Đâu là giải pháp tốt cho ngành hàng F&B vượt qua đại dịch COVID-19?
“Một năm kinh tế buồn” – có lẽ là cụm từ để miêu tả tình hình kinh tế tính đến nửa đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xảy ra và để lại hậu quả hết sức nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của con người mà còn gây ra tổn thất lớn về kinh tế, trong đó có ngành F&B.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm phần lớn nhân sự cũng như tạm đóng nhiều cửa hàng. Còn Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua sống còn giữa các doanh nghiệp F&B với khẩu hiệu “Online hay là chết”. Vậy đâu sẽ là giải pháp tốt cho ngành hàng F&B vượt qua khỏi đại dịch COVID-19 hiện nay?
Điểm lại những khó khăn của thị trường F&B trong mùa dịch COVID-19
Tình hình của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tạo nên sự hoang mang trong dư luận. Rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trong đó F&B đang là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp. Không chỉ ở Hà Nội mà tại nhiều địa phương, các cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực này cũng trong tình trạng lao đao, khách hàng giảm sút khi dịch bệnh ngày càng phát tán diện rộng.
Mặt bằng
Vấn đề mặt bằng luôn là một bài toán nan giải cho các nhà đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nếu như những mặt tiền vị trí đẹp, giá rất cao trước đây luôn trong tình trạng “kín cửa” thuê thì giờ đây đã có nhiều biển hiệu sang nhượng cửa hàng, bởi lẽ doanh thu giảm đáng kể, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Thực trạng đường phố thông thoáng, mọi người chọn giải pháp ở nhà, tránh hạn chế tụ tập đông người dẫn đến quán vắng khách đang là tình trạng chung của nhóm ngành hàng F&B. Tình trạng kinh doanh khó khăn buộc họ phải chia sẻ mặt bằng để cắt giảm kinh phí, hay như chuỗi thương hiệu thuộc Golden Gate đã phải tạm đóng hàng chục cửa hàng.
Nhân viên
Ngoài yếu tố mặt bằng thì vấn đề về nhân sự trong công ty cũng là một bài toán khó cho các chủ doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm khó khăn này. Lượng khách hàng giảm mạnh so với thông thường nhưng mọi chi phí để duy trì cửa hàng vẫn phải chi trả đều đặn như tiền nguyên liệu, tiền máy móc, thiết bị, tiền công nhân viên mỗi ngày. Hiện có không ít nhà hàng, khách sạn, quán café đành phải cho nhân viên nghỉ không lương hoặc giảm số giờ làm, hưởng lương cơ bản… để khắc phục phần nào, dù biết điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhân viên nhưng cũng là điều bất đắc dĩ nếu quyết tâm duy trì cửa hàng.
Nguyên vật liệu
Vấn đề nguyên liệu dùng trong ngày, hoặc do nhập nhưng lượng khách đến quán ít khiến nguyên liệu hư hỏng cũng là một nguyên nhân khiến các chủ doanh nghiệp phải đau đầu. Dù đã lên phương án giảm nhập nguyên liệu nhưng một vài mặt hàng dùng trong ngày, hoặc ngắn ngày không tiêu thụ hết bỏ đi cũng làm thất thoát khá nhiều ngân sách.
Cuộc đua “Online hay là chết” của các hàng quán F&B trong mùa COVID-19
Với việc tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng và rất khó kiểm soát, số ca lây nhiễm ngày càng tăng, đã có không ít doanh nghiệp trong ngành F&B quyết đoán chuyển dịch hoạt động kinh doanh từ offline tại các cửa hàng sang tập trung phục vụ online, từ đó có thể phân chia các giải pháp cho việc kinh doanh ngành F&B thành 3 hướng:
Trong đó, cuộc đua “Online hay là chết” được nhiều doanh nghiệp trong ngành ủng hộ bởi nhiều lý do:
- Chủ cửa hàng/doanh nghiệp không phải lo sợ, tâm lý bất an nếu không may có thực khách nào đó vào quán có liên quan đến việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2, ảnh hưởng xấu đến danh tiếng và hoạt động kinh doanh của quán.
- Cửa hàng có thể cắt giảm chi phí vận hành, chuyển qua kênh online với nhiều tiện ích hơn.
- Kết hợp với các nền tảng bán hàng online như Grab, Now, BAEMIN hay Go-Viet mở rộng thị phần và tiếp cận được tối đa khách hàng tiềm năng.
Không phải chỉ đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh như hiện nay thì cuộc đua bán hàng online mới nở rộ. Kể từ khi các nền tảng giao nhận thức ăn xuất hiện rầm rộ thì giao hàng online đã trở thành một phần quan trọng của các doanh nghiệp/ cửa hàng F&B. Theo như chia sẻ của đại diện Grab cho biết: “Grab nói chung, và GrabFood nói riêng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định kể từ sau Tết Nguyên đán. Với đội ngũ đối tác tài xế đông đảo cùng hệ thống đối tác nhà hàng rộng khắp tại 18 tỉnh thành, GrabFood và GrabKitchen đang đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng trên khắp Việt Nam, lượng đơn hàng bình quân lên đến 300.000 đơn hàng/ngày”, không những giúp tăng doanh thu cho cửa hàng mà còn tạo việc làm đáng kể cho giới tài xế công nghệ.
Với nhiều lý do khác nhau, xu hướng người tiêu dùng cũng đang có nhiều thay đổi lớn, đặc biệt là trong ngành F&B, nhu cầu ăn uống tại nhà được ưu tiên nhiều hơn, người tiêu dùng muốn dành thời gian ở nhà vì đảm bảo an toàn ngừa dịch bệnh, truyền thông trực tuyến, làm việc tại nhà… và cũng là tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi tụ tập tại những nơi đông người, hàng quán.
Để tồn tại trong mùa dịch, các chuỗi F&B đã phải xoay sở qua phương án “phục vụ tại nhà” với cuộc đua bán hàng online để thu hút người dùng. Điển hình như thương hiệu Hotpot Story của Red Sun – vốn nổi tiếng với mô hình buffet lẩu tại các trung tâm thương mại nay nhận giao hàng tận nhà. Để kích cầu tiêu dùng, Hotpot Story còn giảm giá khi khách thanh toán qua VNPAY, cho mượn nồi lẩu, bếp lẩu, muôi nhúng, thậm chí là tặng kèm đồ uống.
Ở khía cạnh khác, Golden Gate – doanh nghiệp về F&B lớn nhất Việt Nam, quản lý khoảng hơn 200 cửa hàng với 20 thương hiệu sẽ mãi mãi nói không với các dịch vụ đặt hàng online khi họ vẫn đứng ngoài cuộc chơi cho đến cuối năm 2019, bất kể cả thị trường đều tìm đến online thì vào ngày 28/2/2020, Golden Gate cũng đã mở dịch vụ đặt hàng qua mạng với một vài thương hiệu lớn của họ như Gogi, Ashima hay Kichi Kichi, Nướng Gogi, Lẩu Manwah, Lẩu Hutong…; đặc biệt tập trung ở địa bàn Hà Nội.
Song song đó, họ cũng tạm thời đóng khá nhiều nhà hàng tại Hà Nội, phần lớn là những nhà hàng nằm trong các trung tâm thương mại nhằm cắt giảm tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.
“Biến nguy thành cơ” hậu đại dịch COVID-19
Sau rất nhiều các khó khăn, không ít các chủ nhà hàng, cửa hàng cà phê phải quyết định đóng cửa trong mùa dịch dù đã tung ra nhiều các chương trình khuyến mại hấp dẫn để duy trì khách hàng thân thiết, vì biện pháp ấy vẫn chưa đủ để “cứu vớt” doanh thu. Một bức tranh ảm đạm của thị trường kinh tế nói chung và nhóm doanh nghiệp ngành hàng F&B nói riêng là điều không thể tránh khỏi nhưng nhìn về tương lai lạc quan hơn, các doanh nghiệp vẫn có thể đổi ngược tình thế, “biến nguy thành cơ” hậu đại dịch COVID-19.
Nếu bạn là một người vẫn đang có ý định tham gia vào kinh doanh trong ngành F&B thì dưới đây sẽ là một vài những lợi thế cho bạn:
- Lựa chọn mặt bằng dễ dàng hơn. Như đã nói ở trên, mặt bằng luôn là yếu tố quan trọng trong kinh doanh F&B. Sau mùa dịch, bạn sẽ có cơ hội lựa chọn nhiều hơn do mặt bằng từ các cửa hàng đã đóng cửa.
- Số lượng nhân sự trong ngành cũng sẽ nhiều hơn. Bởi lẽ trong dịch, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng phải cắt giảm số lượng lớn nhân sự để duy trì hoạt động nên sau mùa dịch, ai cũng “khát” việc làm để ổn định lại cuộc sống. Với số lượng lớn nhân sự có trình độ và kinh nghiệm có thể sẽ giúp bạn yên tâm trong việc tuyển dụng.
- Số lượng các “đối thủ” trong ngành của bạn có thể giảm đáng kể do ảnh hưởng từ việc kinh doanh thua lỗ trong mùa dịch.
- Lượng khách sẽ tăng nhanh sau khi mùa dịch qua. Sau khi kết thúc dịch bệnh, tâm lý của khách hàng đều muốn trở về cuộc sống thường ngày với những nhu cầu đi chơi, đi ăn uống, tụ tập bạn bè sau chuỗi ngày “đóng cửa ở nhà”, nhu cầu vui chơi giải trí nhờ vậy sẽ nhộn nhịp trở lại.
Tạm kết
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp, dịch vụ khi hành vi mua hàng của người tiêu dùng đang dần thay đổi, buộc cách hoạt động của nhóm doanh nghiệp ngành hàng F&B phải đuổi theo, dồn lực đẩy mạnh các kênh online để có doanh thu, “sống sót” trong thời gian hậu kỳ. Tốc độ chuyển đổi và chất lượng dịch vụ bán hàng online sẽ quyết định ai sẽ là người sống sót cuối cùng khi đại dịch COVID-19 đi qua.
* Nguồn: MarketingAI