Hồ sơ Influencer #4 – Tác giả Gia đình Ngộ: "Ý tưởng là định hướng, Trending là gia vị" của truyện tranh thời số
Trên mạng xã hội, truyện tranh cũng là một nội dung cần phải đổi mới và sáng tạo hàng ngày. Do đó, ý tưởng mới lạ sẽ là lợi thế khác biệt. Tuy nhiên, để đi con đường này lâu dài, người làm cần phải có kỹ năng của một hoạ sĩ truyện tranh, cộng với tư duy của một “social content creator”.
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Đạt, tác giả của Gia đình Ngộ – trang truyện tranh trên Facebook với hơn 420.000 lượt thích. Sau 6 năm hoạt động, Gia đình Ngộ trở thành kênh nội dung được nhiều người yêu thích, đa phần là giới trẻ vì sự hài hước, đáng yêu và rất “trendy”, đồng thời còn là đối tác truyền thông của các nhãn hàng lớn tại Việt Nam hiện nay.
Trong số #4 của Hồ sơ Influencer, Brands Vietnam có cơ hội trò chuyện với anh Tiến Đạt về quá trình sáng tạo nội dung và cách làm việc với nhãn hàng.
Bài viết được hỗ trợ bởi Hiip.asia, nền tảng influencer marketing dẫn đầu Đông Nam Á. Dựa trên công nghệ tiên tiến, Hiip giúp đỡ hơn 500 nhãn hàng trong và ngoài nước hợp tác và xây dựng mối quan hệ với influencer để quảng bá sản phẩm và dịch vụ thành công.
May mắn khi đam mê cũng chính là sở trường
* Anh lấy cảm hứng sáng tác Gia đình Ngộ từ đâu?
Mình tạo ra Gia đình Ngộ từ năm 2014, vì đam mê truyện tranh và yêu thích vẽ từ nhỏ. Nội dung bộ truyện được lấy cảm hứng từ những câu chuyện và con người xung quanh cuộc sống của mình. Đó là lý do bộ truyện này có tên là “Ngộ”, bởi “ngộ” vừa mang nghĩa “vui, ngộ nghĩnh”, vừa có nghĩa là “tôi” trong tiếng Hoa.
Về mặt kỹ thuật, mình sử dụng nét vẽ của truyện tranh Nhật Bản (manga), với cách phân vai, dẫn truyện của truyện tranh Châu Âu (comic) để hình thành nên phong cách riêng cho bộ truyện.
Mục tiêu của bộ truyện này là tạo ra nhiều câu chuyện vui vẻ, mang tính giải trí cho cộng đồng. Đa số người theo dõi của kênh là giới trẻ, từ 16 tuổi trở lên. Họ là những bạn yêu thích truyện tranh, hay đơn thuần chỉ theo dõi kênh để giải trí.
Hướng đi ban đầu của Gia đình Ngộ là xuất bản truyện tranh. Tuy nhiên, khi làm việc với nhà xuất bản và ra mắt được 3 số, nhận thấy định hướng của hai bên có nhiều khác biệt, nên mình dừng hợp tác. Từ đó về sau, các mẩu truyện của Gia đình Ngộ được chia sẻ với cộng đồng trên nền tảng Facebook.
Về bản chất, Gia đình Ngộ là kênh xuất bản nội dung trên mạng xã hội (Social Publisher), xếp vào loại hình nhân vật tưởng tượng (Fictional Character), và là kênh truyền thông lan toả (Earned Media) trong các chiến dịch marketing.
Hiện nay, xu hướng lan toả nội dung sử dụng hình ảnh hoạt hoạ (illustration), tranh vẽ trên mạng xã hội được nhiều người dùng đón nhận. Một số nhãn hàng thấy được tiềm năng lan toả trong các chiến dịch truyền thông, nên Gia đình Ngộ có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng hơn.
* Định hướng nội dung cho Gia đình Ngộ là gì?
Hướng đi nội dung của Gia đình Ngộ không phải là truyện tranh dài kỳ, mà là các mẩu truyện ngắn, đặc biệt không giới hạn số lượng nhân vật.
Định hướng này giúp mình tự do và linh hoạt trong việc sáng tạo ý tưởng, dễ tiếp cận độc giả hơn. Vì mình thấy rằng, nếu theo dõi một bộ truyện chỉ với vài nhân vật cố định trong thời gian dài, độc giả sẽ dễ chán, vì họ có thể đoán trước được nội dung cũng như diễn biến câu chuyện.
Do đó, Gia đình Ngộ cần sự khác biệt.
Mỗi câu chuyện là một hành trình của một vài nhân vật tiêu biểu, thường xuyên xuất hiện của Gia đình Ngộ như Mỡ Mỡ, Bạch Cốt Teen, Inu…, cộng thêm sự tham gia của các “khách mời” đình đám đến từ nhiều câu chuyện khác như Thanos, Doraemon, Thuỷ thủ Mặt trăng…
Mục đích của các nhân vật khách mời là để tạo dấu ấn, tăng thêm tính “khó đoán” và bắt “trend” cho câu chuyện, đồng thời tạo tâm lý mong chờ, tò mò cho độc giả. Điển hình vào thời điểm phim Spider-Man: Far From Home ra mắt, mình sẽ thêm vào nhân vật Spider-Man vào để câu chuyện của Gia đình Ngộ thêm phần hài hước và hợp thời.
* Làm sao để liên kết nội dung câu chuyện khi có quá nhiều nhân vật “khách mời”?
Việc liên kết nhân vật không khó, điều quan trọng là phải có ý tưởng thực sự sáng tạo, khác lạ, đôi khi “vô lý” nhưng vẫn vui nhộn. Thử thách đặt ra là làm sao để có thể khắc hoạ rõ nét tính cách của mỗi nhân vật.
Sau khi có ý tưởng về nhân vật “khách mời”, mình sẽ tiến hành phân vai cho từng nhân vật, đưa vào bối cảnh cụ thể dựa trên ý tưởng câu truyện được xây dựng từ đầu.
Ví dụ như trong câu chuyện này, ý tưởng đến từ việc kết hôn trước 30 tuổi gây xôn xao cộng đồng. Trong đó, nhân vật chính là Inu và Bạch Cốt Teen đóng vai dẫn truyện, hai khách mời là Pucca và Garu minh hoạ cho việc nữ giới “chạy deadline cưới đúng thời điểm”. Tuy không cần hội thoại, nhưng hai nhân vật khách mời lại hỗ trợ làm rõ ý tưởng cho câu chuyện bắt trend này.
“100 ý tưởng sáng tạo cho 1 brief”
* Sau bao lâu thì Gia đình Ngộ bắt đầu có tầm ảnh hưởng và được nhiều nhãn hàng liên hệ?
Đầu năm 2015, Gia đình Ngộ nhận được những lời mời hợp tác đầu tiên, nhưng mình từ chối vì muốn trau dồi khả năng và kinh nghiệm sáng tạo. Cho đến khi fanpage cán mốc 10.000 lượt theo dõi (cuối năm 2015), kênh mới tự tin hợp tác thương mại.
Mình vẫn nhớ, nhãn hàng đầu tiên hợp tác với Gia đình Ngộ là Fami, với brief “sử dụng nhân vật của Gia đình Ngộ để định nghĩa “Nhà là nơi”. Đây là chiến dịch truyền thông trên “mặt trận” digital của Fami, giúp gắn kết thương hiệu với người tiêu dùng, hướng đến đối tượng mục tiêu chính là Thế hệ Millennials. Lần đầu tiên hợp tác thương mại nên không tránh khỏi lúng túng trong quá trình làm việc, nhưng vì nhãn hàng thấu hiểu và hỗ trợ nhiều nên cuối cùng mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ.
Kể từ đó, Gia đình Ngộ xuất hiện nhiều hơn trong các chiến dịch marketing và truyền thông của nhãn hàng. Từ năm 2019 đến nay, những đối tác quen thuộc của Gia đình Ngộ là Shopee, Viettel Store, Pharmacity, Watson, Grab…
* Anh dành bao nhiêu thời gian để sáng tạo nội dung cho nhãn hàng?
Thời gian sản xuất nội dung cho nhãn hàng khoảng 3 ngày. Trong đó, giai đoạn lên ý tưởng chiếm nhiều thời gian và công sức nhất, từ 1-2 ngày, thời gian phác thảo và lên màu chỉ mất 2-3 tiếng.
Đặc trưng của việc sản xuất nội dung thương mại là phải tạo ra được một câu chuyện thoả mãn nhu cầu giải trí của độc giả, nhưng vẫn truyền tải thông điệp của nhãn hàng một cách duyên dáng và tinh tế.
Có những nhãn hàng hợp tác với mình đa phần vào dịp khuyến mãi, thường thông điệp truyền thông của họ sẽ gần giống nhau. Để nội dung câu chuyện không bị trùng lặp nhưng vẫn truyền tải đúng thông điệp, mình phải sáng tạo ra nhiều câu chuyện khác nhau, thậm chí việc đưa ra “100 ý tưởng sáng tạo cho 1 brief” là điều hết sức bình thường. Tuy khó, nhưng đây lại là cơ hội giúp mình thách thức bản thân mỗi ngày.
* Anh cân bằng nội dung sáng tạo và thương mại như thế nào trên fanpage Gia Đình Ngộ?
Tần suất nội dung trên kênh là 1 post/ngày. Nếu có nội dung thương mại, mình sẽ tăng lên 2 post/ngày để cân bằng nội dung.
Đặc biệt, không có sự khác biệt giữa nội dung thông thường và nội dung thương mại trên kênh. Vì với mỗi nội dung, mình đều nghiêm túc đầu tư ý tưởng và công sức để phục vụ độc giả. May mắn là đôi khi nội dung có yếu tố tài trợ còn nhận được nhiều tương tác hơn.
* Vậy khi làm việc với nhãn hàng, anh cảm thấy hài lòng và chưa hài lòng ở điều gì?
Nhìn chung, mình thấy hài lòng khi làm việc trực tiếp với nhãn hàng. Thường họ sẽ nhận xét và duyệt nội dung nhanh, nếu có thay đổi, quá trình chỉnh sửa cũng không mất quá nhiều thời gian. Điều mình thích là phần lớn các nhãn hàng đều cho mình thời gian và không gian sáng tạo, không quá áp đặt KPI hay deadline.
Tuy nhiên, cũng có một số ít nhãn hàng áp đặt ý tưởng và chưa thật sự hiểu tính cách nhân vật của Gia đình Ngộ. Cụ thể trong một dự án gần đây, nhãn hàng yêu cầu Gia đình Ngộ hỗ trợ truyền thông cho một chiến dịch truyền thông ra mắt sản phẩm, nhưng lại brief quá ngắn gọn và không gửi đầy đủ chất liệu hỗ trợ. Khi sản phẩm ra mắt, mình phát hiện sai sót, nên liên hệ với nhãn hàng ngay để đề xuất một ý tưởng mới phù hợp hơn với thông điệp truyền thông của họ và đặc điểm của Gia đình Ngộ. Kết quả là nhãn hàng đồng ý với mình và triển khai ngay bài đăng mới.
Sau lần đó, để tránh các tình huống khó xử trong công việc, khi nhận được lời mời hợp tác của nhãn hàng, mình sẽ hỏi rõ brief về mục tiêu chiến dịch, thông điệp truyền thông, hình ảnh thương hiệu... Nếu phù hợp, hai bên mới đi đến hợp tác. Quy trình làm việc này giúp mình chủ động khi làm việc với nhiều nhãn hàng cùng lúc, tránh tình trạng quá tải nội dung thương mại trên kênh, và tạo ra nội dung đúng định hướng hơn.
* Dự định của anh để phát triển Gia đình Ngộ trong tương lai?
Về mặt hình thức, mình sẽ cải thiện nét vẽ cho các nhân vật, và áp dụng nhiều kĩ thuật điện ảnh mới vào Gia đình Ngộ.
Về nội dung, mình muốn thử nghiệm một số cách phân vai, dẫn truyện mới để tạo ra thêm nhiều câu chuyện độc đáo, giải trí tích cực. Và để làm được điều này, việc nắm bắt insight và sở thích của độc giả là rất quan trọng.
Song song đó, mình cũng có định hướng tìm hiểu thêm về mảng điện ảnh để làm cho các câu chuyện trở nên thu hút hơn, và muốn làm phim hoạt hình trong tương lai xa.
* Theo anh, khác biệt của truyện tranh trên mạng xã hội so với truyện tranh giấy là gì?
Khác biệt đầu tiên là quá trình độc giả phản hồi với truyện tranh trên mạng xã hội diễn ra rất nhanh chóng vì đây là hình thức nội dung dễ đọc, dễ tương tác, dễ chia sẻ với bạn bè và không tốn công bảo quản. Thứ hai, tác giả tự do trong khâu sáng tạo hơn vì có thể sử dụng ngôn ngữ thoải mái, phù hợp với giới trẻ, hợp thời đại. Thứ ba, vì nội dung không cần trải qua khâu kiểm duyệt, nên tác giả không phải chờ quá lâu để xuất bản và phân phối, rút ngắn thời gian tiếp cận độc giả.
Tuy nhiên, sự bùng nổ và tràn lan của các nội dung “câu like” sẽ khiến cộng đồng có cái nhìn không thiện cảm về truyện tranh trên mạng xã hội, thậm chí coi hình thức này chỉ là “vẽ chơi”, không thực sự nghiêm túc.
* Anh có thể chia sẻ một vài lời khuyên của anh cho các bạn có ý định theo đuổi công việc này?
Mình nghĩ nếu muốn làm công việc này, người làm nên đầu tư nghiêm túc về mặt hình ảnh lẫn nội dung, có định hướng sáng tạo rõ nét, xây dựng nhân vật có tính cách đặc trưng để tránh đi vào lối mòn.
Bên cạnh đó, vì đây là tạo nội dung trên mạng xã hội, nên người làm cần nhanh nhạy “bắt trend” để kênh luôn mới mẻ và hợp thời. Tuy nhiên, nội dung cũng cần đáp ứng những tiêu chuẩn về sự văn minh, duyên dáng, phù hợp với văn hoá Việt.
Cuối cùng, người làm nghề cần phải thấu hiểu đối tượng mục tiêu, đặt mình vào vị trí độc giả để sáng tạo các nội dung đáp ứng nhu cầu giải trí của họ.
* Cảm ơn Anh về những chia sẻ trên!
Xem các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam