Liệu đã đến lúc Facebook đặt quyền con người lên trên lợi nhuận và #StopHateforProfit

Những ngày gần đây, cộng đồng marketing và advertising bùng nổ với thông tin các nhãn hàng lớn như Coca-Cola hay Unilever sẽ bắt đầu gỡ các quảng cáo đối với Facebook từ tháng 7 nhằm ủng hộ chiến dịch #StopHateforProfit (tạm dịch: ngưng kiếm lợi từ sự thù ghét) đối với các chính sách lỏng lẻo của Facebook.

Vậy #StopHateforProfit là gì? Chiến dịch bắt đầu từ đâu và vì sao các nhãn hàng lại quay lưng với một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới? Hãy tìm hiểu cùng The Insiders!

Stop Hate for Profit là gì?


Tổ chức Stop Hate for Profit được hình thành từ sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ hoạt động về quyền con người như Color of Change, NAACP, Common sense,... Mục đích của Stop Hate for Profit là chấm dứt sự thù ghét và cực đoan của các nội dung trên mạng xã hội. Đặc biệt là các nội dung từ quảng cáo của Facebook.

Theo tổ chức này, hằng ngày, một lượng lớn nội dung và thông tin gây thù ghét được quảng cáo và xuất hiện nhan nhản trên facebook. Với việc thành lập Stop Hate for Profit, mục tiêu cuối cùng của họ chính là các nhà quảng cáo trên mạng xã hội hãy đặt quyền con người lên trên lợi nhuận. Họ mong muốn những nhà quảng cáo có ngưng ủng hộ sự thù ghét và cực đoan trên Facebook. Ký vào đơn kiến nghị #StopHateforProfit là bạn đã hành động:

- Yêu cầu Facebook kết hợp các tính năng cần thiết để đánh dấu nội dung có sự thù ghét và ngăn chặn nó phát tán
- Khẩn khiết yêu cầu các doanh nghiệp dừng các chiến dịch quảng cáo trên facebook trong tháng 7
- Truyền tải thông điệp: kiếm lợi từ sự thù ghét sẽ không bao giờ được ủng hộ. Mọi thứ cần dừng lại.

Vì sao lại là Facebook?

Theo Stop Hate for Profit, các biện pháp của Facebook để đối phó với sự ghét bỏ và quấy rối tràn lan hiện đang rất lỏng lẻo. Các chính sách về ngôn từ kích động, ngôn từ gây thù địch và thông tin sai lệch là không thỏa đáng. Facebook đang làm gì với 70 tỷ đô la doanh thu và 17 tỷ đô lợi nhuận?

Liệu đã đến lúc Facebook đặt quyền con người lên trên lợi nhuận và #StopHateforProfit

Sự ủng hộ từ các nhãn hàng

Chiến dịch đã nhận được một sự ủng hộ không chỉ từ người dùng mà còn từ chính các đối tác của Facebook - các nhãn hàng lớn trên thế giới.


"Chúng tôi cũng mong đợi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch từ các đối tác truyền thông xã hội của chúng tôi." - James Quincey

James Quincey

Chủ tịch đồng thời là CEO của Coca-Cola Company - James Quincey - trong thông báo của Coca-Cola nói rằng: “Không có chỗ cho sự phân biệt chủng tộc trên thế giới và càng không có chỗ cho sự phân biệt chủng tộc trên phương tiện truyền thông xã hội. Công ty Coca-Cola sẽ tạm dừng quảng cáo trên tất cả các nền tảng truyền thông xã hội trên toàn cầu trong ít nhất 30 ngày. Chúng tôi sẽ dành thời gian này để đánh giá lại các chính sách quảng cáo của mình để xác định xem có cần sửa đổi hay không. Chúng tôi cũng mong đợi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch từ các đối tác truyền thông xã hội của chúng tôi.”

Công ty mẹ của Viber, Rakuten, đã ngừng tất cả chi tiêu quảng cáo trên các nền tảng của Facebook và Instagram. CEO của Viber - Djamel Agaoua - đã nói: “Facebook tiếp tục thể hiện sự yếu kém trong vai trò của mình đối với thế giới. Từ việc công ty xử lý sai dữ lệu và tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng đến việc chậm chạp trong các hành động bảo vệ người dùng khỏi những sự thù ghét và bạo lực trên ứng dụng của mình. Facebook đã đi quá xa. Chúng tôi không phải thẩm phán để tuyên bố cái gì là sự thật, nhưng sự thật là có người đã phải chịu đựng các nội dung chứa bạo lực và các công ty phải có hành động rõ ràng.”

Ngoài ra, còn nhiều nhãn hàng lớn đã đồng ý tham gia chiến dịch #StopHateforProfit như Unilever hay Levi’s,…

Facebook sẽ làm gì?


Trước làm sóng phản đối mạnh mẽ, Mark Zuckerberg đã trả lời rằng công ty sẽ thay đổi chính sách đối với một số vấn đề. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là một số thay đổi rất nhỏ. Facebook sẽ áp dụng chính sách về ngôn từ gây thù ghét cho các quảng cáo những lại chưa áp dụng cho các nhóm hay bài đăng. Và những bài đăng kêu gọi bạo lực vẫn sẽ được cho phép nếu chúng đến từ một nguồn “đáng tin”i nào đó nhưng giờ đây chúng sẽ được dán nhãn.

Có vẻ một số thay đổi mới của Facebook vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của các nhãn hàng và cả những người tham gia chiến dịch Stop Hate for Profit? Động thái tiếp theo của Facebook là gì trước nguy cơ này? Chúng ta hãy cùng chờ xem!