4 điều bảo vệ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã và đang kéo nền kinh tế đi xuống trầm trọng, hàng loạt các doanh nghiệp trên cả thế giới đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động vô thời hạn. Trong lịch sử chưa bao giờ cả thế giới chứng kiến một cuộc đại dịch toàn cầu kinh khủng và khó có ai có thể tiên đoán được bao giờ sẽ chấm dứt chuỗi ngày kinh hoàng này. Ban Nghiên nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân dự đoán nếu đại dịch kéo dài 6 tháng, thì 74% doanh nghiệp ở Việt Nam có thể phá sản. Vậy phải làm gì để bảo vệ doanh nghiệp của mình trong đại dịch Covid-19?
Dưới đây là bốn lời khuyên nhỏ sẽ giúp ích cho doanh nghiệp của bạn trong giai đoạn này đấy.
HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC HƠN TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Mạng xã hội luôn là nơi mọi người doanh nghiệp có thể dễ dàng tương tác, trò chuyện và đặc biệt hơn đây là nơi khách hàng xem xét sản phẩm/dịch vụ, thảo luận và đưa ra quyết định mua hàng. Trong mùa dịch Covid-19 này, mọi hoạt động offline gần như bị đóng băng và đây là lúc các nhu cầu online tăng cao hơn bao giờ hết. Hãy lập một kế hoạch chi phí thấp nhất để có thể tiếp cận khách hàng ở bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào.
Ở đây không phải chỉ nói đến việc quảng cáo, mà các doanh nghiệp có thể tận dụng những công cụ để lắng nghe được nhu cầu, nắm bắt rõ hơn về sự thay đổi mỗi ngày của thị trường. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp bắt kịp với xu hướng thương mại và linh hoạt để công việc kinh doanh “sống sót” qua mùa dịch.
HẠN CHẾ CHI TIÊU HOẶC MƯỢN KHOẢN NỢ LỚN
Diễn tiến của đại dịch Covid-19 đang ngày càng trở nên phức tạp, chỉ thị đóng cửa các cửa hàng (không cần thiết như cafe, cửa hàng quần áo thời trang, phòng tập, hàng quán dịch vụ ăn uống...) và không tụ tập nơi đông người đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Cũng chính vì thế, nhu cầu chi tiêu, vui chơi , giải trí trong mùa dịch cũng bị giảm đáng kể, chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
Nếu xảy ra trường hợp xấu, nguồn vốn bị “đe dọa” doanh nghiệp có thể nộp đơn xin trả chậm ngân hàng (nếu có vốn vay ngân hàng) và nộp hồ sơ xin gia hạn nộp thuế. Lời khuyên chân thành cho các doanh nghiệp là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 còn chưa có tín hiệu khả quan thì việc mượn nợ hoặc chi tiêu lớn trong kinh doanh là cách nhanh nhất đưa công việc kinh doanh đi đến “bờ vực” phá sản.
LÊN KẾ HOẠCH CHO MỌI TÌNH HUỐNG CHUYỂN BIẾN CỦA THỊ TRƯỜNG
Đừng chủ quan kể cả khi doanh nghiệp bạn đang “vô tình” kinh doanh mặt hàng “hot” trong mùa dịch như khẩu trang, thuốc bổ, các nhu yếu phẩm...bởi bạn không biết trước được tình hình đại dịch Covid-19 sẽ chuyển biến theo hướng nào và thị trường sẽ thay đổi ra sao.
Hãy cố gắng lên kế hoạch để ứng phó trước mọi tình huống để bạn không bị “chới với” trước mọi thay đổi của nhu cầu của thị trường. Theo dõi và lập báo cáo doanh số thường xuyên, nếu doanh số giảm doanh nghiệp cần xem lại các khoản chi cho việc quảng cáo tiếp thị hướng đến khách hàng. Nên cắt giảm hoạt động kém hiệu quả và chỉ chi tiêu cho hoạt động nhắm thẳng đến đối tượng khách hàng chính của doanh nghiệp.
ĐỘNG VIÊN NHỮNG NHÂN VIÊN, CỘNG SỰ TRỤ CỘT
Tài chính khó khăn trong mùa đại dịch Covid-19 có thể đã khiến chủ doanh nghiệp căng não tìm mọi cách xoay sở. Song đừng quên động viên, quan tâm đến nhân viên và những cộng sự là những người đang cùng gắng gượng với doanh nghiệp qua thời điểm đen tối này. Doanh nghiệp cần phải có chính sách rõ ràng về chế độ giờ làm hoặc nghỉ làm (nếu có chỉ thị từ Chính phủ, hoặc trong trường hợp cần thiết) và sức khỏe của từng nhân viên.
Nếu doanh nghiệp bạn đang quá khó khăn và buộc phải cắt giảm lương bổng, đãi ngộ, hãy trò chuyện và khích lệ nhân viên của doanh nghiệp vì họ cũng đang trong giai đoạn phải “thắt lưng buộc bụng”. Ngoài vấn đề tài chính, sức khỏe của nhân viên cũng là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm, theo sát. Phải đảm bảo không gian làm việc được vệ sinh và thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu đặc thù công việc của doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng hoặc hội họp, di chuyển công tác nhiều, hãy cân nhắc và lên kế hoạch cho nhân viên làm việc tại nhà (work from home).
Đại dịch Covid-19 có thể “hạ gục” doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị và ứng phó thích hợp. Song, thời kỳ này cũng có thể ví như lúc biển phong ba bão táp, chỉ những con thuyền cứng cáp với thuyền trưởng tài năng, linh hoạt mới lèo lái con thuyền “doanh nghiệp” qua được cơn bão này. Mong rằng những lời khuyên nhỏ ở bài viết này có thể phần nào “bảo vệ” doanh nghiệp của bạn trong “cơn bão” mang tên Covid-19.
- Minh Chii -