McKinsey: 5 yếu tố cốt lõi giúp tối ưu hoá Chuyển đổi số
Phần lớn các dự án chuyển đổi số không đạt kết quả như kỳ vọng. Nghiên cứu mới của McKinsey chỉ ra năm yếu tố giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình chuyển đổi số ngay từ đầu.
Bài viết dựa trên quan điểm của: ông Jacques Bughin, ông Jonathan Deakin và bà Barbara O’Beirne.
Với các doanh nghiệp lớn, áp lực số hoá mô hình kinh doanh và sản phẩm ngày càng gia tăng. Nghiên cứu của McKinsey chỉ ra các công ty số hoá tốt chiếm đến 80% doanh thu trên các kênh số của ngành hàng. Tuy nhiên, rất khó để bắt kịp được nhóm tinh hoa này.
Có 45% các dự án chuyển đổi số tạo ra lợi nhuận ít hơn kỳ vọng. Trung bình, chỉ có 1 trong 10 doanh nghiệp tạo ra mức lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Trong một khảo sát hơn 1700 lãnh đạo cấp cao, có 45% các dự án chuyển đổi số tạo ra lợi nhuận ít hơn kỳ vọng. Trung bình, chỉ có 1 trong 10 doanh nghiệp tạo ra mức lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Tin tốt là có những quy tắc mà nhà lãnh đạo nên tuân theo để gia tăng tỉ lệ thành công của chuyển đổi số. Nghiên cứu của McKinsey cho thấy việc tuân thủ 5 nguyên tắc giúp 52% doanh nghiệp tạo ra kết quả vượt kỳ vọng, so với chỉ 11% nếu như cứ “nhắm mắt” mà làm.
McKinsey đưa ra kết quả cho nghiên cứu bằng hai cách. Thứ nhất, sử dụng kỹ thuật “máy học” để phân tích số liệu từ những dự án chuyển đổi số thành công nhằm xác định thuộc tính. Thứ hai, dùng phân tích hồi quy để tập hợp những hoạt động có tác động bất thường trong việc cải thiện kết quả chuyển đổi số liên quan đến kỳ vọng. Nổi lên từ phân tích là năm nhóm yếu tố chiến lược có thể thúc đẩy hiệu suất, bao gồm 1) Xác định ưu tiên chuyển đổi số, 2) đầu tư vào người tài – đặc biệt là CDO và CAO, 3) cam kết thời gian và ngân sách, 4) sự linh hoạt, tính thích nghi và 5) trao quyền cho nhân viên.
1. Xác định ưu tiên
Thứ nhất, chuyển đổi số nên tập trung vào một số vấn đề rõ ràng và có thể đo lường được bằng kết quả kinh doanh.
Nghiên cứu cho thấy những doanh nghiệp “có xác định mục tiêu chuyển đổi số cụ thể” thì khả năng thành công cao hơn 1.7 lần so với doanh nghiệp không xác định được ưu tiên.
Chuyển đổi số sẽ được tối ưu hoá khi người điều hành doanh nghiệp có thể xác định được yếu tố chuyển đổi nào là trọng yếu, và “khó thay đổi” nhất, sau đó đưa ra cách tiếp cận phù hợp.
2. Đầu tư vào nhân tài – đặc biệt là CDO và CAO
Nhân tài số và năng lực phân tích dữ liệu là nguồn lực mà doanh nghiệp chuyển đổi số nên nuôi dưỡng, thu hút tuyển dụng, hoặc thậm chí là thâu tóm. Ngoài ra, doanh nghiệp chuyển đổi số cần bổ sung thêm nhiều lãnh đạo có chuyên môn. Giám đốc Digital (CDO) là thành viên cốt lõi của đội ngũ lãnh đạo, “tất cả công ty thành công đều có CDO”. Còn Giám đốc Phân tích (Chief Analytics Officer) trở thành vị trí quan trọng hàng đầu để có một dự án chuyển đổi số thành công. Số liệu chỉ ra sự liên kết rõ ràng giữa sự hiện diện của một CAO và một dự án chuyển đổi số thành công.
3. Cam kết thời gian và ngân sách
Thậm chí khi đã có nhân tài và một loạt lợi thế khác, người điều hành vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung của họ vào dự án chuyển đổi số. Họ không được để bản thân bị xao nhãng.
Nghiên cứu của dự án cho thấy, khi các lãnh đạo cấp cao (tham gia vào dự án chuyển đổi số) không bị xao nhãng bởi các mục tiêu khác, thì khả năng thành công cao hơn 1.5 lần.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp cấp khoản ngân sách cụ thể cho dự án chuyển đổi số mà không bị “cắt xén” hay “làm khó”, thì khả năng thành công cũng cao hơn 1.3 lần so với việc giải ngân theo kết quả.
4. Gia tăng sự linh hoạt, tính thích nghi
Các “ông trùm” kinh tế số hiện nay thường xuyên điều chỉnh chiến lược digital hơn nhiều doanh nghiệp khác.
Sự nhạy bén của đối thủ và khách hàng trong nền kinh tế số bắt buộc các doanh nghiệp phải quan sát và sắp xếp lại ưu tiên của họ thường xuyên hơn bao giờ hết.
Có thể thấy, các “ông trùm” kinh tế số hiện nay thường xuyên điều chỉnh chiến lược digital hơn nhiều doanh nghiệp khác. Tương tự như vậy, khảo sát chỉ ra những đáp viên ở doanh nghiệp thích nghi linh hoạt với chuyển đổi số thì có cơ may thành công hơn gấp đôi. Sự nhanh nhạy này thể hiện ở toàn bộ các cấp của doanh nghiệp.
Một nghiên cứu khác của McKinsey chỉ ra rằng trong những dự án chuyển đổi số thành công, nhân viên thường được trao thưởng khi tạo ra những ý tưởng mới, chấp nhận rủi ro; đặc biệt họ tham gia các bài kiểm tra năng lực và học hỏi để theo đuổi cơ hội.
5. Trao quyền cho nhân viên
Nghiên cứu nhấn mạnh hiệu quả của chuyển đổi số đến từ toàn bộ nhân viên của công ty, chứ không chỉ ở hàng ngũ lãnh đạo.
Chuyển đổi số sẽ hiệu quả vượt trội hơn khi doanh nghiệp 1) tạo ra vai trò và trách nhiệm rõ ràng cho nhân viên, và có một người đứng đầu chuyên phụ trách sáng kiến chuyển đổi, 2) yêu cầu nhân viên phải tự chịu trách nhiệm cho mọi mục tiêu cá nhân mà họ đặt ra. Cuối cùng, một dự án chuyển đổi số hiệu quả sẽ cân bằng kỳ vọng của cá nhân với kỳ vọng của cả nhóm mà người đó dẫn dắt, và rộng hơn là kỳ vọng của cả doanh nghiệp.
Điều này cũng nhất quán với kết quả khảo sát khi các đáp viên thuộc nhóm “hiểu rõ trọng trách phải đạt được mục tiêu dự án” thường mang đến kết quả tốt hơn kỳ vọng, so với các nhóm đáp viên không nói rõ về trách nhiệm.
Nhưng hiệu quả dự án không phải là kết quả duy nhất. Đạt được các yếu tố trên còn giúp cải thiện các kỳ vọng khác cho doanh nghiệp như bán hàng qua kênh digital, mối quan hệ khách hàng, chi phí vận hành, chất lượng dịch vụ…
Thành công của dự án cũng không phụ thuộc vào bộ phận dẫn dắt là ai, marketing hay operation hay sales. Điều quan trọng là tập trung vào 5 yếu tố trên. Thay vì tập trung vào đối thủ, doanh nghiệp nên tập trung vào các yếu tố này, để giảm thiểu sự mơ hồ và tạo ra kết quả tốt hơn với các dự án chuyển đổi số.
Theo Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: McKinsey&Company