Data Station #11 – Tương lai tài chính số Đông Nam Á
Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.
“Thống nhất trong đa dạng” là cụm từ dành cho ngành tài chính số ở Đông Nam Á. Mỗi quốc gia trong khu vực đều là một thị trường, với sự phát triển và quy định riêng. Liệu với tiềm năng dồi dào và những chuyển mình mạnh mẽ gần đây, tài chính số Đông Nam Á có đạt được con số 60 tỷ USD vào năm 2025?
Tất cả sẽ được lý giải thông qua báo cáo “Fulfilling its Promise – Tương lai dịch vụ tài chính số khu vực Đông Nam Á”. Nghiên cứu này là một phần của báo cáo e-Conomy SEA 2019 được thực hiện bởi Google, Temasek và Bain & Company, tiến hành khảo sát sáu thị trường lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, trên 5 ngành tài chính số là thanh toán, chuyển tiền, cho vay, bảo hiểm và đầu tư nhằm làm sáng tỏ tương lai của dịch vụ số của khu vực.
* Lưu ý: Những phát hiện mới đã được chứng thực qua các cuộc phỏng vấn với chuyên gia về nhiều chủ đề và dựa trên nguồn dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Euromonitor, Statista, v.v...
1. Người dùng thờ ơ với dịch vụ tài chính
Với 570 triệu dân và GDP dự kiến sẽ bùng nổ ở mức 4.7 nghìn tỷ USD vào năm 2025, sáu quốc gia lớn nhất Đông Nam Á (ĐNA) sẽ trở thành đại diện của một trong những khu vực lớn và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Người dùng ở ĐNA ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính hơn các thị trường phát triển khác.
Với tiềm năng khổng lồ, dịch vụ tài chính số sẽ phát triển mạnh mẽ nếu như giải quyết được những rào cản sau.
Mặc dù hiện tại, tỷ lệ thâm nhập của dịch vụ ngân hàng đã cao gấp 1.25 lần so với năm 2014, nhưng vẫn chỉ chiếm 50% toàn khu vực (31% tại Việt Nam, thấp nhất khu vực). Trong khi tỷ lệ này ở Anh và Mỹ chiếm 95%.
Tiền mặt vẫn duy trì ngôi vương thanh toán ở khu vực này. Theo khảo sát, giao dịch phi tiền mặt chỉ chiếm 40%, trong khi con số này lên đến 84% ở Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập của dịch vụ ngân hàng 50% không đại diện cho toàn bộ bức tranh phía sau.
Có hơn 70% người trưởng thành tại khu vực chưa được tiếp cận nhiều dịch vụ tài chính đa dạng (underbanked) hoặc chưa từng sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào (unbanked). Bên cạnh đó, hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ĐNA đối mặt với khoảng cách vốn.
Nhóm banked: Theo khảo sát, có 26% người dân ĐNA thường xuyên sử dụng các dịch vụ tài chính như thẻ tín dụng, bảo hiểm và đầu tư.
Nhóm underbanked: 24% người dân ĐNA có tài khoản ngân hàng nhưng không được tiếp cận với các nhu cầu tài chính đa dạng hơn. Ví dụ, họ có tài khoản ngân hàng nhưng hạn chế sử dụng thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, có thể nói dịch vụ tài chính số sẽ làm tăng việc truy cập các dịch vụ tài chính đa dạng hơn cho nhóm “underbanked”, mở ra tiềm năng lớn cho thị trường cho cả hai nhóm: các định chế tài chính lâu năm (ngân hàng, bảo hiểm…) cũng như các tay chơi mới. Khảo sát những chuyên gia trong ngành cho thấy 88% tin rằng dịch vụ tài chính số sẽ làm thay đổi sinh kế của nhóm “underbanked” vào năm 2025.
Việc phục vụ nhóm “underbanked” sẽ là nguồn gốc tăng trưởng chính của dịch vụ tài chính số, đặc biệt là các nền tảng công nghệ có khả năng tiếp cận được phần lớn người dùng đại chúng.
Nhóm định chế tài chính hiện không phục vụ tốt phân khúc này vì chi phí hỗ trợ quá cao và kênh tiếp cận không tương xứng với nhu cầu. Ngoài ra vì những người ở phân khúc này thường không có lịch sử tín dụng nên hạn chế những rủi ro tín dụng khi vay. Tỷ lệ tiết kiệm của các nước đang phát triển ở ĐNA thấp nên các dịch vụ tài chính, thậm chí đầu tư cũng không đủ hấp dẫn đối với nhóm “underbanked”.
Nhóm unbanked: 50% dân số không nằm trong bất kỳ hệ thống tài chính chính thức nào, không có tài khoản ngân hàng hay sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính cơ bản nào khác.
Có thể nói, phục vụ phân khúc “unbanked” chính là thách thức của khu vực ĐNA. Có 67% chuyên gia được khảo sát tin rằng việc chinh phục nhóm này vẫn gặp khó khăn vào năm 2025. Lý do chính đến từ sự kém hiểu biết về tài chính của nhóm này. Hơn nữa, đa phần người dân trong khu vực đều sống ở nông thôn, có thu nhập thấp khiến cho những định chế tài chính mất nhiều chi phí hỗ trợ nhưng không đem lại hiệu quả và giới hạn tiềm năng doanh thu của nhóm này.
Trong sáu năm tới, không có nhiều cơ hội để khai thác nhóm này tại ĐNA, vì những định chế tài chính hiện thời và các nền tảng công nghệ tài chính chưa sẵn sàng để bước vào mở rộng quy mô.
Từ giờ đến tương lai, các công ty viễn thông và chính phủ vẫn sẽ giữ quyền tiếp cận trực tiếp và cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy việc truy cập dịch vụ tài chính cho phân khúc này.
Tiếp theo, còn có bốn yếu tố kìm hãm sự phát triển của dịch vụ tài chính số trong khu vực bao gồm:
(i) Sự đón nhận của người dùng và các đơn vị chấp nhận thanh toán số
Trong nhiều trường hợp, rất khó để người tiêu dùng chấp nhận việc thanh toán phi tiền mặt. Bởi tiền mặt vẫn mang tính cá nhân hoá hơn và thường được sử dụng trong nền kinh tế không chính thức. Mặt khác, vì kiên trì với hình thức thanh toán này, nhiều doanh nghiệp có lẽ không thấy được lợi ích của thanh toán số. Tiền mặt vẫn sẽ phổ biến ở một số quốc gia, trừ khi chính phủ và các cơ quan quản lý thành công trong việc thực hiện các chính sách nhằm giảm sử dụng tiền mặt.
(ii) Hệ thống định danh cá nhân
Hệ thống định danh kỹ thuật số ở khu vực ĐNA chưa thực sự đáng tin cậy khiến các doanh nghiệp khó có thể nhận diện được khách hàng giao dịch số mà không tương tác trực diện.
(iii) Rào cản Luật định
Ở khu vực ĐNA, các cơ quan quản lý nhà nước cẩn trọng hơn đối với dịch vụ tài chính số, nhấn mạnh việc bảo vệ người dùng khi có những đổi mới, nên thường ưu tiên nhóm định chế tài chính hiện thời, vốn đã chậm chân trong việc số hoá.
Trong ngắn hạn, các cơ quan quản lý sẽ nới lỏng định chế và ủng hộ những cải tiến đột phá của dịch vụ tài chính số. Nhưng về lâu dài, những ngân hàng truyền thống vẫn sẽ được ưu tiên. Theo một khảo sát, 44% các chuyên gia tin rằng các quy định sẽ rất ủng hộ các tay chơi mới thử nghiệm mô hình tài chính mới, trong khi 17% người được khảo sát lại có kết quả ngược lại.
(iv) Hạ tầng hệ thống tài chính
Tại ĐNA, ngoài Singapore, hạ tầng hỗ trợ tài chính nhìn chung đều kém phát triển. Lý do đến từ việc thiếu quy trình đánh giá tín dụng, thiếu dữ liệu truyền thống đáng tin cậy như thuế (tax filling) và thông tin người đi làm. Vì vậy, cả người tiêu dùng lẫn SME đều gặp cản trở trong việc tiếp cận tín dụng hoặc chứng minh khả năng trả được nợ (creditworthiness).
2. Vẫn còn rất nhiều cơ hội để khai phóng tiềm năng
Tuy nhiên, bất chấp trở ngại, cơ hội dành cho dịch vụ tài chính số vẫn sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân và sẽ vượt qua mốc khó khăn vào năm 2025.
Tổng doanh thu dịch vụ tài chính số được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 38 tỷ USD vào năm 2025. Cho vay sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng doanh thu, trong khi mức tăng trưởng từ dịch vụ thanh toán sẽ thấp hơn do sự sụt giảm tất yếu mức chiết khấu thương mại dành cho các đơn vị chấp nhận thanh toán số, và thời gian cần thiết để cải thiện việc giao hàng và các dịch vụ giá trị gia tăng khác.
Đầu tiên, dịch vụ tài chính số có thể tăng tốc bởi sự tiện lợi, dễ truy cập và đem lại giá trị cho người tiêu dùng.
Dự kiến, thanh toán số sẽ vượt mốc 1 nghìn tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2025.
Dịch vụ này mang đến sự tiện lợi cho người dùng chỉ qua “một lần chạm” trên điện thoại di động. Đây có thể được coi là một cơ hội cho các doanh nghiệp để giảm chi phí xử lý tiền mặt và các đơn đặt hàng chưa hoàn thành. Các kênh phân phối số tạo nền tảng cho việc đổi mới sản phẩm, được hỗ trợ bởi dữ liệu phong phú với hiệu quả cao hơn, nhằm mở rộng việc thâm nhập thị trường.
Mức độ thâm nhập và tương tác cao của điện thoại thông minh trong khu vực (thậm chí còn cao hơn của ngân hàng ở hầu hết các quốc gia ĐNA) khiến khách hàng đón nhận các dịch vụ như thương mại điện tử và gọi xe dễ dàng hơn, mở cửa cho dịch vụ tài chính số bước chân vào. Điều này sẽ được thấy rõ nhất ở phân khúc “underbanked”, và dịch vụ tài chính số sẽ tạo ra một chiến trường mới, phục vụ SME.
Thứ hai, các chính sách điều tiết đang trở nên cởi mở hơn, với sự hỗ trợ của chính phủ trong việc phát triển các dịch vụ tài chính số.
Trên thực tế, các quy định hỗ trợ và chính sách nhất quán của chính phủ sẽ là thay đổi lớn nhất trong việc phát triển các dịch vụ tài chính số toàn khu vực.
Điển hình như Singapore và Thái Lan cho phép nhiều công ty thử nghiệm những đổi mới dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. Hai quốc gia này đã chuẩn hoá để biến QR thành tiêu chuẩn cho thanh toán qua di động. Indonesia đưa ra “Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện” nhằm phát triển nền kinh tế bằng cách mở rộng thị trường cho dịch vụ ngân hàng. Việt Nam hiện đã công bố những ý định tương tự.
Thứ ba là môi trường cạnh tranh độc đáo, đa dạng và phân mảnh.
Dịch vụ tài chính số khu vực ĐNA nổi bật vì phân mảnh hơn nhiều khu vực trên thế giới. Bên cạnh các đối thủ cạnh tranh như ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, các công ty dịch vụ tài chính, còn có các hệ sinh thái mở, gồm các hãng hàng không, công ty viễn thông, công ty gọi xe (ride-hailing), bán lẻ và truyền thông xã hội.
Khi ngành tài chính số phát triển nhanh chóng và các công ty mở rộng quy mô hoạt động, khoảng cách giữa các dịch vụ mờ dần. Sự đón nhận các dịch vụ tài chính số của người tiêu dùng ở ĐNA là điều tất yếu sẽ diễn ra và tăng trưởng, điển hình như fintech và nền tảng công nghệ phổ thông (consumer tech platforms), đặc biệt với sự tham gia của những tay chơi mới tại Indonesia và Việt Nam.
Tại thị trường ĐNA, có nhiều nhân tố thúc đẩy sự thành công cho dịch vụ tài chính số. Những đối thủ cạnh tranh mạnh nhất sẽ duy trì cách tiếp cận khách hàng khác biệt, xây dựng cơ sở người dùng lớn, tiếp cận nhiều đơn vị chấp nhận thanh toán, và mài giũa khả năng để giành được sự chú ý của khách hàng thông qua các dịch vụ giá trị gia tăng, lòng trung thành và niềm tin.
“Thống nhất trong đa dạng” là cụm từ dành cho ngành tài chính số ở ĐNA. Mỗi quốc gia trong khu vực đều là một thị trường, có sự trưởng thành và quy định riêng. Với sự cạnh tranh khốc liệt và mức độ phân mảnh cao, các công ty giành được thị phần lớn sẽ trở thành nền tảng tiếp cận cho cả người tiêu dùng lẫn đối tác thanh toán. Để thắng cuộc, doanh nghiệp tài chính số cần phải thắng 3 trận chiến:
“Thống nhất trong đa dạng” là cụm từ dành cho ngành tài chính số ở ĐNA. Mỗi quốc gia trong khu vực đều là một thị trường, có sự trưởng thành và quy định riêng.
Đầu tiên, doanh nghiệp phải cố gắng giành được sự nhận biết thương hiệu (top-of-mind) của người dùng và đối tác chấp nhận thanh toán, với các dịch vụ tài chính cụ thể. Ví dụ, một nền tảng như dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn có thể sẵn sàng trở thành nền tảng cung cấp dịch vụ tài chính số hơn là một trung gian thanh toán thuần túy.
Thứ hai, doanh nghiệp cần chiến thắng trong cuộc chiến thời gian sử dụng app hoặc nền tảng (share of time).
Cuối cùng, giành được thị phần niềm tin và vượt qua các đối thủ cạnh tranh để giành được thị phần thanh toán. Bằng cách đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận đột phá và kiếm tiền từ các mối quan hệ khách hàng thông qua các dịch vụ bổ sung.
3. Cơ hội của các doanh nghiệp vừa và nhỏ: đợi thời cơ để chuyển mình
Các SMEs như nhà hàng hay cửa hàng mua sắm, và những doanh nghiệp lớn hơn như chuỗi bán lẻ hay trạm xăng có đều nhu cầu dịch vụ tài chính khác nhau.
Những lợi ích của kỹ thuật số đang nhanh chóng mở ra các mô hình kinh doanh mới để phục vụ thị trường phân mảnh và có tiềm năng khổng lồ. Trong khi nhóm định chế tài chính truyền thống đang tiếp tục tập trung vào những đối tác chấp nhận thanh toán lớn vì đã có sẵn quan hệ, được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, cả bốn loại hình dịch vụ tài chính số sẽ đủ sức chiến đấu để giành giật thị trường SME rộng lớn. Các doanh nghiệp SMEs có khả năng sẽ trở thành chiến trường dịch vụ tài chính số ở ĐNA trong những năm tới.
Đến nay, các SMEs vẫn được hỗ trợ bởi nhóm định chế tài chính truyền thống. Nhưng họ sẽ dễ đánh mất phân khúc khách hàng SME vào tay những tay chơi mới, có thể sử dụng các nguồn dữ liệu phi truyền thống để tiếp cận và giải quyết nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng những cải tiến về dịch vụ tài chính số.
Ở hầu hết các quốc gia ĐNA, giá trị các khoản nợ của SME (% đóng góp của SME vào GDP) thấp hơn so với nhiều nước phát triển. Các SME có chi phí phục vụ cao hơn so với doanh nghiệp lớn (khoản vay thấp hơn đồng nghĩa với chi phí giao dịch cao hơn). Chúng cũng thường đi kèm với mức rủi ro cao hơn và đòi hỏi chi phí cao hơn. Nhiều SMEs thiếu thông tin và lịch sử tín dụng. Điều này làm tăng chi phí đánh giá rủi ro tín dụng và khiến cho tổ chức tài chính ít chấp nhận khoản vay. Trong một cuộc khảo sát 240 doanh nghiệp SMEs, có 80% có nhu cầu vay nhưng lại không có quyền.
Trong khi đó, công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu sẵn có đã mang lại sự sống cho các mô hình mới để phục vụ cho các SMEs. Các nền tảng cho vay cung cấp nhiều tuỳ chọn khả thi để lấp đầy khoảng trống tài chính. Những nền tảng công nghệ có thể dễ dàng phân tích dữ liệu cho các khoản vay doanh nghiệp SME, làm giảm rủi ro và thời gian phân tích tín dụng.
Số lượng doanh nghiệp SME chấp nhận các dịch vụ tài chính số được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể. Trong một khảo sát gần đây với hơn 250 chủ doanh nghiệp SME ở Indonesia, khoảng 30% đã chấp nhận thanh toán số, và 46% nói rằng họ sẽ có khả năng chấp nhận thanh toán số trong 2-3 năm tới.
Vậy ai sẽ là người mở đường cho các doanh nghiệp SMEs? Có thể nói những tay chơi có thể cung cấp giải pháp tích hợp để đáp ứng được nhu cầu dịch vụ tài chính của SME, với chi phí tiết kiệm, sẽ có thể giành được thị phần đáng kể, và có thể bán chéo các dịch vụ tài chính khác như cho vay hay bảo hiểm. Ví dụ như iZettle, một fintech đến từ Thuỵ Điển khởi nghiệp với dịch vụ cung cấp thiết bị thanh toán thẻ (mPOS), sau đó mở rộng hoạt động cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp với chấp thuận tự động và cấp vốn trong vòng 48 giờ.
4. Tiềm năng khai phóng ở tương lai
Sở hữu tiềm năng dồi dào, chế tài hỗ trợ hợp lý, hạ tầng thị trường tài chính phát triển và đầu tư có quy mô, doanh thu dịch vụ tài chính số ĐNA được kỳ vọng sẽ tăng từ 38 tỷ USD lên 60 tỷ USD vào năm 2025.
Thanh toán số và chuyển tiền là hai dịch vụ có nhiều ưu điểm nhất trong 5 dịch vụ tài chính số, sẽ phát triển với tốc độ tương ứng với những thay đổi trong hành vi người dùng.
Các ngành khác sẽ tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm từ 29-41% để đạt được điểm bùng phát tương ứng khi gần đến năm 2025. Tuy nhiên, thách thức tiếp cận nhóm “unbanked” vẫn sẽ không thể được giải quyết triệt để. Điều này đòi hỏi khu vực phải vượt qua được những rào cản đáng kể trong việc mở rộng phân phối, khả năng thấu hiểu khách hàng (Know Your Customer), cơ sở hạ tầng và dữ liệu sẵn có.
Khi ngành tài chính số phát triển trong những năm tới, sự phân mảnh là tất yếu. Mức độ canh tranh khốc liệt, môi trường kinh doanh đa dạng và khung pháp lý khác nhau khiến ngành này dễ bị phân mảnh. Tuy nhiên vẫn có cơ hội cho các hệ sinh thái lớn như Grab, Gojek để kiếm được nhiều tiền và chiếm thị phần bằng việc thêm dịch vụ tài chính bên cạnh những dịch vụ cốt lõi có sẵn, đặc biệt ở phân khúc “underbanked”.
Mặc dù có vô số tay chơi tham gia bước chân vào thị trường, sẽ rất khó khăn cho người dùng để thoát ly khỏi ngân hàng hoàn toàn. Những ngân hàng hiện nay có quyền truy cập vốn và điều chỉnh chênh lệch tiền gửi. Những fintech thuần tuý sẽ tự nhận ra rằng việc cân bằng sheet funding vẫn có nhiều rủi ro tiềm tàng để mở rộng dịch vụ tài chính số.
Với sự năng động của thị trường, không có người chơi nào có khả năng tự giành chiến thắng. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo sẽ xây dựng hệ sinh thái bằng quan hệ đối tác vững chắc hoặc các liên minh tích hợp để thiết lập nhiều điểm tiếp xúc với khách hàng và cuối cùng là kết hợp các gói dịch vụ, giải pháp.
Nhóm định chế tài chính truyền thống sẽ cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hoạt động và dịch vụ cốt lõi để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và sự chuyển giao quyền lực đối với người dùng. Tính di động của dữ liệu thông qua ngân hàng mở có thể đẩy nhanh sự thay đổi trong mô hình kinh doanh với nhiều cơ hội đổi mới hơn.
Đến năm 2025, ngành tài chính số được kỳ vọng sẽ đạt mức 60 tỷ USD, đóng góp 17% vào tổng giá trị ngành dịch vụ tài chính. Để đạt được điều này thì cần phải có 2 điều kiện cốt lõi.
Thứ nhất, các tay chơi trong ngành phải liên tục đầu tư để đưa ra các giải pháp tài chính số mới, cũng như tạo ra động lực để người dùng đón nhận và thay đổi.
Thứ hai, yếu tố tạo ra thay đổi lớn nhất sẽ là các quy định và chính sách hỗ trợ nhất quán của chính phủ. Điều này có nghĩa là cần phải có một quy định thúc đẩy việc số hoá và tài chính toàn diện, cấp phép cho nhiều ngân hàng ảo ra đời, thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết, bao gồm hệ thống thẻ căn cước số hoá, hệ thống thanh toán theo thời gian thực, mã QR được tiêu chuẩn hoá và hệ thống đánh giá tín dụng hiệu quả. Chỉ khi có đủ những yêu tố trên, thì dịch vụ tài chính số của khu vực ĐNA mới đủ lực để phát huy hết tiềm năng.
Xem thêm các bài viết khác trong chuyên mục tại đây.
Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Bain & Company