Marketer Trần Trúc Lâm
Trần Trúc Lâm

Digital Marketing Specialist

Tổng hợp các tình huống sử dụng heatmap trên thực tế

Xin chào, bài viết này sẽ tổng hợp cho bạn các tình huống ứng dụng heatmap trên thực tế để cải thiện hiệu quả của website.

Nếu bạn đã từng nghe về heatmap ở đâu đó, từng dùng thử heatmap cho website của mình nhưng nhận ra bạn không thể khai thác được gì (vì nó đơn giản), thì bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những tình huống thực tế cụ thể hơn về cách ứng dụng loại công cụ này.

Giờ hãy khởi động với tình huống mới đây nhất của mình.

1. Xác nhận một thay đổi trên website là hợp lý

Bạn đoán được gì khi xem bức ảnh này. Hãy thử suy luận trong 5p trước khi xem câu trả lời nhé.

Tổng hợp các tình huống sử dụng heatmap trên thực tế

Câu trả lời:

Vị trí được đánh dấu (bao trong cái hình chữ nhật và có mũi tên chỉ vô) là nơi được thử nghiệm trên website SmartConvert.co.

Ngày trước, 1 giả thuyết được mình đặt ra khi đó là:

Khi khách truy cập vào những trang có traffic cao, họ muốn dùng công cụ check traffic website thì phải trở về trang chủ rồi mới nhập domain được. Nghĩa là cần 1 thao tác trở về trang chủ.

Vậy nên ý tưởng là rút ngắn việc này bằng cách đặt một khung nhập domain ngay đầu bài để họ tiện dùng và đăng ký luôn.

Giả thiết được đặt ra và việc thực thi không mấy khó khăn, vài ngày là có đồ chơi.

Câu hỏi còn lại là liệu visitor có sử dụng nó hay không? Nếu không thì sẽ lập tức loại ra khỏi giao diện website.

Và bức ảnh trên chính là câu trả lời. Đây là khu vực thường xuyên được click vào trên các bài viết của blog smartconvert.co

Hãy ứng dụng cho website của bạn.

Khi bạn nảy ra giả thiết nào dẫn tới việc thay đổi thành phần, nội dung của website và muốn kiểm chứng nó có mang lại hiệu quả hay không, cách đơn giản sử dụng heatmap (Smart Convert) để nhanh chóng có được câu trả lời.

2. Nhìn ra cơ hội tăng đăng ký dùng thử phần mềm

Đây là 1 tấm hình khác cũng khá thú vị, tôi đã nhìn thấy cơ hội tăng chuyển đổi nhanh hơn từ đây.

Tổng hợp các tình huống sử dụng heatmap trên thực tế

Bạn có nhìn ra không?

Ồ, dĩ nhiên không rồi, vì bạn đâu có dữ kiện dưới đây.

Ban đầu nút Đăng nhập này được đưa lên giao diện web để những người dùng hiện tại của Smart Convert, nếu quên đường link truy cập vào phần mềm, thì có thể vào trang chủ vào truy cập thông qua cái nút này.

Hợp lý đúng không? Mặc dù kì vọng ban đầu của tôi là người ta sẽ không click vào chỗ đó nhiều như trong tấm hình bạn thấy.

Nhưng khi nhìn thấy số click nhiều như vậy, tôi tự hỏi: Nếu số người click vô cái nút kia chưa là người dùng của chúng tôi thì sao?

Nghĩa là nếu họ bấm vào đó, họ sẽ truy cập tới trang Dashboard.smartconvert.co và nhận ra họ chưa có 1 tài khoản để dùng, vậy thì họ phải quay trở lại trang chủ để bấm đăng ký.

Cơ hội ở đây là: Tại sao không cho phép họ đăng ký và đăng nhập đồng thời luôn tại trang Đăng nhập này?

Mặc dù việc đăng ký bình thường, ngoài email hay tên (cái này mặc định có sẵn khi đăng ký bằng Gmail) thì còn thông tin về số điện thoại, website... nhưng cho phép người ta đăng ký và đăng nhập đồng thời như vậy cũng không có gì phức tạp, việc bổ sung thông tin khi đã vào hệ thống hoàn toàn có thể làm sau.

Đó chính là cơ hội để chúng tôi cải thiện lại quá trình chuyển đổi của mình.

Lưu ý: Việc cho phép đăng ký và đăng nhập đồng thời không có gì xa lạ, bài học ở đây là ý tưởng đó đến từ việc quan sát hành vi của khách truy cập thông qua heatmap.

Writer: Coclac.net