Experiential Marketing #1 – Chiếc cầu Ô Thước kết nối Thương hiệu và Khách hàng
Experiential Marketing – Tiếp thị Trải nghiệm là loạt bài viết chuyên sâu, tổng hợp và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về Tiếp thị Trải nghiệm – một xu thế tiếp thị nổi bật, đáng chú ý trong thời đại công nghệ 4.0 do PER-FECTIV thực hiện dưới góc nhìn của người trong cuộc. Rất mong chuỗi bài viết sẽ nhận được sự đón nhận và đóng góp ý kiến của các chuyên gia và đồng nghiệp trong ngành.
Lịch sử phát triển nền kinh tế thế giới đã trải qua bốn giai đoạn, phát triển từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế hàng hoá, kinh tế dịch vụ, và giờ đây là kinh tế trải nghiệm, nơi trải nghiệm trở thành nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, nền kinh tế trải nghiệm đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi phương pháp tiếp cận thị trường, tác động đến người mua. Chính khi đó, Tiếp thị Trải nghiệm trở thành một trong những chiến lược tiếp thị sống còn, được các doanh nghiệp tin tưởng nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng và đạt được mục tiêu thương hiệu.
Tiếp thị Trải nghiệm – “Chiếc cầu Ô Thước” kết nối Thương hiệu và Khách hàng
Theo Bernd Schmitt, “Tiếp thị Trải nghiệm là bất kỳ hoạt động tiếp thị nào lấy khách hàng làm trung tâm, tạo ra sự kết nối với khách hàng”. Suy rộng ra, đây là quá trình nhãn hàng tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, kết nối với khách hàng thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác hai chiều, giúp họ nhận ra đặc trưng thương hiệu và mang đến những giá trị cho khách hàng mục tiêu.
Nếu ví von mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng như chuyện tình yêu nhiều cách trở của Ngưu Lang – Chức Nữ, thì Tiếp thị Trải nghiệm đích thị là chiếc cầu Ô Thước gắn kết cả hai. Khác biệt nằm ở điểm, Tiếp thị Trải nghiệm có thể được thực hiện xuyên suốt một thời gian dài, không chỉ mỗi năm một lần như chiếc cầu Ô Thước trong cổ tích.
Với Tiếp thị Trải nghiệm, khách hàng thoả khao khát được yêu
Với Tiếp thị Truyền thống, khách hàng tiếp nhận thông tin một cách bị động, một chiều từ thương hiệu thông qua các kênh quảng cáo truyền thống như truyền hình, báo giấy…, họ không có nhiều cơ hội để chia sẻ, phản hồi những suy nghĩ và cảm nhận của mình về sản phẩm, về thương hiệu họ sử dụng. Trái lại, với Tiếp thị Trải nghiệm, khách hàng được xem là trung tâm, tất cả các yếu tố liên quan đến đặc điểm hành vi tiêu dùng của khách hàng (tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp…) đều được các doanh nghiệp để tâm nghiên cứu và xem xét, nhằm đưa ra những hoạt động Tiếp thị Trải nghiệm phù hợp và hiệu quả.
Song song đó, suy nghĩ và cảm nhận của khách hàng trong và sau những trải nghiệm cũng được các thương hiệu đặc biệt quan tâm nhằm có các điều chỉnh hợp lý. Những phản hồi và chia sẻ của khách hàng thường được khảo sát và ghi nhận thông qua các phiếu trả lời sau sự kiện, hoạt động hậu mãi của nhãn hàng, cuộc gọi từ điện thoại viên chăm sóc khách hàng…
Như vậy, với sự kết nối của Tiếp thị Trải nghiệm, mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng trở thành mối quan hệ tương tác hai chiều. Trong tương quan ấy, nhu cầu được trải nghiệm, được lắng nghe, được thoả mãn của khách hàng – đã, đang và sẽ tiếp tục được các thương hiệu tiếp cận và cố gắng đáp ứng tối đa.
Với Tiếp thị Trải nghiệm, thương hiệu cũng được yêu
Nói cách khác, Tiếp thị Trải nghiệm mang đến cho các thương hiệu nhiều hơn là các con số kết quả kinh doanh.
Tình yêu chung thuỷ của khách hàng: Bằng việc đáp ứng nhu cầu được trải nghiệm, được lắng nghe, được thoả mãn của khách hàng, các nhãn hàng dễ dàng chiếm được cảm tình của họ. Những tình cảm tích cực này khi được nhãn hàng vun vén một cách chân thành và hợp lý, đặc biệt là qua các hoạt động Tiếp thị Trải nghiệm trực tiếp, sẽ lớn dần thành niềm tin vào sản phẩm, vào dịch vụ, vào chính thương hiệu, sâu xa hơn, trở thành sự trung thành với nhãn hàng. Một khi có những khách hàng trung thành, doanh thu không còn là bài toán đau đầu của thương hiệu.
Hiểu và yêu chính bản thân: Bằng các hoạt động Tiếp thị Trải nghiệm, các nhãn hàng thu được cơ sở dữ liệu khách hàng khổng lồ, phản ánh cách người tiêu dùng tiếp nhận và phản hồi về sản phẩm, dịch vụ, chiến lược tiếp thị của thương hiệu. Từ đó, chúng giúp nhãn hàng thấu hiểu chính bản thân nhãn hàng, thay đổi để yêu – phát huy những tiềm năng sẵn có và được yêu nhiều hơn – thích nghi và đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng.
Một số lưu ý khi lên kế hoạch xây dựng “cầu Ô Thước Tiếp thị Trải nghiệm”
Để Tiếp thị Trải nghiệm thực sự là chiếc cầu Ô Thước kết nối khách hàng và thương hiệu, doanh nghiệp và các nhà tiếp thị cần lưu ý một số điểm chính khi xây dựng chiến lược Tiếp thị Trải nghiệm như sau:
- Hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu thông qua các nghiên cứu thị trường và phân tích hành vi, tâm lý, nhân khẩu học…
- Lựa chọn hình thức Tiếp thị Trải nghiệm phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu đang hướng đến.
- Tạo liên kết cảm xúc giữa thương hiệu và khách hàng. Đặt mình vào vai trò của khách hàng, nghĩ từ góc độ của họ để xây dựng hoạt động tiếp thị thật sự có giá trị cảm xúc.
- Tích hợp yếu tố công nghệ nhằm tăng cường ấn tượng của khách hàng đối với các hoạt động Tiếp thị Trải nghiệm, thu thập data khách hàng, tận dụng các kênh truyền thông xã hội để tăng mức độ nhận biết, tương tác thương hiệu.
- Tối ưu hoá độ phủ – tính di động của chiến dịch tiếp thị. Thay vì giới hạn phạm vi chiến dịch ở một tỉnh thành nhỏ lẻ, hãy chọn các công cụ tiếp thị có tính di động cao – có thể tiến hành và tiếp cận với người dân ở nhiều nơi khác nhau. Với mỗi “trạm dừng” của “tour” Tiếp thị Trải nghiệm, hãy chú ý đến việc kết hợp các yếu tố bản địa nhằm gia tăng mức độ tác động đến tâm thức người dân địa phương.
Mong rằng, bài viết #1 của chuỗi bài Experiential Marketing đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về vai trò của Tiếp thị Trải nghiệm trong việc kết nối thương hiệu với khách hàng. Hãy đón đọc bài viết #2 – Các công cụ Tiếp thị Trải nghiệm phổ biến để hiểu chi tiết hơn về các công cụ của xu hướng tiếp thị này!
Thông tin liên hệ:
PER-FECTIV
Ms. Dung Nguyen – Chief Communications Officer
- Email: [email protected]
- Website: https://www.per-fectiv.com
- Fanpage: https://www.facebook.com/PerFectivVietnam
- YouTube: https://www.youtube.com/channel/UCJ4hyLUMfKS6kjetalj-Oww
- LinkedIn: https://www.linkedin.com/company/per-fectiv