5 Cách tìm ra từ khoá đang có nhiều người tìm kiếm
Dù là người mới hay đã là chuyên gia SEO thì tất cả chúng ta đều mong muốn sở hữu bộ từ khoá sát với nhu cầu tìm kiếm, được nhiều khách hàng tiềm năng sử dụng. Vậy làm sao bạn biết được khách hàng đang tìm kiếm từ gì để cho vào bộ từ khoá của mình? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay bên dưới.
Trước tiên, để các bạn mới gia nhập SEO có cái nhìn toàn diện về từ khoá, chúng ta hãy cùng đi qua 1 số khái niệm hữu ích.
Từ khoá là gì?
Bạn có thể hiểu đơn giản từ khoá là một từ hoặc cụm từ để xác định một chủ đề, một đối tượng hoặc một khái niệm. Khi mọi người tìm kiếm thông tin trên công cụ tìm kiếm, họ cần điền một số từ khoá hoặc cụm từ khóa lên khung tìm kiếm của công cụ tìm kiếm. Sau đó công cụ tìm kiếm sẽ trả về danh sách các trang web liên quan đến từ khoá hoặc cụm từ khoá họ đang tìm kiếm.
Có 4 loại từ khoá:
- Broad Keywords (từ khóa nghĩa rộng): Là những từ khóa ngắn, thường chỉ các khái niệm, thuật ngữ chung chung của 1 ngành hay 1 lĩnh vực, nó bao gồm cả từ khoá đồng nghĩa hoặc liên quan. Vì tính phổ biến của nó nên những từ khóa này dễ dàng được áp dụng cho nhiều công ty trong ngành.
- Fat Head Keywords (từ khóa ngắn): Tương tự như từ khóa nghĩa rộng nhưng thường được tạo thành từ hai hoặc ba từ khóa lại. Đây là những từ khóa được tìm kiếm nhiều, độ cạnh tranh rất cao, rất khó để SEO.
- Chunky Middle Keywords: Là những từ khóa có độ cạnh tranh vừa gay gắt nhất, vừa ít nhất đan xen lẫn nhau. Chúng chính là những từ, cụm từ mà khách hàng tiềm năng thực sự đang đang gõ vào các ô tìm kiếm mỗi ngày.
- Long-Tail Keywords (từ khóa đuôi dài): Thường là cụm từ, các cụm từ kết hợp với nhau để mô tả chi tiết bạn là ai, công ty và lĩnh vực hoạt động của bạn.
Ví dụ để bạn dễ hình dung bên dưới:
Tầm quan trọng của từ khoá?
Từ khóa rất quan trọng vì nó chính là “chìa khóa” để nắm bắt các nhu cầu ẩn sâu của khách hàng tiềm năng, nó có thể là các thắc mắc, khó khăn hoặc sở thích của họ. Dưới đây là 3 lý do đơn giản để bạn thấy được tại sao chúng ta cần sử dụng từ khóa.
- Từ khóa = nền tảng nội dung
Mỗi trang nội dung (email, đơn chào hàng, blog,…) đều có một chủ đề chính, chủ đề này sẽ gắn liền với một hoặc một cụm từ khóa. Chúng hỗ trợ thiết lập khung sườn cho toàn bộ nội dung, giúp khách truy cập hiểu được trang của bạn đang nói về vấn đề gì.
- Từ khóa chứa mục đích và thông tin dễ hiểu
Khi đọc các thông tin được trả về, những người truy vấn sẽ có thói quen đọc lướt nội dung có chứa từ khóa hoặc cụm từ mà họ đã sử dụng để tìm kiếm. Vì vậy, trong trường hợp này, từ khóa chính là “vàng” vì nếu bạn không có từ khóa người dùng thật sự cần thì chắc chắn họ sẽ không click vào xem nội dung của bạn.
- Từ khóa hỗ trợ công cụ tìm kiếm
Khi các công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu trên website của bạn, nó sẽ đánh chỉ mục các trang dựa trên từ khóa để xác định nội dung trang web cung cấp là gì. Vì vậy, từ khóa rất quan trọng để các công cụ tìm kiếm quyết định thứ hạng của bạn khi có người truy vấn một vấn đề gì đó.
Bây giờ, bạn đã hiểu cơ bản về từ khoá và vai trò của nó, chúng ta hãy cùng tìm hiểu 5 cách để tìm ra những từ khóa mà khách hàng tiềm năng của bạn đang tìm kiếm mỗi ngày trên các công cụ tìm kiếm nhé. Hãy cứ yên tâm vì các biện pháp này đều đã được áp dụng và thành công.
5 cách để tìm ra những từ khóa mọi người đang sử dụng
1/ Sử dụng “người của bạn”
Đúng rồi đó, người của bạn. Vậy thì ai mới là “người của bạn”? Khách hàng của bạn, người mua tiềm năng, đồng nghiệp,… Bất kỳ ai chỉ cần có liên quan tới hoạt động kinh doanh của bạn, đang sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp bạn, đang đặt mua hàng hóa của bạn,… thậm chí là đối thủ cạnh tranh, tất cả đều là “người của bạn”. Bạn hãy tìm hiểu/ khảo sát xem họ đang hỏi những câu hỏi gì? Chủ đề nào đang HOT và xu hướng là gì?
Tất cả những “người của bạn” đều sẽ là người chơi lớn trong “trò chơi đi tìm từ khóa”. Và khi bạn khảo sát họ, hãy chắc chắn là luôn đặt mình vào vị trí của người khác và loại bỏ cái tôi ra khỏi quá trình đó. Bởi vì, thông thường những từ khóa mà các doanh nghiệp nghĩ sẽ xếp hạng cao lại không phải là cái mà khách hàng của họ thực sự sử dụng.
2/ Sử dụng sức mạnh của mạng xã hội
Đừng bỏ qua các kênh truyền thông xã hội, đặc biệt là khi bạn đang cố gắng tìm hiểu những người xung quanh bạn đang bàn tán, trao đổi hay phàn nàn về điều gì. Sự tiến bộ, cập nhập của các mạng xã hội cũng mang theo một cái nhìn sâu sắc về các xu hướng của người dùng hiện nay. Các mạng xã hội bạn có thể tham khảo bao gồm:
– Facebook: Facebook đã có rất nhiều bản cập nhật cho công cụ tìm của họ, cho phép bạn tìm kiếm bất cứ điều gì mà các kết nối xung quanh bạn đang bàn tán. Chỉ mất vài phút để tìm hiểu thêm về Facebook Graph Search (là một công cụ tìm kiếm, nó sẽ phân tích ngữ nghĩa của câu tìm kiếm và kết hợp với hàng loạt các bộ lọc dữ liệu người dùng để đưa ra kết quả chính xác nhất) và làm thế nào để sử dụng tốt nhất nó. Bạn đã có thể tìm kiếm các xu hướng nổi bật được nhiều người tìm kiếm.
Ngoài ra, Facebook Graph Search cũng có một thanh công cụ Xu hướng (Trending) ở phía bên phải của Bản tin (Newsfeed) cho thấy các chủ đề phổ biến, và các tùy chọn để thu hẹp vào các nội dung như Chính trị, Khoa học & Công nghệ, Thể thao và Giải trí,…
– Twitter: Twitter thực sự có hai cách khác nhau để có được một cái nhìn sâu sắc vào những gì mọi người đang bàn tán. Một là dựa vào những người nổi tiếng trên Twitter, hai là Sidebar bên trái trang chủ Twitter, bạn có thể thấy xu hướng các chủ đề, những chủ đề này có thể đo đạc dựa trên địa điểm và sở thích.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng chức năng tìm kiếm của Twitter cho xu hướng chủ đề, từ khóa, và hashtags mà bạn cần tìm kiếm.
– Google+: Khi bạn đăng nhập vào tài khoản Google+ của bạn, bạn có thể đến các trang Xu hướng – tương tự như Facebook và Twitter, để xem mọi người đang nói về điều gì trên Google+.
– YouTube: YouTube cũng có một khu vực tập hợp các xu hướng đó là Dashboard, tại đây sẽ hiển thị các video và các chủ đề phổ biến nhất. Bạn có thể thu hẹp trong các xu hướng bằng cách chọn một thành phố, tiểu bang hay quốc gia, một nhóm tuổi và giới tính.
Theo YouTube: “Xu hướng chủ đề được các thuật toán tạo ra từ các từ khóa trong các tiêu đề, thẻ, và mô tả video trong các video phổ biến đang có lượt xem tăng cao. Video xu hướng dựa trên lượt xem các video được nhúng ở những trang khác và xem trên YouTube. ”
3/ Sử dụng chiến lược nội dung của HubSpot
Công cụ Chiến lược nội dung của HubSpot cho phép người dùng nhận thông tin theo thời gian thực về các chủ đề phù hợp nhất với doanh nghiệp của họ. Khi bạn thiết lập các cụm chủ đề của mình, bạn có thể thấy chủ đề nào đang thu hút khách hàng tiềm năng và những củ đề nào không thu hút.
4/ Sử dụng các công cụ của Google
Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Google có cả bộ công cụ để giúp bạn truy lùng đến tận cùng của từ khóa và cụm từ khoá:
– Google Trends: Nó cho phép bạn xem được chi tiết thông tin dữ liệu người tìm kiếm trên Google. Bạn có thể lọc thông tin theo vùng, danh mục, ngôn ngữ, và thiết lập thời gian, thuộc tính tìm kiếm (hình ảnh,…). Bạn có thể xem xét một từ khóa duy nhất, hoặc so sánh nhiều từ khóa với nhau.
– Google Autocomplete: Google thường gợi ý các cụm từ ngay dưới khung bạn gõ nội dung truy vấn. Đó chính là tính năng Google Autocomplete.
Google Autocomplete thực tế không thực hiện tất cả các công việc về nghiên cứu keyword. Nhưng đây là nơi tuyệt vời để khai thác ý định và thói quen tìm kiếm của phần đông người dùng. Từ đó, bạn sẽ chọn lọc được một số từ khóa tốt, nhất là từ khóa đuôi dài và định hướng nội dung cho chúng.
– Google AdWords Keyword Planner: Điều tuyệt vời của công cụ lập kế hoạch AdWords là bạn không cần phải chi bất kỳ khoản tiền nào cho AdWords – bạn chỉ cần một tài khoản Google.
Với tài khoản này, người dùng có thể truy cập Keyword Planner và nhập từ khóa và Google sẽ đưa ra khối lượng tìm kiếm (tần suất sử dụng) và sự cạnh tranh của từ đó (có bao nhiêu người hoặc doanh nghiệp muốn xếp hạng cho từ đó).
Ngoài ra, công cụ này cũng cho phép bạn lọc theo ngôn ngữ, vị trí và thiết bị (sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính để bàn).
5/ Wordtracker
Wordtracker là một công cụ cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc một từ khóa hoặc cụm từ khóa nào đó có đáng để nỗ lực lên nội dung hay không. Công cụ này cung cấp cho người dùng ước tính số lần từ khóa hoặc cụm từ khóa được tìm kiếm mỗi ngày, cộng với bất kỳ cụm từ hoặc từ khóa liên quan nào. Wordtracker không yêu cầu đăng ký thành viên, nhưng phiên bản miễn phí có giới hạn và bạn chỉ có thể sử dụng một vài lần.
Ngay cả những câu hỏi khó nhất cũng có câu trả lời, chỉ cần đủ thời gian và công cụ hỗ trợ. Nghiên cứu từ khóa cũng vậy, chỉ cần bạn biết tận dụng những nguồn lực xung quanh bạn thì bộ từ khoá của bạn sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều.
Mong rằng những chia sẻ ở trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc xây dựng bộ từ khóa tốt nhất. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay có đóng góp gì cho chúng tôi hãy để lại bình luận bên dưới.
Theo: Hubspot – SEO Tinh Gọn Dịch và Biên tập