Marketer Trần Ngọc Thu
Trần Ngọc Thu

PR Manager @ TRG International

Cuộc cách mạng robot mới trong sản xuất

Tự động hoá từ lâu đã là một xu hướng nổi bật trong ngành sản xuất và động lực quan trọng thúc đẩy quá trình tăng năng suất và giảm chi phí. Một cuộc cách mạng mới của công nghệ robot đang dần xuất hiện và định hình tương lai của ngành sản xuất.

Một báo cáo đặc biệt từ Bank of America Merill Lynch, xuất bản tháng 11/2015, dự báo cuộc cách mạng mới này sẽ khiến 35% công việc ở Anh và 47% công việc ở Mỹ gặp nguy cơ bị máy móc thay thế. Bản báo cáo cũng ước tính giá trị của thị trường robot sẽ tăng từ 26,9 tỷ USD hiện nay lên 66,9 tỷ USD vào năm 2025. Và năng suất sản xuất có thể sẽ được cải thiện đến 30% nhờ vào kết quả của những cải tiến này.

Cuộc cách mạng robot mới trong sản xuất

Robotic_revolution_in_manufacturing.jpg

Hình ảnh: CNN

Tác động sâu rộng đến ngành sản xuất trong tương lai

Điểm khác biệt quan trọng giữa cuộc cách mạng tự động hoá sắp tới so với các lần trước là thế hệ máy tự động mới có thể đảm nhận không chỉ các công việc lặp đi lặp lại hay thủ công mà còn là các công việc đòi hỏi khả năng nhận thức, nhờ vào sự cải tiến đáng kể của Trí tuệ Nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) và công nghệ robot. Nói cách khác, chúng có khả năng tương tác với môi trường xung quanh và sử dụng kinh nghiệm của mình để tự cho ra những suy luận logic, cũng như tự học hỏi những điều mới. Những đội quân robot này sẽ sớm thay thế không chỉ công nhân mà cả nhân viên văn phòng nữa.

Những ngành công nghiệp tiên tiến nhất như xe hơi, từng dẫn đầu cuộc cách mạng tự động hoá, nay lại tiếp tục giương lá cờ đầu trong công nghệ AI. Một số nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đã và đang sử dụng robot có khả năng làm việc liên tục trong 30 ngày mà không cần sự giám sát hay can thiệp nào. Kết quả là, các nhà sản xuất xe hơi này có tỷ lệ 1.520 robot trên 10.000 công nhân, trong khi con số trung bình trên toàn thế giới chỉ là 66.

Cuộc cách mạng này sẽ tạo một ảnh hưởng quan trọng và sâu rộng đến rất nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng những công nhân sản xuất sẽ là những người chịu tác động lớn nhất. Đặc biệt, làn sóng hệ thống tự động hoá mới này không chỉ ảnh hưởng đến những ngành sản xuất đòi hỏi nhiều vốn hay công nghệ cao mà cả những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động. Nó sẽ gây nhiều áp lực hơn đến những nền kinh tế đang phát triển, vốn phụ thuộc mạnh vào những hoạt động sản xuất gia công. Nếu như gia công ở nước ngoài có thể cắt giảm 65% chi phí lao động so với sử dụng nhân công ở những nước phát triển, thì thay thế công nhân bằng robot có thể tiết kiệm đến 90%. Thực tế, quá trình này đã và đang được tiến hành tại những quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Và với việc các quốc gia khác đi theo, ngày càng có nhiều việc làm trong ngành sản xuất sẽ được thay thế bởi robot.

Foxconn Technology Group kỳ vọng trong vòng 3 năm tới 70% dây chuyền sản xuất lắp ráp sẽ của mình sẽ do các hệ thống tự động hóa đảm nhận, CEO Terry Gou cho biết vào một cuộc phỏng vấn năm 2015. Nhà sản xuất khổng lồ này của Đài Loan, nổi tiếng với việc lắp ráp các sản phẩm của Apple, hiện tại đang sử dụng hơn 1 triệu công nhân ở Trung Quốc đại lục. Foxconn vừa mới cho hoạt động nhà máy tự động hoá hoàn toàn tại Thành Đô, Trung Quốc, có thể chạy liên tục 24/24 trong nhiều ngày liền. Hơn thế nữa, Foxconn đang tự chế tạo ra những robot công nghiệp, với sản lượng 30.000 một năm cho nhà máy của mình. Trên thực tế, Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản trở thành thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới với 36.500 sản phẩm được bán trong năm nay và dự kiến sẽ đạt sản lượng 100.000 sản phẩm vào năm 2017.

Từ gia công nước ngoài đến sản xuất trong nước

Giống như đa số các công ty đa quốc gia khác, Addidas đã chuyển hoạt động sản xuất từ châu Âu qua châu Á, đăc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam. Gã sản xuất dụng cụ thể thao khổng lồ của Đức hiện tại đang trông cậy vào 1 triệu công nhân trong hơn 1.100 nhà máy gia công để sản xuất khoảng 600 triệu sản phẩm giày thể thao, quần áo và phụ kiện trong một năm. Nhưng giờ đây công ty muốn chuyển việc sản xuất trở về Đức, gần hơn với thị trường chính.

Sự chuyển đổi này được kỳ vọng sẽ cho phép công ty phản hồi tốt hơn với nhu cầu của khách hàng và đề phòng trước xu hướng chi phí nhân công đang ngày càng tăng lên tại châu Á. Cụ thể, một nhà máy mới hoàn toàn tự động vừa được xây dựng ở thị trấn phía nam của Ansbach, Đức, nơi chỉ có robot sản xuất ra giày. Trong giai đoạn thử nghiệm, vẫn có khoảng hơn chục công nhân trong nhà máy để giám sát hệ thống, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là tự động hoá hoàn toàn. Adidas tất nhiên là có dự định nhân rộng mô hình dự án này thành một mạng lưới các nhà máy robot trên toàn thế giới. Mặc dù những quản lý cấp cao cho biết những nhà máy mới này không dùng để thay thế hệ thống những nhà cung cấp hiện tại ở châu Á, nhưng sẽ khó để công ty duy trì hai mô hình sản xuất hoàn toàn khác nhau trong tương lai.

Theo Gerd Manz, trưởng bộ phận sáng tạo công nghệ của Addidas, 74% doanh thu của họ đến từ những sản phẩm được tung ra thị trường dưới một năm, và con số này đang tiếp tục tăng lên. Công ty hi vọng sẽ đạt được chu kỳ đưa sản phẩm mới ra thị trường tính theo ngày, thay vì theo tháng hay năm như hiện nay. Và nếu điều này này vẫn chưa đủ ấn tượng và thách thức, Adidas cũng lên kế hoạch phát triển những chiếc máy sản xuất giày tuỳ chỉnh theo nhu cầu của khách ngay tại các cửa hàng.

Trọng tâm của chiến lược mới này quá trình kỹ thuật số hoá hoàn toàn từ thiết kế cho đến sản xuất. Cụ thể, Addidas nhắm đến việc thay thế những máy gia công cơ khí, có thể tốn vài tuần để lập trình và chuẩn bị, bằng những thiết bị in 3D hoặc những công nghệ sản xuất cách mạng khác. Những chiếc máy in 3D của Addidas đã được sử dụng để làm nên những đế giày theo kích thước cụ thể của từng khách hàng.

Tác động đến việc ứng dụng ERP trong ngành sản xuất

Trong gần nửa thế kỷ qua, ERP (Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) luôn là ứng dụng xương sống của ngành sản xuất. Liệu sự trỗi dậy của những robot có khiến hệ thống này trở nên lạc hậu? Tuy một số chuyên gia cho rằng ERP đã hết thời nhưng câu trả lời không đơn giản như vậy. Cũng như bản thân ngành sản xuất, các hệ thống ERP cũng liên tục được phát triển và cải tiến và vẫn sẽ là ứng dụng trung tâm của ngành sản xuất trong nhiều năm tới. Các nhà máy vẫn sẽ cần một hệ thống tích hợp để quản lý các robot, và tiếp nhận, xử lý luồng dữ liệu từ những robot này để phân tích, lên kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng cho chúng.

Cùng với sự phát triển của công nghệ tự động hóa, những hệ thống ERP mới đã có thể hỗ trợ quá trình kỹ thuật số hoá từ thiết kế cho đến sản xuất. Ví dụ chức năng cấu hình sản phẩm của những hệ thống ERP này cho phép việc thay đổi, tùy chỉnh các thông số, chức năng của sản phẩm một cách nhanh chóng và trực quan. Những phiên bản khác nhau của cùng một sản phẩm có thể được hiển thị trực quan ngay trên giao diện của phần mềm ERP dưới dạng 2D hay 3D để thuận tiện cho việc kiểm tra và xác nhận. Sau đó, hệ thống cũng sẽ tự động tạo định mức nguyên vật liệu và quy trình (Bill of Material & Routing). Đặc biệt, không chỉ nhà sản xuất mà ngay cả các khách hàng hay nhà cung cấp cũng có thể tiếp cận và sử dụng những tính năng này.

News

Hội thảo trực tuyến

Bài được đọc nhiều nhất

Đọc các bài liên quan