“Lên đường nào, xuống đường nấy”

Đây là qui luật mà chúng ta vẫn thường thấy trong giới nghệ sĩ giải trí, khi đi lên bằng con đường “scandal”, cũng sẽ đi xuống bằng con đường này.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhìn nhận qui luật ấy trong kinh doanh thương hiệu. Thông thường trong giới thương trường người ta vẫn hay dùng câu “Hữu xạ tự nhiên hương” để bàn về những tấm gương doanh nhân sở hữu thương hiệu, thay vì “thùng rỗng kêu to” như cách thức một số thương hiệu đang sử dụng.

“Lên đường nào, xuống đường nấy”

Mới đây mọi người đang bàn nhiều về thương hiệu bánh mì Minh Nhật cùng những ồn ào của cô chủ này trên mạng xã hội (được biết thương hiệu bánh mì này do Minh Nhật Masterchef sáng lập). Hình thức sử dụng người sáng lập để truyền thông thương hiệu doanh nghiệp đến với công chúng. Vốn chẳng phải là ý tưởng mới mẻ, thậm chí đây còn được xem là một trong những hình thức truyền thông thương hiệu căn bản nhất. Nhưng để hiệu quả, ít nhất doanh nghiệp ấy cũng đã đi qua đủ thăng trầm, người nghiệp chủ chí ít phải là người có câu chuyện ý nghĩa để kể cùng công chúng. Đó có thể là câu chuyện truyền cảm hứng, câu chuyện tích cực cho xã hội, thay vì những thông tin “vô thưởng, vô phạt” vốn chỉ gây chú ý mà không chứa giá trị thương hiệu trong câu chuyện ấy.

Trước đây khi nghiên cứu về chủ đề “Thương hiệu kể chuyện thông qua người sáng lập” – tôi đã phân tích câu chuyện về cô chủ nhỏ Đào Chi Anh cùng thương hiệu The Kafe Coffee, thương hiệu này cũng truyền thông hình ảnh thương hiệu thông qua người sáng lập, nhưng đó là một câu chuyện mang giá trị tích cực, hình ảnh tươi mới và truyền đi cảm hứng cho những người trẻ khởi nghiệp.

Trên thế giới có không ít những thương hiệu sử dụng người sáng lập để truyền thông hình ảnh và cảm nhận thương hiệu. Nhưng không phải thương hiệu nào cũng làm tốt, không ít thương hiệu ngậm ngùi ngậm quả đắng vì người sáng lập của họ gặp khủng hoảng hình ảnh cá nhân. Kinh doanh và thương hiệu không đi theo những qui luật của truyền thông, truyền thông thì càng nhiều người biết đến thương hiệu càng tốt. Nhưng nhìn ở khía cạnh kinh doanh thương hiệu, quan trọng hơn cả là phải quan tâm đến vấn đề khách hàng cảm nhận thế nào khi nghe những câu chuyện ấy. Chất hơn lượng.

Hãy nhìn về câu chuyện của những thương hiệu lớn để rút ra những bài học đắt giá, ví như CEO Starbuck Howard Schultz ông đã kể câu chuyện về thương hiệu Starbuck với khẩu hiệu “điều gì xuất phát từ trái tim, sẽ đến được với trái tim”, nhờ vào một hình ảnh đẹp, câu chuyện ý nghĩa đã lan truyền và tạo nguồn cảm hứng cho hàng triệu tín đồ cà phê trên thế giới.

Rồi như một Steve Job với câu chuyện về việc sáng lập thương hiệu Apple cũng đã lan truyền và khiến người ta phải theo dõi sự phát triển của thương hiệu ấy. Câu chuyện về sự nỗ lực sáng tạo không ngừng đến từ cá nhân Steve Job và các đồng sự đã lồng ghép tinh tế tính cách của thương hiệu này vào ấn phẩm truyền thông.

Người ta thường dùng những câu chuyện kể để truyền thông về hình ảnh thương hiệu đến công chúng, ý tưởng sử dụng người sáng lập để truyền thông được các thương hiệu sử dụng nhiều lần. Đã có người thành công, nhưng cũng nhiều thương hiệu ngậm quả đắng vì tận dụng những xu hướng thiếu bền vững từ mạng xã hội.

Số lượng người biết đến thương hiệu thông qua “scandal” càng cao, thì mối nguy hiểm rình rập đến thương hiệu càng lớn. Vì công chúng quan tâm vấn đề ấy để giải trí, nếu không thích họ sẽ thẳng tay tẩy chay mà chẳng có điều gì lí giải nổi. Bạn từng biết đến hiệu ứng lan truyền khủng khiếp thế nào xảy đến với thương hiệu Tân Hiệp Phát. Nếu ví cư dân mạng là “ngọn lửa”, thì tốt nhất thương hiệu không nên đùa với lửa, làm lửa vui thì không sao, khi ngọn lửa nổi giận, nó sẽ thiêu đốt thương hiệu bạn thành tàn tro.

“Lên đường nào, xuống đường nấy”

Khái niệm về thương hiệu trong kinh doanh chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam vào đầu những năm 2000, và giờ đây dường như “làm thương hiệu” đang trở thành trào lưu. Mà trào lưu thường hời hợt không có chiều sâu, để xây dựng ngôi nhà thương hiệu bền vững, nó phải được xây dựng trên móng đá. Đá ở đây là tạo ra sản phẩm tốt, phục vụ đúng nhu cầu khách hàng đang cần. Rồi từ nền tảng ấy, phát triển thêm những dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, hãy quên những lời khuyên từ “chuyên gia thương hiệu” nếu như bạn chưa có sản phẩm tốt.

Còn nếu muốn sử dụng người sáng lập để kể câu chuyện thương hiệu đến công chúng, cả hai phải là một. Đừng làm đảo lộn cảm xúc khách hàng, họ khó lòng uống một ly cà phê ngon, nếu họ đọc thấy người sáng lập thương hiệu cà phê ấy, tối ngày xuất hiện ở những bản tin giải trí.

Khái niệm doanh nhân: “Doanh nhân là người giải quyết các nhu cầu của người khác để kiếm lợi nhuận”. Khách hàng và thương hiệu sẽ gặp nhau ở giao lộ của sự đam mê, người nào đam mê lớn nhất sẽ là người dẫn đường. Khách hàng là sẽ người đi theo bạn trên con đường đến tận cùng đam mê, hãy cùng chia sẻ những đam mê thông qua những câu chuyện nhẹ nhàng, nó sẽ tự lan tỏa và chinh phục khách hàng, bởi “điều gì xuất phát trái tim – sẽ đến được với trái tim”.

Hoàng Tiễn