Influencer Việt Nam làm gì trong mùa dịch?

Influencer Việt Nam làm gì trong mùa dịch?

Influencer (người có tầm ảnh hưởng) giữ vai trò quan trọng trong việc mang thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng. Theo báo cáo Quảng cáo và Niềm tin toàn cầu của Nielsen, 92% người tiêu dùng tin vào giới thiệu của bạn bè, người thân và những người họ tin tưởng hơn là quảng cáo của chính thương hiệu đó.

Trong đại dịch Covid-19, influencer Việt Nam đã phản ứng thế nào?

Influencer “mùa khủng hoảng”: cẩn trọng không bao giờ thừa

Virus corona đã tạo nên cơn khủng hoảng kinh tế – xã hội sâu rộng khắp thế giới. Trong cơn khủng hoảng chung là khủng hoảng riêng nho nhỏ của mỗi người, không một cá nhân nào dám khẳng định mình miễn nhiễm với đại dịch.

Là những người hoạt động tích cực trên mạng xã hội, influencer dĩ nhiên không thể im hơi lặng tiếng suốt mấy tháng. Nhưng phát ngôn, hành xử như thế nào để bình yên đi qua thời điểm khó khăn, hay thậm chí biến “nguy” thành “cơ”, là cả một nghệ thuật.

Tiến sĩ Clāra Ly-Le – chuyên gia truyền thông khủng hoảng, Giám đốc Điều hành EloQ Communications – phân tích: “Trong mùa dịch, truyền thông mạng xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, cũng như influencer. Influencer cần đặc biệt cẩn trọng với từng phát ngôn để bảo vệ thương hiệu cá nhân (personal branding) – tài sản lớn của họ. Lượng online đông và tình thế nhạy cảm sẽ khuếch đại hậu quả của mỗi nước đi sai”.

Nội dung gần gũi đại chúng, phù hợp hoàn cảnh

Trong và sau mùa dịch, những bức ảnh check-in ở các địa điểm sang chảnh, khoe đồ hiệu xa xỉ… thật lạc điệu, thậm chí gây phản cảm khi mọi người đang sụt giảm thu nhập. Bài đăng kêu gọi mua sản phẩm cũng không được hoan nghênh.

70% công chúng cho biết họ tìm kiếm hướng dẫn cá nhân hành xử đúng đắn trong mùa dịch – theo kết quả một khảo sát gần đây của Influence Central. Đáp lại, 73% influencer cũng thường đề cập đến corona trong nội dung của mình.

Tại Việt Nam, mạng xã hội thiếu vắng những nhân vật vừa là chuyên gia uy tín, vừa sở hữu lượng follow đông đảo như Bill Gates hay bác sĩ Anthony Fauci (Hoa Kỳ) để đóng vai trò dẫn dắt, công chúng lại càng tin tưởng những influencer mình đang theo dõi khi tìm kiếm cách phòng dịch. Không phụ lòng người hâm mộ, các influencer Việt liên tục chia sẻ về cuộc sống thường nhật, không quên nhắc nhở mọi người rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội… Những nội dung này không mới, nhưng được truyền tải theo nhiều cách thức phong phú, sáng tạo, hài hước, nên thu hút và dễ nhớ hơn thông tin tương tự trên báo chí chính thống.

Những bài đăng được yêu thích nhất của influencer là hướng dẫn tập thể dục tại nhà, chế biến thức ăn ngon và tốt cho sức khoẻ, lời động viên mọi người tăng cường sức đề kháng, vững tinh thần lạc quan… Hashtag #tôiởnhà được các ngôi sao mạng xã hội biến tấu muôn vẻ, kèm màn ghép tên mình vần điệu, hay thử thách phối trang phục và chụp ảnh lung linh ngay tại nhà. Giới trẻ cũng rủ nhau đăng nội dung tương tự thần tượng, thông điệp “ở nhà là yêu nước” và tinh thần lạc quan cứ thế lan toả thật tự nhiên, nhẹ nhàng.

Những nội dung vui vẻ, truyền cảm hứng, giúp mọi người thấy dễ chịu (feel-good content) sẽ có độ phủ rộng và tạo được cảm tình từ công chúng. “Tình thế đặc biệt cũng là dịp trui rèn khả năng của influencer: sáng tạo nội dung thu hút, thiết thực, nhân văn mà không cần bước chân ra khỏi nhà hay ekip đông người hỗ trợ. Influencer sẽ “chất” hơn, trưởng thành hơn trong khó khăn” – Tiến sĩ Clāra Ly-Le nhận định.

Hiện Việt Nam đang được thế giới đánh giá là một trong những nước phòng chống Covid-19 hiệu quả nhất. Trong mô hình “chống dịch chi phí thấp” này, truyền thông giữ vai trò trọng yếu, và các influencer cũng góp phần không nhỏ.

Ở chiều ngược lại, những ngôi sao hành xử không đúng mực như: tung tin đồn thất thiệt, không tuân thủ cách ly, bộc lộ thái độ tiêu cực… bị lên án mạnh mẽ vì đi ngược lại nỗ lực “chống dịch như chống giặc” của cả nước.

Hành động thiết thực hơn ngàn lời nói

Không gì hay hơn tận dụng chính sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp của mình để góp phần chống dịch. Thành công nhất là Khắc Hưng – Min – Erik – Quang Đăng với bài hát “Ghen cô Vy” cùng vũ điệu rửa tay lan toả khắp thế giới.

Thiết thực hơn cả là góp công góp của hỗ trợ xã hội chống dịch. Hà Anh Tuấn, Chi Pu góp hàng tỉ đồng lắp đặt phòng cách ly lực âm; Tùng Dương, Min tặng thiết bị y tế; Thuỷ Tiên quyên góp giúp người dân chống chịu với hạn mặn…

Những nghĩa cử ấy đã đáp ứng tốt kỳ vọng của công chúng dành cho influencer: thể hiện trách nhiệm xã hội và nỗ lực thiện nguyện (philanthropic efforts) khi cộng đồng gặp khó khăn. Các nhãn hàng cũng quan sát rất kĩ influencer để xem ai phù hợp với giá trị của mình.

Nếu xem influencer là nghề thì thái độ, hành động, phát ngôn… chính là thước đo mức độ chuyên nghiệp và lành nghề – yếu tố quyết định thành bại lâu dài của mỗi influencer. Hiểu điều này, influencer sẽ biết phải làm gì trong những tình huống đặc biệt. Bài viết gốc được đăng trên blog của EloQ.

Tác giả Nhung Do là copywriter của EloQ Communications. Nhung Do có trên 10 năm kinh nghiệm viết báo, viết sách, dạy học và sáng tạo nội dung. Cuốn sách đầu tiên của cô mang tựa đề “Lửa trời đuôi cáo – 100 câu chuyện Phần Lan” kể về những trải nghiệm văn hoá ở xứ sở ngàn hồ.