Niềm vui của Ba - Niềm vui Quảng cáo Việt
Từ giây phút cảm nhận được vẻ đẹp của Marketing và Quảng cáo nằm ở sức mạnh ảnh hưởng đến trái tim và trí óc của con người tới mức có thể khiến họ thay đổi hành vi và suy nghĩ cho những gì tốt đẹp hơn, tôi biết đam mê của mình sẽ gửi trọn vào đây.
Và ngày hôm nay, một lần nữa, tôi càng thêm thấm thía vẻ đẹp ấy nhờ một sản phẩm quảng cáo Việt.
Đó là đoạn phim ngắn mở ra với hình ảnh một người đàn ông trạc tuổi bước xuống từ xe hơi tiến vào phía trong một nhà ăn dành cho người nghèo và sau đó vui vẻ tận hưởng tô phở từ thiện với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn… Sự xì xầm của đồng nghiệp, lòng tự trọng của người con, sự chịu đựng của người cha và mâu thuẫn được đẩy lên đến đỉnh điểm khi người con lớn tiếng “Ba có nghĩ đến con không?”. Khuôn mặt dần co rúm để lô những nếp nhăn nhuộm buồn cả căn phòng bật tiếng: “Tại vì lâu rồi, con đâu có ngồi ăn với ba bữa cơm…”. Tất cả như vỡ òa hòa cùng nỗi lòng bấy lâu có ai hiểu thấu của người cha…
Thương hiệu “dám chịu chơi và tin tưởng mình để làm một bộ phim ngắn khá mạo hiểm đối với thị trường quảng cáo ở Việt Nam hiện nay”.
Trong chia sẻ của mình, đạo diễn đoạn phim ngắn gửi lời cảm ơn vì Acecook đã “dám chịu chơi và tin tưởng mình để làm một bộ phim ngắn khá mạo hiểm đối với thị trường quảng cáo ở Việt Nam hiện nay”. Nói "chịu chơi" có lẽ bởi ở miếng đất quảng cáo đắt đỏ này, không phải chỗ để thử, càng không phải chỗ để làm chuyện "xã hội". Nói cho cùng, Quảng cáo có làm “rơi nước mắt” hay được “triệu lượt view” thì “at the end of the day” quyền lực vẫn sẽ thuộc về những con số: số người “nhận diện”, “cảm tình” với thương hiệu và trên cả là kích thước con số doanh thu.
Không phải đôi khi cứ nghĩ là ráng làm quảng cáo cho xúc động, cho lạ đi biết đâu “hên” vượt ngoài mong đợi, quảng cáo "go viral". Đây không phải chuyện hên xui. Tôi lại nghĩ để làm quảng cáo nói chung hay TVC nói riêng vừa chạm được trái tim (sự xúc động) lẫn chiếm được trí óc (ghi nhớ thương hiệu) thì hẳn cả e-kip không chỉ có đẳng, mà thật sự có tâm. Tâm với nghề, tâm với nhãn. Để chiếm được trọn vẹn trái tim của người xem phải kể đến 2 yếu tố vô cùng quan trọng mà tôi cũng vô cùng tâm đắc trong đoạn phim này đó là Âm nhạc và Thông điệp kết.
“Có khi, ba mẹ đâu còn nhiều thời gian... như ta vẫn tưởng. Đừng chờ đợi! Đã bao lâu rồi bạn không ăn sáng cùng người mình yêu thương nhất đời?”
Không biết vô tình hay hữu ý mà đoạn phim này lại được cao trào chia sẻ vào thời điểm nghỉ Giỗ Tổ 3 ngày liên tiếp. Sau khi được chia sẻ, nhỏ bạn tôi đã nói với tôi rằng: “Cảm ơn mày vì cái clip. Sắp tới tao về với mẹ, ban đầu định không về tại không muốn nghỉ làm. Cảm ơn mày nhiều nha.”. Cũng chợt nhớ ngày xưa nhà mình lương thực dự trữ chỉ có mì gói, phòng khi ba với Hai xem đá banh hoặc lúc mình giỗi này nọ trốn ăn cơm thì còn mì cứu vớt. Cơ mà tình cờ biết mình thích phở, mà nhà không có thói quen ăn ngoài, thế là ba mua sẵn cả thùng, và còn cố gắn "tập luyện" để ăn phở gói cùng mình từ đấy... Về ăn một bữa với ba thôi!
Với tôi, đó chính là vẻ đẹp của Marketing và Quảng cáo; đó chính là thành quả của Trí tuệ và Tâm hồn. Và Quảng cáo Việt Nam cần lắm những sản phẩm mang tính phục vụ Cộng đồng thế này. Chuyện phở bò có được đón nhận không hay "chiến dịch" này có thành công thực sự, hãy để thời gian trả lời.
Chân thành cảm ơn đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Cảm ơn Ê-kip. Cảm ơn anh Tăng Nhật Tuệ. Mọi người thực sự đã làm được điều tuyệt vời, ít nhất là với tôi và bạn tôi.
Còn bạn, bạn thấy sao?
P/s: Đoạn phim ngắn tuyệt vời duy chỉ có 1 điểm mình vẫn lấn cấn không hiểu thậm chí khiến mình liên tưởng đến thương hiệu khác đó là giây phút người con trai gọi ly cà phê đen mang về và cảnh quay liền sau đó là anh ấy đặt ly cà phê xuống. Không biết ngoài ý định liên kết 2 cảnh ra thì đạo diễn còn ý gì mà mình chưa thấu không nhỉ?