Làm thương hiệu nội từ nước ngoài

Gắn mác “made in Vietnam” khi đưa hàng đi nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, thậm chí thất bại. Vì thế, không ít người đã chọn cách mượn danh hàng ngoại để bán hàng Việt.

Cách đây gần 25 năm, ông Quách Hưng Tòng, Việt kiều Mỹ, về nước thành lập Công ty TNHH Hải Minh đầu tư làm nước mắm, cà pháo, nước tương hiệu “Cô gái Việt Nam” và “Quê hương” để mang sang Mỹ bán cho cộng đồng người Việt ở đây. Nhưng sản phẩm đã bị từ chối với lý do hàng xuất xứ từ VN người Việt ở Mỹ không dám dùng. Quay lại Mỹ và tìm thị hiếu người tiêu dùng Việt tại đó, ông Tòng thấy người Việt có nhu cầu mua hàng Việt, đặc biệt là các loại đặc sản rất cao, nhưng thường mua sản phẩm nhập từ Thái Lan và Trung Quốc. Năm 1990, quay trở về VN lần nữa, ông Tòng chuyển nhà máy sang Thái Lan làm hàng Việt xuất sang Mỹ và thành công.

“Quyết định đó không mấy dễ dàng khi trong tâm tôi muốn về nước làm ăn chứ không phải sang Thái làm ăn”, ông Tòng nhớ lại. Cũng vì mong muốn làm ăn ở quê nhà, sau khi đã khẳng định thương hiệu sản phẩm với người Việt ở Mỹ, ông Tòng quyết định dời nhà máy từ Thái Lan về VN. Đến nay, Hải Minh có nhà máy tại Củ Chi, TP.HCM sản xuất hơn 900 mặt hàng đặc sản Việt như: bún gạo, hủ tiếu, bánh tráng, mứt, các loại gia vị. Mỗi tháng Hải Minh xuất từ 8 - 12 container (khoảng 200 tấn) sang các thị trường Mỹ và châu Âu. Tại Mỹ, sản phẩm của Hải Minh phủ khắp các chợ, siêu thị của người Việt và phục vụ cả cư dân đến từ các nước Đông Nam Á. Và lúc này, ông Tòng cho biết, quá tự tin để nói sản phẩm đến từ VN.

Làm thương hiệu nội từ nước ngoài

Nhiều mặt hàng đặc sản truyền thống được cộng đồng người Việt ở nước ngoài ưa chuộng - Ảnh: D.Đ.M

Thương hiệu nữ trang Crestylla lại chọn cách quảng bá ở nước ngoài tiếp cận khách hàng. Có mặt trên thị trường gần 30 năm nay, Crestylla chuyên gia công nữ trang cho khách hàng ở nước ngoài, đa số là Việt kiều sống tại Mỹ, Úc, Canada nhưng chưa hề có chiến lược làm thương hiệu bài bản. Năm 2012, trước sự cạnh tranh với nhiều nhãn hàng nữ trang đến Mỹ từ VN và Trung Quốc, Crestylla quyết định xây dựng thương hiệu nữ trang Việt từ… Mỹ. Theo đó, tại một số nhà hàng cao cấp ở New York và nhà hàng đông người Việt đến ăn, doanh nghiệp đặt mua vài chục suất buffet trưa và yêu cầu họ để cho người mẫu nữ trang của mình trình diễn một vòng qua các bàn ăn trong vòng 1 tiếng. Hấu hết khách tại đó lấy làm thích thú và ấn tượng. Đại diện thương hiệu nhãn hàng Crestylla chia sẻ, sản phẩm của Crestylla có được tiếng tăm từ những hoạt động giới thiệu kiểu này. Năm 2013 vừa qua, riêng khách hàng đến từ Mỹ, Crestylla thu về vài trăm ngàn USD từ các hợp đồng dạng quà mang tính thử nghiệm.

Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny (trụ sở chính ở Canada) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, người có kinh nghiệm trong việc đưa các thương hiệu nhỏ Việt thành công ở thị trường nước ngoài, cho rằng nên "đi" bằng thương hiệu sản phẩm trước, có thể được xây dựng từ nước ngoài như cách của Hải Minh. Có nghĩa là đưa chính sản phẩm có chất lượng của công ty phù hợp với thị trường đó trước khi đề cập đến thương hiệu quốc gia. Trả lời câu hỏi nhất thiết phải có thương hiệu trong nước rồi mới ra nước ngoài thành công, ông Robert Trần nói: “Quan niệm đi lên bằng chính nội lực, nghĩa là phải có thương hiệu rồi mới đi ra nước ngoài theo tôi là chưa đúng, ít nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Bán hàng trong nước đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nỗ lực đưa hàng ra nước ngoài bán bằng nhiều cách và không nhất thiết phải chờ có thương hiệu. Hơn nữa, với đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu đợi đến lúc có chút thương hiệu thì chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn. Thị trường lớn bên ngoài mới giúp ta lớn mạnh được”.

Bán hàng trong nước đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nỗ lực đưa hàng ra nước ngoài bán bằng nhiều cách và không nhất thiết phải chờ có thương hiệu. Hơn nữa, với đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu đợi đến lúc có chút thương hiệu thì chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn

Ông Robert Trần - Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ

Nguồn: Thanh Niên