: Một chiều từ doanh nghiệp đến người dùng.
- Kênh triển khai: Tivi, banner, telesale, báo chí,...
- Nội dung: Đa phần là các thông tin liên quan trực tiếp đến sản phẩm, dịch vụ. Số lượng thông tin hữu ích có hạn.
- Đối tượng khách hàng: Đa dạng, tất cả các khách hàng.
Từ những điểm khác biệt trên, bạn có thể thấy Inbound Marketing mang những ưu điểm như:
- Tiết kiệm chi phí thực hiện.
- Tiếp cận khách hàng tiềm năng tốt hơn và chính xác hơn.
- Đáp ứng sở thích xem những thông tin tự nhiên hơn quảng cáo của khách hàng.
- Lợi ích mang lại bền vững theo thời gian.
Bên cạnh đó, bạn cũng thấy lợi thế của Outbound Marketing là tiếp cận được nhiều người dùng hơn, làm tăng mức độ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp. Vì vậy, bạn không nên loại bỏ Outbound Marketing khỏi chiến lược Marketing của mình.
3. Chiến lược Marketing trong từng giai đoạn của Inbound Marketing
Với nội dung GOBRANDING cung cấp bạn có thể định nghĩa được Inbound Marketing là gì. Nhưng nếu muốn thực thi được một chiến lược Inbound Marketing xuyên suốt từ giai đoạn thu hút khách hàng đến khi họ thực hiện chuyển đổi, thì đây không phải là điều dễ dàng. Trong từng giai đoạn, bạn cần biết nên sử dụng công cụ nào, phối hợp ra sao để mang lại hiệu quả tốt nhất.
3.1. Giai đoạn Attract – Thu hút
Giai đoạn Attract trong mô hình Inbound Marketing.
Thu hút ở đây không phải cứ tiếp cận càng nhiều người càng tốt, với Inbound Marketing chỉ cần thu thút đúng đối tượng, đúng nhóm người có nhu cầu và có khả năng trở thành khách hàng tiềm năng là thành công. Mặc khác, thu hút cũng không nhất thiết phải chen ngang vào giữa quá trình của người dùng, mà chỉ cần xuất hiện đúng lúc họ cần. GOBRANDING lý giải điều này để bạn phân biệt được giữa thu hút và cố tình gây sự chú ý là hoàn toàn khác nhau.
Lúc này muốn thu hút được đúng đối tượng khách hàng bạn cần “chạm được điểm đau” của họ (xuất hiện khi khách hàng cần), sau đó “xoa dịu và chữa lành” nó (cung cấp thông tin có giá trị). Để làm được điều này, bạn cần có chiến lược xây dựng nội dung và quảng bá đúng đắn qua các hoạt động:
- Content Marketing: trong mọi chiến dịch Marketing nội dung luôn là yếu tố cốt lõi, và trong Inbound Marketing nó cũng không ngoại lệ. Nội dung có thể chia thành nhiều loại (mô tả sản phẩm, chăm sóc khách hàng, cung cấp thông tin…), nhưng dù ở hình thức nào thì trong Inbound Marketing bạn cũng phải đảm bảo nội dung đáp ứng được nhu cầu của người dùng, giải đáp được những truy vấn của họ. Do đó muốn làm Inbound Marketing tốt, thì ngoài những nội dung cơ bản về sản phẩm, dịch vụ, website của bạn nên có mục blog để “làm giàu” mọi thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình. Sau đó, sử dụng những nội dung này để thu hút truy cập từ những khách hàng quan tâm.
Ví dụ: Trên website gobranding.com.vn, ngoài danh mục dịch vụ dẫn đến các landing page bán hàng, còn có mục blog chứa các thông tin liên quan đến các lĩnh vực như: SEO & Google, Website & Marketing Online, Content Marketing để cung cấp các nội dung hữu ích cho khách hàng. Đây là những nội dung thu về lượng traffic chính cho website GOBRANDING.
Nội dung trên website GOBRANDING.
- SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm): Tiếp theo, khi website đã có nội dung bạn cần tiến hành tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, để khách hàng có thể tìm thấy thông tin của bạn khi họ cần. Đây là cách để website của bạn trở nên nổi bật trước hàng ngàn website khác, để thông tin của bạn tiếp cận và thu hút đúng khách hàng có nhu cầu. Ngoài ra, SEO còn giúp bạn hạn chế việc lãng phí tiền, bạc đối với những khách hàng ảo, mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài.
Ví dụ: Các nội dung trên website GOBRANDING được tối ưu theo đúng các tiêu chuẩn trong SEO như: từ khóa, trải nghiệm người dùng, chất lượng nội dung,… Cho nên, kết quả luôn xuất hiện ở những vị trí cao trên Google. Khi có khách hàng tìm kiếm các từ khóa được làm SEO, nội dung sẽ nhanh chóng tiếp cận khách hàng, dẫn dắt về website. Chẳng hạn khi tìm kiếm từ khóa “Viral Marketing là gì” bạn sẽ thấy kết quả trả về website của GOBRANDING đang đứng vị trí đầu tiên.
SEO từ khóa giúp website của bạn luôn có thứ hạng cao trên Google.
- Social Media: Bạn không thể bỏ qua kênh Marketing tiềm năng này khi làm Inbound Marketing. Các phương tiện truyền thông không chỉ giúp tăng lượng truy cập đến website, mà còn là kênh để khách hàng theo dõi các thông tin của doanh nghiệp, tăng mức độ nhận diện thương hiệu. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng nội dung trên website để đăng tải trên các kênh mạng xã hội, nhằm tạo ra các backlink chất lượng, hỗ trợ quá trình SEO hiệu quả hơn.
Ví dụ: Để thu hút những khách hàng đang theo dõi fanpage của GOBRANDING truy cập vào website, mỗi bài viết sau khi được xuất bản sẽ post trên fanpage nhằm tiếp cận ngay với những người đang theo dõi.
Nội dung trên website GOBRANDING được đăng tải trên fanpage.
Trong giai đoạn thu hút này, để hấp dẫn được đúng khách hàng tiềm năng bạn cần lấy nội dung làm yếu tố cốt lõi, sau đó kết hợp với SEO và các kênh mạng xã hội khác để tăng nhận diện thương hiệu, tăng lượng truy cập của khách hàng đến website.
3.2. Giai đoạn Engage – Tiếp cận
Giai đoạn Engage trong mô hình Inbound Marketing.
Sau khi đã thu hút được khách hàng vào website, bạn chuyển sang giai đoạn hai là tiếp cận, kết nối và tương tác với nhóm khách hàng tiềm năng để nuôi dưỡng, tạo ra chuyển đổi. Nhiệm vụ lúc này của bạn chính là làm sao để khách hàng để lại thông tin, hoặc tiếp tục tham gia vào quá trình tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp.
Tại đây, bạn có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để thu thập dữ liệu từ nhiều nhóm khách hàng như:
- Sử dụng Landing page bán hàng: cách này giúp bạn tiếp cận được những khách hàng quan tâm, muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm trước khi quyết định có tiếp tục hành trình mua hàng không. Thông qua nội dung thu hút khách truy cập, bạn dẫn dắt khéo léo để kéo khách hàng về Landing page bán hàng. Tại đây, hãy thiết kế nội dung và bố cục thật lôi cuốn, mang tính thúc đẩy đến hành vi của người dùng chuyển thành khách hàng.
- Sử dụng biểu mẫu: Biểu mẫu, hay form đăng ký thông tin nhận tư vấn được gắn trực tiếp trên website cực kỳ hiệu quả với những khách hàng có nhu cầu muốn mua sản phẩm.
- Sử dụng CTA: với lời kêu gọi hành động, bạn có thể ứng dụng ở nhiều trường hợp khác nhau. Chẳng hạn như:
+ Đặt CTA dẫn về Landing page bên trên, dành cho những khách hàng muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm, dịch vụ.
+ Đặt CTA kêu gọi khách hàng đăng ký thông tin trực tiếp trên trang blog hoặc trang bất kỳ, dành cho những khách hàng thật sự quan tâm và muốn mua sản phẩm.
+ Đặt CTA khuyến khích người dùng nhận tài liệu miễn phí, tham gia sự kiện,… giúp tiếp cận những khách hàng chưa có nhu cầu về sản phẩm, để doanh nghiệp có thể nuôi dưỡng dần.
+ Đặt CTA kêu gọi để lại thông tin trên các kênh social khác.
Hoàn thành giai đoạn Engage là bạn đã chuyển đổi được một phần người dùng trên website và các kênh social khác thành các Lead (khách hàng tiềm năng). Đồng thời trong giai đoạn này, bạn có thể phối hợp các cách trên để tạo ra hiệu quả nhất thay vì thực hiện riêng lẻ.
Ví dụ: Ở mỗi bài blog của website GOBRANDING đều có:
- Lời kêu gọi hành động kèm với form đăng ký ở cuối bài: thu thập thông tin những khách hàng thật sự quan tâm và muốn tư vấn về dịch vụ SEO.
- Liên kết dẫn dắt về Landing Page bán hàng hoặc bài blog khác: kết nối, dẫn dắt những khách hàng muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ trước khi đưa ra quyết định có nên để lại thông tin không. Đồng thời, trong Landing page này, vẫn kết hợp đặt form, CTA để khuyến khích người dùng để lại thông tin.
- Biểu mẫu điền thông tin nhận ebook được đặt cố định ở Sidebar: giúp bất kỳ khách hàng nào truy cập vào các bài viết của GOBRANDING (bao gồm khách hàng tiềm năng và khách hàng có quan tâm đến các thông tin chuyên ngành nhưng chưa có nhu cầu về sản phẩm) có thể đăng ký email để nhận ebook miễn phí.
Các thành phần luôn luôn có trên các bài blog của GOBRANDING.
3.3. Giai đoạn Delight – Làm hài lòng
Từ những Lead đã để lại thông tin trong giai đoạn 2, bạn sẽ phân loại xem khách hàng của mình đang ở trong giai đoạn nào của quá trình mua hàng để thực hiện các hoạt động Inbound Marketing hợp lý nhất. Bằng cách kiểm tra xem khách hàng của mình đã thực hiện chuyển đổi ở đâu trong quá trình mua hàng, bạn sẽ có những chiến lược chốt sale và chăm sóc phù hợp.
Chiến lược chốt sale
Với những khách hàng đã để lại đầy đủ thông tin liên hệ như tên, số điện thoại, địa chỉ email,… tại form đăng ký tư vấn hoặc trên các kênh social, bạn có thể bắt đầu triển khai chiến lược chốt sale ngay tại giai đoạn này.
- Liên hệ để tư vấn trực tiếp: những thông tin thu thập được bạn sẽ chuyển về cho bộ phận Sale để họ liên hệ tư vấn trực tiếp về sản phẩm, dịch vụ, thuyết phục họ mua hàng. Tuy nhiên không phải 100% Lead trong nhóm này đều chuyển thành khách hàng, cho nên bạn cần có một hệ thống CRM để giúp các nhân viên theo dõi và quản lý được từng giai đoạn cần khai thác của khách hàng.
Sau khi đã tư vấn về dịch vụ bạn có thể phân nhóm Lead thành những loại sau:
+ Lead đã chuyển đổi thành khách hàng: bạn chuyển sang giai đoạn chăm sóc khách hàng.
+ Lead có nhu cầu nhưng vẫn muốn “dạo quanh website”: cung cấp thêm các ưu đãi, chương trình khuyến mãi.
+ Lead chưa thể chuyển đổi thành khách hàng: chuyển sang giai đoạn nuôi dưỡng khách hàng.
-
Cung cấp một chương trình khuyến mãi: tung ra chương trình khuyến mãi đủ hấp dẫn, đúng thời điểm giúp doanh nghiệp tăng cơ hội chốt đơn thành công, thúc đẩy các Lead ở gần cuối kênh bán hàng thực hiện chuyển đổi.
Chiến lược nuôi dưỡng khách hàng
Nhóm khách hàng cần nuôi dưỡng lâu dài bao gồm: khách hàng để lại thông tin ngoài mục đích mua hàng (đăng ký nhận tài liệu miễn phí, đăng ký nhận thông tin, đăng ký tham gia hội thảo,…) và khách hàng chưa chuyển đổi ở giai đoạn chốt sale. Chiến lược nuôi dưỡng khách hàng được thực hiện qua các kênh như:
- Tự động hóa Marketing: thay vì phải gửi thủ công đến từng Lead đăng ký nhận tài liệu miễn phí, bạn có thể sử dụng các phần mềm tự động hóa Email Marketingđể khi có khách hàng đăng ký sẽ tự động gửi tài liệu đến họ. Hay cài đặt các phần mềm trả lời tự động như chatbot, tawk.to,… trên website.
- Email Marketing: lên kế hoạch gửi Email Marketing đến những khách hàng chưa chuyển đổi ở giai đoạn chốt sale, và những khách hàng đăng ký email nhận thông tin nhằm mục đích nuôi dưỡng và xây dựng lòng tin một cách từ từ. Bên cạnh đảm bảo nội dung bên trong email chất lượng, phù hợp, bạn cũng nên tạo tiêu đề, mô tả của email thật hấp dẫn để thu hút lượt click.
- Social Media: Tiếp tục tận dụng các nền tảng truyền thông xã hội trong giai đoạn này để truyền tải thông điệp, nội dung đến khách hàng cũng là một cách nuôi dưỡng hiệu quả.
Chiến lược chăm sóc khách hàng
Trong Inbound Marketing, chăm sóc khách hàng là một việc làm cần thiết và bắt buộc phải có. Bởi sau khi các Lead chuyển đổi thành khách hàng, họ vẫn chưa dừng lại ở việc chỉ sử dụng sản phẩm của bạn, mà còn đưa ra phản hồi và cảm nhận. Điều này tác động trực tiếp đến quyết định mua hàng của những người dùng phía sau. Cho nên, quá trình chăm sóc khách hàng chính là việc nâng cao sự hài lòng của khách đối với các sản phẩm, dịch vụ của công ty:
- Chính sách miễn phí vận chuyển, cam kết bảo hành.
- Chính sách hoàn phí.
- Ưu đãi cho khách hàng vào các dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ,…
- Hỗ trợ khách hàng 24/7.
- ….
Giai đoạn Delight trong mô hình Inbound Marketing.
4. Doanh nghiệp nên phối hợp giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing như thế nào?
Mặc dù Inbound Marketing mang nhiều ưu điểm vượt trội hơn Outbound Marketing, nhưng bạn không nên loại bỏ hoàn toàn phương pháp Marketing này. Thay vào đó, bạn hãy kết hợp Inbound Marketing và Outbound Marketing lại với nhau. Bởi ở mỗi phương pháp sẽ có những thế mạnh riêng: Outbound Marketing giúp tiếp cận khách hàng trên diện rộng, tăng nhận thức cao hơn về thương hiệu; Inbound Marketing lại chọn lọc và tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng. Vì vậy khi phối hợp Inbound Marketing và Outbound Marketing với nhau sẽ tạo ra sự cộng hưởng tối đa.
4.1. Phân phối nội dung trên cả Inbound Marketing và Outbound Marketing
Nội dung bạn sáng tạo trên website cực kỳ hấp dẫn và thu hút, nhưng nếu không ai đọc được thì cũng chẳng có giá trị gì. Cho nên bạn cần có chiến lược phân phối nội dung phù hợp để quảng bá đến khách hàng tiềm năng.
SEO (một hình thức của Inbound Marketing) là cách giúp bạn truyền tải nội dung đến đúng khách hàng mình mong muốn nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp website bạn chưa đủ mạnh để giúp nội dung lên top, hay bài viết của bạn hấp dẫn nhưng lại không chứa từ khóa để làm SEO,… thì lúc này cần kết hợp với Outbound Marketing để nội dung được nhiều người biết đến hơn:
- Nhờ đội ngũ nhân viên Sale giới thiệu các bài viết trên website.
- Chạy quảng cáo một nội dung hữu ích trên Social Media để khơi gợi nhu cầu khách hàng.
- Quảng cáo trên Google để tăng lượng truy cập vào website.
Bằng những hình thức Outbound Marketing trên, website của bạn ngày càng được nhiều người biết đến. Và khi lượng truy cập hay thương hiệu được nhiều người quan tâm hơn, là lúc bạn có thể triển khai các hoạt động Inbound Marketing một cách hiệu quả hơn.
4.2. Xây dựng website và cả đội ngũ Sale chuyên nghiệp
Xây dựng website giúp doanh nghiệp của bạn luôn có mặt khi khách hàng tìm kiếm thông tin. Một phần website giúp nuôi dưỡng khách hàng, nhưng cũng góp phần tạo ra các Lead tiềm năng một cách nhanh chóng. Bởi khi người dùng thật sự có nhu cầu về sản phẩm, họ sẽ dạo quanh website và để lại thông tin liên hệ ngay trên này. Tuy nhiên trong một số trường hợp cấp bách, hệ thống Inbound Marketing không thể tạo ra đơn hàng, không thu thập được Lead thì Telesales luôn sẵn sàng hỗ trợ kịp thời.
Do đó ngoài việc xây dựng và tối ưu website theo các tiêu chuẩn của Google, thì bạn cũng nên nâng cao khả năng chủ động tìm kiếm khách hàng của nhân viên Sale, để ứng phó kịp thời trong những trường hợp không có đơn hàng từ Inbound Marketing.
Kết hợp sale online và sale offline.
4.3. Kết hợp quảng cáo và SEO website
Các hình thức quảng cáo như đặt banner ngoài trời, Google Display, Facebook Ads,… khó tiếp cận khách hàng đúng nhu cầu như Inbound Marketing, nhưng lại khá hiệu quả trong việc tăng nhận diện thương hiệu. Vì vậy, bạn cần kết hợp quảng cáo với SEO website – cách tiếp cận khách hàng tiềm năng chính xác và bền vững nhất, để thu thập các Lead tiềm năng.
Quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên tivi, hay các dạng quảng cáo trực tuyến khác giúp khách hàng ghi nhớ và nhận thức về thương hiệu. Tuy nhiên, quyết định mua hàng sẽ khó thực hiện ngay tại thời điểm này, nhưng khách hàng bắt đầu ghi nhớ về sản phẩm của bạn. Khi nhu cầu xuất hiện, rất khó để khách hàng tìm lại được những mẫu quảng cáo này, họ bắt đầu tìm kiếm thông tin trên Google. Bây giờ, chính là lúc SEO bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình:
- SEO đưa website của bạn xuất hiện ở những vị trí đầu tiên trên công cụ tìm kiếm Google.
- Nhanh chóng tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu, kết hợp với việc khách hàng đã từng thấy thương hiệu của bạn sẽ dễ dàng thu hút họ click vào nội dung hơn.
- Bằng nội dung hấp dẫn, lôi cuốn và có giá trị sẽ giữ chân khách hàng ở lại, thực hiện chuyển đổi trên website.
Việc phối hợp giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing giúp chiến dịch Marketing của doanh nghiệp trở nên hoàn chỉnh hơn. Vừa giúp xây dựng thương hiệu vững mạnh, vừa mang về nhiều khách hàng tiềm năng và chất lượng.
Kết luận
Inbound Marketing là phương pháp Marketing tiếp cận đúng tâm lý và nhu cầu, mang nhiều ưu điểm phù hợp với xu hướng và hành vi của người dùng. Trong từng giai đoạn của Inbound Marketing sẽ tương ứng với những chiến lược mà GOBRANDING đã nêu ở trên. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả, bạn không nên loại bỏ Outbound Marketing, thay vào đó hãy phối hợp khéo léo Inbound Marketing với các hình thức Outbound Marketing khác.
Nguồn: gobranding.com.vn