Khủng hoảng COVID-19: Thời của chuyển đổi thực chất, không chỉ tăng cường công nghệ

Khủng hoảng COVID-19: Thời của chuyển đổi thực chất, không chỉ tăng cường công nghệ

Giữa đại dịch COVID-19, công nghệ cao được nhắc đến như là giải pháp đưa doanh nghiệp vượt khó. Nhưng liệu công nghệ có phải là chìa khoá vạn năng?

Chuyện dùng Zoom giữa mùa đại dịch

Khi các nước nghiêm ngặt thực hiện giãn cách xã hội, mọi người chuyển sang làm việc, học tập trực tuyến. Các nền tảng hỗ trợ hội nghị trực tuyến, nhất là Zoom, nhờ đó mà tăng vọt về lượt tải mới và lưu lượng truy cập. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, Zoom đã có thêm hơn 2,22 triệu người dùng, nhiều hơn cả số người đã tải Zoom trong toàn bộ năm 2019 (1,99 triệu). Còn trong tháng 3, lưu lượng truy cập đến trang Zoom.us tăng lên đến 535%.

Đa số người dùng cho rằng Zoom đơn giản, dễ sử dụng. Phải chăng mọi người đều biết dùng nó đúng cách?

Không ít khi người ta nhìn thấy đồng nghiệp mình xuất hiện trong hội nghị trực tuyến chỉ với nửa phần khuôn mặt, phía sau là cảnh nhà bếp hay giường ngủ, lúc thuyết trình thì trình chiếu mặt mình thay vì nội dung chuẩn bị sẵn… Soạn một email hay gọi cuộc điện thoại cũng cần kĩ năng và quy tắc ứng xử, lẽ nào một cuộc họp online trên Zoom lại không cần?

Người ta không hiểu nhiều về Zoom như họ tưởng. Ào ạt tải và sử dụng, hàng triệu người nhanh chóng hối hận khi biết Zoom làm lộ địa chỉ email và hình ảnh cá nhân của hàng ngàn người dùng; có lỗ hổng bảo mật khiến kẻ xấu lợi dụng để đánh cắp thông tin; gửi dữ liệu về máy chủ ở Trung Quốc…

Khủng hoảng COVID-19: Thời của chuyển đổi thực chất, không chỉ tăng cường công nghệ

Zoom – Ứng dụng gọi video trực tuyến bùng nổ trong mùa dịch

Việc nôn nóng tìm một nền tảng thuận tiện để làm việc trực tuyến khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp vội vàng tải Zoom về trước khi tìm hiểu thấu đáo, vô tình gây thiệt hại cho mình. Mùa dịch bệnh, chuyện kinh doanh đã khó khăn mà lại còn bị lộ dữ liệu thì đúng là khó chồng thêm khó.

Những câu chuyện tương tự như vậy không hiếm. Thời buổi đi đâu cũng nghe nói tới “cách mạng 4.0”, “chuyển đổi số”, ai cũng háo hức trước công nghệ mới, nghe nói là lập tức tải về dùng cho “bằng chị bằng em”, hợp xu hướng, mà bỏ qua bước tìm hiểu về ứng dụng đó, cùng những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng. Khi ứng dụng được dùng cho cả doanh nghiệp, hậu quả càng nặng nề hơn.

Thế nên trước khi tải bất cứ ứng dụng nào, hãy chậm lại một nhịp mà cân nhắc kĩ. Hiểu rồi mới yêu thì mới hiệu quả bền lâu, còn yêu công nghệ đến mức “mù quáng” thì sẽ sớm phải bẽ bàng.

Ứng dụng công nghệ cao: cứ tải đi vì cuộc đời cho phép?

Ông Darren Woolley, chuyên gia truyền thông tiếp thị người Úc, với 20 năm kinh nghiệm tư vấn giải quyết vấn đề, và là cây bút chuyên bình luận cho các tạp chí và diễn đàn thương mại khắp thế giới, vừa có bài viết nêu quan điểm về việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Là một tín đồ công nghệ, ông rất thích trải nghiệm và tận hưởng những tiện ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, lắm lúc ông cũng thấy khó chịu, nhất là khi thấy nhiều người làm tiếp thị kiểu sẵn sàng chi tiền cho công nghệ mà bất chấp hiệu quả thực tiễn.

Qua nhiều năm kinh nghiệm tư vấn doanh nghiệp, ông Darren Woolley đúc kết: “Các nhà tiếp thị đang sở hữu nhiều công nghệ nhất không hẳn là kẻ chiến thắng. Chính người biết cách sử dụng và tận dụng công nghệ mới mang đến những kết quả tuyệt vời. Hội chứng sợ đánh mất cơ hội (FOMO) rất thường gặp khi ứng dụng MarTech (Marketing Technology), khiến bạn dễ dàng rơi thẳng vào bẫy của những người bán hàng. Vì thế đừng tiết kiệm công sức cho việc huấn luyện và thực hành”.

Khủng hoảng COVID-19: Thời của chuyển đổi thực chất, không chỉ tăng cường công nghệ

Thách thức lớn nhất của các nhà tiếp thị là hiểu được rằng chuyển đổi công nghệ bắt đầu với chiến lược (mục đích), tập trung vào khả năng (con người) và chuyển đổi cách làm việc (quá trình) hướng đến kết quả mong muốn (hiệu suất). Tất nhiên là bản thân công nghệ không thể thực hiện được điều này.

Không phải cứ thấy công nghệ có sẵn, giá rẻ hay thậm chí miễn phí, người người nhà nhà sử dụng thì mình cũng tải về cho đỡ mang tiếng lạc hậu.

“Công nghệ, cũng như tiền bạc, là đầy tớ tốt nhưng là ông chủ tồi. Người sử dụng phải đủ trí tuệ, bản lĩnh và tỉnh táo mới có thể vận dụng công nghệ hiệu quả. Với nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn trong nghề, EloQ Communications cung cấp các giải pháp tích hợp, được ‘đo ni đóng giày’ theo nhu cầu từng doanh nghiệp, theo từng giai đoạn phát triển. Việc sử dụng công nghệ luôn được cân nhắc chu đáo để mang đến kết quả tối ưu”Tiến sĩ Clāra Ly-Le, Giám đốc Điều hành EloQ Communications, chia sẻ.

Áp dụng thông minh thì công nghệ đơn giản cũng phát huy tác dụng. Tại Việt Nam, trong 3 tuần cao điểm cách ly xã hội vừa qua, các hệ thống siêu thị lớn đều triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” để người tiêu dùng không phải tiếp xúc với nơi đông người. Chẳng hạn khách hàng chỉ cần gọi hoặc nhắn tin vào hotline của cửa hàng Co.opmart gần nhất rồi liệt kê hàng hoá cần mua, nhân viên sẽ giao đến tận nhà. Hệ thống Co.opmart còn cho nhân viên siêu thị gửi đến nhà khách hàng phiếu đặt hàng, để khách dễ chọn lựa và liên hệ siêu thị để mua nhanh.

“Các nhà tiếp thị đang sở hữu nhiều công nghệ nhất không hẳn là kẻ chiến thắng. Chính người biết cách sử dụng và tận dụng công nghệ mới mang đến những kết quả tuyệt vời.”

Tương tự, hệ thống siêu thị Big C cũng đã triển khai dịch vụ đặt hàng qua điện thoại và nhận giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, trong bán kính 10km. Lotte Mart khuyến khích khách đặt hàng qua ứng dụng Speed L hoặc liên lạc hotline từng chi nhánh để được giao hàng tận nơi.

Khi ứng dụng công nghệ để bán hàng không tiếp xúc, doanh số của các hệ thống siêu thị trên đều tăng mạnh. Đại diện siêu thị Co.opmart cho biết, trong tuần đầu tiên cả nước thực hiện hạn chế đi lại, lượng đơn đặt hàng qua điện thoại tại hệ thống siêu thị này đã tăng gần 50% so với tuần trước đó.

Ở tầm vĩ mô hơn, Công ty Cổ phần Công nghệ Bách Hoá Việt đã cho ra ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho việc liên kết giữa các đối tượng trong chuỗi cung ứng – GT Link. Đây là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống đi kèm một số tính năng hỗ trợ như hệ thống logistic, hệ thống thanh toán thông minh. Dự kiến, sẽ có hơn 80.000 cửa hàng bán lẻ, phân phối hàng hoá cùng các đơn vị logistic, hệ thống thanh toán… tham gia ứng dụng. Trong bối cảnh kênh bán hàng truyền thống vẫn là kênh chủ đạo chiếm hơn 60% tổng doanh số bán lẻ, việc kết hợp giữa hai kênh bán hàng, sử dụng công nghệ hỗ trợ kênh truyền thống (chuyển đổi số) sẽ giúp tăng doanh số cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những thách thức sống còn mà đại dịch COVID-19 đặt ra, nhìn ở mặt tích cực, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá hoạt động. Mùa dịch rồi sẽ qua đi, nhưng sự lớn mạnh, hiện đại hoá của doanh nghiệp sẽ ở lại, trở thành vốn quý, nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Không dễ để nhận ra công nghệ nào cần thiết, hiệu quả nhất cho doanh nghiệp của bạn. EloQ Communications luôn sẵn sàng tư vấn, với hàng loạt dịch vụ marketing tích hợp, bao gồm quan hệ công chúng (PR), hoạch định chiến lược marketing, marketing xã hội, lập kế hoạch sự kiện, chiến lược truyền thông kỹ thuật số (digital), quản lý khủng hoảng và marketing ảnh hưởng (KOL). Bài viết gốc được đăng trên blog của EloQ.