54 cách thoát khỏi chế độ “lái tự động” của não bộ
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống bản thân vô vị, hoặc công việc không vui, sự sáng tạo đã “đi xa” từ rất lâu... nhưng không biết làm sao để thoát ra thì cuốn sách “Xoay tư duy, chuyển cuộc đời” của tác giả Chris Barez Brown là dành cho bạn. Thực hành theo 54 cách đơn giản trong cuốn sách này sẽ giúp bạn tận hưởng cuộc sống như nó vốn là.
Những “xác sống” bị chế độ “lái tự động” điều khiển
Hầu hết chúng ta đều đã trải nghiệm việc chạy xe từ điểm A đến điểm B mà khi tới đích thì chẳng nhớ nổi là mình đã đi qua những cột mốc đáng chú ý nào trên đường đi. Dù đã đến nơi an toàn nhưng ta lại có cảm giác như một ai khác đã điều khiển mọi thứ, bởi vì chúng ta hầu như chẳng nhớ nổi làm cách nào mà mình đã đến được nơi cần đến. Hay nói cách khác, chúng ta đã sử dụng chế độ “lái tự động”.
“Lái tự động” cũng giống như việc bạn ngồi thụ động trước tivi, liên tục nhai thức ăn vặt trong khi bụng không đói và để cho các thước phim hút mất hồn. Trong khi cơ chế thứ nhất tốn nhiều năng lượng và sự tập trung, cơ chế “lái tự động” giúp ta thực hiện các nhiệm vụ mà không cần mấy suy nghĩ hay sự tập trung.
Trong ví dụ lái xe trên một lộ trình quen thuộc, bạn chẳng để ý gì về con đường mà vẫn tới nơi dễ dàng, bởi não bạn đã quá quen với nhiệm vụ đó. Điều này tương tự như khi bạn thực hiện những công việc quen thuộc khác. Tuy nhiên, chế độ tiết kiệm năng lượng này cũng rất đáng lo ngại. Bộ não có xu hướng lười biếng, và chế độ “lái tự động” thường xuyên lấn át trạng thái suy nghĩ tỉnh táo vốn luôn đòi hỏi nhiều năng lượng. Điều này đáng nguy khi con người để mặc nó tung hoành trong những trường hợp cần đến sự chú tâm, sáng suốt, tỉnh táo.
Bộ phim Ma Trận sản xuất năm 1999 mô tả cuộc sống của con người bị người máy khống chế. Hệ sinh thái Trái đất thật ra chỉ là một hệ lập trình khổng lồ hư ảo trí tuệ nhân tạo, chứ không hề tồn tại thật sự. Bộ phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng với cộc mốc thời gian là 2199 nhưng dường như ở năm 2020 của thế kỷ 21, viễn tưởng đó có phần nào trở thành sự thật. Khi công nghệ phát triển và gần như mọi thứ đều được thu nhỏ trên màn hình. Các nhu cầu như giao tiếp đã có ứng dụng trò chuyện trực tuyến; nhu cầu mua sắm cũng đã chuyển mình lên không gian “online”; và thậm chí đến chơi thể thao như tennis, golf... cũng đã được mô phỏng như thật bằng ứng dụng 3D. Nền công nghiệp này ngày càng khuyến khích mọi thứ “ảo” càng thật càng tốt. Vì vậy, không quá lạ lùng khi bạn không nhớ rõ dư vị đón bình minh sáng sớm, không nhớ những gương mặt ngoài đời thật mà chỉ còn nhớ biệt danh của họ trên mạng xã hội.
Bạn hãy giơ tay, nếu như không nhớ chính xác công việc tuần qua của mình có điều gì thú vị. Bạn không nhớ những người bạn mới gặp, càng không nhớ nội dung bộ phim tối qua đã xem là gì. Mỗi ngày trôi qua, những công việc lặp đi lặp lại khiến bạn hoạt động không khác gì một cỗ máy được lập trình. Có thể bạn đã trở thành “Zombie”. Những thây ma quen thuộc trong bộ phim đình đám như “Xác sống” (The Walking Dead), “Đêm của những thây ma” (Night of the Living Dead)... với đủ đầy những đặc tính thường thấy như trì trệ, ù lì, chậm chạp, không có trí não, không có một chút sức sống nào. Nếu đã thấy hình ảnh chính mình trong đó, đã đến lúc bạn cần thức tỉnh. Cuốn sách “Xoay tư duy, chuyển cuộc đời” của tác giả Chris Barez Brown chính là chiếc đồng hồ báo thức mà bạn phải đặt đầu giường nếu mong muốn thoát khỏi chế độ “lái tự động”.
Cài đặt chế độ tỉnh thức
Theo tác giả cuốn sách “Xoay tư duy, chuyển cuộc đời”, tỉnh thức là trạng thái tỉnh táo và được kết nối. Đó là khoảnh khắc lướt qua khi ta cảm nhận rằng cuộc sống tuyệt vời đến thế. Chúng ta tương tác mọi thứ một cách có ý thức và chủ đích hơn. Nghĩa là chúng ta không nổi đoá như một phản xạ khi bị chỉ trích; không cảm thấy giận dữ, suy sụp khi có một sự cố bất ngờ xáo trộn cuộc sống hàng ngày... Dường như chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn khi ở chế độ “lái tự động” và có nhiều góc nhìn rộng mở, đón lấy mọi tình huống với thái độ tích cực.
Ở chế độ tỉnh thức, chúng ta nhận thấy bản thân không bao giờ đơn độc, được kết nối mọi thứ và mọi người trên hành tinh.
Khi ở chế độ tỉnh thức, chúng ta nhận thấy bản thân không bao giờ đơn độc, được kết nối mọi thứ và mọi người trên hành tinh. Nhờ vậy con người có thể bỏ ra những thứ vụn vặt để tập trung vào những gì thực sự có ý nghĩa. Sự sáng tạo nhờ vậy cũng trở nên dồi dào vì chúng ta không còn chống cự với cuộc sống.
Ví dụ như đề mục “Hãy đứng dậy”, Chris Barez Brown chỉ ra rằng: “Cách đây 100 năm, chỉ có 10% số người trong chúng ta làm công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều. Ngày nay thì con số đã lên 90%, điều này đã trở thành một vấn đề lớn đối với sức khoẻ và năng lượng của chúng ta. Số người chết vì căn bệnh thiếu vận động nhiều hơn số người chết vì thuốc lá. Khi chúng ta không di chuyển nhiều, cơ chế lái tự động sẽ nắm quyền kiểm soát. Vì ngồi yên một chỗ chính là tư thế não bộ tiềm thức chúng ta cảm thấy thoải mái nhất”.
Chính vì vậy, giải pháp tác giả đưa ra khá đơn giản, bắt đầu từ bây giờ, dù làm việc trong văn phòng, chúng ta phải dành thời gian để... đứng lên. Chris Barez Brown tiết lộ là công ty của ông thường xuyên tổ chức các cuộc họp khi đang đi dạo ngoài trời. Ông có hẳn một bàn làm việc đứng trong văn phòng. Điều đó giúp công việc của Chris Barez Brown hiệu quả, năng suất tối ưu hơn rất nhiều. Bao gồm giảm mệt mỏi, căng thẳng, rối trí, trầm cảm, đồng thời mang đến nhiều sinh lực, năng lượng, khả năng tập trung và hạnh phúc. Những điều này sẽ giúp bạn dễ dàng tăng thời gian tỉnh thức rất nhiều.
Các phương pháp của Chris Barez Brown rất dễ áp dụng và hầu như là những hoạt động bình thường diễn ra cuộc sống nhưng khi thực hành đều đặn, tạo thành thói quen, nó sẽ tạo nên hiệu quả bất ngờ. Như việc ông cho những nhân viên làm trong phòng sáng tạo của mình đi qua một cây cầu, tưởng tượng rằng đang nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của trẻ con. Quá trình diễn ra một tiếng rưỡi đó, phòng ban của ông đã có ít nhất 30 ý tưởng mới. Ông và rất rất nhiều người khác từng đi bộ qua cây cầu đó nhiều lần nhưng chẳng hề để ý điều gì xung quanh, chẳng thấy được những dòng nước đang chảy xiết nhiều tốc độ. Và mọi người nhanh chóng nhận ra, có rất nhiều người đang làm việc với tốc độ không đổi – đó là hết tốc lực. Điều đó thật tai hại vì có thể dẫn đến trầm cảm, kiệt sức. Dự án đó được thiết kế nhằm giúp khách hàng của ông tránh được việc đội ngũ nhân viên của họ làm việc quá sức.
Trong trạng thái lái tự động, tất cả ý thức chỉ là nước chảy dưới chân cầu, một bức tranh nhàn nhạt, đại khái. Vì vậy, để tỉnh thức trước thế giới mà ta đang sống, chúng ta cần phải nhìn thấy nhiều hơn. “Tất cả mọi ý tưởng tuyệt vời đều được khơi gợi từ những thứ quanh mình”, tác giả chia sẻ. Và để sống cuộc đời hạnh phúc hơn chúng ta cần tương tác mọi thứ có chủ đích, làm cho mỗi ngày trên hành tinh này thật khác biệt theo kiểu “tận hưởng cuộc sống như nó vốn dĩ”.
Nguyên Nguyên