Khi Đại sứ thương hiệu là một “nhân vật ảo”: Cái nhìn từ công chúng

Khi Đại sứ thương hiệu là một “nhân vật ảo”: Cái nhìn từ công chúng

Cùng với xu hướng truyền thông, quảng cáo sử dụng những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng, việc lựa chọn đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng là một trong những bước đi chiến lược “khó nuốt”.

Lựa chọn đại sứ thương hiệu khó hay dễ?

Khi Influencer Marketing đang dần trở nên phổ biến hơn, có thể thấy rất nhiều hình ảnh của người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng tham gia truyền thông cho sản phẩm và chiến dịch. Điều này đặt ra thách thức cho nhãn hàng khi muốn tìm đến sự khác biệt và thu hút khách hàng mục tiêu.

Không những phải là người phù hợp với mọi tiêu chí, có thể minh hoạ được bản sắc của thương hiệu, thu hút đúng nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, đó còn phải là người có đời sống cá nhân chuẩn mực, có khả năng cao không vướng phải những tin đồn, scandal ít nhất trong thời hạn ký kết hợp đồng.

Khi đại sứ thương hiệu là một nhân vật ảo

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI), đại sứ thương hiệu giờ đây hoàn toàn có thể được tạo ra bởi công nghệ 3D. Một cuộc mở màn đầy sức thuyết phục tại Việt Nam chính là việc Clear đã gửi gắm vị trí gương mặt thương hiệu vào tay một trí tuệ nhân tạo “ảo” – Tóc Tiên Clear Head.

Khi Đại sứ thương hiệu là một “nhân vật ảo”: Cái nhìn từ công chúng

Ảnh: Clear Việt Nam

Điểm đặc biệt phải nhắc đến khi nói về nhân vật Tóc Tiên Clear Head này là việc mô phỏng lại dựa trên người nổi tiếng có thật – ca sĩ Tóc Tiên. Nếu như trước nay trên thế giới có sự xuất hiện những ngôi sao ảo như “Imma” hay “Lil Miquela” được “dựng” hoàn toàn trên máy tính, thì cú “debut” với công nghệ AI lần này của Việt Nam sử dụng hoàn toàn dựa trên những dữ liệu thật, từ cách sử dụng ngôn ngữ đến các hành vi giao tiếp trên mạng xã hội. Tóc Tiên Clear Head mang ngoại hình, tính cách giống đến 95% so với bản gốc ca sĩ Tóc Tiên, được lập trình không chỉ bình luận trên các trạng thái của người dùng facebook, mà còn biết giao tiếp qua chat, hồi đáp khi được tag… cùng nhiều tính năng thú vị khác.

Sử dụng nhân vật ảo làm đại sứ thương hiệu liệu có phải là con dao hai lưỡi?

Nếu như các thương hiệu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn đại sứ có thể đáp ứng với mọi tiêu chí, mọi điều kiện của thương hiệu, “nhân vật ảo” sẽ giải quyết được trọn vẹn “bài toán” đó. Nhờ công nghệ AI, “đại sứ ảo” sẽ được tạo dựng theo đúng những tiêu chí cần có, quản lý được hình ảnh tốt như hình tượng “Đại tá Sanders” – Nhân vật ảo của thương hiệu KFC. Không những thế, nếu như nhân vật ảo được xây dựng một cách khéo léo và bài bản, họ hoàn toàn có thể nhận được sự theo dõi và ủng hộ của động đảo người hâm mộ thật, điển hình như người mẫu ảo nổi tiếng Lil Miquela đang sở hữu hơn 2,5 triệu người follow Instagram, đã từng phát hành đĩa đơn “Not Mine” đứng hàng top trong bảng xếp hạng Spotify Viral.

Khi Đại sứ thương hiệu là một “nhân vật ảo”: Cái nhìn từ công chúng

Người mẫu ảo Lil Miquela sở hữu 2,5 triệu followers trên Instagram

Điều đáng nói, đại sứ thương hiệu là người thật sẽ khó có thể tương tác liên tục và thường xuyên với người hâm mộ còn “đại sứ ảo” hoàn toàn có thể trả lời tới 1.000 tin nhắn và bình luận một ngày của fan, tạo được sự gần gũi và tương tác hai chiều với fan, tăng hiệu quả thu hút và “giữ chân” nhóm khách hàng mục tiêu của thương hiệu. Cùng với đó, thương hiệu có thể nắm mọi quyền kiểm soát với “đại sứ ảo”, không lo phải sắp xếp lịch trao đổi, lịch phỏng vấn, lịch sự kiện, không bị rào cản sáng tạo ý tưởng; có thể tạo minigame như “Tạo dáng cool ngầu với đá trên đầu” – Tóc Tiên Clear Head; hay thoải mái đăng bài theo mọi chiến dịch của thương hiệu và vẫn tối ưu được chi phí cũng như tránh được những scandals không đáng có trong toàn bộ chiến dịch.

Khi Đại sứ thương hiệu là một “nhân vật ảo”: Cái nhìn từ công chúng

Dĩ nhiên, vẫn có những luồng quan điểm trái chiều về những trở ngại khi sử dụng công nghệ AI. Đầu tiên, phải nhắc tới sự “tiêu tốn” lúc ban đầu cho trí tuệ nhân tạo để có được nhân vật giả tưởng, liệu các nhãn hàng có thực sự chịu chi cho một khoản đầu tư lớn khi chưa chắc chắn được hiệu quả mà “nhân vật ảo” mang lại? Mặt khác, nếu sử dụng “nhân vật ảo” dựa theo nguyên mẫu thật, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp nhân vật thật xảy ra scandal mà nhãn hàng khó có thể lường trước được.

Khi tạo dựng một nhân vật hoàn toàn mới, nhãn hàng sẽ không khai thác được những thành công sẵn có của một nguyên mẫu thật, thay vào đó, nhãn hàng phải tự xây dựng một câu chuyện riêng cho nhân vật, đảm bảo nhân vật luôn có những hoạt động thường xuyên nếu không muốn nhân vật dần mất hút trên thị trường khi nhãn hàng không chạy chiến dịch. Cuối cùng, thị trường Việt Nam hiện nay chưa có văn hoá “cuồng” một nhân vật ảo, một hình tượng hoạt hình như thế giới anime của Nhật Bản nên việc xây dựng một “nhân vật ảo” hoàn toàn mới sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian.

Không thể phủ nhận sự tham gia của công nghệ AI vào các hoạt động thương mại & truyền thông tại Việt Nam là một bước ngoặt mới đầy triển vọng, mang đến những sự mới lạ, khác biệt và độc đáo cho các chiến dịch Marketing nói chung và Influencer Marketing nói riêng. Nhờ đó, những đặc tính vượt trội của một ngôi sao “ảo” sẽ được phát huy, thể hiện ở sự không ngừng học hỏi và “tiến hoá” theo thời gian, luôn cập nhật những điều mới mẻ cùng với khả năng ứng dụng linh hoạt vào các ý tưởng truyền thông.