Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Tương lai của AI: Khó thay thế được con người

Tương lai của AI: Khó thay thế được con người

“Trí tuệ nhân tạo (Aritificial Intelligence – AI) đang phát triển mạnh mẽ và dự đoán sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc chơi ở mọi lĩnh vực trong 10 năm tới. Ước tính AI sẽ đóng góp cho kinh tế thế giới toàn cầu 15.700 tỉ USD vào năm 2030”.

Tuy nhiên, dù phát triển đến đâu, AI vẫn chỉ là công cụ thông minh do con người tạo ra nên khó thay thế được vai trò của con người trong tương lai.

Từ quá khứ đến tương lai

AI có thể được hiểu là sự thông minh của máy móc được hình thành từ những phát minh của con người, đặc biệt là các máy móc có các thành phần tính toán điện tử như máy tính, robot...

Năm 1956, AI chính thức được đưa vào nghiên cứu, do bốn nhà khoa học người Anh là Allen Newel, Herbert Simon, John McCarthy và Marvin Minsky thực hiện.

Có thể nói, AI là sản phẩm bắt nguồn từ mong muốn của con người là chế tạo ra các loại máy móc có đặc điểm tương tự trí thông minh của con người, có khả năng suy đoán, suy nghĩ, cảm nhận và đặc biệt làm được những thứ con người làm được.

AI đã có lịch sử phát triển 70 năm và tiến hoá qua ba giai đoạn lớn sau:

  • Giai đoạn 1 (1950 – 1980)

Chủ yếu là giai đoạn thử nghiệm của các nhà khoa học, chứ chưa thực sự được ứng dụng rộng rãi trong đời sống con người. Nhiều loại máy tính thô sơ ra đời có khả năng xử lý được các thuật toán đơn giản. AI trong giai đoạn này có thể là thao tác giúp máy tính tự động cùng chơi cờ vua với con người hoặc trả lời được một số câu hỏi đơn giản được lập trình sẵn.

Tương lai của AI: Khó thay thế được con người

Các giai đoạn phát triển của trí tuệ nhân tạo
Nguồn: Vin BigData

  • Giai đoạn 2 (1980 – 2010)

AI dần dần được định hình rõ hơn, thông qua máy học (machine learning) là nỗ lực nghiên cứu ở giai đoạn 1 của các nhà khoa học máy tính. Máy học có khả năng ứng dụng các thuật toán để phân tích cú pháp dữ liệu, học hỏi và thực hiện các quyết định dựa theo các vấn đề có liên quan với nhau.

Máy học chỉ thực sự bùng nổ khi internet ra đời, phát triển mạnh khi các website tìm kiếm như Yahoo, Google...xuất hiện. Theo đó, các thuật toán của máy học từ Yahoo, Google... giúp tạo một nền tảng số có khả năng thu thập, phân tích dữ liệu, tìm kiếm thông tin theo lệnh của con người và hiện nay là kết nối với nhau như Facebook, Instagram, Twitter…

Từ đó đã sản sinh ra 5 loại máy học đi cùng với thế giới internet gồm:

  • Máy nhìn được sử dụng trong y học để chuẩn đoán hình ảnh
  • Máy đọc như ứng dụng Google map
  • Máy nghe và giải quyết câu lệnh như các trợ lý ảo Siri, Alexa, Google Assistant…
  • Máy nói hỗ trợ dịch thuật trực tiếp cho người dùng như công cụ của Skype, có thể dịch các đoạn hội thoại theo nhiều ngôn ngữ khác nhau cho người dùng
  • Máy viết, dựa trên những dữ liệu thu thập được để tự động hoá triển khai nội dung, viết thành văn bản mẫu

Tương lai của AI: Khó thay thế được con người

Trợ lý ảo Siri trên điện thoại di động

  • Giai đoạn 3

Sau 70 năm tồn tại, AI ngày càng cải tiến, tỉ lệ thuận với sự tiến bộ của con người và công nghệ. Hiện tại, AI đã đạt đến giai đoạn học sâu (deep learning), được xem là bước tiến hoá tiếp theo của AI, phát triển mạnh mẽ từ năm 2010 đến nay.

Học sâu thực tế cũng là máy học, nhưng có khả năng xử lý, phân tích dữ liệu tốt, sâu hơn nhờ thuật toán tinh vi hơn giúp hoàn thành các nhiệm vụ trước đây con người tốn rất nhiều thời gian để thực hiện như: tạo mẫu báo cáo tài chính và đưa ra dự đoán cho từng quý, từng năm; thống kê và phân loại các nhóm hình ảnh dựa theo thuộc tính màu sắc, hình dáng; tự động phân biệt được con người, động vật, đồ vật…

Theo Forbes, học sâu có thể phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để đưa các hệ thống vận hành lên một tầm cao mới. Học sâu có khả năng phân lớp các dữ liệu, nhận biết và phân tách các loại dữ liệu như âm thanh, video, hình ảnh hay các cảm biến khác; lọc dữ liệu thành hai hình thức định danh, không định danh…

Và gần đây nhất là sự xuất hiện của dữ liệu lớn (Big Data) cũng là kết quả của học sâu, có khả năng dự đoán insight từ kho dữ liệu hành vi người dùng, được dùng trong các chiến lược marketing data-driven. Chẳng hạn, Amazon đã thu thập dữ liệu thói quen của mỗi khách hàng khi sử dụng trang web của họ để giám sát hành vi rồi đề xuất các món hàng, địa điểm bán phù hợp với mỗi người, nhằm mục đích giảm bớt chi phí quảng cáo nhưng vẫn kích thích người dùng mua hàng.

 

AI đang len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống con người

Cùng với sự phát triển công nghệ như vũ bão, AI hiện diện ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, bởi có khả năng tăng năng suất lao động, tự động hoá các tác vụ đơn giản, và đặc biệt thực hiện những hoạt động lặp đi lặp lại tốt hơn con người.

Đơn cử như trong lĩnh vực tiếp thị số, một quảng cáo trên nền tảng Facebook có khả năng tiếp cận đến hàng triệu đối tượng mục tiêu chỉ trong vài giờ đồng hồ, và chúng có thể chạy xuyên suốt ngày và đêm. Điều mà con người rất khó thực hiện vì bị chi phối bởi sức khoẻ và cảm xúc.

Trình bày tại Hội nghị Công nghệ Khám phá Kho báu Midas do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 16/6/2020, với chủ đề “Máy và người”, ông Đào Đức Minh, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI (tập đoàn Vingroup) khẳng định, “AI đang được phát triển mạnh mẽ và dự đoán sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc chơi ở mọi lĩnh vực trong 10 năm tới. Ước tính công nghệ này sẽ đóng góp 15.700 tỉ USD cho kinh tế thế giới toàn cầu vào năm 2030. Trong đó, các lĩnh vực chính được ứng dụng AI nhiều và thành công nhất có thể kể đến là hình ảnh, ngôn ngữ và lập trình ngôn ngữ tư duy”.

Tương lai của AI: Khó thay thế được con người

Ông Đào Đức Minh, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI
Nguồn: Forbes Việt Nam

Theo đó, AI ứng dụng nhiều nhất bao gồm kinh doanh, sức khoẻ và tài chính. Chẳng hạn giải pháp phân tích hình ảnh y tế toàn diện, ứng dụng công nghệ AI – VinDr, của Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBDI), tập đoàn Vingroup vừa được ra mắt vào ngày 19/6/2020 vừa qua. Giải pháp này giúp các bác sĩ, tham vấn hội chẩn khách quan, chi tiết, có đầy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định tốt nhất. Bên cạnh việc chẩn đoán, VinDr cũng có thể tự động khoanh vùng nghi ngờ tổn thương và chỉ ra điểm bất thường với độ chính xác đạt trung bình trên 90%.

 

Điểm yếu của AI: Không có cảm xúc

Sự thật là có rất nhiều người lo ngại rằng AI được sinh ra để thay thế con người, nghiêm trọng đến mức sẽ lấy đi hết những công việc hiện tại của nhân loại. Nhưng điều này sẽ khó có thể diễn ra.

Bởi vì AI cũng chỉ là công cụ của con người sáng tạo ra. Chúng thiếu đi cảm xúc, trải nghiệm và sự nhạy bén trước mỗi thay đổi bất ngờ trong đời sống. Trong khi, con người lại chính là những nguồn sáng tạo vô hạn.

“Máy móc khó có thể thay thế được sự sáng tạo của con người, vì chúng không có cảm xúc nên không cảm nhận được các yếu tố liên quan đến nghệ thuật, đặc biệt không có khả năng ứng phó với những thay đổi bất thường trong xã hội”, chia sẻ của ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Hitachi Vantara, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hitachi Vantara Việt Nam trong Hội nghị trên.

Tuy nhiên, AI khi kết hợp với con người sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng rất lớn, giúp cải thiện đời sống con người tốt hơn. “Đây là thời điểm dịch chuyển: Con người cộng hưởng với máy móc chứ không phải đối đầu. Hai bên sẽ nâng tầm lẫn nhau”, ông Đào Đức Minh phát biểu.

Tương lai của AI: Khó thay thế được con người

Nhân vật Colonel KI

Một ví dụ về ứng dụng của sự cộng hưởng giữa AI và con người trong ngành quảng cáo, đó là năm 2018, KFC đã tạo ra một nhân vật AI có tên Colonel KI. Nhân vật này xuất hiện trong một giải đấu game Liên Minh Huyền Thoại trực tuyến tại Trung Quốc và có thể dự đoán ngay kết quả trận đấu dựa vào phân tích những dữ liệu thắng – thua của các game thủ tham gia thi đấu. Toàn bộ lập trình nhân vật Colonel KI đều dựa trên nền tảng AI và điều này đã giúp KFC đạt được con số KPI ấn tượng “70 phút là thời gian người dùng tiếp xúc với thương hiệu mỗi ngày”, và 35 triệu lượt đề cập nội dung liên quan trên mạng xã hội.

Tóm lại, với những tác vụ quen thuộc, máy móc sẽ thay thế con người và họ chỉ việc giám sát, kiểm soát chúng. Còn với những tác vụ mang tính phức tạp và sáng tạo, máy móc chỉ hỗ trợ con người làm việc tốt hơn, giúp họ có thêm thời gian để suy nghĩ và sáng tạo nhiều điều tuyệt vời trong cuộc sống. Đồng thời, giữa máyngười vẫn sẽ tồn tại của một khoảng không ở giữa, được gọi là khoảng “cùng tồn tại” – nơi máy móc và con người cộng hưởng lẫn nhau để tối ưu hoá hiệu quả công việc cuối cùng.

Theo Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam