6 gợi ý khẩn cấp cho doanh nghiệp trước làn sóng COVID mới
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ làn sóng Covid-19 mới. Tuy nhiên, khác với lần trước, ở giai đoạn này, chúng ta đối mặt với dich bệnh với một tâm thế khác, chủ động hơn, vững vàng hơn với ít nhiều kinh nghiệm từ làn sóng dịch đầu tiên.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp không nên chủ quan, dưới đây là 6 gợi ý ứng biến khẩn cấp dành cho doanh nghiệp trước khi bước vào trận chiến mới. Những gợi ý này được trích từ GAM7 Special 2020 - Marketing thời bình thường mới.
1. Điều chỉnh thông minh từ ngân sách đến chiến lược
Trong giai đoạn tới, dù muốn hay không, ngân sách marketing và truyền thông của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung. Khi đối mặt với câu hỏi “Đầu tư hay cắt giảm chi phí marketing?”, mỗi doanh nghiệp cần tự mình trả lời câu hỏi: “Why - Tại sao chúng ta phải thay đổi?”, từ đó mới có thể dẫn đến quyết định đầu tư thêm, giữ nguyên kế hoạch hay cắt giảm.
6 gợi ý khẩn cấp cho doanh nghiệp trước làn sóng COVID mới
Tuy nhiên, sự thay đổi về ngân sách và về kênh truyền thông chỉ là biểu hiện ứng phó bề nổi mà chúng ta nhìn thấy được. Để hiểu rõ căn nguyên của vấn đề, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng sau dịch bệnh, môi trường kinh doanh thay đổi đã tạo ra một thị trường hoàn toàn mới với những người tiêu dùng mới. Họ khó tính hơn, cân nhắc kỹ hơn, nghiên cứu kỹ hơn lý do mua hàng, mức độ phù hợp và lâu bền của sản phẩm… Nếu nhìn ra được thay đổi này, một doanh nghiệp thông minh sẽ lựa chọn đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, cải tiến lại sản phẩm và dịch vụ cốt lõi cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng mới, thay vì tốn tiền vào các chiêu trò truyền thông để chiêu dụ khách hàng ngắn hạn.
Gốc rễ của vấn đề là sự thay đổi của mô hình kinh doanh để thích ứng với điều kiện mới, dẫn đến sự thay đổi của các kế hoạch truyền thông. Doanh nghiệp không nên chạy theo xu hướng hay cảm tính, tránh bỏ lỡ những cơ hội hoặc chịu thêm những rủi ro trong một giai đoạn với những điều kiện hoàn toàn mới trước mắt.
2. Đừng vội vàng cắt giảm nhân sự
Tinh gọn bộ máy luôn là một trong những giải pháp đầu tiên doanh nghiệp lựa chọn khi đối mặt với khủng hoảng, tuy nhiên đây chưa phải là giải pháp tốt nhất. Covid là cơ hội để doanh nghiệp giữ vững tinh thần và thắt chặt tình đoàn kết với nhân viên, Thay vì dồn áp lực lên một vài cá nhân, doanh nghiệp có thể chọn để mỗi người cùng nhau chia sẻ một chút thiệt thòi bằng phương án để nhân viên đăng ký những ngày công nghỉ không lương hoặc làm việc tại nhà. Điều này không chỉ giúp công ty không phải cắt giảm nhân sự, tiết kiệm một vài khoản chi phí cố định, mà còn giúp doanh nghiệp nhận lại sự gắn bó mạnh mẽ từ nhân viên, vì họ biết họ đang ở một nơi coi trọng lợi ích của tất cả mọi người.
3. Nhanh chóng tìm đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa không thiết yếu
Covid-19 vô hình chung chia doanh nghiệp thành hai nhóm: nhóm kinh doanh sản phẩm thiết yếu và nhóm kinh doanh sản phẩm không thiết yếu. Đối với nhóm đầu tiên, đây là cơ hội để tăng tốc và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, đối với nhóm còn lại, doanh nghiệp buộc phải thay đổi sản phẩm để phục vụ được một nhu cầu cấp thiết của một nhóm khách hàng nhất định nào đó.
Sản phẩm thiết yếu thường được hiểu là các sản phẩm bao gồm thực phẩm, rau củ, chăm sóc nhà cửa, chăm sóc cá nhân, bảo vệ sức khỏe… Tuy nhiên doanh nghiệp nên hiểu hàng hóa thiết yếu theo nghĩa rộng, phân khúc nhỏ hơn đến từng tập khách hàng. Ví dụ, cà phê không thiết yếu với người Việt nhưng thiết yếu với người Âu; máy tính xách tay là thiết yếu với người làm việc từ xa. Mỗi nhóm khách hàng (cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ) sẽ có nhu cầu sản phẩm thiết yếu khác nhau, đó là cơ hội kinh doanh mỗi doanh nghiệp cần tìm ra và nắm bắt.
4. Cân nhắc rất kỹ trước khi thực hiện các chương trình giảm giá
Nếu không thể cho khách hàng một lý do hợp lý thì tức là chúng ta tự giảm giá trị sản phẩm và thương hiệu của chính mình. Những mối quan hệ với khách hàng cứ thế mà ra đi khi khách cảm thấy họ phải mua sản phẩm với một mức giá cao, để rồi, thời gian ngắn sau vẫn thấy sản phẩm đó cùng một chương trình giảm giá.
5. Tập trung vào hoạt động Marketing có kết nối về mặt cảm xúc và đáp ứng nhu cầu
Tập đoàn tiếp thị BBH đưa ra một nhận định như sau: “Marketing có kết nối về mặt cảm xúc và đáp ứng nhu cầu sẽ hiệu quả hơn”. Cũng theo BBH, những loại hình sản phẩm, dịch vụ tập trung vào 7 nhóm nhu cầu sau đây sẽ đánh trúng xu hướng: (1) kết nối con người; (2) gia tăng năng suất lao động; (3) thỏa mãn nhu cầu học tập; (4) bảo vệ sức khỏe; (5) giải trí cá nhân; (6) thực phẩm và (7) giải pháp cho gia đình. Điều cốt lõi là doanh nghiệp phải thiết lập được những nhu cầu mới đó, rồi tìm cách nghiên cứu và tung ra thị trường những sản phẩm phù hợp.
PNJ là một thương hiệu không thiết yếu, trong thời điểm khủng hoảng, họ đã nghiên cứu, thiết kế những sản phẩm kỷ niệm ngày thoát khỏi đại dịch cũng như chuyển dịch mạnh sang nền tảng bán hàng trực tuyến. Cũng như những doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xa xỉ khác, PNJ vẫn chịu thiệt hại nặng vì Covid-19 nhưng những nỗ lực tạm thời cho họ một cơ hội hồi phục từ nay đến cuối năm. Điều quan trọng nhất, PNJ vẫn duy trì được hoạt động giao tiếp và gắn kết với khách hàng. Như vậy, con đường tồn tại của các thương hiệu không thiết yếu, dù khó khăn hơn, nhưng vẫn có lời giải. Lời giải này nằm ở khả năng kiến tạo những mối quan hệ cá nhân trực tiếp, thấu hiểu khách hàng, và đặc biệt là có khả năng chia sẻ những âu lo, khó khăn của khách hàng.
6. Nâng cấp vận hành và tạo ra giá trị
Khó khăn là nguồn cơn của sáng tạo, hãy nhân cơ hội này để nâng cấp cách thức sản xuất và chuỗi cung ứng của bạn. Hãy đặt câu hỏi “chúng ta có thể làm gì khác đi để cung cấp các giá trị tương tự hoặc tốt hơn thay vì “làm thế nào để quay trở lại trạng thái bình thường”.
Khi được thực hiện đúng cách, việc nâng cấp vận hành và tạo ra giá trị không những giúp doanh nghiệp tồn tại, mà còn tạo ra các dịch vụ kinh doanh mới, đồng thời cải thiện cả hiệu quả và hiệu suất cho các hoạt động kinh doanh hiện tại và hoạt động kinh doanh mới.
GAM7 Special 2020 - Marketing thời bình thường mới
Làn sóng Covid mới là nguy cơ hay cơ hội sẽ phụ thuộc vào tâm thế và cách thức mà chúng ta đón nhận nó. Một kế hoạch ứng phó, một sự chuẩn bị kỹ càng, doanh nghiệp của bạn không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn trở nên mạnh mẽ hơn và đủ sức đương đầu với nhiều khủng hoảng lớn hơn trong tương lai. Đọc ngay GAM7 Special 2020 - Marketing thời bình thường mới để tìm kiếm những giải pháp đón đầu làn sóng Covid mới.