Marketer Justin Bui Tran
Justin Bui Tran

CEO @ Nau Digital Creative

7 lý do bạn cần có Mobile App cho mô hình kinh doanh của mình

Nếu bạn nghĩ chi phí thực hiện các ứng dụng hay hệ thống quản lý chỉ dành cho các thương hiệu lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, tài chính, hay siêu thị… v.v, bạn đã sai lầm.

Ngày càng nhiều các doanh nghiệp nhỏ hoặc trung bình ứng dụng xu hướng công nghệ vào mô hình kinh doanh của mình hay thậm chí xem đó là một giá trị cốt lõi trong mô hình kinh doanh. Họ thấu hiểu rằng đó là một chiến lược cần được phát triển, cần được đầu tư nghiêm túc hơn là một trang website thân thiện với thiết bị di động.

Nếu bạn để ý, các mô hình kinh doanh nhỏ ngày nay tương tác với bạn mỗi ngày thông qua một ứng dụng mang thương hiệu riêng của họ, có thể chỉ là một quán cà phê nhỏ hay một tiệm spa ở góc đường gần nhà. Những doanh nghiệp đó đã vượt lên đầu khi nâng giá trị marketing và truyền thông của mình lên một tầm cao mới.

Và bây giờ chắc bạn đang phân vân tại sao các doanh nghiệp hay mô hình kinh doanh mới muốn xây dựng cho họ một hệ thống ứng dụng riêng, tôi xin chia sẻ 7 lý do để bạn cân nhắc cho riêng mình trước khi quá muộn để bắt đầu.

7 lý do bạn cần có Mobile App cho mô hình kinh doanh của mình

1. Luôn luôn hiện diện với khách hàng 24/7

MMA đã đưa ra con số dân số Việt Nam 90 triệu nhưng có đến hơn 128 triệu thuê bao di động, 40 triệu người dùng Internet, 28 triệu tài khoản mạng xã hội — chủ yếu là Facebook (theo số liệu từ We Are Social, công ty có trụ sở tại Anh). Trong 28 triệu người dùng Facebook đó thì có 24 triệu người lướt mạng xã hội này bằng điện thoại di động. Mỗi ngày, các nhà nghiên cứu thị trường đo được trung bình một người sử dụng điện thoại cho các mục đích khác nhau khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6,5 phút.

Báo cáo từ WeAreSocial tính tới tháng 3/2015 cho biết có tới 45% dân số nước ta dùng Internet, tức 41 triệu người. Trong số 41 triệu người đó thì có 30 triệu người dùng các mạng xã hội và số người đang dùng các mạng này trên di động là 26 triệu người. Thống kê cho thấy chúng ta tốn tới hơn 5 tiếng mỗi ngày để lên mạng đối với người dùng máy tính và gần 3 tiếng với người dùng điện thoại. Hầu hết khoảng thời gian này đều được dùng vào các mạng xã hội. Tổng thời gian trung bình mà một người Việt Nam truy cập vào mạng xã hội trong ngày là 2 tiếng.

7 lý do bạn cần có Mobile App cho mô hình kinh doanh của mình

Với số liệu thống kê ở trên, cho thấy hiện diện trong điện thoại của khách hàng thông qua ứng dụng là một cách để bạn nhắc nhở sự hiện diện của bạn khi họ kéo tới, kéo lui một cách vô thức để tìm những ứng dụng mà họ sử dụng hằng ngày. Ngay cả khi họ chưa tiếp cận hoặc cần sử dụng dịch vụ của bạn thì hình ảnh thương hiệu của bạn lúc nào cũng nằm ngay trước mặt. Câu hỏi đặt ra là, bạn đã phải tốn bao nhiêu tiền chi phí cho marketing chỉ với mục đích làm cho khách hàng biết đến thương hiệu của mình?

Chiếm được một vị trí trong tâm trí khách hàng là một cơ hội và lợi thế của bạn so với các đối thủ khác, vì khi họ cần bạn đã có sẵn ở đó. Và ngoài ra, khách hàng đã vô thức lưu tên thương hiệu của bạn mỗi ngày một ít vào trong tâm trí và nó dần trở nên rất quen thuộc thậm chí chính họ cũng không nhận ra.

2. Tạo ra một kênh Marketing trực tiếp

Ứng dụng thường được xây dựng với nhiều công năng: tạo ra những thông tin chính thống, giá cả, đặt hàng, tìm kiếm, quản lý khách hàng, giao tiếp, tin tức, và nhiều thứ khác.

Một trong những lợi ích lớn nhất khi có một ứng dụng di động là tất cả các thông tin mà bạn muốn truyền tải đến khách hàng luôn luôn hiện hữu và nằm ngay trên điện thoại của họ, điều đó có nghĩa là bạn đang sở hữu con đường ngắn nhất để tiếp cận với khách hàng của mình. Thông qua những “notifications” (thông báo trên ứng dụng) bạn tiếp cận trực tiếp với khách hàng, và dễ dàng gợi nhớ, nhắc nhở khách hàng về các sản phẩm hay dịch vụ của bạn khi bạn cảm thấy đến lúc cần thiết.

3. Tạo ra lợi ích cho khách hàng

Hãy suy nghĩ, bạn đã kinh doanh được vài năm, số lượng khách hàng từng sử dụng sản phẩm của bạn đã lên tới vài ngàn người, nhưng mỗi khi bạn có một chương trình khuyến mãi mới dành cho các khách hàng thành viên và thân thiết, bao nhiêu người trong số họ nhận được thông tin?

Lấy ví dụ về chương trình khách hàng thân thiết, thay vì bám chặt với những cách làm cũ, với những thẻ tích điểm, hãy biến nó thành chương trình tích điểm thông qua ứng dụng của bạn. Kết quả là gì? Càng nhiều lượt download và sử dụng thì lượng khách hàng quay trở lại với bạn càng tăng. Và khách hàng luôn luôn nhận được thông tin “nóng hổi” trong tích tắc.

4. Tăng giá trị thương hiệu và độ nhận biết thương hiệu

Như đã đề cập ở phần trên, ứng dụng di động đóng góp không hề nhỏ vào việc xây dựng độ nhận biết thương hiệu.

  • Thương hiệu: Ứng dụng di động như một tấm bảng quảng cáo lớn. Bạn có thể làm gì bạn muốn, bạn có thể làm nó đặc biệt, đẳng cấp nổi bật, phong cách, tiện dụng, bất ngờ, hay cung cấp những thông tin hữu ích. Nhưng chắc chắn là một ứng dụng tạo ra những chức năng mà khách hàng của bạn yêu thích, có những yếu tố đặc trưng của thương hiệu và thiết kế tuyệt đẹp sẽ luôn là điều mà bạn mong muốn mang đến cho khách hàng để nâng cao và khẳng định giá trị thương hiệu của mình.
  • Độ nhận biết: Khi bạn càng làm cho khách hàng tham gia sử dụng ứng dụng thường xuyên bao nhiêu, thì khả năng họ mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ của bạn càng sớm tăng lên bấy nhiêu. Trong ngành quảng cáo, khái niệm đó gọi là “sự ảnh hưởng thường xuyên” (effective of frequency): với quy luật tiên quyết là nghe hoặc nhìn thấy thường xuyên thương hiệu của bạn gần hoặc bằng 20 lần thì đó là lúc thương hiệu của bạn bắt đầu thật sự được chú ý và quan tâm đến.

5. Tăng khả năng tiếp cận khách hàng

Việc bạn đang bán hoa hay bán một vé dịch vụ spa, làm đẹp không quan trọng, tất cả những dịch vụ hay sản phẩm đó đều cần một con đường dẫn dụ cụ thể để khách hàng tìm đến bạn. Có một chức năng nhắn tin ngay trong ứng dụng của mình sẽ tạo cho bạn một sự khác biệt thật sự lớn trong cách bạn giao tiếp với khách hàng.

Hãy lấy ví dụ những rạp phim ngày nay cho phép bạn đặt vé online và chủ động chọn chỗ đẹp trước các suất chiếu, hay gửi tin nhắn cho bạn thông báo phim sắp ra rạp thông qua ứng dụng của họ thay vì phải làm một loạt các quảng cáo tốn kém trên các kênh truyền thông. Các việc đó thực hiện dễ dàng qua vài thao tác trên điện thoại hay click chuột. Bạn nghĩ có bao nhiêu người thích thú với việc giao tiếp và đặt vé với rạp phim đó qua ứng dụng hơn là phải lọ mọ đến rạp phim sớm cả giờ để xếp hàng và chọn được vị trí tốt?

6. Nổi bật so với đối thủ

Hiện nay, đầu tư vào ứng dụng chuyên nghiệp vẫn còn chưa phổ biến đối với các doanh nghiệp nhỏ trên thị trường. Hãy là người đầu tiên tăng tốc và dẫn đầu so với đối thủ của bạn. Hãy là người đầu tiên cung cấp ứng dụng di động cho khách hàng của mình. Khách hàng sẽ rất ngạc nhiên pha lẫn thích thú bởi cách tiếp cận và suy nghĩ đột phá của bạn.

7. Nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng

Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất vì sao bạn nên xây dựng ứng dụng cho riêng mình là sự trung thành của khách hàng. Chúng ta dần mất đi sự ảnh hưởng và tác động của thương hiệu lên khách hàng khi họ bắt đầu hình thành thói quen bỏ qua quảng cáo khi mỗi ngày đều bị bao quanh bởi các thông điệp và quảng cáo. Từ bảng hiệu quảng cáo trên đường, mẩu quảng cáo trên báo, quảng cáo trên website, banner, cho tới Facebook, và email.

Đây chính là thời điểm mà chúng ta phải quay trở lại cách tiếp cận chân thành và tạo ra một kết nối thực sự với khách hàng, làm cho họ trung thành với các sản phẩm hay dịch vụ mà bạn đang cung cấp. Tôi không nói là ứng dụng di động có khả năng cứu cánh cho doanh nghiệp của bạn, nhưng nó là con đường tốt nhất để gần gũi hơn với khách hàng, luôn hiện hữu ngay bên cạnh họ mọi lúc mọi nơi thông qua ứng dụng gọn nhẹ ngay trên tay của khách hàng.

Justin Bui Tran
CEO, Co-Founder   Nau Digital Creative Studio