Tiềm năng cho các ứng dụng Y tế hậu COVID-19?
Dịch bùng phát dẫn tới chính phủ quyết định cách ly toàn xã hội. Người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà. Nhưng nhu cầu chăm sóc sức khỏe vẫn cần được đáp ứng.
Vậy mọi người có đang hướng tới các dịch vụ khám sức khỏe trực tuyến? Hậu COVID-19, liệu khám trực tuyến có lan toả? Các ứng dụng Y tế di động có cơ hội nào để phát triển?
Suốt 2 tháng kể từ dịch bùng phát từ đầu tháng 3, công cụ social listening SocialHeat của YouNet Media đã thu thập dữ liệu trên khắp mạng xã hội và kết luận được 4 yếu tố quyết định sau:
1. COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu khám từ xa
Vì hạn chế tiếp xúc xã hội, đặc biệt là sau công điện cách ly toàn xã hội đi vào hiệu lực, mọi người dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài khám từ xa. Thủ tướng Vũ Đức Đam sau cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19 ngày 3/4 cũng đã nêu rõ hệ thống Y Tế cần khuyến khích khám bệnh trực tuyến: “Bộ đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống tư vấn y tế trực tuyến cho các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; hệ thống tư vấn, khám bệnh trực tuyến thống nhất trên cả nước”.
Theo biểu đồ SocialHeat tổng hợp, lượng thảo luận về khám chữa bệnh từ xa tăng vọt khi dịch bùng phát sau ca nhiễm số 17. Số liệu thể hiện rõ rằng vì cách ly xã hội, mọi người tích cực tìm hiểu về các dịch vụ khám trực tuyến và chăm sóc sức khỏe từ xa. Các cơ sở Y Tế cũng theo đó bắt đầu quảng bá về dịch vụ chăm sóc sức khỏe di động của mình. Ngày 18/4, công điện kéo dài cách ly xã hội tới đầu tháng 5 được ban hành, đẩy lượng thảo luận đạt đỉnh 754.
Tuy nhiên, vì COVID-19 là lý do buộc mọi người chú ý tới khám trực tuyến, dễ hiểu khi nhu cầu của người dùng giảm dần theo “sức nóng” của dịch. Bằng chứng là với xu hướng thảo luận của người dùng về các dịch vụ khám từ xa giảm dần đều trong nửa sau của mùa dịch. Xu hướng thảo luận giảm không đơn thuần có nghĩa là người dùng không còn quan tâm, mà có thể họ đã tìm được giải pháp cho mình hoặc có thể họ đang gặp phải khó khăn thay đổi sang thói quen mới.
Các ứng dụng chăm sóc sức khỏe hiện có như Med247 và eDoctor chắc chắn hiểu rõ được rằng để thay đổi hành vi người dùng cần thời gian dài thuyết phục. Dịch COVID-19 là một biến cố không thể lường trước, nhưng điều quan trọng rút ra được là nhu cầu của mọi người về hệ thống chăm sóc sức khoẻ trực tuyến luôn hiện hữu.
Mọi người mong muốn được khám và tư vấn sức khỏe thuận tiện hơn là phải đi xa hàng cây số, hay nóng ruột chờ đợi tại các bệnh viện; lo ngại tình cảnh luôn quá tải giường bệnh. Cách ly xã hội thực sự là cơ hội để mong muốn đó của người dùng được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết qua số liệu thu được. Tuy vậy, để thay đổi được thói quen “khám là phải khám trực tiếp” cần thêm nhiều thời gian và nỗ lực từ các giải pháp áp dụng công nghệ số hoá ngành Y.
2. Người dùng phản hồi tích cực về Y Tế trực tuyến
SocialHeat phân tích sâu và thống kê được phản ứng của người dùng mạng xã hội về các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.
Trong tổng số 15,027 lượt thảo luận về giải pháp khám trực tuyến:
- 52% thảo luận ủng hộ tích cực bao gồm các thảo luận: “Tiết kiệm thời gian”, “tiết kiệm chi phí”, “tránh đường xa”, “không phải chờ đợi”, “tránh lây nhiễm chéo”.
- 46.73% trung lập bao gồm các thảo luận: “xin ý kiến bác sĩ”, “chia sẻ trên trang cá nhân”, “tag bạn bè và người thân”.
- Chỉ 1.27% phản ứng tiêu cực bao gồm các thảo luận: “không yên tâm về chất lượng chẩn đoán”, “không nhận được phản hồi”, “không hài lòng với chất lượng dịch vụ”.
- Trong đó nhóm người trẻ độ tuổi từ 25-34 chiếm 78.5%.
Nhóm người trẻ đang thực sự quan tâm tới các tiện ích mà dịch vụ Y Tế trực tuyến mang lại. Trong đó, số đông 51.2% phần lớn là các “bà mẹ bỉm sữa” quan tâm và có nhu cầu trực tiếp về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ con cái và gia đình.
3. Người dùng cần cảm thấy yên tâm
Top 5 nguồn thảo luận lớn nhất trên mạng xã hội về khám sức khoẻ từ xa:
Qua dữ liệu tổng hợp được, Bệnh viện Da liễu TP.HCM không chỉ thu được nhiều thảo luận nhất mà còn được nhiều ủng hộ tích cực nhất với 1,078 thảo luận. Lý do có thể giải thích được là phần lớn bệnh lý da liễu có thể nhận biết được khá rõ ràng qua hình ảnh hay video do đó người dùng tin tưởng dịch vụ khám da liễu trực tuyến hơn bất cứ chuyên khoa nào khác
Trong suốt thời gian cách ly xã hội, số đông mọi người có xu hướng tìm đến dịch vụ khám bệnh di động của các bệnh viện lớn. Qua đó, nhu cầu của người dùng về khám trực tuyến là hoàn toàn có tiềm năng và họ sẵn sàng đón nhận thay đổi với một điều kiện tiên quyết: sự yên tâm.
Do vậy, dễ hiểu khi mọi người có xu hướng chọn các dịch vụ của bệnh viện thay vì các ứng dụng chăm sóc sức khoẻ như eDoctor hay Bacsi24, mặc dù không thể phủ nhận các tiện ích của các ứng dụng công nghệ mang lại.
Thêm vào đó, dựa trên các thảo luận trên mạng xã hội từ ngày 1/3/2020, SocialHeat phân tích được:
Qua các thảo luận về khám từ xa, cả bệnh viện, bác sĩ và phần lớn người dùng chọn liên lạc trực tiếp qua số điện thoại, nhắn tin, gọi điện qua Zalo và Facebook Inbox. Hầu hết các gia đình có một hay một vài bác sĩ mà họ luôn tìm đến. Vì vậy, trong tình hình dịch COVID-19, họ ưu tiên liên lạc trực tiếp tới các bác sĩ gia đình thay vì sử dụng các ứng dụng di động. Theo số liệu, chỉ 32.8% hoặc ít hơn hiện đang sử dụng ứng dụng.
Qua số liệu, tiềm năng cho các ứng dụng chăm sóc sức khoẻ phát triển là rất lớn. Nhóm người dùng nằm trong 67.2% vốn đã sẵn sàng lựa chọn khám bệnh trực tuyến. Họ chỉ đang gặp phải chút khó khăn thay đổi thói quen và chưa được thuyết phục rằng sử dụng ứng dụng công nghệ hoàn toàn vẫn có thể gọi điện, nhắn tin và còn bao gồm rất nhiều các tiện ích khác như quản lý hồ sơ, theo dõi đơn thuốc hay lựa chọn bác sĩ.
Đó chỉ mới là nhóm người dùng có chia sẻ thảo luận trên mạng xã hội. Nếu theo số liệu của tổng cục thống kê, 28.5% (kết quả điều tra dân số 2019) dân số nằm trong độ tuổi 24-34, điều đó có nghĩa là tiềm năng người dùng cho các ứng dụng chăm sóc sức khỏe di động lên tới hơn 27.36 triệu người.
Trong nhóm 32.8% đó, SocialHeat thống kê được tên một số ứng dụng được thảo luận nhiều nhất:
eDoctor: Tận dụng khi báo chí đưa tin eDoctor nhận đầu tư từ 4 quỹ lớn ngày 31/3 vừa qua, eDoctor đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng. Sau đó, eDoctor đã nhanh chóng tuyên bố miễn phí dịch vụ chat tư vấn 24/7 của mình tới cộng đồng trong suốt mùa dịch COVID-19. Thêm vào đó, eDoctor rất tích cực hiện diện trên Facebook với tần suất đăng trung bình 3 bài/ngày. Nhờ đó, eDoctor hiện tại đang chiếm vị trí đầu trong tâm trí người tiêu dùng khi nhắc tới ứng dụng chăm sóc sức khỏe.
Hạn chế của eDoctor là chưa thực sự nhận được sự tin tưởng từ người dùng khi một số người vẫn phàn nàn về việc không nhận được phản hồi, không hài lòng về chất lượng khám tại nhà.
Med247: Mới đi vào hoạt động từ tháng 7/2019, ứng dụng Med247 hướng tới kết nối phòng khám trên nền tảng công nghệ để người dùng có thể dễ dàng sử dụng và chăm sóc sức khỏe tiện lợi hơn. Ứng dụng đang nhận được những lời ủng hộ đầy tích cực từ người dùng đặc biệt là chuyên khoa nhi. Med247 được biết đến nhiều trong các nhóm mẹ và bé trên Facebook như “Tâm sự mẹ nuôi con” hay “Hội các mẹ mang thai và nuôi con”.
Tuy nhận về lượng ủng hộ tích cực organic tốt, Med247 chưa thực sử đẩy mạnh về các kênh truyền thông như báo chí để có thể được cộng đồng biết đến nhiều hơn.
Jio Health: Tập trung vào dịch vụ bác sĩ thăm khám tận nhà, Jio Health đang dần được biết đến, đặc biệt là khi dịch COVID-19 đang hạn chế việc mọi người ra khỏi nhà. Tuy vậy, dịch vụ của Jio Health chưa được truyền thông rõ ràng tới người dùng. Dù có 49,248 lượt thích, 61,319 lượt theo dõi, không có nhiều người dùng biết tới dịch vụ tư vấn miễn phí 24/7 mà Jio Health đang có.
iCNM: Là ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa, iCNM không chỉ giúp người dùng đặt lịch khám, tìm kiếm phòng khám, bác sĩ, mà còn quản lý hồ sơ sức khoẻ các bệnh nhân. Một điểm trừ là các lựa chọn từ iCNM vẫn còn chỉ giới hạn trong chuỗi bệnh viện Medlatec.
BacSi24: Ứng dụng của VOV hướng tới giúp người dùng có thể chủ động tìm kiếm bác sĩ theo khoa, bệnh viện cũng như vị trí. Điểm hạn chế của BacSi24 là tiện ích chỉ giới hạn ở tìm kiếm bác sĩ và đặt lịch hẹn.
4. Cơ hội cho các ứng dụng công nghệ
Qua dữ liệu phân tích từ SocialHeat về thảo luận của người dùng mạng xã hội trong 76 ngày vừa qua, tiềm năng phát triển của các ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khoẻ thực sự rất lớn. Với tất cả các tiện ích đem lại cho người dùng cũng như các bác sĩ, ứng dụng công nghệ thực sự có thể thay đổi ngành Y như cách mà Uber hay Grab đã thay đổi ngành vận tải.
Lâu nay thói quen của mọi người luôn là “bệnh viện là trung tâm”. Mọi vấn đề chăm sóc sức khỏe chỉ có thể tìm đến bác sĩ tại bệnh viện. Dù có xa xôi nhưng người bệnh vẫn phải cố dành hết thời gian và công sức tới khám ở các bệnh viện có tiếng cho yên tâm. Nhưng giờ đây, nhờ có công nghệ, các ứng dụng chăm sóc sức khỏe có thể “người dùng là trung tâm”. Người bệnh có thể được bác sĩ tư vấn chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà, có thể chọn bác sĩ theo nhu cầu, có thể hẹn lịch khám một cách thuận tiện nhất.
Điều đó đóng góp rất nhiều cho lợi ích chung. Tại các quốc gia phát triển như Đức, Canada, Singapore, các giải pháp khám sức khoẻ từ xa đã được áp dụng gần 40 năm qua nhằm giảm tải cho bệnh viện, giúp người bệnh thăm khám thuận tiện hơn, bác sĩ quản lý bệnh án khoa học hơn, góp phần giúp ngành Y phát triển tiên tiến như hiện nay.
YouNet Media tin rằng nếu một số điểm sau được củng cố sẽ thực sự giúp các ứng dụng chăm sóc sức khỏe được đón nhận tích cực và lan rộng hơn nữa:
- Trong khi tất cả doanh nghiệp đang cắt giảm marketing thì đây chính là cơ hội cho các ứng dụng công nghệ đẩy mạnh marketing khi cộng đồng đang tập trung chú ý đến vấn đề chính là sức khỏe cá nhân và gia đình.
- Chia sẻ thông tin giúp người dùng hiểu hơn rằng tiện ích của ứng dụng có giá trị hơn rất nhiều so với thăm khám và chăm sóc sức khỏe truyền thống đối với một số chuyên khoa nhất định như da liễu.
- Liên kết với các bệnh viện lớn sẽ là cách hiệu quả để các ứng dụng xây dựng uy tín trong mắt người dùng, cũng như giúp người dùng thay đổi thói quen chăm sóc sức khoẻ dễ dàng hơn.
- Một bộ phận không nhỏ người dùng vẫn còn e dè về việc chính xác khi chẩn đoán, sàng lọc bệnh trực tuyến. Do đó, cần xây dựng chiến lược truyền thông để người dùng được biết và hiểu về các tiện ích mà công nghệ mang lại thay vì thói quen phải đi khám trực tiếp hay gọi điện thoại.
- Tích cực hơn trong việc chia sẻ các kiến thức chăm sóc sức khoẻ từ chuyên gia trên mạng xã hội, đặc biệt quan tâm hơn đối với các nhóm mẹ và bé.
- Thiết kế UI/UX của ứng dụng dễ thao tác và sử dụng, tránh khả năng người dùng mới từ bỏ ứng dụng vì khó thao tác.
- Xu hướng số hoá ngành Y Tế không chỉ là nhu cầu nhất thời trong mùa COVID-19 mà là thay đổi tất yếu. Nhu cầu đơn giản hoá việc khám bệnh sẽ còn tăng hậu dịch. Vậy nên các ứng dụng nên cân nhắc mở rộng và hoàn thiện các tiện ích của mình, không chỉ dừng lại ở đặt lịch khám, tìm bác sĩ, tìm bệnh viện mà còn quản lý sổ y bạ cá nhân, đơn thuốc, nhắc nhở liều lượng, tăng chất lượng chẩn đoán và sàng lọc trực tuyến.
Không thể phủ nhận khủng hoảng mà COVID-19 đang gây ra cho nền kinh tế và hầu hết các ngành. Nhưng một mặt tích cực, dịch thực sự đã thử sức ngành Y Tế nước nhà và đội ngũ y bác sĩ đang làm xuất sắc nhiệm vụ của mình. Qua khó khăn đó là cơ hội để ngành Y Tế có thêm đà chuyển mình sang cải tiến công nghệ vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo đà thay đổi, các ứng dụng công nghệ có thể tập trung vào thế mạnh linh hoạt, tiện ích, công nghệ của mình dẫn dắt thay đổi hướng tới tương lai Y Tế hiện đại và thuận tiện hơn cho tất cả mọi người.