Chơi ngông như McDonalds, quảng cáo không cần logo, hình ảnh, thậm chí là tên thương hiệu
Với chiến dịch quảng cáo ngoài trời "Iconic Stacks", McDonalds đã chứng minh với mọi người về sức mạnh thương hiệu mang tính biểu tượng của mình.
Không logo, không tên thương hiệu và cũng không có luôn ảnh minh họa sản phẩm, đối với một thương hiệu nổi tiếng như McDonalds, một danh sách với các thành phần đơn giản là đã đủ để người tiêu dùng hiểu rằng mẫu quảng cáo ấy đang nhắc đến điều gì. Giống như Coca-cola, chiếc hamburger của McDonlads đã trở thành một biểu tượng, không chỉ của văn hóa Mỹ mà còn của toàn cầu, nhờ vào mức độ và sức mạnh lan tỏa của chúng trên thế giới.
Không có nhiều thương hiệu có thể đưa ra một loạt các billboard quảng cáo không sử dụng hình ảnh, logo hay tên công ty mà vẫn có thể nhận ra, nhưng McDonalds đã làm điều táo bạo đó. Agency sáng tạo Leo Burnett London bắt tay với nhà thiết kế David Schwen để thực hiện ý tưởng này. Dựa trên sự phổ biến của thực đơn và bản sắc hình ảnh của McDonalds, Leo Burnettt đã tạo nên các sản phẩm đặc trưng như Sausage ‘n Egg McMuffin, Big Mac và Filet-O-Fish ở dạng hoàn toàn bằng typographic.
Chiến dịch quảng cáo được lấy cảm hứng từ dự án Type Sandwiches của Dvid Schwen (những poster liệt kê các thành phần của bánh sandwich thể hiện bằng chữ với màu sắc và thứ tự sắp xếp theo như chiếc bánh ở ngoài đời thực). Leo Burnett sử dụng ý tưởng này để kiểm tra rằng mọi người có thật sự hiểu biết về các thành phần của McDonald không.
Ví dụ với danh sách gồm bánh Muffin, Trứng, Xúc xích, Phô mai, bánh Muffin, bạn có nhận ra đây là sản phẩm gì không? Vâng nó chính là bánh hamburger trứng xúc xích phô mai (Sausage ‘n Egg McMuffin) đấy!
Với ý tưởng đơn giản thì tất nhiên là sản phẩm đầu ra cũng sẽ cực kỳ đơn giản. “Nhưng kỳ thực, để đạt được sự đơn giản, có rất nhiều suy nghĩ đã được đưa ra để đạt đến sự đơn giản đó”, Andrew Long - giám đốc sáng tạo Leo Burnett London chia sẻ. “Tham vọng của chúng tôi là chỉ sử dụng các từ ngữ và kiểu chữ để tạo ra thứ gì đó là quảng cảo mà thực sự không phải là quảng cáo. Mục tiêu cao hơn chính là tạo ra mối quan hệ gắn bó với người tiêu dùng, làm sao để khi họ nhìn vào những từ ngữ này họ tự động nhớ tới thương hiệu. Khi mọi người có mối quan hệ mạnh mẽ như vậy với một sản phẩm hoặc công ty cụ thể, đôi khi cách tiếp cận tốt nhất là để họ nhớ điều đó cho chính họ hơn là nói với họ những gì chúng ta nghĩ.”
Năm ngoái, McDonalds đã có một cuộc đại tu lớn về bản sắc thương hiệu, đó chính là việc sử dụng font chữ Speedee để tái hiện lại biểu tượng huyền thoại của McDonalds là Golden Arches.Vì vậy, trong chiến dịch Iconic Stacks, Leo Burnett cần đưa ra quyết định nên sử dụng font chữ Speedee (theo nhận diện thương hiệu) hay là font chữ Helvetica (font chữ gốc được David Schwen sử dụng trong các Type Sandwiches).
Bạn có thể tưởng tượng ra được các cuộc thảo luận nảy lửa như thế nào để đưa ra được sự lựa chọn đó. Thế nhưng Leo Burnett vẫn quyết định sử dụng Helvetica như một sự tôn trọng với nguyên tác, cũng như agency này cũng đã có sự tham khảo từ rất nhiều nguồn, và họ đã tìm thấy cảm hứng từ font chữ này.
Từ khóa của toàn bộ chiến dịch là sự đơn giản, một sự lựa chọn chỉ có thể thực hiện được bởi sự dễ nhận biết của thương hiệu và các sản phẩm mà nó luôn tạo ra cho khách hàng của mình.
“McDonalds thực sự là một kẻ đi đầu xu hướng”, Pete Heyes - giám đốc sáng tạo của Leo Burnett nhận xét. “Có rất ít các thương hiệu toàn cầu có thể giao tiếp với khách hàng như thế này. Đồ họa và sự tối giản của chiến dịch này toát lên sự tự tin của McDonald về các sản phẩm mang tính biểu tượng của mình”.
Khi các hoạt động tiếp thị đang ngày càng nghiêng về chủ nghĩa tối giản ở châu Âu, chiến dịch Iconic Stacks của McDonalds vừa bắt kịp xu hướng, lại vừa thể hiện sự tinh tế và đầy tự hào.
Thu Nguyệt
*Nguồn: Unique Outdoor Advertising