Rác thải điện tử và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thời đại số
Năm 2020 đánh dấu sự cạnh tranh gay gắt của lĩnh vực công nghệ khi các tập đoàn đa quốc gia lần lượt tung ra thị trường hàng loạt dòng sản phẩm tiên tiến. Cuộc sống hiện đại thúc đẩy các doanh nghiệp phải sản xuất liên tục những mặt hàng điện tử mới, nâng cấp không ngừng những tính năng mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng để rồi đâu sẽ là “bãi đáp” cho những món đồ công nghệ lỗi thời? Đâu sẽ là biện pháp giúp doanh nghiệp giảm thiểu số lượng rác điện tử để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững?
“Những quả bom nổ chậm”
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc ghi nhận rằng mỗi ngày thế giới thải ra khoảng 50 triệu tấn rác điện tử (e-waste), trong đó có đến 416.000 điện thoại và 142.000 máy tính kết thúc vòng đời ngắn ngủi của mình ở các bãi chôn lấp và lò đốt rác. Đứng trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp thường xuyên đổi mới công nghệ để kích cầu tiêu dùng, dẫn đến sự liên tục đào thải công nghệ cũ với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), mỗi người dân ở quốc gia này “xả” trung bình 116.000 tấn chất thải điện tử hằng năm đã gây áp lực vô hình lên chính ngôi “nhà xanh chung” của chúng ta. Trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trái Đất đang phải “gồng gánh trên lưng” những nguy cơ tiềm ẩn đến từ khối lượng rác khổng lồ này, điển hình là sự biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng khiến hàng triệu người phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt. Nếu không được xử lý kịp thời, các hoá chất độc hại như cadmium, chì và thủy ngân từ thiết bị điện tử sẽ dần len lỏi vào mạch nước ngầm, thải vào bầu khí quyển dẫn đến ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.
Biện pháp tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp
Bảo vệ môi trường là một trong những trách nhiệm xã hội mà bất kỳ công ty nào cần phải thực hiện để xây dựng niềm tin của khách hàng và phát triển bền vững. Để khẳng định vị thế của mình trên thị trường tiêu dùng, một số doanh nghiệp đã triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần lan toả thông điệp sống xanh đến thế hệ trẻ, năng động ngày nay. Trong năm vừa qua, Tata Power – một công ty điện lực Ấn Độ – tổ chức chiến dịch mang tên tuần lễ Trái Đất với mong muốn cung cấp giải pháp xử lý chất thải điện tử mới đến người tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, công ty còn kết hợp với tổ chức Karo Sambhav thành lập những điểm thu hồi rác điện tử trải dài khắp đất nước. Người dân có thể truy cập website của Tata Power để đăng kí tham gia chiến dịch này, sau đó mang các món đồ công nghệ cũ đến các trung tâm thu gom gần nhất để được hỗ trợ hoạt động tái chế đúng cách. Để khuyến khích sự tham gia của giới trẻ, Tata Power đã đăng tải những bài viết kêu gọi hưởng ứng với tần suất dày đặc trên trang chủ Facebook, đặc biệt họ sẽ trao tặng phiếu mua hàng cho những ai mang các món đồ điện tử đến các trung tâm thu gom.
Tại Việt Nam, rác thải nhựa vẫn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Vô số chiến dịch “Vì một cộng đồng không rác thải nhựa” đã được triển khai hằng năm, song song đó các hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ về việc khắc phục mối nguy từ rác điện tử lại rất nhỏ giọt. Để phát huy tối đa vai trò tiết kiệm tài nguyên, các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng việc liên hệ các tổ chức phi chính phủ để dọn dẹp, thu gom các món thiết bị lỗi thời trong văn phòng, từ đó duy trì hình ảnh xanh cho thương hiệu bằng cách đăng tải thường xuyên các bài viết về những nỗ lực giảm thiểu rác thải điện tử trên các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn tổ chức cuộc thi so tài tái chế đồ công nghệ cũ để phát huy tính sáng tạo cũng như đề cao tinh thần đoàn kết giữa nhân viên vào những ngày kỷ niệm môi trường trong năm. Sau khi cuộc thi kết thúc, ban tổ chức đăng tải những hình ảnh vui nhộn, đầy ý nghĩa trong quá trình mọi người thi đấu với nhau lên website của công ty nhằm kêu gọi cộng đồng đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường hạn chế rác thải điện tử và “phủ xanh” Trái Đất.
Nhiều tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam cũng được thành lập nhằm nâng cao ý thức người dân, giảm thiểu rác thải điện tử, tăng cường tái chế và kiểm soát tác động đến môi trường, sức khỏe và an toàn cho sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng. Các tổ chức này còn cung cấp dịch vụ thu hồi rác thải điện tử cho các cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức nhà nước và khách hàng doanh nghiệp tại các thành phố lớn. Ngoài ra họ còn tổ chức hàng chục điểm thu gom các thiết bị điện tử đã qua sử dụng hoặc bị lỗi cũng như thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao ý thức của người dân Việt Nam trong việc cùng chung tay xây dựng một hành tinh tươi xanh hơn.
Ý thức được vấn đề môi trường là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng, Công ty Truyền thông EloQ Communications luôn sẵn sàng kết nối với các khách hàng có cùng chung mục đích để đồng hành cùng họ trong các chiến dịch truyền thông, nhằm phổ biến những bài học, lời khuyên bổ ích cho mọi người trên các phương tiện báo chí và mạng xã hội.
Ông Lý Thanh Duy, Giám đốc Đối ngoại EloQ Communications, cho biết: “Việc hợp tác giữa EloQ và các công ty trong và ngoài nước là cơ hội lớn để chúng tôi phổ biến những hành động đẹp cho cộng đồng, xã hội cũng như nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong giới trẻ tại Việt Nam. Nếu mỗi người trong chúng ta hiểu trách nhiệm của mình và cùng góp sức xây dựng thì tôi tin chắc rằng thế giới sẽ ngày càng tươi đẹp hơn”.
Điển hình, nhằm thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng xung quanh mà EloQ cũng là một thành viên, công ty đã kêu gọi đội ngũ nhân viên và đối tác của mình xóa thư điện tử rác và hạn chế đính kèm tập tin, giảm thiểu tối đa dung lượng thư điện tử để bảo vệ môi trường. Dù cả thế giới đang tập trung vào dịch COVID-19, nhưng vẫn có những khía cạnh xã hội khác đang cần được xã hội quan tâm. Những hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ bị giới hạn bởi các hoạt động ngoài trời hay hạn chế rác thải vật chất, mà “ô nhiễm kĩ thuật số” cũng là một vấn đề đang dần được thế giới chú ý.
Việc gửi một thư điện thải ra môi trường trung bình 4g CO2. Lượng khí thải này tương ứng với lượng điện năng mà máy chủ và trung tâm dữ liệu cần dùng để gửi và đưa thư điện tử đến với người nhận. Nếu người gửi đính kèm thêm các tập tin, con số này có thể lên đến 50g CO2. Theo ước tính, lượng khí thải phát sinh do gửi thư điện tử hằng năm của một người tương đương với lượng khí thải phát sinh khi lái xe trên chặng đường 322 km. Những thư điện tử rác hoặc không cần thiết được lưu trữ trong hòm thư từ năm này qua năm khác cũng tiêu tốn điện năng để sao lưu. Tổng lượng điện năng mà các trung tâm dữ liệu này sử dụng để vận hành lên đến 2% lượng điện năng toàn cầu. Việc giảm dung lượng thư điện tử sẽ giảm tải phần năng lượng được dùng để sao lưu dữ liệu, qua đó giảm lượng CO2 thải ra môi trường. Đây chính là lý do tại sao EloQ kêu gọi cộng đồng hưởng ứng biện pháp bảo vệ môi trường trực tuyến này.
Theo dự báo của Đại học Liên Hiệp Quốc (UNU), cả thế giới sẽ chìm ngập trong 120 tấn rác điện tử vào năm 2050. Nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời, chúng ta sẽ sớm “sống chung với lũ” khi hằng ngày cơ thể bị ép phải hít một lượng lớn dioxin từ các lò đốt rác gần nơi làm việc, khu vực sinh sống. Vì thế, các doanh nghiệp và cá nhân mỗi người nên thực hiện việc thu gom và tái chế đúng quy trình, nhân rộng hành động thiết thực này đến nhiều bạn trẻ hơn nữa vì một môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ngoài các nguy cơ đối với môi trường, rác thải điện tử cũng tạo ra mối đe doạ về an ninh thông tin đối với các cá nhân và tổ chức. Nếu một ổ cứng không được xoá đi đúng cách trước khi bị bỏ đi, nó có thể bị xâm nhập và lấy đi các thông tin nhạy cảm. Số thẻ tín dụng, dữ liệu tài chính và thông tin tài khoản có thể bị lấy đi theo cách này.
Rác thải điện tử đã thật sự trở thành một vấn nạn đáng báo động không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới. Để có thể từng bước giải quyết vấn đề này, không chỉ cần sự tham gia của Chính phủ, các nhà sản xuất hay các công ty chuyên tái chế, mà còn là sự tham gia của toàn xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức và thói quen của người dân khi sử dụng và bỏ đi một thiết bị điện tử. Xây dựng một hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý khép kín là yêu cầu cấp bách cần được gỡ rối từ khâu chính sách với các văn bản chi tiết từ các cơ quan chức năng. Các công ty tham gia hoạt động tái chế rác thải điện tử cần nhận được sự hỗ trợ tối đa từ nguồn cung, vốn cho đến công nghệ. Có như vậy, trong tương lai Việt Nam mới thật sự có ngành công nghiệp môi trường chuyên tái chế chất thải điện tử.
Tác giả My Nguyễn là Thực tập sinh Truyền thông – PR tại EloQ Communications. My đã từng theo học tại Đại học Quốc tế RMIT, thành phố Hồ Chí Minh và tốt nghiệp với bằng cử nhân Truyền thông Chuyên nghiệp (Professional Communications). Bài viết gốc được đăng trên blog của EloQ.