Tẩy chay quảng cáo Facebook ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp trong nước?
Tính đến đầu tháng 7/2020, đã có khoảng 800 công ty trên toàn thế giới rút hàng triệu USD quảng cáo khỏi mạng xã hội Facebook. Trào lưu tẩy chay quảng cáo này cũng đang có những tác động nhất định đến các doanh nghiệp Việt Nam.
Tẩy chay quảng cáo Facebook ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp trong nước
Theo phân tích của CNN, dựa trên dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Pathmatics, 100 công ty đang chi tiền quảng cáo nhiều nhất trên Facebook đã không tham gia chiến dịch tẩy chay. Trong 25 thương hiệu lớn nhất chi tiêu quảng cáo cho Facebook năm ngoái, chỉ có Microsoft, Starbucks và Pfizer xác nhận tạm dừng quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội. Theo thống kê, 25 doanh nghiệp hàng đầu này chiếm khoảng 2 tỷ USD tiền quảng cáo trên Facebook, tương đương 3% doanh thu năm 2019.
Dữ liệu cho thấy hoạt động tẩy chay đang diễn ra tác động rất ít đến Facebook, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Ngay cả khi 100 công ty đóng góp doanh thu quảng cáo lớn nhất cho Facebook cùng tham gia chiến dịch tẩy chay này thì cũng chỉ chiếm 6% doanh thu hàng năm của công ty.
Cho đến nay, số quảng cáo mất đi chỉ chiếm một phần doanh thu của Facebook. Các nhà phân tích dự đoán công ty vẫn thu về khoảng 17 tỷ USD trong quý II/2020. Sau khi chiến dịch tẩy chay được phát động, Facebook đã có cuộc họp với nhiều đội ngũ, bao gồm nhánh tiếp thị, chính sách và pháp lý để thảo luận về những việc cần làm.
Tại Việt nam, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang lệ thuộc khá nhiều vào quảng cáo trên Facebook, do nền tảng Facebook tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng theo ngân sách nhỏ. Nhưng Facebook không phải là nền tảng duy nhất mà các doanh nghiệp đầu tư vào.
Thống kê của Facebook cho thấy 74% người sử dụng Facebook truy cập hàng ngày và trải nghiệm trên nền tảng này trung bình 38 phút mỗi ngày. Tại Việt Nam, tỷ trọng phân bố quảng cáo vào hai nền tảng Facebook và Google chiếm phần lớn. Bên cạnh đó hoạt động chi tiêu quảng cáo năm 2019 của ngành bán lẻ khoảng 24% và FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) khoản 13%, theo sau là lĩnh vực Ôtô, Tài chính, Du lịch, Viễn thông, Công nghệ, ngoài ra các ngành nghề khác chiếm khoảng 38%. Như vậy theo con số này, các ông lớn ở nhóm ngành bán lẻ và FMCG đã tham gia tẩy chay Facebook sẽ vô tình nhường lại cuộc chơi cho đối thủ cũng như các ngành nghề khác trong việc phân phối quảng cáo trên Facebook.
Theo chuyên gia Trần Quốc Kỳ - CEO GIGAN JSC, xét về ngắn hạn, khi dịch Covid- 19 xảy ra, phần lớn các ngành nghề kể trên đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các ngành này hầu hết phải ngưng phần lớn hoạt động marketing trong quý I thậm chí là quý II và phải thay đổi kế hoạch chi tiêu quảng cáo dồn vào quý III và quý IV. Như vậy, nếu kịch bản diễn ra bình thường thì hoạt động chi tiêu trên nền tảng Facebook sẽ cạnh tranh khốc liệt vì phần lớn ngân sách quảng cáo của thị trường sẽ dồn vào thời gian này.
Xét về trung hạn, nếu việc tẩy chay này kéo dài thì Facebook tại thị trường Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đỉnh điểm rơi vào quý I/2021 bởi yếu tố cộng hưởng giảm chi tiêu do yếu tố mùa vụ của hầu hết các nhà quảng cáo. Trong khi trước đây, các nhà bán lẻ và FMCG là những doanh nghiệp duy trì nguồn sống cho Facebook tại Việt Nam trong giai đoạn đó. Như vậy, xét về ngắn hạn và trung hạn thì Facebook có chút ảnh hưởng sau năm 2021, còn riêng các nhà quảng cáo trên nền tảng facebook, nhất là các doanh nghiệp SME sẽ “dễ thở hơn’ trong hoạt động chi tiêu quảng cáo trên facebook tại thị trường Việt Nam.
Khi các ông lớn quay lưng lại với Facebook sẽ dư ra một khoản tiền rất lớn trên Digital Marketing và việc tìm kiếm các kênh tương tự để khai thác là điều đương nhiên. Trong đó những cái tên sáng giá trong lĩnh vực mạng xã hội tương tự có thể thay thế tại Việt Nam là Tiktok, Zalo sẽ làm lựa chọn thay thế cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cả hai kênh này khó có thể làm người thay thế cho cái bóng quá lớn của Facebook trong một sớm một chiều.
Các doanh nghiệp này sẽ không làm chuyện đưa trứng vào một giỏ mà họ sẽ phân chia ra cho nhiều kênh khác nhau. Google sẽ là lựa đầu tiên để tham gia vào hoạt động chia sẻ ngân sách quảng cáo từ Social dư thừa bởi đây là một nền tảng đáng tin cậy. Bên cạnh đó, Google cũng đã cải tiến nhiều mô hình quảng cáo có thể đáp ứng nhu cầu reaching khối lượng lớn người dùng không thua kém gì mạng xã hội, trong đó có thể nói là mô hình Youtube, GDN và Google Display Discovery Ads.
Các nhóm kênh truyền thông như Local Display Network, PR Booking cũng sẽ tăng trưởng trở lại khi được “ăn ké” từ nguồn ngân sách dư thừa từ Facebook này ở các doanh nghiệp tham gia tẩy chay facebook.