Marketing Dược: Dễ bắt đầu, Nhanh chững, Khó bứt phá.
Trước đây, việc đầu tiên và cũng là ao ước của các Dược sĩ hẳn sẽ là trình dược viên tại 10 hãng top đầu như GSK, Astra, MSD...bởi mức thu nhập cao và những chế độ đãi ngộ vượt trội so với các công ty trong nước. Vậy mà hơn chục năm sau, với sự bùng nổ của thị trường TPCN và lên ngôi của các thương hiệu nội đã mở ra một thời đại mới cho Marketer Dược, dần dần leo lên bảng xếp hạng top những nghề nghiệp hot nhất với cơ hội gia tăng thu nhập, thậm chí còn cao hơn nhiều hãng nước ngoài.
1. Nhân sự Marketing Dược, cuộc chiến giành giật giữa các doanh nghiệp
Cầu tăng thì cung ắt hẳn sẽ tăng, nhưng chủ yếu về mặt số lượng, còn chất lượng mới là câu chuyện đáng phải bàn. Nhân sự ngành Marketing Dược nhanh chóng gia tăng, nhưng chủ yếu là thế hệ 8X đời cuối và 9X đời đầu, sớm tiếp xúc với mạng xã hội, trưởng thành trong sự bùng nổ của digital marketing, nhanh chóng bị thu hút bởi sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng quảng cáo, thay vì đi sâu vào chiến lược marketing, PR bài bản
Nhu cầu về nhân sự Marketing mới thực sự bùng lên khoảng 3-4 năm trở lại đây, nhưng quá trình để một Marketer Dược trưởng thành trong nghề lại quá dài, thường cần tối thiểu 4-5 năm cho vị trí Quản lý nhãn BM và 6-10 năm cho vị trí CMO cứng, nhất là khi đa phần các Dược sĩ toàn phải mày mò tự học và làm nghề, còn dân chuyên Marketing lại gặp rào cản về kiến thức chuyên môn.
Các doanh nghiệp Dược trong nhiều năm qua, cũng vì luôn khuyết vị trí CMO, vị trí đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nội bộ nhân sự nguồn nên chưa đẩy mạnh được hoạt động ươm mầm tài năng từ nguồn sinh viên Dược ra trường mỗi năm.
Các CEO khi đã phải đảm nhiệm vị trí CMO thì quá bận rộn để có thể cầm tay chi việc cho những nhân sự mới. Ngay cả các BM cũng khó dám tranh luận tay đôi, phản biện kế hoạch với sếp để trưởng thành và thăng tiến lên vị trí cao hơn.
Vì vậy, các nhân sự chạy ads, hay ở trình độ "Junior" thì không thiếu, nhưng để tìm kiếm được một BM "senior" lại là bài toán nan giải cho nhiều doanh nghiệp Dược.
Vậy là diễn ra 1 vòng tròn luẩn quẩn trong ngành khi các công ty Dược cứ chiêu mộ, và gần đây khi đội ngũ head hunter Dược phát triển thì phải gọi là tình trạng giành giật nhân sự lẫn nhau, thay vì đi vào giải quyết căn nguyên bài toán thiếu hụt phải là Đào tạo nhân lực lõi. Ngay như khi còn làm tại CVI, tôi thường xuyên nhận các cuộc điện thoại với nhiều lời mời hấp dẫn.
Do đó, cơn sốt khan hiếm nhân lực Marketer Dược đặc thù này ngày một tăng nhiệt.
2. Marketing Dược, Dễ bắt đầu, Nhanh bị chững, Khó bứt phá
Thực tế trong gần 2 năm phát triển học viện M&P với hơn chục khóa học được mở ra cùng hàng trăm học viên trên cả nước. Nhưng đáng buồn là một tỷ lệ rất nhỏ các bạn đang sống ổn với nghề để phát triển từng ngày.
Nguyên nhân thì có nhiều, người không tìm được môi trường làm việc để biến kiến thức thành kỹ năng, kinh nghiệm của mình, người lại bị hấp dẫn bởi những công việc khác với mức thu nhập tốt hơn, nhiều bạn đang làm hãng lại không dám đánh đổi vị trí ổn định để mạo hiểm với công việc mới, thậm chí nhiều bạn khi bỏ nghề có chia sẻ với tôi là thấy nản khi thực tế tại công ty marketing không được làm những thứ như được chia sẻ tại Học viện.
Các bạn có thể rất hào hứng khi bước vào nghề, nhưng sau 1,2 năm lăn lộn trở thành một Marketer thạo việc, tức là làm đúng được những thứ mà sếp yêu cầu thì lại tưởng chừng đã nắm vững đủ kiến thức, thành thạo mọi kỹ năng. Quá trình này thường không khó với các Dược sĩ vốn đã có chỉ số IQ cao.
Tại thời điểm đó, nhiều bạn bắt đầu thấy nhàm chán với công việc đang làm, cảm giác bị chững lại, ngó nghiêng so sánh quyền lợi và sau đó, không ít bạn bắt đầu hành trình nhảy việc, nhảy từ công ty này sang công ty khác vì cảm thấy công việc hiện tại không giúp mình đào sâu thêm kỹ năng và khó cải thiện thu nhập trong ngắn hạn.
Nhưng cũng chính lúc này các bạn dễ bị mất phương hướng bởi không vượt qua được thách thức phải tự bứt phá, thoát khỏi sự bị động, để có được sự Sáng tạo trong ý tưởng, Chủ động trong triển khai, thay vì chỉ là thợ làm Marketing, bảo sao làm vậy.
Đấy chính là bước ngoặt quyết định sự thăng hạng về năng lực và thu nhập của Marketer Dược. Nhưng không dễ gì vượt qua rào cản này. Bởi chính tôi cũng đã có thời gian thấy chững lại, cảm giác bất lực với bản thân và muốn bỏ nghề.
Thực tế trong 13 năm qua, tôi đã từng khuyên nhiều bạn Dược sĩ thông minh và tiềm năng nhảy vào Marketing Dược vì tôi tin các bạn sẽ thành công nếu đủ kiên trì và đam mê nghề. Nhưng số còn trụ lại được với nghề quá ít, không phải các bạn không đủ giỏi, mà cũng vì giỏi nhiều kỹ năng quá mà các bạn có cơ hội để thành công ở nhiều lĩnh vực khác, không nhất thiết phải trở thành Marketer Dược
3. Làm sao để giải quyết bài toán khó của ngành nếu mọi người đều đứng yên?
Muốn giải quyết thực trạng khủng hoảng nhân sự Marketing của ngành Dược thì cần có sự chung tay của cả doanh nghiệp, nhân sự và những đơn vị đào tạo như học viện M&P.
Đầu tiên, quan trọng nhất là đội ngũ nhân sự, mà nòng cốt là Dược sĩ. Các bạn nếu đang ở những nấc thang thấp của ngành thì đừng lặp đi lặp lại công việc mà bạn đã thành thục như một cái máy, hãy tư duy tích cực, sáng tạo từ những việc nhỏ nhất, đừng tự hài lòng với kể cả tiêu đề bài PR hay bài chuẩn SEO mà mình mới nghĩ ra trước đó.
Luôn học kiến thức mới, tiếp xúc với nhiều người, tìm kiếm những điều mới mẻ chính là cách mà bạn nuôi dưỡng niềm yêu nghề và giúp bạn có nhiều chất liệu để sáng tạo, tư duy và hoạch định các chiến lược marketing sau này.
Thay vì nói xấu sếp, ca thán những điều không hài lòng với công ty thì hãy dành thời gian đó để phản biện trong các cuộc họp, đưa ra giải pháp để công ty ngày càng phát triển. Vì với người làm nghề Marketing, sáng tạo bằng cảm hứng thì sự ức chế chính là cái bẫy vô hình khiến cho công việc trở nên tồi tệ hơn.
Việc học marketing là một chặng đường dài không có điểm dừng nếu bạn không muốn bị tụt hậu và thất bại chỉ vì làm Marketing bằng kinh nghiệm và hào quang trong quá khứ. Hãy liên tục làm mới bản thân, cả về kiến thức, kỹ năng, cảm xúc lẫn tư duy, giữ cho mình được thói quen chuyển động, sáng tạo không ngừng.
Còn với các Doanh nghiệp Dược, liệu các CEO nhiều kinh nghiệm có sẵn sàng chia sẻ kiến thức, trải nghiệm, mở rộng cánh cửa cho những hạt mầm để mài ngọc thành đá, thay vì chỉ đãi cát tìm vàng như hiện tại.
Trường đại học hay các học viện Marketing trang bị kiến thức nền, còn các doanh nghiệp hãy cho các bạn mới cơ hội được làm, được sai để được lớn. Chỉ có như vậy thì vài năm tới, chúng ta mới có được nguồn nhân lực Marketer Dược đủ mạnh để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng ngành.
Còn với những học viện đào tạo như M&P, sau 2 năm đã sống, chúng tôi thấy mình cũng cần có trách nhiệm sống tốt, sống ý nghĩa hơn bằng việc đầu tư vào những Dự án dài hơi, đồng hành cùng với các Dược sĩ để nâng cao chất lượng nhân lực ngành, thay vì chỉ đào tạo các khóa ngắn hạn như hiện tại.
Đó là lý do tôi và các cộng sự đang lên kế hoạch để triển khai Dự án Hạt mầm Marketer Dược để đồng hành với các bạn Dược sĩ theo quy trình chuẩn SEED (Hạt mầm)
Từ Select (Tuyển chọn), đến Educate (Đào tạo), Engage (Gắn kết) đến Develop (Phát triển) giúp các bạn phát triển từng nấc thang trong nghề.
Lê Phương Dung, Hà Nội, 22/4/2020