Manulife “tái hiện những bi kịch cổ xưa” để nhấn mạnh vai trò của bảo hiểm nhân thọ
Manulife đã triển khai một chiến dịch truyền thông tích hợp đa kênh để nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ.
Bạn có bao giờ tự hỏi số phận của những bức tượng mang tính biểu tượng như Venus de Milo, Apollo, Bathsheba và Euripides sẽ như thế nào nếu được bảo hiểm bảo vệ ngay từ đầu không?
Đây là một chiến dịch truyền thông khơi gợi sự tưởng tượng đến từ thương hiệu bảo hiểm nhân thọ Manulife, được sản xuất bởi agency sáng tạo TBWA / Singapore. Chiến dịch “Reimagining Ancient Tragedies” (Tái hiện những bi kịch cổ xưa) đã cho công chúng biết về số phận của bốn bức tượng cùng những tổn thương khác nhau mà họ phải gánh chịu, từ đó hiểu được tầm quan trọng của việc được bảo hiểm nhân thọ bảo vệ.
Hãy thử tượng tưởng tượng nếu thần Apollo hoặc nữ thần Venus sống trong thời đại ngày nay và được Manulife bảo vệ thì sao?
Để biến ý tưởng này thành sự thật, Manulife hợp tác với một nhà điêu khắc nhằm tái tạo lại bốn bức tượng nổi tiếng là tượng thần Apollo, Vệ nữ Venus de Milo, Euripides, Bathsheba và truyền tải câu chuyện của họ thông qua phim tài liệu, quảng cáo ngoài trời, triển lãm tích hợp công nghệ thực tế AR, và viral trên mạng xã hội.
Với thông điệp chủ đạo “Cuộc sống đầy rẫy những thử thách bất ngờ”, Manulife truyền đạt một cách hài hước, thú vị thông qua cuộc trò chuyện giữa các bức tượng điêu khắc, tự kể về hoàn cảnh của mình và những niềm tiếc nuối khi cơ thể không còn nguyên vẹn.
Lấy ví dụ như bức tượng Apollo – vị thần của thơ ca âm nhạc và bắn cung, được tìm thấy vào cuối thế kỷ 15 trong tình trạng bị mất một tay. Cho đến ngày nay mọi người vẫn không thể biết chính xác được ông đã cầm thứ gì trong cánh tay bị mất ấy, có phải là một mũi tên để giết chết con rắn, hay là một nhánh ô liu? Điều đó khiến cho bức tượng trở nên bí ẩn, nhưng cũng trở thành sự tiếc nuối của nhiều người về sự không hoàn hảo và vẹn toàn.
Tượng thần Vệ nữ Venus de Milo – một trong những tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ đại nổi tiếng nhất, cũng là một bí ẩn chưa được giải mã, kể từ khi được phát hiện vào năm 1820, hai cánh tay đã mất của nữ thần là chủ đề tranh luận của rất nhiều người.
Chiến dịch bắt đầu với những poster quảng cáo ngoài trời xuất hiện trên xe taxi và các trạm dừng xe buýt quanh thành phố, để truyền đi thông điệp “Điều gì sẽ xảy ra nếu bức tượng Apollo này được bảo vệ bởi Manulife?” nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
Ngoài TVC được đăng tải lên social và các bảng quảng cáo ngoài trời thì điểm nhấn của chiến dịch chính là buổi triển lãm các bức tượng nổi tiếng. Công nghệ thực tế ảo AR được tích hợp vào triển lãm, khi dùng điện thoại quét từng bức tượng, người xem có thể nhìn thấy rõ các phần cơ thể bị tổn thương, hư hại như thế nào, thông tin về các bệnh hiểm nghèo được phân tích theo góc độ y học, từ đó người xem sẽ hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh tật, tai nạn. Đây chính là tiền đề để nói về phạm vi bảo vệ của các sản phẩm bảo hiểm Manulife.
Chiến dịch “Tái hiện những bi kịch cổ xưa” cũng sẽ được lan tỏa rộng bởi sự tham gia của các influencer có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
Colin Koh và Douglas Goh, những người đứng đầu đội ngũ sáng tạo tại TBWA Singapore nhận xét rằng: “Chúng tôi muốn sử dụng bi kịch của những biểu tượng lịch sử nổi tiếng để thức tỉnh mọi người, giúp mọi người hiểu được sự bảo vệ là quan trọng như thế nào. Hy vọng ý tưởng này sẽ tạo ra tác động đáng kể đến mọi người”.
Cheryl Lim, Phó chủ tịch, Giám đốc Thương hiệu và Truyền thông của Manulife cho biết: “Chiến dịch có một thông điệp mạnh mẽ, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ bản thân bởi bảo hiểm trong trường hợp có nhiều tai nạn và bệnh tật mà bạn không lường trước được”.
Thu Nguyệt
*Nguồn: Unique Outdoor Advertising