Hồ sơ Influencer #3 – Booktuber Lê Phương Anh Vũ: Sáng tạo dựa trên nhu cầu tiêu thụ nội dung của người dùng
Nghề Booktuber – review sách xuất hiện như một xu hướng tất yếu của thời đại số. Khi người dùng ngày càng có xu hướng quan tâm và tin tưởng vào những đánh giá, nhận định chuyên sâu của người ảnh hưởng (influencer) về sản phẩm, sách chắc hẳn cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, cộng đồng Booktube sẽ phát triển như thế nào trong tương lai, vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ…
Đó là chia sẻ của anh Lê Phương Anh Vũ, một trong những Booktuber đầu tiên tại Việt Nam, với kênh YouTube Vui Lên có 14.000 lượt theo dõi.
Trong số thứ #3 của Hồ sơ Influencer, Brands Vietnam đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ của anh Vũ về việc review sách, và những câu chuyện làm việc với nhà xuất bản trên cương vị là một micro-influencer.
Lấy người xem làm trọng tâm để tạo nội dung
* Cơ duyên nào khiến anh lập kênh review sách?
Tháng 05/2018, Vũ lập kênh review Vui Lên vì yêu thích sách. Sau đó, nhận thấy văn hoá đọc của người Việt chưa cao, trung bình chỉ dành khoảng 1 giờ/tuần để đọc sách. Trong khi, người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc là 3 giờ/ tuần, theo một khảo sát quốc tế năm 2016. Vì thế, mình quyết tâm đầu tư nghiêm túc hơn cho công việc review để giới thiệu những đầu sách hay, giá trị, tích cực đến cộng đồng, nâng cao văn hoá đọc.
* Tại sao anh lại chọn YouTube để review, mà không phải Facebook hay nền tảng số khác?
Mình chọn YouTube vì hình thức video mang tính sinh động, trực quan hơn các định dạng khác nhờ khả năng kết hợp cả ngôn ngữ cơ thể, cảm xúc và giọng điệu khi truyền tải nội dung. Những yếu tố này có thể kích thích giác quan của người xem, giúp họ cảm nhận nội dung lẫn thông điệp tốt hơn.
Mặt khác, YouTube cũng dễ tiếp cận người dùng hơn nhiều nền tảng về sách khác như Goodreads hay Tiki. Hiện nay, Goodreads chưa phổ biến ở Việt Nam, nên ít người sử dụng và có mức độ tương tác thấp. Thỉnh thoảng người dùng cũng tham khảo review sách trên Tiki, tuy nhiên phần đánh giá chỉ thiên về sản phẩm và dịch vụ, chưa nhiều đánh giá chuyên sâu về mặt nội dung.
* Điểm khác biệt của kênh Vui Lên là gì?
Điểm khác biệt đầu tiên của Vui Lên nằm ở sự đa dạng về mặt nội dung. Không chỉ review sách, kênh còn khai thác nhiều góc nhìn xoay quanh sách như văn hoá, thói quen hay kỹ năng đọc sách. Điều này đến từ quá trình quan sát người xem để biết họ muốn gì, cần gì và đang quan tâm điều gì thông qua sách.
Thứ hai, Vui Lên có định hướng rõ ràng từ ban đầu, đó là trở thành nền tảng nội dung giá trị, mang tính chất giáo dục, tích cực nên không bật quảng cáo.
Cuối cùng, Vui Lên cũng có sự đều đặn mà ít kênh booktube khác làm được. Trong 2 năm qua, kênh đã sản xuất hơn 200 video, với tần suất trung bình 2 video/tuần.
* Đối tượng người xem trên kênh là ai? Tốc độ phát triển của kênh hiện nay như thế nào?
Hiện nay, 90% người xem trên kênh ở độ tuổi từ 18-35, trong đó, khoảng 50% ở độ tuổi 18-24 và 30% là từ 25-45 tuổi.
Tuy nhiên, đối tượng mục tiêu của kênh là nhóm 22-35 tuổi, đa phần đã đi làm, chủ động tìm hiểu sách và có khả năng mua cao hơn các bạn sinh viên. Trong đó có nhóm 22-25 tuổi vừa tốt nghiệp đại học, bắt đầu trưởng thành, phải đưa ra những lựa chọn độc lập nên sẽ cần nội dung theo kiểu định hướng, nhận diện cảm xúc hoặc rèn luyện tư duy đúng.
Sau 6 tháng đầu tiên, kênh Vui Lên đạt 1.000 lượt theo dõi. Sau 1 năm là 3.000 lượt theo dõi. Và hiện tại, sau 2 năm, kênh sở hữu 14.000 lượt theo dõi và hơn 800.000 lượt xem.
Mặc dù kênh chưa có sự tăng trưởng bùng nổ, nhưng vẫn tăng đều đặn từng ngày và may mắn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem.
* Anh định hướng chủ đề sách để review như thế nào?
Kênh Vui Lên không có sự liên kết tuyệt đối giữa các chủ đề, nhưng hầu hết nội dung đều xoay quanh 4 lĩnh vực: cảm xúc (emotion), tư duy, tâm linh và triết học.
Bởi theo mình, cảm xúc sẽ đồng hành với quá trình trưởng thành của mỗi người. Khi review sách về lĩnh vực này, định hướng của mình là giúp người xem nhận diện được cảm xúc, từ đó, đưa ra quyết định đúng đắn trong cuộc sống lẫn công việc. Với chủ đề tư duy, nội dung review sẽ nhấn mạnh khả năng suy nghĩ độc lập, logic. Nhờ vậy, mình có thể cho người xem góc nhìn mới và tự đề ra giải pháp phù hợp. Cuối cùng, dù “kén” người xem, nhưng 2 chủ đề tâm linh và triết học vẫn được khai thác đều đặn vì đây là nền tảng của cuộc sống, giúp người xem hiểu được bản chất cuộc sống và đi sâu vào thế giới bên trong của mỗi người.
* Anh lựa chọn các đầu sách để review dựa vào nguồn nào?
Bảng xếp hạng Amazon hoặc Goodreads là nguồn mình ưu tiên nhất để tìm sách. Với mỗi đầu sách tìm được, mình sẽ tham khảo các trang review của nước ngoài để xác định tính phù hợp với nhu cầu của bản thân. Nguồn thứ hai đến từ những tác giả mình đã đọc. Trong cuốn sách, các tác giả thường nhắc đến những đầu sách hay hoặc tác giả khác. Và cuối cùng là sách từ nhà xuất bản thông qua những lần hợp tác review.
* Thời gian anh sản xuất một video review sách là bao lâu?
Thông thường, với một quyển sách dưới 300 trang, mình thường dành từ 3-4 tiếng để đọc, nếu sách từ 500 trang trở lên, thời gian sẽ khoảng 8-10 tiếng. Sau khi đọc xong, mình bắt đầu lên kịch bản, thời gian này khoảng 1 tiếng. Tổng thời gian quay dựng cho một video review sách khoảng 3 tiếng. Tuy nhiên, nếu review so sánh hoặc bộ sưu tập cho nhà xuất bản sẽ chiếm nhiều thời gian hơn, vì cần một quá trình đọc và nghiên cứu kỹ hơn.
* Anh gặp phải những khó khăn nào trong thời gian đầu mới review sách?
Thời gian đầu vì quá quan tâm đến phản hồi của người xem nên tâm lý bị ảnh hưởng. Cụ thể, mình thấy khó chịu khi nhận được những phản hồi trái chiều hay mang tính chất tiêu cực. Nhưng, chắc hẳn ai cũng sẽ gặp phải tình trạng này khi mới bắt đầu, mình chấp nhận, làm quen dần, và bây giờ không bị ảnh hưởng nhiều nữa.
Khó khăn thứ hai vì hệ thống chưa ổn định nên tốn nhiều thời gian thử nghiệm nội dung. Ngoài ra chưa thành thục với máy móc nên mình cũng gặp nhiều vấn đề trong việc canh góc máy, hậu kỳ. Thậm chí thời gian đầu mình mất cả tuần để sản xuất một video. Nhưng sau đó, mình dành thời gian đầu tư máy móc, thiết bị và lên quy trình làm việc nên việc quay dựng diễn ra suôn sẻ và đang cải thiện chất lượng từng ngày.
Booktuber là cầu nối truyền thông giữa nhà xuất bản và độc giả
* Từ thời điểm nào thì anh bắt đầu hợp tác với nhà xuất bản và nhãn hàng?
Ngày nay, người dùng có xu hướng quan tâm và tin vào những đánh giá, nhận định chuyên sâu của người ảnh hưởng (influencer) về sản phẩm hơn, và sách chắc hẳn cũng không ngoại lệ.
Mình vẫn nhớ thời điểm First News liên hệ hợp tác lần đầu tiên là khi kênh chỉ mới đạt 200 lượt theo dõi. Lần đầu làm việc với nhà xuất bản nên cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là vì chưa hiểu nhau, nhưng đội ngũ First News rất nhiệt tình hỗ trợ. Sau lần đó, Vui Lên hợp tác với First News đến tận bây giờ. Điều này khiến mình cảm thấy xúc động vì họ thấy được tiềm năng của kênh.
Hiện nay, tần suất làm việc với nhà xuất bản của Vui Lên khá đều đặn, trung bình khoảng 4 video thương mại trong một tháng.
* Anh thường làm việc với nhà xuất bản, nhãn hàng nào? Quy trình làm việc ra sao?
Đối tác lâu nhất và lớn nhất của với Vui Lên là First News, họ có nhiều dòng sách về tâm linh, triết học phù hợp với định hướng nội dung của kênh. Từ đầu năm 2020, kênh có thêm nhiều đối tác mới như Hải Đăng, Thái Hà, Nhã Nam, Wings Books, nhà sách online vuvu.vn. Bên cạnh đó, còn có 1 số đơn vị affliate marketing như Fahasa, Shopee, Accesstrade.
Thông thường, nhà xuất bản liên hệ với Booktuber vì muốn đánh giá một quyển sách mới, hoặc muốn mình hỗ trợ truyền thông cho chiến dịch của họ.
Về quy trình làm việc, thường nhà xuất bản sẽ gửi sách trước cho kênh để đọc. Sau đó, nếu cảm thấy phù hợp, mình sẽ lên ý tưởng, đề xuất nội dung review. Nếu nhà xuất bản đồng ý, mình sẽ tiến hành sản xuất video.
* Sự khác biệt giữa những video sáng tạo và thương mại hoá là gì?
Không có quá nhiều sự khác biệt giữa video thông thường của kênh và thương mại. Với mỗi nội dung, mình đều nghiên cứu kỹ, lên ý tưởng cụ thể, quay dựng chỉn chu và nghiêm túc. Thậm chí, có người xem còn bất ngờ vì không nhận ra một số video có yếu tố tài trợ.
* Những điểm hài lòng và chưa hài lòng của anh khi làm việc với nhà xuất bản là gì?
Khi làm việc với nhà xuất bản, điều khiến mình hài lòng là họ tôn trọng định hướng và nguyên tắc làm việc của kênh, cho phép reviewer thoải mái sáng tạo. Đặc biệt, họ cũng rất chủ động. Điển hình như Nhã Nam, sau khi nhận được nhiều đề xuất từ độc giả, đã liên hệ với Vui Lên để review các đầu sách của họ, và đề xuất hỗ trợ không gian tổ chức offline nếu kênh có nhu cầu.
Tuy nhiên, điểm chưa hài lòng ở đây là một số nhà xuất bản còn chưa chuyên nghiệp, và đặc biệt chưa xem Booktuber là cầu nối truyền thông đến bạn đọc. Ngày nay, người dùng có xu hướng quan tâm và tin vào những đánh giá, nhận định chuyên sâu của người ảnh hưởng (influencer) về sản phẩm hơn, và sách chắc hẳn cũng không ngoại lệ.
* Định hướng phát triển của kênh trong tương lai là gì?
Hiện tại và tương lai, kênh Vui Lên vẫn sẽ không bật quảng cáo và cũng không chạy quảng cáo cho kênh. Vì cốt lõi của kênh là tạo ra sản phẩm giá trị phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội dung của người xem, nên muốn hạn chế việc kích thích nhu cầu của họ.
Còn trong tương lai gần, mình sẽ mở rộng chủ đề cho kênh, khai thác thêm nội dung khác như các kỹ năng sống cần thiết, tư duy, triết lý. Tuy nhiên, review sách vẫn là “xương sống”.
Bên cạnh hình thức video trên YouTube, mình cũng đang thử nghiệm hình thức mới là Podcast để tối ưu hoá những nội dung khác, bởi đây sẽ là xu hướng của Việt Nam trong tương lai. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, Podcast đã phổ biến từ 5 năm trước. Như ở Mỹ, mọi người chủ yếu di chuyển bằng xe hơi, nên ưa chuộng kênh này hơn nhiều hình thức nội dung khác.
Đây không phải là một công việc hào nhoáng
* Sau hai năm, anh học được gì từ công việc này?
Bài học thứ nhất đó là “mình không cần tìm người dùng mà họ sẽ tìm đến mình khi cần”. Nếu sản phẩm có giá trị, chắc hẳn người dùng sẽ tìm đến và ở lại với bạn. Thứ hai, sự hoàn thành tốt hơn sự hoàn hảo. Có những video chưa thực sự hay, nhưng mình vẫn phải làm để quen việc. Hiện tại mình khá hài lòng về những gì mình tạo ra, nên không quá khắt khe, vì có thể cải thiện hay tối ưu hoá những yếu tố như lượt xem, chất lượng video dần dần.
* Theo anh, một Booktuber thành công sẽ cần điều gì?
Mình nghĩ rằng, Booktuber nên khởi đầu bằng sự đam mê và yêu thích, không nên chạy theo xu hướng hay số đông. Đặc biệt, phải kiên trì với việc mình làm, hiểu được những khó khăn còn tồn tại, vì đây không phải công việc hào nhoáng, lung linh hay được săn đón.
Thứ hai, biết cách chấp nhận ý kiến trái chiều từ người xem. Bởi mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, bạn phải nắm cán dao, biết cách mài dũa và sử dụng thông minh để không bị thương.
* Trong tương lai, liệu Booktuber có tiềm năng trở thành một công việc full-time không?
Booktuber vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển bởi nhà xuất bản, nhãn hàng sẽ xem đây là kênh quảng bá đáng tin cậy, nhanh chóng đến người tiêu dùng.
Mình nghĩ, từ 2-3 năm nữa, Booktuber có khả năng sẽ trở thành một công việc full-time hay dịch vụ trong thời đại số. Khi xã hội càng phát triển, người xem sẽ tìm đến các review sách để biết cuốn sách có phù hợp với họ không, hay cuốn sách đem lại cho họ giá trị gì. Do đó, Booktuber vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển bởi nhà xuất bản, nhãn hàng sẽ xem đây là kênh quảng bá đáng tin cậy, nhanh chóng đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công việc này có đem lại doanh thu cao, hay trở thành một nghề thật sự hay không, vẫn còn là một câu hỏi. Bởi mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế và văn hoá đọc, cũng như nhu cầu tiêu thụ nội dung của người Việt trong tương lai.
* Cảm ơn Anh về những chia sẻ trên!
Xem các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam