Làm thương hiệu cho nhà hàng tưởng không khó nhưng khó không tưởng
Làm thế nào để doanh nghiệp của bạn nổi bật giữa vô vàn những thương hiệu đã có mặt trên thị trường? Đã đến lúc nhà hàng của bạn nên bắt tay ngay vào việc làm thương hiệu. Dưới đây là một vài gợi ý để bắt đầu việc làm thương hiệu cho nhà hàng.
Thương hiệu là gì?
Chỉ tốn vài giây để có thể tìm kiếm được hàng trăm khái niệm về "thương hiệu" hay "Brand". Trong bài viết này, chúng tôi tạm thời sử dụng định nghĩa được sử dụng phổ biến nhất hiện nay về thương hiệu. Thương hiệu là cam kết của nhà hàng đối với thực khách của mình. Thương hiệu của bạn cho thực khách biết những gì họ có thể cung cấp và những khác biệt so với những nhà hàng khác. Xét ở một góc độ rộng hơn, thương hiệu là lời khẳng định bạn là ai, và bạn mong muốn xuất hiện trong mắt khách hàng như thế nào?
Hình ảnh thương hiệu được thể hiện qua nhiều yếu tố: định vị phân khúc khách hàng, logo, website, màu sắc, thực đơn, thông điệp truyền thông,...
Phân biệt làm thương hiệu với làm tiếp thị
2 thuật ngữ này thường bị sử dụng thay thế lẫn nhau trong nhiều trường hợp, chính vì vậy chúng thường bị đánh đồng là giống nhau (ngay cả đối với những người làm Marketing nhiều năm). Nhưng chúng hoàn toàn khác nhau về mặt bản chất.
Thương hiệu là nền tảng cho những hoạt động tiếp thị. Xây dựng thương hiệu là việc tạo ra điểm khác biệt cho nhà hàng của bạn và truyền đạt những thông điệp đó tới khách hàng là công việc của tiếp thị. Làm thương hiệu về cơ bản là công việc hỗ trợ cho chiến dịch tiếp thị, nhưng khác với tiếp thị nhằm mục đích kích cầu, tăng doanh số. Làm thương hiệu là để nói lên tiếng nói của mình, tồn tại và khác biệt với những thương hiệu khác. Về cơ bàn:
- Thương hiệu - là chiến lược; Tiếp thị - là chiến thuật
Thương hiệu của nhà hàng bao gồm:
- Logo
- Màu sắc, font chữ
- Hình ảnh đi kèm
- Nội thất của nhà hàng
- Đồng phục nhân viên
- Thực đơn của quán
- Website và các trang mạng xã hội
- Phong cách
- Âm nhạc chơi trong trong nhà hàng
- Ánh sáng
- Cây xanh bên trong và bên ngoài nhà hàng
- Bãi đỗ xe
- ...
- Một thứ quan trọng nhất, và cũng thường bị bỏ qua nhất đó chính là trải nghiệm khách hàng
Để có thể làm thương hiệu thành công, đôi khi phải kết hợp một, một vài hoặc thậm chí là tất cả các yếu tố trên. Hãy trăn trở nhiều hơn về trải nghiệm khách hàng, dù là tiếp cận nhà hàng của bạn qua kênh online hay offline đều phải đảm bảo tính liền mạch trong trải nghiệm. Suy cho cùng tất cả những gì bạn làm là để ghi dấu thương hiệu của nhà hàng vào tâm trí khách hàng của bạn.
Xu hướng xây dựng thương hiệu cho nhà hàng
Thông thường một nhà hàng sẽ phải làm thương hiệu trước khi tiến hành các bước tiếp theo, nhưng nếu nhà hàng vẫn chưa từng làm việc này thì cũng đừng quá lo lắng; không bao giờ là quá muộn để bắt đầu làm thương hiệu. Dưới đây là một số xu hướng làm thương hiệu dành cho nhà hàng:
-
Tập trung trải nghiệm khách hàng
Khách hàng của chúng ta ngày càng trở nên thông thái và ngày càng khó tính. Giờ đây, họ đến nhà hàng không chỉ vì món ăn mà còn vì những trải nghiệm thú vị mà nhà hàng mang đến cho họ. Họ mong muốn được phục vụ ngay cả khi họ ở nhà, ở cơ quan, giao tiếp thông qua mạng xã hội chứ không còn chỉ ở nhà hàng như trước đây nữa.
Dịch vụ khách hàng và trải nghiệm khách hàng sẽ quyết định đến việc bạn thành công hay thất bại trong vòng 10 năm tới. Chính vì vậy, để có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh, hãy tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Tỉ mỉ trong từng hành động, để đảm bảo khách hàng của bạn luôn nhận được những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.
Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương
Bà Hoàng Thị Mai Hương, Tổng giám đốc Saatchi & Saatchi
-
Tạo những thông điệp có giá trị
Khái niệm xây dựng thương hiệu ngày nay không còn mang ý nghĩa thuần túy là giúp tăng mức độ nhận biết về một nhãn hàng, mà nó còn phải bao hàm cả việc khuyến khích sự tương tác của khách hàng.
Mỗi ngày trung bình khách hàng của bạn tiếp xúc với hơn 5.000 tin quảng cáo mỗi ngày, điều gì khiến họ phải nhớ đến nhà hàng của bạn giữa những hỗn độn thông tin đó. Có một cách để gây sự chú ý và khiến khách hàng nhớ đến bạn là kêu gọi sự tham gia của họ. Thay vì liên tục gửi đi các quảng cáo về mục tiêu bán hàng, những thông điệp sáo rỗng hãy tạo ra những nội dung tiếp thị sáng tạo hơn, sống động hơn và cung cấp cho khách hàng của bạn điều họ thực sự cần
-
Xây dựng niềm tin nơi khách hàng
Khách hàng của bạn mong muốn nhìn thấy bạn là chính bạn, không phải là một phiên bản phóng đại của chính bạn; Niềm tin là thứ quý giá trong thời nay, và trong ngành nhà hàng niềm tin của khách hàng quyết định tới sự thành bại của chính nhà hàng. Có một cách xây dựng niềm tin khá hay ho; là thực hiện các chương trình vì cộng đồng. Đây là cách hay để làm tiếp thị, và cũng đồng thời vừa kêu gọi cộng đồng vừa nhận được những đánh giá tích cực từ những khách hàng tiềm năng của bạn.
Hợp tác cùng với các tổ chức từ thiện tại địa phương nơi bạn sinh sống đề thực hiện các chương trình phát thức ăn từ thiện, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp đặc biệt, hoặc các hoạt động từ thiện định kỳ,... có rất nhiều cách để thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
-
Thông điệp càng rõ ràng, dễ hiểu càng tốt
Hãy thử nhìn quanh những thương hiệu nhà hàng nổi tiếng nhất thế giới hiện nay xem: Thông điệp càng rõ ràng càng, có trọng tâm, dễ hiểu càng dễ chạm đến cảm xúc của khách hàng, càng đơn giản thì càng dễ khắc sâu vào tâm trí khách hàng.
Suy cho cùng mục tiêu của thông điệp là giúp khách hàng ngay lập tức biết được nhà hàng của bạn mang đến những giá trị gì, đừng cố tham lam, nhồi nhét thông điệp vào logo hoặc slogan. Khách hàng của bạn không có thời gian, cũng như nhu cầu dành thời gian để tìm hiểu cặn kẽ về thông điệp mà nhà hàng gửi vào đó. Họ muốn hiểu về nhà hàng của bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên
-
Đảm bảo tính toàn vẹn thương hiệu của bạn
Bất cứ một hành động nào của bạn, hãy luôn đặt câu hỏi nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh thương hiệu của bạn. Đã đến lúc phải cân nhắc lại một số vấn đề sau:
- Menu có phù hợp với thương hiệu của nhà hàng
- Màu sắc,font chữ đã phù hợp với thương hiệu hay chưa
- Nhân viên đã được đào tạo đủ khả năng đáp ứng dịch vụ mà thương hiệu đã hứa hẹn hay chưa
- Nếu thuê nhân viên mới, liệu họ có phù hợp với thương hiệu mình hay không
- Kế hoạch sửa sang lại quán, liệu kế hoạch đó đã tính tới yếu tố thương hiệu hay chưa
- ...
-
Khác biệt hay là chết
Thương hiệu là tiếng nói cá tính của doanh nghiệp, nó làm bạn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Nó cho phép khách hàng của bạn nhận ra bạn giữa một rừng những thương hiệu khác, và trở thành khách hàng trung thành của bạn
Những nhà hàng có thương hiệu mạnh, được nhiều người biết đến vì họ từ đúng vững. Những nhà hàng có thương hiệu tốt vì họ có bản sắc riêng.
-
Kể những câu chuyện về thương hiệu của mình
Mỗi nhà hàng đều có một câu chuyện đằng sau đó
Ví dụ: nhà hàng của bạn đã trải qua 4 thế hệ, sự thăng trầm của nhà hàng gắn liền với những biến động của lịch sử - điều đó thật đáng tự hào. Hay, bạn từng là người cung cấp nông sản cho nhà hàng, nhưng không may nhà hàng phá sản và bạn đã mua lại nó để tiếp tục kinh doanh, hay bạn lớn lên cùng với những ký ức đẹp về những món ăn đậm vị quê hương,..
Nếu nhà hàng của bạn đang có những câu chuyện tương tự như vậy, thì đừng ngần ngại kể nó với những thực khách của mình. Họ sẽ rất thích được lắng nghe những câu chuyện thú vị. Chính những câu chuyện đó cũng là một phần làm nên thương hiệu cho nhà hàng của bạn
-
Nhân sự cũng là một phần của thương hiệu
Tính nhất quán và liền mạch sẽ giúp bạn giữ chân được khách hàng, tính nhất quán bắt đầu với nhân viên của bạn. Tạo văn hóa cho nhân viên, trao quyền cho họ và công nhận những đóng góp của nhân viên, tưởng thưởng xứng đáng với những đóng góp đó. Hãy luôn nhớ rằng, nhân viên của bạn sẽ đối xử với khách hàng của bạn như cách bạn đối xử với nhân viên của mình. Tử tế luôn mang lại những điều tốt đẹp
-
Cẩn thận với các chương trình giảm giá, khuyến mại
Mọi người thích giảm giá, giảm giá là một chiến lược kích cầu hiệu quả. Nhưng lạm dụng các chương trình giảm giá thì chưa hẳn đã tốt cho nhà hàng của bạn
Các khách hàng chỉ đến với nhà hàng của bạn vì giảm giá, thường không phải là những khách hàng thân thiết. Họ sẽ chỉ đến với bạn vì giảm giá, mà không phải vì thương hiệu của bạn. Điều này còn không có lợi đối với những khách hàng thân thiết của nhà hàng, vì họ sẽ luôn cảm thấy không công bằng.
Ví dụ bạn luôn bán giảm giá 20% tất cả các món ăn vào mỗi thứ 4 hàng tuần, vậy thì có lý do gì khiến họ phải trả thêm 20% cho cũng những món ăn đó vào những ngày khác trong tuần. Hãy cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện các chương trình giảm giá.
Tạm kết
Làm thương hiệu không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể làm được, Mcdonald's, pizza hut,. .không thể trở thành chuỗi thương hiệu toàn cầu, trị giá hàng tỷ đô, chỉ trong 1 đêm. Hãy thật sự kiên nhẫn, đôi khi sẽ có những lúc mọi việc không suông sẻ nhưng hãy bình tĩnh và kiên định với chính mình.
Hãy dành một chút thời gian hôm nay để suy nghĩ về thương hiệu của bạn. Viết tất cả ra giấy, và bắt đầu trò chuyện cùng những khách hàng của mình. Tìm hiểu xem họ đang mong muốn điều gì, điều gì khiến họ quay trở lại nhà hàng của bạn
Một khi đã hình thành nên ý tưởng làm gì với thương hiệu của mình, hãy lập 1 kế hoạch, trăn trở với nó thật nhiều và hãy luôn đảm bảo nhân viên nào cũng được đọc và hiểu về nó. Vì hơn ai hết mỗi nhân viên của bạn sẽ chính là những người trực tiếp truyền đi thông điệp thương hiệu đến với khách hàng
Nếu bạn đã quyết định dành tâm huyết để làm thương hiệu cho nhà hàng của bạn là bạn đã tiến thêm một bước so với những nhà hàng khác, điều đó thể hiện sự trân trọng của bạn dành cho những khách hàng của mình. Sự kết nối này cùng với những món ăn tuyệt vời, dịch vụ chu đáo thì không có lý do gì khách hàng không trở lại với nhà của bạn ở lần tiếp theo, và tiếp theo nữa.
Via Fnb Vietnam