Vài lời khuyên dành cho ứng viên Content Marketing
Chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Thu Hảo - Marcom Manager của GIGAN JSC.
Dạo gần đây, mình đang cần vài vị trí Content cho GIGAN. Bản thân người làm Nhân sự hay Trưởng bộ phận ai cũng mong muốn tìm được ứng viên phù hợp nhất trong thời gian sớm nhất để còn bắt tay vào việc do bạn A nghỉ đột xuất hay dự án mới phát sinh. Phía ứng viên cũng mong tìm được bến đỗ để an tâm công tác, không phải ngày ngày nằm nhà buồn chán mòn mỏi chờ phỏng vấn.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà hai bên chưa gặp được nhau. Bản thân mình cũng từng là ứng viên nên hiểu rằng để tìm được một công việc tốt, phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân, công ty có thương hiệu ổn, sếp giỏi chuyên môn các thứ, lương lậu ok không phải là điều dễ dàng.Mà thật ra trên đời làm gì có công ty nào điểm 10 đâu! Ứng viên cũng vậy, đâu đó đạt tầm 70% tiêu chuẩn của mình là ổn lắm rồi.
Nói vui nó giống như bạn và người yêu tương lai của bạn có gặp được nhau không là do duyên số. Cố cưỡng cầu cũng không được. Đúng người – Sai thời điểm hay Sai người – Sai cả thời điểm là chuyện bình thường. Yêu đại một ai đó thì sợ yêu nhầm, ít hôm lại chán rồi chia tay. Mất công lại quay lại từ đầu, tìm kiếm một tình yêu mới. Kén chọn nhiều quá lại không tìm được ai hay nằm dài thất nghiệp.
Tìm được người yêu tốt hay công việc tốt đều cần thời gian, nhiều khi là do may mắn. Có khi tìm kiếm vài tháng chưa ưng một ai những bỗng một ngày ra đường va phải cũng nên. Để hai bên gặp được nhau cần có sự tương đồng nhất định (matching). Anh có cái tôi cần, tôi đáp ứng được điều anh muốn. Sau đây, mình sẽ chia sẻ từ góc độ nhà tuyển dụng để giúp bạn có lựa chọn đúng, làm tăng điểm “matching” này lên:
1. Đừng nộp CV hàng loạt
Có nhiều bạn tìm việc theo kiểu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Dù bạn có muốn đi làm lắm rồi cũng đừng làm như thế. Chỉ càng tạo nên tâm lý hy vọng nhiều thất vọng nhiều thôi, sau đó là bất lực bởi không biết tại sao mình rải cả trăm CV mà không thấy ai gọi. Làm sao có thể yêu bất cứ người mà ta gặp đúng không? Mỗi kiểu người chỉ phù hợp với một số kiểu người nhất định thôi.
Gặp 100 người may ra bạn thấy được 10 người phù hợp, tiến tới hẹn hò rồi mới “chốt đơn” 1 anh thôi chứ. Cùng là Content Marketing nhưng có công ty sẽ thiên về SEO, có bên lại cần Social, bên khác lại cần tổng hợp mỗi thứ một chút. Rõ ràng CV của bạn chỉ thể hiện viết tốt trên Blog, báo chí thì không khớp với yêu cầu của mình là Digital Agency rồi.
Bạn có thể dựa trên vài từ khóa để tìm kiếm đầy đủ mô tả công việc của vị trí đó, lên website, fanpage của công ty đó xem họ làm về lĩnh vực gì. Văn hóa công ty ra sao, có team building gì không, có phải agency uy tín hay không, xem thử văn phòng họ có đẹp không, sếp của họ là ai…rồi quyết định.
2. Hình thức của hồ sơ ứng tuyển
Nhìn chung là thư ứng tuyển như thế nào thì người như thế đó. Một email cẩu thả, phạm những lỗi hết sức cơ bản như không có nội dung email, tiêu đề “Em gửi CV ạ” thì chắc chắn bị loại trong vòng 1 nốt nhạc. Nhiều khi mình chưa đọc đến CV nhưng xem các giới thiệu bản thân ở email đã đủ ấn tượng và tặng thêm điểm cộng rồi. Với ứng viên Content thì mình thích một CV được trình bày rõ rang, sạch sẽ, chỉn chu hơn. Ngoài ra, CV bằng tiếng Việt sẽ dễ “cảm tình” hơn. Nên nhớ đính kèm SDT và email ở chân chữ ký, bật mí là HR thường sẽ tìm thông tin liên lạc. Đôi khi họ dùng để copy ra sheet Quản lý danh sách ứng viên cho tiện. Hạn chế trường hợp contact chỉ để trong CV với size chữ bé tí ti rất khó thấy, bấm nhầm số.
3. CV không chưa đủ
Với vị trí designer, portfolio là điều không thể thiếu. Quan điểm cá nhân của mình, khi mình tuyển Content mình cũng mong muốn nhận được những sản phẩm mà ứng viên đã làm. Nghề thiết kế hay viết chữ thì đôi dòng trong CV không thể hiện điều gì cả. Mình cần minh họa thực tế để đánh giá chính xác khả năng của ứng viên, sau đó mới phỏng vấn và cho làm thêm bài test. Bạn có thể tạo một trang Blog, Link các bài Content Facebook mà mình ấn tượng, tải chúng về cho vào một file Powerpoint/PDF/Word, đính kèm các Content Plan, Content Direction mình đã thực hiện (nếu có), hoặc gọn nhất thì xếp tất cả vào một folder Drive rồi dẫn link. Nếu làm được điều này ngay cả khi nhà tuyển dụng không yêu cầu, bạn đã ghi được một điểm cộng rất lớn rồi đấy.
4. Thể hiện sự chuyên nghiệp
Luôn reply email khi nhận được, kèm theo vài lời nghiêm túc, cầu thị. Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào hãy xin lỗi và mong nhận được sự sắp xếp, hỗ trợ từ phía nhà tuyển dụng. Dù có như thế nào đi chăng nữa, ví dụ xin đổi lịch, xin hủy lịch phỏng vấn, từ chối offer hãy thông báo sớm nhất có thể. Nhớ là đi phỏng vấn đúng giờ, sớm 5-10 phút thôi, đừng có đi sớm quá người ta đang phỏng vấn bạn khác mình ngồi chờ cũng không hay lắm. Ra về nhớ xếp ghế, vui vẻ chào và cảm ơn người đã phỏng vấn, vài hành động nho nhỏ vậy thôi nhưng cũng quan trọng.
5. Trong quá trình phỏng vấn
Khi phỏng vấn, cái chất của mỗi bạn dễ bộc lộ ra lắm, từ ánh mắt, nụ cười cho tới tư thế ngồi. Ngoài những câu hỏi chuyên môn, mình hay tìm điểm chung và “màu sắc” phù hợp với vị trí này. Đừng dài dòng, kể lể hay ậm ừ. Trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, ngắn gọn và súc tích.
Cá nhân mình là người đánh giá cao các bạn có sự chủ động và ham học hỏi. Nên mình thường hỏi mấy câu kiểu “Em thường tự bổ sung kiến thức cho mình bằng cách nào”, “Em có hay theo dõi các nhóm trên Facebook về Content Marketing không”, “Em hay đọc sách gì”, ‘Em có follow ai về Content Marketing không”, “Kể cho chị nghe về cuốn sách mới nhất mà em đọc đi” để tìm xem bạn này có đúng “chất” đó không. Sau đó mình sẽ hỏi xoáy vài câu để đảm bảo không “thảo mai, nói đại cho người phỏng vấn vui lòng”, nghe là biết bạn có thực sự quan tâm đến những chủ đề đó không.
Nói chung là mình cũng tự nhận mình là đứa “hơi hơi khó tính”. Ví dụ ứng viên sai những lỗi chính tả cơ bản thì nguy cơ fail là 90% ở vòng loại hồ sơ. Nhà văn Nam Cao viết “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Các vị trí khác đôi khi có thể bỏ qua được nhưng với công việc làm bạn với con chữ thì không thể nào chấp nhận được. Ngoài ra, cách trình bày format CV có gọn gàng, đẹp mắt không cũng là yếu tố quan trọng. Người làm Marketing phải chú ý từng chi tiết nhỏ, đảm bảo tính thẩm mỹ và hiệu quả. Hãy nói cái “khách hàng cần”, đừng nói “cái mình có”.
Điều cuối cùng, nên nhớ khi thấy tin tuyển dụng hãy nộp càng sớm càng tốt. Bởi không ai có thể chắc chắn rằng vị trí đó sẽ còn tới khi nào. Có khi họ để deadline là 30 ngày nữa nhưng biết đâu chỉ trong 3 ngày đã chốt được ứng viên phù hợp và “close job”. Đây là lời khuyên dành cho những bạn mắc bệnh chần chừ, lười update CV, tới lúc có công việc “ngon” thì lại chưa sẵn sàng để nộp.