Tìm hiểu xu hướng marketing tiêu biểu ở Mỹ và Việt Nam

Tìm hiểu xu hướng marketing tiêu biểu ở Mỹ và Việt Nam

Do sự khác biệt về vị trí địa lý và nền văn hóa, xu hướng marketing của Mỹ và Việt Nam có nhiều điểm khác nhau và việc tiếp cận khách hàng mục tiêu của các thương hiệu cũng không hề giống. Tiêu biểu có thể kể đến các xu hướng sau:

Quảng cáo ngoài trời (OOH advertising) ở Mỹ chưa bao giờ lỗi thời

Nhờ sự phát triển của mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng của Mỹ mà các biển quảng cáo khổng lồ dọc hai bên đường luôn được tận dụng tối đa. Quốc gia này đã và đang tích cực mở rộng các khu đô thị và khu dân cư ngoại ô ở các thành phố lớn để phân tán mật độ dân cư trong khu vực trung tâm. Do đó, thời gian người Mỹ dùng để di chuyển trên các phương tiện giao thông ngày càng tăng cao, tạo điều kiện cho quảng cáo ngoài trời tăng trưởng.

Khi các kênh quảng cáo truyền thống ở Mỹ như TV, báo in, tạp chí… ngày càng suy yếu thì OOH advertising vẫn phát triển đều đặn qua các năm. Theo nhiều khảo sát, Mỹ là thị trường có doanh thu quảng cáo ngoài trời lớn nhất thế giới. Hiệp hội Quảng cáo Ngoài trời của Mỹ cũng chỉ ra rằng doanh thu từ OOH advertising đã tăng trưởng 4,5% trong năm 2018, cán mốc 8 tỉ USD. Trong đó, quảng cáo ngoài trời số hóa (DOOH advertising) chiếm 29% doanh thu.

Quảng cáo trên podcast ở Mỹ ngày càng phát triển

Bên cạnh OOH advertising, quảng cáo trên podcast cũng là một trong những dạng marketing tiềm năng ở Mỹ. Với cường độ di chuyển cao, người Mỹ thường nghe podcast để tận dụng khoảng thời gian khi ngồi trên xe. Cái hay của podcast là có thể nghe trực tiếp trên điện thoại và tính linh động cao nên có thể nghe bất kì lúc nào và bất kì đâu.

Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Edison kết hợp với công ty công nghệ âm thanh kỹ thuật số Triton, gần một phần tư người Mỹ (22%), tức 26 triệu người, nghe podcast hàng tuần trong năm 2019, vượt xa con số 17% của năm 2018.

Podcast đang ngày càng thịnh hành hơn với nội dung vô cùng đa dạng, nhờ đó, các marketers dễ dàng phân vùng các nhóm đối tượng và lên kế hoạch tiếp cận những tệp khách hàng mục tiêu. Chi tiêu cho quảng cáo podcast cũng tăng mạnh qua các năm gần đây và công ty chiến lược truyền thông Magna dự đoán rằng con số đó sẽ cán mốc 1 tỉ USD trong năm 2022.

Quảng cáo TV truyền thống không còn thu hút như trước

Trong khi lĩnh vực quảng cáo truyền hình ở Việt Nam vẫn thống lĩnh thị trường marketing thì tỉ lệ người xem TV truyền thống ở Mỹ ngày càng giảm. Văn hóa xem TV ở Mỹ không còn phổ biến như trước khi chịu quá nhiều chi phối của các nền tảng số. Sự bùng nổ của các dịch vụ xem phim và giải trí như Netflix đã lấn át kênh truyền thống từng thống trị ngành quảng cáo một thời. Thời gian xem TV truyền thống của các thế hệ cũng giảm đáng kể, nhất là độ tuổi từ 18-34 tuổi.

Theo ước tính của nền tảng dữ liệu kinh doanh Statista, trong năm 2019, thời gian trung bình người Mỹ (trên 18 tuổi) dùng để xem TV mỗi ngày là 3 tiếng 35 phút. Con số này đã liên tục giảm kể từ năm 2014 và xu hướng giảm được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tới, với mức trung bình hàng ngày giảm từ khoảng 4 tiếng 20 phút năm 2014 xuống còn 3 tiếng 20 phút vào năm 2021.

Doanh thu của quảng cáo TV sẽ có xu hướng giảm nhẹ từ 71 tỉ USD năm 2018 xuống còn 70.6 tỉ USD trong năm 2019. Chỉ có ở các mùa sự kiện lớn trong năm như Superbowl, Oscar, và Grammy, quảng cáo TV mới được chú ý hơn.

Quảng cáo radio, truyền hình ở Việt Nam vẫn còn đất sống

Quay trở lại với thị trường Việt Nam. Các nhà làm quảng cáo tiếp thị có thể tận dụng và phát huy hợp lý hơn nữa các mô hình quảng cáo ngoài trời vì đây là loại hình quảng cáo mà người xem khó có thể bỏ qua. Bên cạnh đó thói quen nghe radio ở Việt Nam cũng là kênh quảng cáo hái ra tiền, đáng để các nhà quảng cáo lưu tâm, đặc biệt khi thu nhập của người dân Việt Nam dần cải thiện và số lượng xe hơi cá nhân ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, quảng cáo TV luôn “ăn nên làm ra” do văn hóa xem truyền hình vẫn gắn bó mật thiết với nhiều gia đình Việt. Trên thực tế, chưa có kênh thông tin nào đạt được mức độ truyền thông nhanh, hiệu quả và lớn như truyền hình. Đã có thời gian, các doanh nghiệp đạt được 90%, thậm chí 95% thị trường mục tiêu của mình thông qua quảng cáo trên truyền hình. Theo Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, trong những năm đầu của thế kỷ 21, tốc độ tăng trưởng của quảng cáo truyền hình tại Việt Nam bình quân lên tới 25%/năm. Theo báo cáo về thị trường TV Việt Nam của Dataxis tại trang web Tạp chí Tài chính tính đến hết năm 2018, Việt Nam có hơn 90 triệu người với 35,2 triệu hộ gia đình sở hữu TV. Số liệu này thể hiện tiềm năng cực kỳ to lớn cho lĩnh vực quảng cáo trên truyền hình.

Quảng cáo trực tuyến dẫn đầu thị trường Việt Nam

Các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Google, YouTube… luôn là những lựa chọn hàng đầu cho các thương hiệu từ nhỏ đến lớn. Việc các thẩm mỹ viện, nha khoa, cửa hàng thực phẩm… chi 25 – 30% doanh thu, hay các cửa hàng bán quần áo, giày dép… chi tới 100% lợi nhuận cho Facebook để nhận về các đơn hàng đã cho thấy, quảng cáo trực tuyến đang là kênh “đốt tiền” lớn nhất của các doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Công ty cổ phần Giải pháp quảng cáo trực tuyến ANTS, năm 2018, chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD. Trong đó, hai “ông lớn” Google và Facebook đã chiếm đến gần 70% thị phần. Cụ thể, quảng cáo trên Facebook chiếm đến 235 triệu USD, Google chiếm 152,1 triệu USD. Các doanh nghiệp/mạng quảng cáo trực tuyến trong nước như VCCorp/Admicro, VnExpress/Eclick, Zing/Adtima… chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD.

Ngân sách dành cho quảng cáo trong những năm gần đây có sự dịch chuyển mạnh từ các phương thức truyền thống sang trực tuyến. Ngoài doanh nghiệp, các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng này. Theo báo cáo của Facebook tại châu Á – Thái Bình Dương, 74% doanh nghiệp nhỏ cho biết, việc sử dụng Facebook giúp họ tăng doanh số bán hàng và gần 70% doanh nghiệp nhỏ sử dụng Facebook để tìm kiếm nhân viên mới cho công ty.

Facebook và Google hiện dẫn đầu về thị phần và doanh số quảng cáo trực tuyến. Điều này được dự báo sẽ còn kéo dài, khi Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới về lượng người dùng tiếp cận các hình thức quảng cáo trên Facebook với 59 triệu người dùng, theo báo cáo của Appota.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho biết, hai hình thức quảng cáo được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm. Cụ thể, 64% doanh nghiệp được hỏi đã cho biết, quảng cáo trên mạng xã hội đem lại hiệu quả cao nhất, còn 39% doanh nghiệp được hỏi lựa chọn công cụ tìm kiếm.

Thị trường quảng cáo và marketing ở Việt Nam đang diễn biến rất sôi nổi do sự chào sân của nhiều thương hiệu đa quốc gia mới cũng như sự vươn lên của những nhãn hàng cũ để giữ vững thị phần. Nắm bắt tốt sự khác biệt trong các xu hướng marketing của những quốc gia phát triển nhất thế giới như Mỹ cũng là cơ hội để các marketers Việt học hỏi và định hình lại kế hoạch tiếp thị của mình.

Trinh Nguyễn

Tác giả Trinh Nguyễn là Thực tập sinh Truyền thông – PR tại EloQ Communications. Trinh đang theo học tại trường California State University, Fullerton tại bang California (Mỹ) chuyên ngành Quan hệ công chúng. Bài viết gốc được đăng trên blog của EloQ.