Lions Live: Spotify và The Ringer – Xu hướng phát triển của podcast
Tháng 2/2020, công ty sản xuất podcast chuyên về thể thao The Ringer chính thức sáp nhập vào Spotify. Động thái này của Spotify nhằm mang nội dung podcast lĩnh vực thể thao lên nền tảng stream của mình, với mục tiêu thu hút 100 triệu người dùng đang nghe The Ringer.
Phiên thảo luận Spotify Presents Agile Storytelling – Creating Beyond the Jargon được dẫn dắt bởi ông Courtney Holt – Head of Audio của Spotify, với sự tham gia của ông Bill Simmon – Founder của The Ringer và bà Mallory Rubin – Head of Editorial của The Ringer. Nội dung xoay quanh phương thức phát triển podcast và kế hoạch của Spotify.
* Tôi vô cùng hân hạnh khi có sự tham gia của hai vị trong phiên thảo luận ngày hôm nay trên Lions Live. Thực tế, kỹ thuật sản xuất podcast không quá phức tạp, quan trọng là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn và chất lượng. Thế nên, khi nhìn vào thành tựu của The Ringer, có thể nhận thấy được tâm huyết của cả hai vị, tiêu biểu là chuyên mục đánh giá phim Binge Mode. Hai vị đã gặp những trở ngại, khó khăn nào trong quá trình làm việc?
Simmon: Trong suốt 9 năm qua làm việc trong lĩnh vực podcast, tôi học được rằng bên cạnh những đóng góp của công nghệ hay đội ngũ nhân viên hậu cần, thành công của podcast còn nhờ khả năng tương tác tốt của host với các khán thính giả. Thú thật, chúng tôi từng lên nhiều ý tưởng thú vị nhưng chúng lại không được đón nhận. Vì vậy, tôi nghĩ yếu tố thu hút chính của các podcast như vậy là host, và Binge Mode là một ví dụ điển hình. Hơn nữa tại Ringer, chúng tôi đề cao kỹ năng chuyên môn và tinh thần nhiệt huyết của mọi người. Đó cũng là một lý do chúng tôi luôn cố thoát khỏi “khuôn mẫu” vì cảm thấy mình chưa khai thác hết khả năng của đội ngũ nhân sự.
Rubin: Thêm vào đó, sự thấu hiểu sở thích của người nghe khắp mọi nơi trên thế giới giúp chúng tôi tạo nên những sản phẩm tạo cảm giác chân thực và gần gũi với khán giả. Như với Binge Mode, chúng tôi đánh giá các tập phim truyền hình trong một podcast vỏn vẹn 1 phút 30 giây. Hơn nữa, kỹ thuật kể chuyện tưởng tượng (fantasy storytelling) đã giúp Ringer khác biệt hẳn so với các nội dung trùng lặp ngoài kia. Phương thức này giúp Ringer “mở cửa” tâm trí người nghe và cùng họ trải nghiệm. Và The Ringer không chỉ đóng vai trò như một người bạn đồng hành chia sẻ sở thích với thính giả mà còn mong muốn mang lại một môi trường làm việc sáng tạo cho đội ngũ của mình.
* Tồn tại được hơn 14 năm, podcast là một trong những phương tiện quảng cáo được ưa chuộng bởi đa số marketer làm direct response advertising. Podcast được đánh giá như một nền tảng chất lượng cao và mang lại nhiều cơ hội cho các nhà quảng cáo. Vậy, hai vị có lời khuyên như thế nào đến các marketer đang tìm kiếm cơ hội quảng cáo trên nền tảng podcast?
Simmon: Sự kết nối với khản giả là yếu tố mà tôi luôn chú ý kể từ đầu những năm 2000 làm việc tại ESPN. Vào thời điểm đó, chuyên mục có hơn 800,000 lượt truy cập và thời gian trung bình họ dành ra mỗi ngày là 20 phút. Tuy nhiên, ngày nay, khán giả lại dành đến 50 phút để nghe tin tức của tôi từ podcast. Đó chính là điểm khác biệt lớn nhất mà tôi nhận thấy kể từ lúc làm việc trên nền tảng này. Hơn nữa, chúng tôi lồng ghép câu chuyện vào các mẫu quảng cáo, cùng bàn luận và chia sẻ nó với người nghe một cách tự nhiên. Tôi nghĩ các kênh TV hay radio khó làm được điều này. Sự liên kết đặc biệt đó là lý do chính tôi thành lập nên The Ringer, cũng như hình thành nên mối quan hệ hợp tác lâu dài với các thương hiệu có cùng quan điểm. Người trẻ có xu hướng nghe podcast nhiều, họ đa phần đang làm việc cho các thương hiệu, nắm giữ vai trò trong đội ngũ sales và marketing, sẽ dễ dàng nắm bắt ý tưởng này.
Rubin: Khác với Gen Y, sống trong thời đại số, đa phần Gen Z hay tự tách biệt mình với xã hội bên ngoài. Theo tôi, podcast có thể là phương thuốc hiệu nghiệm cho “căn bệnh” này vì sự “thâm nhập” nhanh của nó vào từng “tế bào” cuộc sống của con người. Podcast hiện diện trong mọi hoạt động thường ngày từ lúc lái xe đến chỗ làm, đến khi ăn trưa, uống cà phê… Đây chính là cơ hội cho các marketer, advertiser hay những người làm công việc sáng tạo nói chung tiếp cận cuộc sống của nhóm đối tượng mục tiêu.
Simmon: Tôi đồng tình với Rubin. Công nghệ đã giúp ngành sản xuất podcast mở rộng và phát triển hơn rất nhiều. Thế nên, có thể nói người trẻ đã cùng lớn lên với podcast. Tôi thấy các cộng sự trẻ tại Ringer, họ có thể vừa nghe podcast vừa làm 2 đến 3 việc khác nhau. Podcast trở thành những “bản nhạc” quen thuộc trong cuộc sống của thế hệ Gen Z – thế hệ “multi-tasking”.
* Trước xu hướng phát triển của podcast, Spotify đã đầu tư và mở rộng hệ thống studio trên 11 thị trường với mục đích đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ thể thao và giải trí toàn cầu. Đội ngũ Spotify đã sản xuất, biên dịch các nội dung gốc, cũng như chuyển thể các chương trình sao cho phù hợp với văn hoá bản địa của từng khu vực. Nhận định của The Ringer trước xu hướng toàn cầu hoá này? Việc sáp nhập The Ringer và Spotify mang đến những cơ hội gì?
Simmon: Bóng rổ và bóng đá là hai bộ môn được khán giả trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm. Điều này sẽ mang lại cơ hội tốt cho Ringer cũng như Spotify. Thông qua mạng xã hội, các cầu thủ có tên tuổi giúp tăng mức độ phủ sóng của các bộ môn thể thao, làm cơ sở để hai bên mang những thành tựu trong nước phổ biến rộng rãi ra quốc tế. Chẳng hạn, podcast JJ Redick được dẫn dắt bởi cầu thủ bóng rổ người Mỹ nổi tiếng cùng tên là một trong những chương trình tiêu biểu. Từ Mỹ, chúng tôi dự định thực hiện thêm 15 phiên bản khác nhau của JJ Redick tại Pháp, Tây Ban Nha, hay Lithuania… Trong tình hình hiện nay, các ứng dụng như Zoom hoàn toàn có thể giúp tạo thành phẩm dựa trên những ý tưởng đó.
The Ringer vô cùng háo hức trước thông tin sáp nhập vì ấn tượng trước cách thức mở rộng thị trường của Spotify. Chúng tôi choáng ngợp trước nguồn tài nguyên dữ liệu mà Spotify nắm giữ. Thú thật, công nghệ và dữ liệu là điểm yếu của The Ringer. Chính vì thế khi sáp nhập với sự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo và đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, The Ringer có thể phá vỡ mọi rào cản giới hạn khả năng chúng tôi trước đó.
* Sự càn quét khủng khiếp của COVID-19, các sự kiện thể thao bị huỷ bỏ hàng loạt, và giãn cách xã hội là ba thách thức lớn mà The Ringer phải đối mặt. Hai vị có thể chia sẻ làm thế nào Ringer có thể sản xuất nội dung mới liên tục trong điều kiện như vậy?
Simmon: Từ tháng 4 đến giữa tháng 7 thường là khoảng thời gian hoạt động bận rộn nhất của Ringer khi hàng loạt các sự kiện thể thao diễn ra, các bộ phim mới ra mắt… Theo kế hoạch, chúng tôi lấy ‘Nostalgia Culture’ (hoài niệm quá khứ) làm chủ đề chính. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng của các sự kiện thể thao do đại dịch COVID-19 cũng phần nào ảnh hưởng xấu đến Ringer, và chúng tôi cần phải thay đổi chủ đề để đáp ứng tính thời sự.
Hơn nữa, sản xuất podcast khi luật giãn cách xã hội ban hành đã gây nên không ít trở ngại. Người làm âm thanh một nơi, host một nơi khiến chúng tôi gặp khó khăn khi tổng hợp và cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Tuy nhiên, nhận ra các tính năng bổ ích của Zoom, chúng tôi gửi các thiết bị âm thanh cần thiết đến nhân viên và tiến hành sản xuất. Zoom đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thiện 90-95% quy trình làm việc. Lần nữa, chúng ta có thể thấy được tiềm năng toàn cầu hoá của podcast khi có thể làm việc với đối tác sinh sống tại nhiều địa điểm khác nhau.
Một ví dụ điển hình là podcast của Pete Carroll và Steve Kerr nhằm quyên góp cho các tổ chức cứu trợ COVID-19. Chúng tôi đã không thể ra mắt vào tháng 2 theo dự tính nhưng nhờ có Zoom, 10 tập podcast ra đời vào tháng 4 và nhận được sự ủng hộ đông đảo từ khán thính giả.
* Cảm ơn sự tham gia và những chia sẻ bổ ích của hai vị.
Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Lions Live