CTO TicketBox chia sẻ cơ duyên đến với Tiki và xu hướng chuyển đổi lên online
Mỗi công ty đều có một văn hoá và cách thức vận hành, hoạt động khác nhau, cũng là yếu tố tạo nên thành công và tồn tại của công ty đó. Tiki có những yếu tố giúp họ tồn tại 10 năm, TicketBox cũng có yếu tố văn hóa để tồn tại đến nay là 7 năm.
TopDev hân hạnh được trò chuyện cùng anh Nguyễn Hoàng Việt – Giám đốc Công nghệ cấp cao tại TicketBox để tìm hiểu rõ hơn về chuyển đổi kênh offline lên online, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại một nền tảng mua sắm trực tuyến lớn ở Việt Nam.
* Chào anh Việt, anh có thể giới thiệu về bản thân với độc giả được không?
Xin chào, tôi là Nguyễn Hoàng Việt, hiện đang công tác tại TicketBox – hệ thống phân phối vé và quản lý sự kiện trực tuyến, trên cương vị CTO. Tôi có khoảng trên 10 năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến các giải pháp về công nghệ và sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Trước đây, tôi là Engineering Director của Tiki.
* Vậy đâu là cơ duyên để anh đồng hành cùng Tiki từ trước đó? Và lý do khiến anh gắn bó với Tiki và tiếp tục quản lý TicketBox sau khi sáp nhập là gì?
Thật sự khá thú vị vì quá trình mình đến với Tiki sẽ không giống với đa số các bạn. Câu chuyện ở khoảng 2014-2015, Tiki bắt đầu launch sản phẩm là Miki – một sản phẩm nền tảng đọc ebook online. Lúc bấy giời tôi vô cùng tò mò, là làm sao Tiki có thể phân phối sách và bảo vệ bản quyền của cuốn sách đó, mã hoá như thế nào để mọi người không thể lấy được nội dung... Và qua tìm hiểu, tôi được biết Tiki làm rất tốt trong việc mã hoá và bảo vệ bản quyền sách trên các nền tảng iOS và Android.
Tôi nhớ lúc đó mình mất gần 3 tuần và cũng sắp hết kiên nhẫn. Vì Tiki encrypt trên nền tảng iOS, bản thân đã protect rất tốt rồi; tôi phải jailbreak iPhone, sau đó cài phần mềm cần thiết để debug và đọc mã, debug từng biến số một... May sao cuối cùng tôi cũng tra ra được mã key của Tiki và hiểu được cách mã hoá của họ, và đồng thời cũng phát hiện ra một số lỗ hổng. Mặc dù không phải là ‘black-hat hacker’ nhưng tôi vẫn quyết định báo cáo lỗ hổng đó cho Tiki, không ngờ được đó lại trở thành tấm CV của mình. Rồi họ mời tôi đến trao đổi, cơ duyên của tôi với Tiki bắt đầu từ đó. Nhìn lại, nếu tôi bỏ cuộc sớm thì giờ này đã không ngồi đây.
Tiki tăng trưởng rất nhanh, gần như gấp 2, gấp 3 mỗi năm, vì vậy mà những thách thức cũng tăng theo tỉ lệ thuận. Hãy tưởng tượng, những gì bạn học được hôm nay thì ngày mai sẽ khác, sẽ thay đổi hoàn toàn vì vậy chúng yêu cầu tôi phải học hỏi không ngừng, nếu không sẽ không còn phù hợp với công ty. Chính bản chất của tôi luôn mong muốn học hỏi, tìm hiểu nhiều, nên quay đi quay lại đã đồng hành hơn 4 năm với Tiki rồi. Gần đây Tiki có TicketBox, là một thử thách mới dành cho tôi.
* Anh có thể chia sẻ về công việc hằng ngày của một CTO?
CTO phải hiểu điều mà doanh nghiệp hướng tới là gì và phải nghĩ ra sản phẩm phù hợp, cần technology nào và bắt đầu build sản phẩm. Mỗi đầu tuần tôi đều có hoạt động meeting liên quan đến doanh nghiệp; tiếp theo sẽ trao đổi với team product để xem nhu cầu doanh nghiệp trong tình thế này cần sản phẩm như thế nào để phù hợp với thị trường. Khi sản phẩm ra yêu cầu về technology nào đó cũng là chủ đề cho những buổi meeting tiếp theo. Tôi cũng cần gặp các bạn về tech để biết technology này có khả năng làm được hay không trong thời điểm đó, từ đó có thể cho ra đời sản phẩm liên quan.
Bên cạnh đó khi sản phẩm đã được đưa ra thị trường, chúng sẽ có những cách định lượng về độ hiệu quả và chất lượng khác nhau. Ví dụ về tech, sẽ có những buổi về SLA meeting, về khả năng chịu tải, về sử dụng resource, code, chi phí ra sao...
Ngoài ra, dù có làm việc ở vị trí nào đi chăng nữa, tôi vẫn luôn tò mò, muốn tìm hiểu về công nghệ và những giải pháp mới. Nhờ đó tôi mới có đủ sức dìu dắt cho team mình và có thể phát triển những phiên bản demo giới thiệu để mọi người có thể hiểu và thấy rằng việc này không hề khó và ai cũng có thể làm được.
* Để hoàn thành tốt những công việc hằng ngày đó, theo định nghĩa của riêng anh, CTO nên là một người như thế nào? Kỹ năng và tốt chất nhất định phải có của một CTO là gì?
Bạn phải hiểu về doanh nghiệp, biết cách làm ra sản phẩm “phù hợp” và technology để làm ra được sản phẩm đó. Những điều này khó có sách vở nào diễn giải được, mà phải nhờ vào kinh nghiệm làm việc của bản thân và người đi trước, vì vậy bạn cần luôn trau dồi và cố gắng học hỏi không ngừng.
* Khi Tiki và TicketBox cộng tác cùng nhau thì có sự khác nhau trong tư duy hay không và nếu có thì anh đã làm gì để khắc phục?
Mỗi công ty đều có một văn hoá và cách thức vận hành, hoạt động khác nhau, cũng là yếu tố tạo nên thành công và tồn tại của công ty đó. Tiki có những yếu tố giúp họ tồn tại 10 năm, TicketBox cũng có yếu tố văn hóa để tồn tại đến nay là 7 năm. Khi 2 công ty giao hoà với nhau, chắc chắn sẽ có điểm giống và khác biệt. Vậy trách nhiệm của chúng tôi là cố gắng giao thoa những điểm tốt nhất có thể để tạo thành một tổ hợp thống nhất và cùng đi lên trong công việc.
* Anh có thể nói rõ hơn chỉ số đo lường hiệu quả là những gì không?
Các chỉ số chỉ phản ánh được phần nào mức độ thành công hay không thành công của sản phẩm. Quan trọng là doanh nghiệp hướng đến những giá trị gì và sản phẩm được xây dựng dựa trên tiêu chí nào. Ví dụ như một doanh nghiệp chú trọng đến vấn đề người dùng thì chỉ số liên quan phải về người dùng; nếu chú trọng lợi nhuận thì những chỉ số liên quan phải liên quan đến mặt lợi nhuận...
* Được biết ở vị trí Director of Engineer tại Tiki, có 1 công việc là chuyển từ UX sang PX (Personalized Experience). Anh có thể so sánh 2 khái niệm này cũng như tầm quan trọng của PX là gì không?
Không nên nhìn UX và PX là 2 thứ khác nhau, chẳng hạn nếu tôi chọn cái này thì tôi không chọn cái kia; mà tuỳ theo vấn đề sẽ có cách giải quyết riêng.
Muốn lên được PX thì UX cần làm tốt trước tiên. UX làm tốt nghĩa là người dùng dễ sử dụng, tiết kiệm được thời gian trong việc đạt được mục tiêu họ mong muốn thông qua cách tổ chức nội dung website, thể hiện nút bấm như thế nào, thể hiện thông tin rõ ràng, tương tác dễ dàng hơn... Nhưng sẽ không tránh được thời điểm UX bị “bão hoà”, ví dụ như đổi nút lên trên cũng vậy, đổi nút xuống dưới cũng vậy...
Với Tiki chẳng hạn, trong suốt 10 năm có khoảng gần 20 triệu khách hàng; trung bình 1 năm cỡ 5, 6 triệu khách, nếu đánh đồng 5 triệu khách hàng đó theo một kiểu thì chắc chắn mình sẽ hài lòng một nhóm nào đó, và cũng sẽ không hài lòng một nhóm nào đó. Như vậy sẽ khó duy trì lâu dài, và lúc đó sẽ cần đến PX: giải quyết từng trường hợp theo hướng cá nhân hoá.
Ví dụ với nữ giới, họ sẽ quan tâm về mặt thời trang, làm đẹp hơn cả vì vậy nếu thể hiện cho họ các gợi ý về đồ công nghệ sẽ không hiệu quả mà còn làm mất thời gian và làm dài danh sách. Hoặc một ví dụ khác là hiện nay smartphone phát triển, việc người dùng smartphone để xem sản phẩm sẽ chiếm đa số. Tiki có hơn 1 triệu sản phẩm, màn hình smartphone lại nhỏ dẫn đến việc hiển thị chừng 5, 6 sản phẩm là cùng, vậy bài toán đặt ra rằng là làm thế nào mà để 5, 6 sản phẩm đầu tiên mà khách hàng thấy được là đúng với cái họ mong muốn, và chỉ cần 1 click thôi là đã mua được sản phẩm mà khách hàng cần? Đó là nhiệm vụ của PX.
Tuy nhiên, khi làm UX tốt, scale người dùng, scale sản phẩm, có sự tăng trưởng thì PX mới có giá trị. Chẳng hạn bạn có 5 sản phẩm, người dùng bạn có 10 người, nếu đầu tư PX thì đằng sau đó là những thứ rất phức tạp; và đầu tư như vậy thì cũng cần tạo ra sự hiệu quả về chi phí, thời gian...
* Tiki đã tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng như thế nào?
Tiếp tục với ví dụ Tiki đang đã có hơn 1 triệu sản phẩm và hiện người dùng chủ yếu dùng smartphone để xem sản phẩm. Màn hình điện thoại chỉ hiển thị được 5, 6 sản phẩm cùng 1 lúc, và với 1 triệu sản phẩm thì câu hỏi đặt ra là làm sao để khi người dùng mở app lên sẽ tìm được sản phẩm họ mong muốn ngay lập tức? Đó là lúc cần dựa vào hành vi trước đó của người dùng để quyết định chính xác sản phẩm nào sẽ hiển thị đầu tiên.
* Anh có thể chia sẻ “bí thuật” nào đằng sau công nghệ làm cho hệ thống vẫn chạy ổn định không bị lỗi error 404, bị lag hoặc “sập nguồn” không?
Một hệ thống được xây dựng sẽ có những đặc điểm riêng, vậy nên khi có một lượng traffic lớn đổ vào 1 website hay 1 app/ hệ thống thì nguy cơ “sập” là điều hiển nhiên. Việc đó nằm ở nút thắt cổ chai ở 1 số điểm của hệ thống; nếu đơn giản thì mắt thường có thể nhìn ra được, nhưng ở những hệ thống lớn phức tạp thì không thể nhìn bằng mắt thường do có sự liên kết chuỗi khác nhau.
Điều tự hào nhất ở TicketBox là về khả năng instrumental, nghĩa là khả năng nắm được những dữ liệu, hệ thống để đo đạc và phân tích; biết được vấn đề nằm ở đâu.
* Khi đảm nhận vị trí CTO của Ticketbox, anh có khám phá được điều gì thú vị về thị trường đặt vé trực tuyến?
Hãy cứ tưởng tượng bán vé sự kiện truyền thống là ở quầy vé, khách hàng sau khi mua vé sẽ trực tiếp đi vào nơi sự kiện diễn ra. Ở TicketBox đã chuyển sang quầy vé online, ưu điểm là tiếp cận được nhiều người hơn.
* Theo anh, việc sáp nhập TicketBox vào Tiki có ý nghĩa như thế nào? Đến nay đã đạt được những thành tựu gì?
Tiki mong muốn mang lại nhu cầu giải trí cho người Việt. Những dữ kiện liên quan tới nghệ sĩ lớn hoặc những chương trình hội thảo, sự kiện mang tính giải trí... hiện tại đa số các bên đều tham gia hợp tác cùng TicketBox. Nghĩa là TicketBox trở thành nơi mà mọi người có thể truy cập để tìm kiếm thông tin; nếu có nhu cầu về giải trí có thể tìm kiếm về nội dung giải trí... Ngoài ra, thời gian vừa rồi chúng tôi cũng mở rộng thêm về phim ảnh, tức là khách hàng có thể lên và tra cứu nội dung liên quan đến phim ảnh, có thể mua vé xem phim như các nền tảng đặt vé xem phim online khác.
* Anh mong đợi những gì từ những thành viên trong team mình (về mặt văn hoá) để tạo ra cộng hưởng sức mạnh lớn cho cả hai?
Văn hoá mà tôi thích nhất ở Tiki là cứ thử và làm, đó cũng chính là yếu tố tạo ra những đột phá cho Tiki – điều tôi mong muốn cũng xảy ra ở TicketBox. Hiện tại công việc của chúng tôi là cải tiến về kỹ thuật lẫn tư duy, để chuyển đổi từ những thứ trước giờ hoạt động offline lên môi trường online, cho nên quan trọng là con người có dám thử, dám làm hay không.
* Trong quá trình làm việc với các bạn trẻ, anh có nhận thấy còn một ít những bạn có tư duy đang hiểu sai về công việc của 1 Engineer?
Một điểm chung mà rất nhiều Engineer mắc phải là họ nghĩ đơn thuần chỉ cần làm theo yêu cầu là xong, rằng công việc này chỉ cần nhận được yêu cầu viết cái gì sẽ làm theo đúng như vậy mà thiếu đi sự sáng tạo, là một thiếu sót lớn.
* Không ít bạn mong muốn trở thành 1 Product Manager giỏi, anh có thể chia sẻ resources (sách, tài liệu…) mà anh tâm đắc để giúp các bạn theo đuổi con đường này không?
Product Manager thuộc về kinh nghiệm nhiều hơn. Resource tốt nhất là nên là bạn nên gia nhập một công ty nào đó có business requirement liên quan tới mảng bạn đang làm, trải nghiệm với nó, xây dựng nó, optimize hàng ngày thì dần dà bạn sẽ có kinh nghiệm liên quan.
Như tôi làm khá nhiều về e-commerce, nên nếu nói về PM liên quan tới ecommerce thì tôi nghĩ mình có thể làm tốt được. Thế nhưng nếu chuyển sang một ngành khác, right howling chẳng hạn, nói tôi là group manager liên quan tới ecommerce cũng đồng nghĩa với group manager liên quan tới right howling thì chưa đúng. Tất nhiên tôi vẫn có thể làm được khi và chỉ khi đã trải nghiệm qua.
* Nguồn: TopDev Blog